Ngày 20/9/2022, tại phiên họp cấp cao của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc António Guterres đã cảnh báo về “sự tê liệt toàn cầu” và nguy cơ “không có hợp tác, không có đối thoại, không có sự chung tay giải quyết các thách thức chung”. Lời cảnh báo của Người đứng đầu Tổ chức quốc tế lớn nhất toàn cầu đã cho thấy tính bất ổn, khó khăn và phức tạp chưa từng có của tình hình thế giới kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

Thế giới đang chứng kiến sự cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa các cường quốc Mỹ Trung Nga. Đại dịch Covid-19 về cơ bản đã được khống chế nhưng những hậu quả của nó vẫn rất nặng nề tại hầu hết các quốc gia. Cuộc chiến mà Nga đã tiến hành tại Ukraine đã tác động tiêu cực đến toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị thế giới.

Lạm phát cao chưa từng có, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, khủng hoảng năng lượng, lương thực, xu thế chạy đua vũ trang, sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, tăng cường đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân tại nhiều quốc gia đang là những thách thức hiển hiện và đe dọa hòa bình ổn định tại nhiều khu vực, đặc biệt tại châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương và Đông Bắc Á. Tại châu Âu xu hướng phân mảnh và co cụm thể hiện rõ rệt.

Trong tình hình đó, nhiều thể chế quốc tế đa phương bị chia rẽ, hoạt động không hiệu lực, các chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu gặp khó khăn. Các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt đang có chiều hướng làm chậm xu thế toàn cầu hóa.

Vượt qua những thách thức chưa từng có tiền lệ, những tác động đa chiều và phức tạp của tình hình quốc tế, Ngoại giao Việt Nam đã giữ vững vai trò là một trong những trụ cột quốc gia và đóng góp tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng tích cực.

Ngoại giao vaccine, một chiến dịch chưa từng có tiền lệ

Đây là một chiến dịch chưa từng có tiền lệ và liên quan trực tiếp đến sinh mạng người dân cũng như sự ổn định kinh tế – xã hội của đất nước vào thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Khó khăn chồng chất khó khăn bởi Việt Nam không nằm trong danh sách các nước được ưu tiên viện trợ, vaccine vô cùng khan hiếm, cạnh tranh bất bình đẳng giữa các quốc gia trong khâu phân phối, thủ tục phức tạp và rườm rà.

Với mục tiêu cao nhất là làm sao sớm mang được vaccine về cho đất nước, ngoại giao đã chủ động ứng phó với các khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, triển khai sớm nhất, kịp thời và quyết liệt chiến dịch Ngoại giao vaccine mà ở đó công tác vận động, tranh thủ được đưa lên hàng đầu.

Cả hệ thống chính trị Việt Nam đã cùng phối hợp, chung sức đồng lòng để thực hiện mục tiêu cấp bách này. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã có hơn 130 cuộc điện đàm, tiếp xúc, trao đổi; gửi hơn 100 thư tới lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và tập đoàn sản xuất vaccine để vận động, thúc đẩy chuyển giao vaccine cho Việt Nam.

Tận dụng và phát huy các mối quan hệ song phương và đa phương, với tinh thần trách nhiệm cao trước nhà nước và nhân dân, các các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chính là  lực lượng “tuyến đầu” trong phát hiện, tìm kiếm, kết nối, vận động tiếp cận các nguồn cung vaccine  và hợp tác sản xuất vaccine, các nguồn thuốc điều trị, trang thiết bị y tế.

Những thông tin và báo cáo nghiên cứu kịp thời về các kinh nghiệm trong phòng, chống dịch Covid-19, các mô hình, biện pháp ứng phó hiệu quả của quốc tế được cung cấp về cho đất nước đã góp phần tích cực trong công tác tham mưu cho Chính phủ trong việc đưa ra các quyết sách, đóng góp vào việc sớm kiểm soát dịch bệnh.

Nếu như đến tháng 6/2021, Việt Nam mới chỉ có 4,3 triệu liều vaccine thì đến hết năm 2021, ta đã tiếp nhận trên 192 triệu liều, vượt chỉ tiêu đề ra. Đến ngày 11/9/2022, Việt Nam đã nhận hơn 258 triệu liều, trong đó nguồn viện trợ đạt gần 120 triệu liều, chiếm gần 50%, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 900 triệu USD (tương đương gần 23 nghìn tỷ đồng).

30 quốc gia và vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ các trang thiết bị y tế với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD (tương đương 2 nghìn tỷ đồng) cho Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn.

Về hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, tập đoàn AstraZeneca quyết định đầu tư 90 triệu USD phát triển lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam; Việt Nam cũng là một trong 05 nước được WHO công bố chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA.

Chiến dịch ngoại giao vaccine đã hết sức thành công, giúp “xoay chuyển tình thế”, thu về quả ngọt sau những tháng ngày cam go vất vả. Việt Nam trở thành một  trong những quốc gia  quyết định chuyển chiến lược ứng phó với dịch bệnh sớm nhất tại khu vực. Từ một nước có tỷ lệ tiêm chủng nằm trong số các nước thấp nhất khu vực, Việt Nam đã trở thành nước có số lượng tiêm, tốc độ tiêm và tỷ lệ bao phủ vaccine cao hàng đầu thế giới.

Hỗ trợ phục hồi nhanh và phát triển kinh tế – xã hội bền vững

Thành công của chiến dịch Ngoại giao vaccine đã góp phần cơ bản và quan trọng vào quá trình kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân để đưa đất nước sớm chuyển chiến lược sang phục hồi và phát triển  kinh tế – xã hội.

Ngoại giao kinh tế đã đóng góp hiệu quả vào việc hiện thực hóa khát vọng về sự thịnh vượng của đất nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc triển khai nhiệm vụ ngoại giao kinh tế năm 2023. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Những bài học và kinh nghiệm quý báu thu được từ chiến dịch ngoại giao  vaccine đã được tận dụng và khai thác ở mức cao nhất để  có thể đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc hỗ trợ phục hồi nhanh và phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Nắm bắt được xu thế mở cửa của đa số các quốc gia trên thế giới khi  chuyển từ thời kỳ đối phó với dịch bệnh Covid-19 sang thời kỳ thích ứng an toàn, ngoại giao đã góp phần chủ động đưa ra những kiến nghị kịp thời. Chúng ta đã nắm bắt cơ hội, tận dụng tốt đà phục hồi kinh tế thế giới, lợi thế cạnh tranh, góp phần quan trọng vào quyết định của đất nước chuyển từ giai đoạn thích ứng an toàn sang phục hồi, tăng trưởng.

Trong bối cảnh các liên kết về kinh tế, đặc biệt các liên kết khu vực và tiểu khu vực cũng như hợp tác quốc tế đang xuất hiện trở lại công tác đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế được đặc biệt chú trọng thông qua việc khai thác hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP, EVFTA, RCEP. Tiến trình hợp tác, hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh. Kinh tế đối ngoại Việt Nam phát triển ấn tượng.

Công tác ngoại giao kinh tế đã đóng góp thiết thực vào vào kết quả khởi sắc về kinh tế – xã hội, mở rộng và làm sâu sắc thêm hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và nhiều đối tác quan trọng, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế, đóng góp vào việc khôi phục các hoạt động thương mại, du lịch, đầu tư.

Năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt hơn 8%. GDP (PPP) đạt khoảng 1.278 tỷ USD, xếp thứ 3/10 trong khu vực ASEAN, thứ 10 châu Á và thứ 39 trên thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, so với gần 670 tỷ USD năm 2021.

Việt Nam tiếp tục duy trì trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại. Vốn FDI thực hiện gần 20 tỷ USD là mức tăng cao nhất trong năm năm qua. Việt Nam tham gia khởi động trao đổi về Khuôn khổ đối tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).

Cân bằng, ổn định trong quan hệ với các nước

Trong bối cảnh thế giới diễn biễn phức tạp và cạnh tranh gay gắt chưa từng có mà ở đó cả thách thức và cơ hội đan xen lẫn nhau chúng ta đã giữ được sự cân bằng, ổn định trong quan hệ với các nước, đặc biệt với các cường quốc, các nước lớn, các đối tác và bạn bè truyền thống.

Cục diện đối ngoại tiếp tục được củng cố, giữ vững, tạo thuận lợi cho phát triển và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tạo dựng chỗ đứng vững chắc cho đất nước trong bối cảnh một trật tự chính trị – kinh tế quốc tế mới đang định hình. Đây chính là  kết quả nổi bật có ý nghĩa chiến lược của đối ngoại và ngoại giao Việt Nam.

Chính sách ngoại giao đa dạng, đa phương hóa, độc lập, tự chủ chính là nền tảng cho phương cách xử lý hài hòa, có lý có tình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế của Việt Nam đối với những vấn đề lớn, chi phối quan hệ quốc tế trong thời gian qua như tình hình tại Ukraina, Biển Đông, eo biển Đài Loan cũng như quan hệ giữa các nước lớn, hợp tác tiểu vùng, các sáng kiến liên kết khu vực, các vấn đề toàn cầu…

Không để bị lâm vào tình thế khó xử, bị ép buộc phải chọn bên mà hơn nữa chúng ta đã đưa các mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng ,các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng đi vào chiều sâu, được  tăng cường, củng cố, ổn định.

Không “vin” vào lý do dịch bệnh hay khó khăn kinh tế để “đóng cửa” hay “đóng băng” các hoạt động đối ngoại, Ngoại giao Việt Nam đã chủ động bắt nhịp xu thế, linh hoạt và sáng tạo triển khai kịp thời các hoạt động đối ngoại trực tiếp cả song phương và đa phương ngay khi nhiều quốc gia bắt đầu quá trình mở cửa trở lại sau đại dịch. Chúng ta đã lựa chọn rất đúng thời điểm.

Con số hơn  60 chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao dưới nhiều hình thức của các vị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam là một con số đầy ấn tượng và có ý nghĩa. Chuyến thăm rất quan trọng đến Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như các chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội tới Lào, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippine, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand , tham dự các hội nghị cấp cao ASEAN, APEC, ASEAN – Mỹ, ASEAN – EU, Đại hội đồng Liên hiệp quốc… đã cho thấy mức độ sôi động của các hoạt động đối ngoại cấp cao chỉ trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó Việt Nam cũng đã đón tiếp thành công 18 đoàn lãnh đạo cấp cao từ các nước láng giềng, khu vực, đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống và tổ chức quốc tế đến thăm Việt Nam. Hơn 100 văn kiện được ký kết chỉ riêng trong năm 2022

Tăng cường vị thế và uy tín của Việt Nam

Những thành tựu của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19, sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế của Việt Nam cùng với thái độ tích cực, sẵn lòng và công tâm khi tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng thế giới như  công cuộc gìn giữ hòa bình, chống biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh và phát triển bền vững đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của thế giới.

Trong các vấn đề quốc tế tiếng nói của Việt Nam được coi trọng bởi  phương thức ứng xử và cách thức giải quyết hợp tình, hợp lý trên tinh thần bình đẳng, hòa hiếu và nhân văn, tôn trọng luật pháp quốc. Tất cả đã góp phần làm tăng sự tin cậy chính trị giữa Việt Nam với các nước.

Uy tín và vị thế của Việt Nam không ngừng được củng cố và nâng cao khi chúng ta luôn chứng tỏ là một quốc gia có trách nhiệm, có vai trò và vị trí xứng đáng trong tiến trình toàn cầu hóa, góp phần tích cực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, hòa bình và hợp tác,phát triển.

Việc tham gia hiệu quả của Việt Nam vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc đã được Tổng thư ký Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Ảnh minh họa

Trong quan hệ với ASEAN, Việt Nam đã thực sự trở thành trung tâm của Hiệp hội. Trên cương vị Chủ tịch Asean năm 2020, Việt Nam đã luôn chủ động đưa ra nhiều sáng kiến, nỗ lực, đóng góp tích cực để xây dựng một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, hướng tới mục tiêu Cộng đồng ASEAN 2025.

Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 với số phiếu kỷ lục chưa từng có trong lịch sử phát triển của Liên hiệp quốc. Việt Nam đã tham gia với một tâm thế lớn, tích cực, thực chất, tạo lòng tin trong cộng đồng quốc tế. Điển hình và thành công lớn nhất là Việt Nam đã đảm nhiệm thành công xuất sắc cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an  lần thứ hai vào tháng tư năm 2021 với những sáng kiến và kiến nghị đã được chấp nhận và thông qua.

Tiếp nối những thành công đó, năm 2022 Việt Nam lại tiếp tục được tín nhiệm bầu đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các cơ chế của Liên hợp quốc như Phó Chủ tịch Đại hội đồng, Hội đồng Nhân quyền, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Việc tham gia hiệu quả của Việt Nam vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc đã được Tổng thư ký Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Việt Nam được coi là hình mẫu và là một thành viên có trách nhiệm, đóng góp tích cực, và thiết thực trong việc giải quyết  những vấn đề an ninh, ổn định ở khu vực và quốc tế.

Vượt lên những khó khăn hiện hữu, Việt Nam thể hiện quyết tâm xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Chúng ta đã thể hiện cam kết, trách nhiệm cao cùng chung tay với quốc tế giải quyết một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay: vấn đề biến đổi khí hậu.

Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG) bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italia, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch) đã thông qua Tuyên bố thiết lập Quan hệ Đối tác về Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) mạnh mẽ. Việt Nam sẽ nhận được 15,5 tỷ USD hỗ trợ chuyển đổi xanh.

Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

Quán triệt sâu sắc chủ trương bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, đối ngoại và ngoại giao Việt Nam đã kiên quyết, kiên trì thúc đẩy đối thoại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh để  bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Chúng ta đã xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề nảy sinh liên quan đến biên giới lãnh thổ để giữ vững môi trường hòa bình,ổn định.

Trên biển, chúng ta kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, trên đất liền đã phối hợp với các nước láng giềng quản lý đường biên giới, mốc giới, tạo điều kiện để khôi phục giao lưu, giao thương sau đại dịch với các nước láng giềng.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Hải quân ngày 23/3/2023. Nguồn: Báo Điện tử ĐCSVN

Công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại cũng như công tác về người Việt Nam ở nước ngoài được tiến hành đồng bộ. Khi quốc tế mở cửa trở lại, chúng ta đã nhanh chóng tổ chức nhiều hoạt động phong phú để vận động thu hút nguồn lực tri thức, kinh tế của kiều bào phục vụ phát triển đất nước.

Có thể khẳng định rằng,trong bất cứ thử thách nào, Ngoại giao Việt Nam đã luôn luôn chứng tỏ là một trong các trụ cột quốc gia, sẵn sàng tiên phong tham gia giải quyết mọi vấn đề nảy sinh giữa nước ta với  quốc tế

Ngoại giao luôn song hành cùng với toàn bộ hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại Nhân dân, đối ngoại Quốc phòng – An ninh để phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp với mục tiêu cao nhất là bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, kiên trì giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đề cao các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, vì hòa bình và phát triển. Qua đó đã góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam, ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh, bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa.

Những thành tựu về đối ngoại và ngoại giao mà chúng ta đã thu được trong thời gian qua đã một lần nữa khẳng định bản sắc của Ngoại giao Việt Nam. Đó là một nền ngoại giao công tâm, hòa hiếu, ngoại giao “cây tre Việt Nam” mềm dẻo và linh hoạt dựa trên nền tảng tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản sắc ngoại giao đó đã chứng minh tính đúng đắn và vận dụng linh hoạt phù hợp trong từng hoàn cảnh, trong ứng xử với từng đối tác.

Trong bối cảnh tình hình thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp chưa từng có, chúng ta cần thể hiện bản lĩnh, bình tĩnh, sáng suốt, khôn khéo, xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc, tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo đảm môi trường ổn định để xây dựng và phát triển.

Đại dịch Covid-19 đã và đang là một thử thách với tất cả các quốc gia, trên mọi mặt trận, trong đó có mặt trận ngoại giao. Hơn lúc nào hết, Ngoại giao Việt Nam cần tiếp tục vươn lên, vượt qua những thử thách và thách thức, không ngừng đổi mới, sáng tạo, thích ứng với tình hình mới, tích cực tìm hiểu cách làm mới, hướng đi mới, lĩnh vực mới, nhạy bén nắm bắt cơ hội và tiếp tục xây dựng một nền ngoại giao hiện đại và chuyên nghiệp.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC