Trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, thế giới chia hai phe: tư bản chủ nghĩa do Mỹ dẫn đầu và xã hội chủ nghĩa do Liên Xô lãnh đạo. Hai phe luôn cạnh tranh và kiềm chế lẫn nhau, tìm cách gây ảnh hưởng và ve vãn các quốc gia trung lập hoặc thuộc phe kia. Một quốc gia bị chèn ép hoặc đe doạ bởi phe này có thể gia nhập phe kia và ngược lại. Thế giới ở thế cân bằng.

Năm 1991, phe xã hội chủ nghĩa tan rã, Liên Xô bị phân chia thành nhiều nước cộng hoà khác nhau, trong đó có nước Nga mới. Đối trọng chính của Hoa Kỳ vẫn là nước Nga, song nước này không còn giữ được tiềm lực, suy yếu so với các nước phương Tây. Mỹ trở thành siêu cường duy nhất dẫn đầu thế giới về cả quân sự lẫn kinh tế, trở thành bá chủ thế giới hậu Chiến tranh lạnh.

Tận dụng bối cảnh lịch sử sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ đã áp đặt những thiết chế mang giá trị phương Tây như dân chủ nhân quyền lên phần còn lại của thế giới, chuyển những giá trị này thành các quy định, quy chế của các tổ chức quốc tế do Mỹ chi phối toàn cầu, trong đó có Liên hợp quốc.

Mỹ đứng ra duy trì trật tự thế giới thông qua những luật lệ và quy tắc do Mỹ đặt ra. Đối với các nước đồng minh, Mỹ yêu cầu nhất nhất theo chỉ đạo của Mỹ, can thiệp mạnh mẽ vào Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)… Những tổ chức này tạo khuôn khổ chung, định chế khung để thế giới phải theo. Những nước đi theo quỹ đạo của Mỹ không thể làm khác được. Điển hình như Liên minh Châu Âu EU phải phục vụ quyền lợi của Mỹ, không có sự độc lập hoặc các nước trong khối quân sự NATO cũng lệ thuộc vào ô an ninh của Mỹ. Mục đích của Hoa Kỳ là tạo thiết chế để cột các nước đồng minh vào vòng quay do Mỹ điều phối.

Những nước không phải đồng minh của Mỹ thì bị áp lực phải thay đổi theo những giá trị của Mỹ. Mỹ dùng chiêu bài dân chủ nhân quyền để tạo cớ, dùng trừng phạt bằng các biện pháp bôi nhọ, trừng phạt kinh tế, cô lập ngoại giao, đe dọa quân sự. Một số nước trung lập có vị thế trong trật tự thế giới như Ấn Độ thì Mỹ sử dụng chính sách kinh tế đề cao dân chủ để lôi kéo nước này. Với những nước lớn như Nga và Trung Quốc, là những cường quốc về kinh tế và quân sự, cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ trên toàn cầu thì Mỹ xác định là các quốc gia thù địch; Mỹ sử dụng các biện pháp tổng hợp về chính trị, kinh tế, ngoại giao, tình báo, thông tin để làm suy yếu và sụp đổ.

Với sức mạnh vượt trội của Mỹ và liên kết với các nước đồng minh, các quy tắc, quy chế của phương Tây đã ngự trị thế giới trong nhiều năm. Vào những thập kỷ cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, những nước nhỏ khác không chịu tuân theo sự áp đặt của Mỹ, hoặc có biểu hiện đi ngược lại những giá trị dân chủ Mỹ thì đã bị lật đổ bằng những cuộc cách mạng màu, cách mạng hoa do Mỹ hậu thuẫn. Một số nước còn bị Mỹ dùng biện pháp quân sự trực tiếp để lật đổ chính quyền hợp pháp như Nam Tư, Syria, Iraq, Afghanistan là những ví dụ điển hình.

Mỹ đứng sau phát động “cách mạng màu” ở những nước nhỏ không đi theo các giá trị dân chủ Mỹ. Hình ảnh người biểu tình ở Alexandria, Ai Cập năm 2011. Ảnh: AFP

Không chỉ dùng chính trị và quân sự, Mỹ đã tận dụng đa dạng các biện pháp kinh tế tổng hợp từ mồi nhử đầu tư thương mại, cho vay vốn để tạo lệ thuộc, khống chế bằng bẫy nợ, trừng phạt bằng cấm vận kinh tế toàn diện như với Iran, Bắc Triều Tiên, Cuba… Tất cả những chính sách này thể hiện tính chất cường quyền và bá chủ. Chính sách này đã phát huy hiệu quả, nước Mỹ hưởng quyền lợi và làm giàu từ chính sách bá chủ này. Trong một thời gian dài, có thể nói, Mỹ muốn lật đổ nước nào Mỹ đều làm được, muốn bắt nước nào tuân theo giá trị Mỹ đều làm, Mỹ muốn gây sự với nước nào Mỹ đều thực hiện vì mục tiêu và quyền lợi của nước Mỹ.

Nhưng với vị thế bá chủ dựa trên chính sách áp đặt và sức mạnh kinh tế – quân sự, trong một thập kỷ qua, Mỹ đã sai lầm chiến lược. Chính sách hiếu chiến gây ra nhiều cuộc chiến tranh, đặc biệt là ở Trung Đông, Bắc Á, Bắc Phi đã bộc lộ sự yếu kém và tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Nước Mỹ đã nhận ra sự suy yếu so với sự trỗi dậy của Trung Quốc và Nga, không còn đủ sức để xử lý các vấn đề toàn cầu phát sinh, không chi phối thế giới được nữa. Trung Quốc và Nga đã hình thành một mặt trận xung kích, cùng nhau tập trung phá bỏ thế đơn cực Mỹ để xác lập một thế giới đa cực.

Nga đã thành lập tổ chức hiệp ước an ninh tập thể CSTO của các nước Trung Á, cùng với Trung Quốc thành lập Tổ chức hợp tác Thượng Hải, đặc biệt cùng các nước đang phát triển mạnh khác như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi thành lập khối BRICS. Tất cả đều để đối trọng trực tiếp với thế giới do Mỹ chi phối. Đặc biệt ở châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc đang cạnh tranh vị trí địa chính trị, địa chiến lược mạnh mẽ với Hoa Kỳ.

Sau chiến tranh Iraq, Afghanistan, Mỹ không giành được thắng lợi và cuối cùng vẫn phải rút quân. Sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 cho thấy Mỹ không phải là thành trì bất khả xâm phạm. Vị thế của Mỹ đi xuống về kinh tế, chính trị, ngoại giao. Nội bộ Mỹ chia rẽ, phát sinh nhiều quan điểm quốc tế trái ngược, giữa một bên cho rằng Mỹ nên tiếp tục chính sách toàn cầu và bên kia chủ trương nước Mỹ trên hết. Các luồng quan điểm này đẩy nước Mỹ vào cuộc tranh chấp quyền lực và phân hoá nội bộ chưa từng thấy.

Để làm suy yếu Nga và thâu tóm đồng minh ở châu Âu, Mỹ đã hỗ trợ những người theo chủ nghĩa cực đoan ở Ukraine và thúc đẩy nhà nước Ukraine xa rời và đối đầu với nước Nga tới mức Nga đã hết mức kiềm chế buộc phải tấn công Ukraine vào tháng 2/2022. Kể từ đó một cục diện thế giới mới đã mở ra. Mỹ ban đầu tận dụng thời cơ này để củng cố đồng minh phương Tây, dùng Ukraine như đội quân uỷ nhiệm đánh Nga. Tuy vậy, nỗ lực này cũng khiến nhiều nước xa rời Mỹ, 2/3 các quốc gia trên toàn cầu không ủng hộ Mỹ trừng phạt Nga, nhiều quốc gia đặc biệt là Trung Quốc, Iran, Ấn Độ ngày càng gia tăng mối quan hệ hợp tác chiến lược với Nga. Mỹ không thể khiến Nga bị cô lập như kế hoạch, mà còn tự làm suy yếu bản thân, đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, hình thành nhóm nước bao gồm cả Iran, Ả rập Xê út, Nam Phi để tạo trục mới đối trọng với Hoa Kỳ. Khối BRICS gia tăng sức mạnh và đang trở thành một thực thể cân bằng với phương Tây, không những nổi lên về mặt địa chính trị mà còn đang uy hiếp vai trò thống trị kinh tế của Mỹ. Đồng đô la Mỹ có chiều hướng mất dần vị thế chi phối nền kinh tế toàn cầu. Nợ nhà nước của Mỹ ngày càng gia tăng (đã lên 34,4 nghìn tỉ USD năm 2023). Đồng tiền Mỹ sẽ mất dần giá trị trên trường quốc tế.

Trong địa hạt dầu mỏ, tổ chức OPEC cũng không tuân thủ cam kết với Mỹ như trước đây. Các nước Trung Đông không chấp nhận yêu cầu của Mỹ về tăng sản lượng dầu nhưng lại cam kết với Nga giảm sản lượng khai thác dầu của tổ chức OPEC. Sự trỗi dậy của Iran cũng đang làm Mỹ lo lắng khi quốc gia này tỏ ra sẵn sàng tuyên chiến với Israel và Mỹ.

Sự phát triển của Nga ở các lục địa khác, đặc biệt là châu Phi, đang gia tăng. Hàng loạt nước nước châu Phi đã yêu cầu phương Tây rút quân để nhường vị trí bảo đảm an ninh này cho Nga. Nga ngày càng đứng vững ở châu Phi về mặt chính trị và quân sự, cùng với đó là sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở lục địa này về mặt kinh tế thương mại là quá rõ ràng. Thế trận Vành đai Con đường do Trung Quốc lập ra đã phát huy tác dụng. Từ châu Á tới châu Âu và châu Phi, các nước ngày một ngả về các khoản vay và đầu tư từ Trung Quốc mà không phải chịu bất kỳ áp đặt nào về dân chủ, nhân quyền như với các khoản vay của phương Tây.

Cuộc chiến gần đây ở Trung Đông cũng cho thấy Mỹ không khống chế được tình hình. Israel bị tấn công và Mỹ không thể ngăn chặn, đồng thời cũng không thể áp lực để Israel ngừng gây ra thảm hoạ chiến tranh khi tiến quân vào dải Gaza. Mỹ cũng không thể khống chế nổi lực lượng Houthi ở Yemen do Iran hậu thuẫn. Tất cả cho thấy vai trò bá chủ của Mỹ đang bị tấn công và ngày càng mất dần sức ảnh hưởng tuyệt đối như trước. Nhiều nước không sợ hãi trước quyền lực Mỹ và sẵn sàng tuyên bố chống Mỹ. Ngay cả với đồng minh, mới đây nhất, Tổng thống Pháp tuyên bố lại một lần nữa quan điểm EU phải độc lập với Mỹ. Mỹ hiểu rõ tình thế này và những chính sách dưới thời Tổng thống Trump vẫn còn dư âm cho tới hiện nay càng làm suy yếu vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ.

Tuy vậy, có thể thấy Mỹ không bao giờ chịu rời bỏ vị thế bá chủ của mình. Với sức mạnh của Mỹ hiện tại, tuy đã bị suy yếu nhưng vẫn là nước đứng đầu thế giới về kinh tế và quân sự, đứng thứ 2 thế giới về sở hữu vũ khí hạt nhân, có trên 800 căn cứ quân sự với hàng trăm ngàn quân đồn trú trên khắp thế giới. Các nước đồng minh vẫn tuân thủ sự lãnh đạo của Mỹ, và nước này vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ tới Liên hợp quốc, vẫn là quốc gia đóng góp tài chính lớn nhất cho các tổ chức quốc tế.

Tóm lại, Mỹ vẫn sử dụng sức mạnh hiện có để thực hiện chiến lược toàn cầu, và khôi phục vị thế bá chủ thế giới. Tổng thống J. Biden lên nắm quyền gần 4 năm trước đã nỗ lực khôi phục lại ngôi vị thống trị của Hoa Kỳ. Để làm được điều này, Mỹ xác định kẻ thù chính trực tiếp là Nga và đối tượng lâu dài uy hiếp quyền lợi Mỹ là Trung Quốc. Mọi động thái quốc tế Mỹ thực hiện gần đây đều để làm suy yếu Nga và Trung Quốc, ngăn chặn sự trỗi dậy của hai nước này. Có thể nhận thấy:

Thứ nhất, với sự kiện Nga tấn công Ukraine, Mỹ đã lôi kéo các nước đồng minh ở châu Âu cùng với Mỹ tuyên chiến với Nga, dẫn dắt đồng minh châu Âu để ra các quyết định liên quan tới cuộc chiến này như huy động tổng lực các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga, đến nay đã công bố 17.000 lệnh trừng phạt Nga, lớn hơn nhiều so với những lệnh trừng phạt trước đó nhắm vào Iran, Trung Quốc, Syria, Bắc Triều Tiên, Cuba. Mỹ thúc ép các nước đồng minh phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine để duy trì trận chiến lâu dài với Nga. Mỹ cho rằng nếu Nga thắng ở Ukraine, nền dân chủ phương Tây sẽ sụp đổ. Điều này khiến Mỹ không thể chấp nhận. Mới đây, Tổng thống Biden đã ký Sắc lệnh chi 95 tỉ USD viện trợ cho Israel – Châu Á – Thái Bình Dương – Ấn Độ dương, trong đó có 60,84 tỉ USD cho Ukraine, tiếp tục cung cấp nhiều loại tên lửa tầm xa cho Ukraine có thể tấn công vào lãnh thổ Nga. Trên thế giới, lúc này chỉ có chính quyền ông Biden mới có các quyết định hiếu chiến như vậy.

Trung Quốc và Nga đã hình thành một mặt trận xung kích, cùng nhau tập trung phá bỏ thế đơn cực Mỹ để xác lập một thế giới đa cực. Hình minh họa

 Thứ hai, đối với khu vực Trung Đông, một mặt Mỹ lên án hành động tàn bạo của Israel giết hại dân Palestine ở Dải Gaza, nhưng mặt khác lại ra mặt công khai bảo vệ Israel trước sự lên án của dư luận quốc tế. Mỹ công khai phản đối Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Tham mưu trưởng quân đội Israel Herzi Halevi vì phạm tội ác chiến tranh. Mới đây, ông Biden đã ký gói viện trợ 17 tỉ USD và chuyển nhiều vũ khí cho Israel đánh Hamas. Tổng thống Mỹ cũng vừa ký sắc lệnh cấm lên án Israel về tội khủng bố, cấm nhắc tới một số điều trong Kinh Thánh của người Do Thái, và cấm các cuộc biểu tình chống người Do Thái.

Hiện nay, Mỹ đang tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế với Ả Rập Xê-út để đưa nước này trở lại thân thiện với Mỹ và cải thiện quan hệ với Israel. Mỹ cũng kiềm chế Israel không đối đầu quyết liệt với Iran; từ đó giảm sự chống đối của các phong trào Hồi giáo chống Israel và các căn cứ quân sự Mỹ đóng ở các nước Trung Đông. Mặt khác, Mỹ cũng tính đến sử dụng vai trò của Trung Quốc để kiềm chế các nước Ả Rập để giảm bớt các cuộc xung đột ở vùng này.

Thứ ba, ở châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, dự luật viện trợ mới cũng cung cấp khoảng 8 tỉ USD để chống Trung Quốc, thông qua việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng tàu ngầm và thúc đẩy cạnh tranh với các dự án của Trung Quốc tại các nước đang phát triển. Dự luật cũng dành hàng tỉ đô la tài trợ vũ khí cho Đài Loan. Trong năm 2023, Mỹ cũng triển khai Thỏa thuận Khung Thương mại và Đầu tư ASEAN – Hoa Kỳ (TIFA) năm 2022 – 2023 và Kế hoạch Công tác Mở rộng Cam kết Kinh tế (E3), coi ASEAN là trọng tâm trong nỗ lực đối trọng với Trung Quốc. Đặc biệt đối với vấn đề Đài Loan, Mỹ luôn kích động Đài Loan độc lập để khiêu khích Trung Quốc, hỗ trợ vũ khí cho vùng lãnh thổ này và đe doạ nếu Trung Quốc dùng vũ lực với Đài Loan thì sẽ can dự quân sự trực tiếp. Gần đây, khi Ukraine lâm vào khó khăn trước sức tấn công của Nga, Ngoại trưởng Mỹ đã tới Trung Quốc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị mặc cả sẵn sàng bán chip cho Trung Quốc với điều kiện nước này không giúp Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, và nói sẵn sàng trừng phạt Trung Quốc nếu điều đó xảy ra. Phía Trung Quốc có thái độ phản đối phía Mỹ và cho rằng đó là công việc nội bộ của Trung Quốc. Câu trả lời này là để Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ hiểu rằng Trung Quốc làm gì là quyền của Trung Quốc, Mỹ không nên can thiệp. Ngay sau khi rời Trung Quốc một ngày, Chính phủ Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt 200 thực thể của Trung Quốc và 90 thực thể của Nga và một số nước có quan hệ kinh tế với Nga. Theo đó, Tổng thống Mỹ Biden đã ký nhiều luật như luật giám sát tình báo nước ngoài, luật cấm hoạt động của Tiktok, luật tịch thu tài sản của Nga ở nước ngoài, luật trừng phạt Iran. Trung Quốc biết rằng các lệnh trừng phạt này Mỹ là bên bị thiệt hại nhất, vì vậy phản ứng của Trung Quốc là rất bình thường.

Thứ tư, Mỹ lên án sự xích lại của Iran với Nga – Trung Quốc, Nga với Bắc Triều Tiên, và coi đây là trục liên minh “ma quỷ” đe dọa an ninh toàn cầu và phương Tây. Vì vậy, Mỹ đang thúc đẩy các nước đồng minh ở châu Âu, châu Á lập “NATO phương Đông”. Ý đồ này đã bị Trung Quốc và Nga công khai chỉ trích mạnh mẽ. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO – ông Jens Stoltenberg đã đến Nhật Bản và có ý định lập văn phòng của NATO ở nước này. Theo đó, Mỹ đang cùng các nước đồng minh ở châu Á lập khối liên minh Đông Bắc Á, gồm Mỹ – Nhật – Hàn và khối liên minh Mỹ – Nhật – Philippines ở Đông Nam Á – Biển Đông. Hai khối này sẽ phối hợp với khối AUKUS do Mỹ lập ra bao gồm Mỹ – Anh – Úc. Tất cả liên minh này tạo ra mặt trận để răn đe, ngăn chặn Trung Quốc và Nga ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đối phó với cuộc chiến tranh nếu xảy ra ở Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (từ trái sang) tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ở Trại David, Maryland, Mỹ, tháng 8/2023. Ảnh: AP

Thứ năm, trên phương diện kinh tế, Mỹ tiếp tục lên án WTO, dùng chính sách bảo hộ mậu dịch và thuế để ngăn chặn sự phát triển của đồng minh và ngăn chặn các quốc gia có quan hệ thương mại với đối thủ như Nga, Trung Quốc. Gần đây, Chính phủ Mỹ đã thảo luận việc trừng phạt các nước đã từ bỏ đồng đô la, thay bằng đồng tiền nội tệ trong thanh toán thương mại, chủ yếu nhắm vào nhóm BRICS đang có kế hoạch phát hành loại tiền riêng cho khối này. Nhiều tỉ phú Mỹ cảnh báo nguy cơ đồng đô la mất vai trò đồng tiền dự trữ số một thế giới, hậu quả này chính là do Washington sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế tạo ra, và việc Mỹ quyết định phong tỏa và tịch thu số tiền lãi của Nga gửi ở các ngân hàng châu Âu, khiến thế giới lo ngại, và đây cũng là nguyên nhân khiến đồng đô la Mỹ mất dần vai trò thống trị thế giới.

Các nhà quan sát tình hình cho rằng trước sự biến đổi của thế giới, vai trò bá chủ của Mỹ đang bị tấn công, và ngày càng mất dần vị thế lãnh đạo thế giới trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, của các nước nam bán cầu và sự tấn công của Nga. Mỹ nhận thức rõ bối cảnh đó. Trong năm vừa qua, chính quyền Biden đã trỗi dậy mạnh mẽ, tập hợp đồng minh tấn công Trung Quốc, Nga và triển khai chiến lược toàn cầu, chủ động giành lại vị thế bá chủ thế giới như phân tích ở phần trên.

Tất cả các động thái đó cho thấy Mỹ đang triển khai mọi biện pháp, vừa cứng vừa mềm, dùng kinh tế dụ dỗ không được thì trừng phạt, không áp lực chính trị được thì kích động bạo loạn, lật đổ, cao hơn là dùng các biện pháp quân sự. Đối với đồng minh, Mỹ cùng dùng chính sách chia nhỏ làm suy yếu để cai trị, ly gián chia rẽ, nhất là đối với Liên minh Châu Âu, buộc châu Âu phải phụ thuộc vào Mỹ, và reo rắc trong khối này cùng các nước láng giềng về nguy cơ đe dọa từ Nga. Đặc biệt, Mỹ đang tập trung chia rẽ, phá mối quan hệ song phương Nga – Trung, Nga – Ấn, Nga – Nam Phi, Nga – Iran.

Có thể nói rằng thế giới đang có những biến đổi sâu sắc, Mỹ đã nhận rõ xu thế này và đang tìm mọi cách khôi phục vị thế bá chủ. Nga, Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, đang liên kết với nhiều nước lớn khác ở các châu lục tìm mọi biện pháp tấn công vị thế siêu cường của Mỹ. Thế giới đang thay đổi và cục diện đa cực đang xuất hiện ngày một rõ ràng hơn. Mỹ có thực hiện được tham vọng của mình hay không còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là chính sách ngoại giao có được các quốc gia khác ủng hộ không. Thực tế, nhiều nước đang ủng hộ chiến lược hạ bệ vai trò siêu cường của Mỹ do Nga khởi xướng và chiến lược Vành đai Con đường của Trung Quốc. Nhiều nước tin tưởng và cảm thấy gần gũi hơn với cách tiếp cận của Nga, Trung so với chính sách toàn cầu mang tính áp đặt và hiếu chiến của Mỹ. Với bối cảnh thế giới như vậy, cho dù Mỹ đã dành mọi nỗ lực để phục hồi vị thế bá chủ song xu thế suy yếu của Mỹ trên trường quốc tế là một thực tế khách quan khó có thể đảo ngược.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC