Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu đang đối mặt với suy giảm, ngành cà phê Việt Nam lại là điểm sáng. Toàn ngành lần đầu lập kỷ lục về giá trị xuất khẩu lên đến 4 tỉ USD trong năm 2022.

Cà phê Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 85 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu năm ngoái đạt trên 4 tỷ USD, chiếm hơn 15% thị phần xuất khẩu cà phê thế giới. Xuất khẩu cà phê năm 2022 đạt 1,78 triệu tấn với giá trị hơn 4 tỉ USD, tăng 13,8% về khối lượng và tăng 32% về giá trị so với năm 2021. Giá cà phê xuất khẩu bình quân năm 2022 đạt 2.281,7 USD/tấn, tăng 16% so với năm 2021.

Năm 2023 tiếp tục chứng kiến những tín hiệu rất khả quan khi nhu cầu cà phê thế giới tiếp tục phục hồi, giá cà phê Robusta và Arabica trên thị trường thế giới tiếp tục tăng và nguồn cung trong nước đảm bảo cho xuất khẩu. Với triển vọng như hiện nay, năm 2023, ngành cà phê dự kiến sẽ lập kỷ lục mới, thực sự trở thành một ngành xuất khẩu quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

Dù là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, nhưng cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô, giá trị gia tăng chưa cao. Hình ảnh thu hoạch cà phê ở Kon Tum. Ảnh: VnExpress

Tuy nhiên, ngành cà phê vẫn còn tồn tại những điểm yếu cần sớm cải thiện để tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.

Thứ nhất, cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô, giá trị gia tăng chưa cao. Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, tổng diện tích trồng cà phê cả nước khoảng 710.000 ha, nhưng thu hoạch chỉ khoảng 650.000 ha và chế biến sâu với tỷ lệ rất thấp. Cà phê vẫn chủ yếu sơ chế, đánh bóng, xuất khẩu hạt thô. Điều này khiến sản phẩm của Việt Nam không thể bán được giá cao và lợi nhuận vì thế cũng rất hạn chế.

Thứ hai, mặc dù sản lượng lớn nhưng Việt Nam vẫn xuất khẩu chủ yếu là cà phê Robusta, giá thu mua thấp hơn nhiều so với giống cà phê cao cấp Arabica. Tại một cuộc hội thảo gần đây, bà Võ Thị Hà Giang, Giám đốc truyền thông Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên Legend, đưa dẫn chứng Colombia chỉ xuất khẩu gần 1 triệu tấn, chủ yếu là cà phê Arabica nhưng đứng thứ 3 thế giới về kim ngạch với doanh thu xuất khẩu cà phê nhân đạt 3,2 tỉ USD trong năm 2022. Bài học từ Colombia là chính sách tập trung vào nâng cao chất lượng cà phê nhân bằng cách dành riêng diện tích canh tác nhằm tạo ra loại cà phê đặc sản. Chỉ có một chiến lược đầu tư phát triển sản phẩm cà phê chất lượng cao, thì ngành cà phê mới mang về giá trị gia tăng và lợi nhuận cao hơn.

Thứ ba, dù là nước xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới, nhưng Việt Nam chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới. Do Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô nên cà phê Việt Nam được trộn lẫn với cà phê từ các nước khác để chế biến, người tiêu dùng không biết đến cà phê Việt Nam. Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam thấp hơn trung bình thế giới, nên dù đứng thứ hai về sản lượng xuất khẩu, Việt Nam chỉ đứng thứ 10 về giá trị.

Trước những yếu điểm nói trên, nhà nước, doanh nghiệp cà phê và người nông dân cần chung tay có những biện pháp tổng lực để thúc đẩy ngành cà phê Việt Nam vượt lên về cả chất và lượng.

Thứ nhất, về phía người trồng cà phê, nông dân cần đầu tư hơn nữa vào chất lượng, lấy chất lượng làm cơ sở nâng giá cà phê. Hiện nay, chỉ cần tuân thủ quy trình trồng, thu hoạch theo tiêu chuẩn cao, nông dân có thể bán được cà phê nguyên liệu cao gấp 1,5 hay 2 lần so với mức thông thường. Đầu tư vào chế biến sâu hơn như rang xay còn đem lại thu nhập cao hơn nữa. Hộ nông dân cũng là thực thể chính chung tay tái canh, cải tạo những diện tích cà phê già cỗi chiếm tỉ lệ rất lớn hiện nay (140.000 – 160.000ha). Nông dân cũng tránh sử dụng quá mức phân bón, thuốc trừ sâu dẫn đến tăng chi phí và khiến cà phê không đạt tiêu chuẩn để có thể bán được giá cao. Khi người nông dân có ý thức tạo ra cà phê chất lượng cao thì doanh thu toàn ngành sẽ tăng trưởng.

Thứ hai, về phía doanh nghiệp kinh doanh cà phê, chủ doanh nghiệp nỗ lực đầu tư hơn nữa xây dựng những thương hiệu cà phê mạnh, đặc biệt là cà phê đặc sản. Hiện nay đang có những mô hình trang trại cà phê đặc sản của Việt Nam tại các vùng cà phê lớn như Lâm Đồng, Buôn Ma Thuột, Sơn La, Quảng Trị, sản xuất ra những hạt cà phê chất lượng cao nhất theo đánh giá của quốc tế. Những mô hình như vậy cần được mở rộng. Quan trọng hơn, chủ doanh nghiệp có ý thức mở rộng thương hiệu ra quốc tế, đưa cà phê Việt Nam ra biển lớn thay vì chỉ quanh quẩn trong nước. Tận dụng vị thế của một quốc gia xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới, Việt Nam có thể làm được điều này. Nỗ lực của một số doanh nghiệp như Trung Nguyên xuất khẩu cà phê và mở rộng thương hiệu sang nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc là mô hình có thể được phát triển trong những năm tiếp tới.

Ngày 25/7/2023, Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã chính thức khai trương Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend thứ 2 tại Thượng Hải sau gần một năm ra mắt thành công không gian đầu tiên tại thị trường Trung Quốc.

Thứ ba, về phía nhà nước, các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy xây dựng chiến lược quốc gia về cà phê, nâng cao vị thế, hình ảnh cà phê chất lượng cao của Việt Nam tại thị trường thế giới. Trước hết, cần tập trung vào giải pháp phát huy nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” sau khi được bảo hộ thông qua. Nhà nước đóng vai trò quan trọng giải quyết bài toán tại sao nói tới cà phê, người tiêu dùng thế giới vẫn chưa biết tới Việt Nam, trong khi chúng ta đứng thứ 2 về giá trị xuất khẩu trên thế giới chỉ sau Brazil. Hiện nay, Bộ Công Thương đã dự thảo Chương trình tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu Cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với thương hiệu ngành, chỉ dẫn địa lý và sẽ trình Thủ tướng phê duyệt. Đây là việc cần làm gấp để nâng cao mức độ nhận diện về cà phê chất lượng cao của Việt Nam, đặc biệt là tập trung quảng bá cho một số dòng cà phê đặc sản như cà phê Arabica Cầu Đất, Sơn La, Quảng Trị. Việc quảng bá các sản phẩm cà phê đặc sản, đã có danh tiếng và đoạt giải thưởng trong nước, sẽ góp phần mở rộng hình ảnh của cà phê Việt Nam trên quốc tế.

Thứ tư, Việt Nam cần một sở giao dịch cà phê của riêng mình thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào giá thế giới. Việt Nam là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, chiếm tới 60% thị phần thế giới về loại cà phê này, hoàn toàn có thể quyết định ở mức độ nhất định mức giá. Việc hình thành sở giao dịch cà phê quốc tế tại Việt Nam giúp nâng cao giá trị và thương hiệu cà phê Việt Nam. Hiện đã có những khảo sát để thành lập một sở giao dịch cà phê quốc tế nhưng vẫn tồn tại vướng mắc về kho bãi, cảng giao dịch, quản lý ngoại hối. Tất cả những khó khăn này có thể vượt qua nếu nhà nước và doanh nghiệp cùng phối hợp quyết liệt, để Việt Nam là người tạo lập giá chứ không phải đi theo giá của thế giới như hiện nay.

Ngành cà phê có tiềm năng mang lại cho Việt Nam không chỉ doanh thu xuất khẩu mà còn là thương hiệu quốc gia, niềm tự hào quốc gia. Một nỗ lực quyết liệt hơn nữa từ cả ba bên, chính phủ, doanh nghiệp và người nông dân sẽ tạo đà tiến cho ngành trở thành điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong nhiều năm tiếp tới.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC