Cuộc chiến do Nga tiến hành tại Ukraine đầu năm 2022 đã tác động mạnh đến trật tự thế giới, trong đó châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng và tác động sâu sắc nhất. Trước thềm của năm mới Quý Mão, chúng ta cùng nhìn lại và dự đoán xem điều gì sẽ xảy đến với châu lục này trong thời gian tới.

1. Về mặt quân sự, cuộc chiến của Nga đã chuyển sang bước ngoặt mới kể từ khi chiếm được 4 tỉnh ở miền Đông và miền Nam của Ukraine (Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson) và chính thức tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh trên vào lãnh thổ của Nga. Chủ quyền lãnh thổ của Nga sẽ bao gồm cả bốn tỉnh trên. Nga cảnh báo sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân “khi toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa”.

Cục diện của cuộc xung đột đã có thay đổi khi Ukraine tái chiếm lại vùng Kherson, khu vực rất quan trọng về mặt kinh tế và quân sự. Quân đội Ukraine chứng tỏ họ bắt đầu có khả năng phản công thay cho chỉ biết phòng thủ trước các cuộc tấn công của Nga trên toàn mặt trận.

Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi tạm rút quân tại Kherson, Nga đã phản công lại mãnh liệt, sử dụng tên lửa tầm xa tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, làm tê liệt và suy yếu Ukraine. Tình báo Mỹ cho rằng Nga đang sử dụng các kho vũ khí dự trữ ở mức độ cao nhất để tấn công. UKraine thừa nhận đang phải cầm cự trước các cuộc phản công của Nga trên diện rộng, đặc biệt ở phía Đông.

Trong khi đó Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine. Theo tin công khai của Lầu Năm Góc, tính từ đầu năm 2022 đến ngày 28/9/2022, Mỹ đã viện trợ quân sự lên đến 17 tỷ đô la bao gồm hệ thống chống tăng, hàng triệu viên đạn, vũ khí hạng nặng, vũ khí tấn công tầm xa, bệ phóng tên lửa tầm xa HIMARS chuẩn bị cho kế hoạch quân sự dài hơi. Liên minh châu Âu (EU) đã viện trợ tổng cộng 52 tỷ Euro chủ yếu nhân đạo, viện trợ quân sự có phần hạn chế.

2. Châu Âu phải gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề

Về kinh tế, khó khăn lớn nhất mà châu Âu đang phải đối diện là vấn đề năng lượng. Từ đầu cuộc chiến, Nga luôn sử dụng  khí đốt như một át chủ bài để phản công và gây áp lực với châu Âu. Nga tìm mọi cách “khóa van năng lượng” dưới mọi hình thức dẫn đến tình trạng tắc nghẽn toàn bộ hệ thống phân phối tại châu Âu. Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) Từ tháng 1 đến tháng 8/2022, sản lượng khí đốt Nga xuất khẩu vào châu Âu giảm 43 tỷ m3 (bcm). Ngoài ra, EU đã phải chi khoảng 75 tỷ Euro vào việc nhập khẩu khí đốt trong quý II/2022, với số lượng lớn đến từ khu vực ngoài Nga.

Giá khí đốt tăng vọt lên gần 1.350 USD /1000 m3, tăng 11% tại phiên giao dịch ngày 15/11/2022, cao hơn 4 lần so với năm 2021.Giá điện cũng tăng cao chưa từng thấy. Giá điện bán lẻ cho các khu công nghiệp tăng 32%. Pháp, Hy Lạp, Ý và Malta ghi nhận mức giá điện tăng gấp đôi so với quý II / 2021

EU đã phải chi 314 tỷ Euro để giải quyết khủng hoảng năng lượng, hỗ trợ người dân. Mặt khác tìm mọi cách để  giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga bằng cách xây dựng đường ống dẫn khí mới qua vùng Baltic, đa dạng hóa nguồn mua khí đốt. Tuy nhiên,  châu Âu không thể ngay lập tức cắt đứt với Nga vì từ hơn 100 năm nay, Nga vẫn là nhà cung cấp dầu khí gần gũi, lớn nhất và giá cả hợp lý nhất với Châu Âu.Các cơ sở hậu cần của hai bên đã được hoàn thiện phù hợp với dầu khí của Nga.

Sau rất nhiều bất đồng và tranh cãi trong nội bộ, cuối cùng EU đã thống nhất được cơ chế áp giá trần dầu cùng với các nước G7 và Úc. Giá được áp ở mức 60 USD/thùng hoặc thấp hơn, dầu mới được vận chuyển vào EU. Phương Tây cho rằng biện pháp này có thể làm giảm tài trợ của Nga cho cuộc chiến Ukraine và sẽ làm Nga bị cạn kiệt nguồn thu từ xuất khẩu dầu. Tuy nhiên, trên thực tế giá một thùng dầu thô từ Urals của Nga hiện đang dao động quanh mức 65 đô la, không ảnh hưởng nhiều đến Nga. Từ đầu cuộc chiến Ukraine, nhờ năng lượng tăng giá, Nga đã thu được 158 tỷ Euro (Theo Le Monde 5/9/2022) từ bán dầu và khí.

Phía Nga đáp trả khá mãnh liệt, tuyên bố có khả năng sẽ ngừng cung cấp dầu cho những nước tham gia cơ chế này.

Khó khăn thứ hai là lạm phát tăng cao, giá trị của đồng Euro sụt giảm.  

Liên tục trong nhiều tháng, lạm phát tại Eurozone lập kỷ lục. Lạm phát vào tháng 10/2022 là 10,7%, cao nhất trong 23 năm lịch sử của Eurozone. Ba nền kinh tế lớn nhất  là Đức, Pháp, Italy đang phải chịu đựng mức lạm phát cao chưa từng có. Tại Đức 10,4%, cao nhất trong 70 năm. Italy 11,9%, cao nhất trong gần 40 năm, Pháp là 6,2%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1985.

Giới phân tích cho rằng trong năm 2023, sản lượng kinh tế và thu nhập của châu Âu sẽ giảm gần 500 tỷ Euro so với mức trước cuộc xung đột ở Ukraine. Nhiều nền kinh tế châu Âu được dự báo sẽ suy thoái trong năm 2023, trong đó có Đức và Anh là những quốc gia có tiềm lực lớn nhất châu Âu.

Khó khăn kinh tế kéo theo những bất ổn chính trị xã hội, không còn âm ỉ mà bùng phát. Nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra liên tiếp, ở những nước như Đức, Pháp tới Italy, Séc, Rumani, Tây Ban Nha, Áo, Moldova và Anh… Các cuộc biểu tình có qui mô lớn hàng trăm nghìn người, phản đối việc các chính phủ tập trung tiền của vào Ucraina trong khi  quốc gia đang phải đối phó với quá nhiều thách thức. Tại một số quốc gia như Anh, Italy, Bulgarie, Thủ tướng đã phải từ chức.

Người biểu tình đòi được trả mức lương tử tế trước tòa nhà Quốc hội ở Sofia, Bulgaria, tháng 11/2022. Ảnh: AP

Mâu thuẫn và phân hóa giữa các nước EU

Nội bộ EU có sự phân hóa rõ rệt do bất đồng giữa phe cứng rắn, bao gồm những nước mà mối đe dọa từ Nga lớn hơn so với phe ôn hòa. Giữa những nước bị tác động mạnh bởi lệnh trừng phạt, đã phải hy sinh những lợi ích kinh tế to lớn cho những nước được coi là đã lobby, “chèo chống” tốt và vẫn giữ được nguồn thu nhập từ những  lĩnh vực kinh doanh chưa bị áp cấm vận như buôn bán kim cương của Bỉ, nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân (uranium) của  Hungary, Slovakia, Phần Lan và một số nước khác, hay các đội tàu của Hy Lạp chuyên vận chuyển dầu của Nga. EC cũng đã hủy lệnh trừng phạt về lương thực và phân bón của Nga. Điều này đang gây bất bình lớn đối với những nước bị tổn thương bởi lệnh trừng phạt.

Đã xuất hiện tình trạng nhiều quốc gia thành viên “đảo chiều”, điều chỉnh chính sách vì lợi ích quốc gia và hành động theo hướng có lợi nhất cho mình. Vừa qua, Hungary cho biết họ sẽ phản đối gói hỗ trợ 18 tỷ Euro của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine. Ba Lan tuyên bố sẽ từ bỏ tham gia lệnh cấm vận. Moldova tuyên bố từ bỏ chính sách chống Nga. Ba Lan chọn tập đoàn điện lực Mỹ Westinghouse, thay vì ưu tiên chọn công ty EDF của Pháp để thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử trị giá 40 tỷ đô la. Về năng lượng, Pháp kiên quyết tập trung vào hạt nhân, trong khi Hungary, Tây Ban Nha quyết định tiếp tục phụ thuộc cơ bản vào khí đốt Nga. Một số quốc gia khác quyết định thúc đẩy nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo.

Không thể không kể đến một khó khăn hiện hữu và bao trùm và đang làm suy yếu EU đó là  mâu thuẫn ngày càng cao giữa hai đầu tàu là Pháp và Đức. Đây cũng là cơ hội cho Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ khai thác, phát huy ảnh hưởng tại EU. Theo nhiều phân tích, trong khi Pháp cố gắng giữ bản sắc và lựa chọn lập trường theo hướng tăng cường chủ quyền châu Âu thì dường như Đức lại không như vậy. Quốc gia này (Đức) có xu hướng nghiêng về phía Mỹ. Căng thẳng Đức – Pháp đang bào mòn sự thống nhất châu Âu.

Đức không hề quan tâm đến đề nghị chung của EU như về việc triển khai “một nền tảng mua khí đốt chung” giống như mô hình mà EU đã làm với Vaccine ngừa Covid-19, thực hiện cơ chế đoàn kết, cho phép EC cung cấp các khoản vay trợ cấp để giúp những doanh nghiệp khó khăn. Việc Đức tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ 200 tỷ euro cho ngành năng lượng Đức để mua khí đốt với giá cao để dành cho các kho dữ trữ đã làm cho tình hình tồi tệ hơn, tạo ra một thách thức với EU, phá vỡ thị trường nội khối. Các nước còn lại kể cả Pháp đều lo ngại minh sẽ bị bỏ lại phía sau vì tiềm lực tài chính kém.

Trong khi đó, Pháp tỏ ra rất năng động và đưa ra nhiều sáng kiến để củng cố EU và chứng tỏ vai trò lãnh đạo của mình. Tổng thống Macron đã chủ động đưa ra một loạt các sáng kiến quốc tế, đặt mình đúng vào vị trí trung gian của cuộc khủng hoảng, trong đó có sáng kiến thành lập Cộng đồng chính trị châu Âu (CPE). Đây được coi như một cơ chế mới nhằm tăng cường an ninh và ổn định chính trị, tạo nền tảng cho việc đối thoại và hợp tác chính trị. Ngoài 27 quốc gia thành viên EU, có mời thêm 17 quốc gia châu Âu khác, trong đó đặc biệt Ukraine, Pháp đang hết sức cố gắng để hướng châu Âu đi vào cùng một tiếng nói mục tiêu là để giải quyết những vấn đề cấp bách như an ninh, năng lượng, lạm phát, khí hậu… và vượt qua những bất đồng, chia rẽ.

Cũng trong năm 2022, xuất hiện mạnh mẽ xu thế điều chỉnh chính sách về quốc phòng và an ninh. Lần đầu tiên, EU quyết định không cắt giảm chi tiêu quốc phòng mà bổ sung 72 tỉ đô la đến năm 2025; thành lập Bộ chỉ huy tiền phương, củng cố lực lượng vũ trang để sẵn sàng đối phó với những thách thức. Những nước như Thụy Điển, Phần Lan đã từ bỏ quy chế trung lập và xin làm thành viên NATO để đáp trả cuộc chiến tại Ukraine. Đan Mạch đã thay đổi lập trường, sẵn sàng  tham gia vào hợp tác về quốc phòng và an ninh của châu Âu. Pháp công bố chiến lược quốc phòng mới, nêu rõ quan điểm “về răn đe hạt nhân”. Tổng thống Macron đã tái  khẳng định vai trò sức mạnh răn đe hạt nhân Pháp đối với an ninh toàn châu Âu.

Bên cạnh đó cuộc chiến Ukraine đang thúc đẩy mạnh mẽ cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Với mục tiêu công khai là tự đảm bảo năng lượng nhiều nước thành viên như Pháp, Ba Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Đức, Bỉ đều lên kế hoạch xây dựng lò phản ứng nguyên tử thế hệ mới, hoặc đầu tư nâng cấp, cho hoạt động trở lại các lò phản ứng hạt nhân dự định đóng cửa hoặc kéo dài thời gian quyết định đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân.

3. Điều gì chờ đợi châu Âu?

– Đã có những dấu hiệu cho thấy các bên liên quan đề cập đến phương án về một cuộc đàm phán. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lập trường của các bên rất cách xa nhau. Mỹ, NATO thể hiện mong muốn đàm phán trên cơ sở Nga rút quân. Ukraine kiên quyết yêu cầu Nga phải rút quân toàn bộ, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, đền bù thiệt hại, đảm bảo chiến tranh không lặp lại trong khi đó Nga bắt buộc Ukraine phải đầu hàng hoàn toàn theo điều kiện của Nga.

Cả hai bên Nga và Ukraine đều ra sức  tăng cường các hoạt động quân sự để hy vọng giành lợi thế, từ chối đàm phán và thương lượng. Chính vì thế cuộc chiến tại Ukraine sẽ chưa chấm dứt.

– Châu Âu sẽ là khu vực bị tác động trực tiếp và nặng nề nhất. Việc tiếp tục chi các khoản viện trợ khổng lồ cho Ukraine đang làm cho châu Âu kiệt quệ. EU đứng trước nguy cơ không còn yên ổn và được bảo vệ trước một nước Nga đầy tham vọng. Khu vực này sẽ vẫn chìm đắm trong vòng xoáy của chiến tranh, khủng hoảng, bất ổn.

– Cuộc chiến Ukraine đã biến đổi sâu sắc cục diện địa chính trị tại đây, châu Âu đang trở thành một “bãi chiến trường” mà ở đó cho thấy sự đối đầu mãnh liệt, dẫn đến căng thẳng cực độ giữa các bên Nga, Ukraine, châu Âu và Mỹ.

– Thực tế cho thấy, cuộc chiến càng kéo dài, càng cho chúng ta thấy khả năng kết nối và quản lý khủng hoảng của EU đang đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại. Trong bối cảnh rất cần sự phản ứng mau lẹ, quyết đoán thì các thể chế của EU, đặc biệt là Ủy ban châu Âu (EC) đã hành động chậm chạp, lúng túng. Nhiều đề xuất bị đánh giá là mơ hồ, không rõ ràng. Đây là một trong các lý do khiến EU chia rẽ, khủng hoảng ngày càng trầm trọng và đẩy nguy cơ suy thoái kinh tế lên cao.

Bên cạnh đó tình trạng mâu thuẫn và phân hóa kéo dài đã làm EU mất đi sức mạnh, sự phối hợp và tình đoàn kết đã có trong đại dịch Covid-19. Các nước thành viên EU hiện  chỉ tập trung vào các giải pháp mang tính quốc gia, theo cách riêng của mình, miễn sao có lợi nhất. Điều này đang làm suy giảm nghiêm trọng khả năng ứng phó chung của EU

Một khó khăn hiện hữu và đang làm suy yếu EU là mâu thuẫn ngày càng cao giữa hai đầu tàu là Pháp và Đức. Trong ảnh: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Những mâu thuẫn trong chiến lược của EU ngày càng bộc lộ rõ. Châu Âu đang bị kẹt trong trạng thái tiến thoái lưỡng nan trong quan hệ với Mỹ và Nga.

Với Nga, một mặt, EU xác định Nga là mối đe dọa an ninh thường trực cho cả châu Âu, cần thiết phải cô lập Nga đến cùng, buộc Nga phải thay đổi, mặt khác EU lại không muốn hành động như một bên tham chiến, do lo ngại xảy ra xung đột quân sự, đối đầu trực tiếp với Nga. Điều đó rất nguy hiểm cho châu Âu một khi cuộc xung đột lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine. EU chủ yếu cung cấp viện trợ nhân đạo, hạn chế vũ khí quân sự. Chính điều này cũng giảm ảnh hưởng của EU đối với Ukraine.

Với Mỹ, một mặt châu Âu không thể thiếu Mỹ trong việc củng cố năng lực phòng thủ, củng cố mối quan hệ đồng minh để làm suy yếu Nga. Tuy nhiện EU ngày càng nhận thức rõ hơn về các nguy cơ của mối quan hệ địa chính trị với Mỹ, buộc họ phải cảnh giác. Với cuộc xung đột hiện nay, quan điểm của châu Âu là cố gắng tìm một giải pháp thương lượng cho cuộc xung đột. Trong khi đó ông Biden luôn muốn tránh bị nhìn nhận là đang gây sức ép, buộc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga.

Về mặt kinh tế, châu Âu đang bị “rút ruột” về nguồn lực, tài nguyên và cả chất xám. Nhiều nhà máy lớn tại châu Âu đang có ý định chuyển sang Mỹ. Các thị phần dầu mỏ năng lượng lớn của Nga tại châu Âu đang dần dần bị chuyển sang tay của các công ty Mỹ. Châu Âu phải mua khí đốt từ Mỹ với giá cao gấp bốn lần. Hơn nữa việc Mỹ đưa ra Đạo luật Cắt giảm Lạm phát (IRA), có hiệu lực từ tháng 1/2023 mà theo đó phía Mỹ sẽ đặt ra các quy định về hàm lượng nội địa hóa được coi như biện pháp nhằm suy yếu các ngành công nghiệp thế mạnh của châu Âu như pin và xe điện.

Cho đến nay, bên hưởng lợi nhiều nhất vẫn là Mỹ, về mọi phương diện. Cả Nga và Mỹ đều nhận thức được thế yếu này của châu Âu và lợi dụng để ép châu Âu. Nhiều nhà quan sát nhận định rằng Mỹ đang thổi phồng và sử dụng “mối đe dọa” từ Nga để thúc đẩy lợi ích kinh tế của họ  tại châu Âu. Có những thông tin cho biết phía Mỹ và Nga vẫn có nhiều các kênh liên lạc bí mật giữa đôi bên.

Tóm lại, cuộc chiến tại Ukraine không còn là một cuộc xung đột vũ trang thuần túy, giới hạn trong lãnh thổ của Ukraine mà đang biến thành “một cuộc chiến tranh toàn diện” trên tất cả các lĩnh vực quân sự, năng lượng, kinh tế, ngoại giao. Nó đang lan rộng đến tận vùng bờ biển Baltic, đe dọa an ninh của toàn bộ các cơ sở hạ tầng theo đúng nghĩa rộng của các quốc gia trong vùng. Không loại trừ đây sẽ là một sự khởi đầu cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn trong tương lai.

Nhiều nhận định cho rằng năm 2023 có thể sẽ còn tồi tệ hơn với châu Âu nếu họ không thức tỉnh, tìm cách thoát ra và độc lập hơn về chính trị và an ninh, kinh tế với Mỹ. Đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh và xung đột tiếp tục gia tăng.

Với Nga, cuộc chiến tại Ukraine, bước đầu cho thấy có thể Nga đã đạt mục tiêu lâu dài là giành lại lãnh thổ từ thời Piere Đại đế; mở rộng biên giới cũ; chiếm lại được những nguồn lợi cơ bản từ bốn tỉnh giàu có trên; khống chế Biển Đen với mục tiêu là Ukraine sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào Nga cả về kinh tế và quân sự.

Tuy nhiên Nga cũng đang gặp vô số khó khăn và thách thức. Tiềm lực của Nga không phải là vô tận. Theo dự báo của Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga, GDP sẽ giảm 2,9% – 3,3% trong năm 2022. Giảm thêm 0,8% vào năm 2023. Đây là những con số được đưa ra khi phương Tây chưa thống nhất áp giá trần năng lượng và áp đặt các biện pháp hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga. Tương lai có thể còn cao hơn.

Nội bộ Nga đã có sự phân hóa, xuất hiện nhiều phản ứng và bất đồng với các quyết định liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine tuy chưa đủ mạnh để buộc ông Putin phải thay đổi các quyết định của mình. Các cuộc biểu tình lớn đã liên tục xảy ra để phản đối lệnh tổng động viên. Chính quyền Nga buộc phải cách chức nhiều tướng lĩnh hàng đầu. Đảng cộng sản Nga đã đề nghị cung cấp các thông tin chính xác về cuộc chiến Ukraine. Bên cạnh đó, Ukraine cũng có nhiều hành động phá Nga từ bên trong. Đối với thế giới, Nga vẫn bị lên án và cô lập ở Liên hợp quốc. Liệu Nga có thay đổi chiến lược của mình? Đó vẫn là một câu hỏi khó.

Tương lai châu Âu sẽ ra sao? Đó thật sự là một câu hỏi vô cùng khó. Theo nhiều nhà nghiên cứu về châu Âu thì trong lịch sử, các cuộc chiến tranh tại đây phần lớn đều liên quan đến mở rộng đất đai lãnh thổ và đều kết thúc ở việc bên yếu hơn sẽ phải cắt đất cho kẻ mạnh. Kịch bản sau đó sẽ là một hội nghị quốc tế “bao gồm các nước mạnh nhất” sẽ quyết định số phận của nước yếu nhất!

Liệu với cuộc chiến tại Ukraine, lịch sử có lặp lại ?

Trước mắt, điều cấp bách là cả thế giới, nhất là là các bên liên quan cần phải thực sự có thiện chí, hành động như cần phải có để kịp thời chấm dứt những nỗi đau mà những người dân của Ukraine, của Nga và của cả châu Âu đang phải gánh chịu.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC