Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã thăm Trung Quốc từ 27-29/8/2024 theo lời mời của Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, để tiến hành cuộc “tiếp xúc chiến lược” Trung – Mỹ mới. “Tiếp xúc chiến lược” Trung – Mỹ là sản phẩm của nhận thức chung của nguyên thủ hai nước tại cuộc gặp Bali tháng 11/2022, là kênh tiếp xúc làm việc cao nhất, chỉ sau cuộc gặp nguyên thủ, có chức năng thúc đẩy quan hệ và “quản lý cạnh tranh” giữa hai nước. Đại diện bên phía Trung Quốc là Vương Nghị, người đứng đầu ngành Ngoại giao Trung Quốc; đại diện bên phía Mỹ là Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia (ANQG) của Tổng thống, người đứng đầu ngành an ninh chiến lược của Mỹ. Từ tháng 5/2023 đến nay, Vương Nghị và Sullivan đã tiến hành 3 cuộc tiếp xúc chiến lược tại Vien (tháng 5/2023), Malta (tháng 9/2023) và Bangkok (1/2024); nếu tính cả cuộc gặp không chính thức tại Washington và tại Bắc Kinh tháng 10 năm ngoái, trong vòng 16 tháng qua, hai bên đã gặp nhau 5 lần, một mật độ tiếp xúc ở cấp cao ít thấy trong quan hệ Trung – Mỹ.

Cố vấn ANQG Mỹ Sullivan đến Trung Quốc lần này trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ đang ở giai đoạn “nước rút”, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, cử tri Mỹ sẽ đi bầu để chọn ra vị Tổng thống thứ 47 của mình, cũng là vào những tháng cuối cùng của chính quyền Biden, trong đó đảng Dân chủ cầm quyền vừa đưa Phó Tổng thống Kamala Harris thay Biden làm ứng cử viên Tổng thống của đảng mình và đang tổ chức lại thế trận nhằm giành chiến thắng trong bầu cử, tiếp tục ngồi lại Nhà Trắng. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa cũng đang ra sức ủng hộ Donald Trump, một đối thủ khó lường, luôn có thể gây bất ngờ; cuộc chiến tranh cử vẫn chưa rõ ràng thắng bại. Trong đó, lĩnh vực Ngoại giao, đặc biệt là chính sách về Trung Quốc là một yếu tố có ảnh hưởng đáng kể đối với lá phiếu của cử tri Mỹ, nhất là trong bối cảnh xã hội Mỹ đang có những chính kiến khác nhau về Trung Quốc và một bộ phận không nhỏ cử tri Mỹ đang nghi ngờ về khả năng và thành tích đối ngoại của Kamala Harris. Mặt khác, vai trò của Trung Quốc trên trường quốc tế đang được đề cao, đặc biệt là đối với các điểm nóng toàn cầu, trước hết là về cuộc khủng hoảng Ukraine và xung đột Trung Đông, các điểm nóng đang tạo ra những thách thức trực tiếp và gay gắt nhất cho chính sách đối ngoại của chính quyền Biden, cũng đang tác động trực tiếp đến khả năng thu hút phiếu bầu của đảng Dân chủ trong tranh cử. Vai trò quốc tế ngày càng được chấp nhận rộng rãi của Trung Quốc càng khiến Mỹ phải tính đến việc điều chỉnh chính sách đối với cường quốc số 2 thế giới này.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, tháng 8/2024. Ảnh: Ng Han Guan

Cuộc gặp thông qua kênh “tiếp xúc chiến lược” lần này đã đi sâu trao đổi ý kiến về quan hệ Trung – Mỹ, các vấn đề quốc tế nhạy cảm quan trọng và các điểm nóng khu vực. Điều đáng chú ý đây là lần đầu tiên Sullivan thăm Trung Quốc sau gần 4 năm trên cương vị Cố vấn ANQG Mỹ, cũng là lần đầu tiên sau 8 năm một Cố vấn ANQG Mỹ thăm Trung Quốc (kể từ năm 2016, khi Rice, cố vấn ANQG của Obama thăm Trung Quốc) và cũng là lần đầu tiên hai bên tiến hành “tiếp xúc chiến lược” trên đất Trung Quốc, sau ba lần thực hiện ở nước thứ ba.

Trong cuộc gặp lần này, mỗi bên đều đưa ra những vấn đề, lĩnh vực mà mình quan tâm nhất, bức thiết nhất của mình. Phía Trung Quốc quan tâm chủ yếu đến vấn đề Đài Loan, vấn đề quyền phát triển và an ninh chiến lược của Trung Quốc. Trung Quốc đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc, nói rõ lập trường và đưa ra những yêu cầu nghiêm túc về những biện pháp mà Trung Quốc cho là vô lý của Mỹ đối với Trung Quốc trên các vấn đề quan hệ Mỹ – Đài Loan, vấn đề thuế quan, hạn chế xuất khẩu, thẩm tra đầu tư, trừng phạt đơn phương đối với Trung Quốc… Mỹ thì quan tâm đến các vấn đề về quan hệ hai nước như  hợp tác chống ma túy, giao lưu quân sự, an toàn trí tuệ nhân tạo, các nguy cơ trong quan hệ hai nước; đồng thời trao đổi với phía Trung Quốc về các điểm nóng khu vực như cục diện căng thẳng ở eo biển Đài Loan, Biển Đông, nguy cơ Ukraine, xung đột Palestine – Israel… Hai bên còn bàn tính tới khả năng tổ chức cuộc gặp nguyên thủ hai nước lần cuối cùng tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 Rio de Janeiro tháng 11 tới, trước khi Biden rời Nhà Trắng vào tháng 1/2025. Về tổng thể có thể nói, mục đích của chuyến đi của Sullivan lần này là “chặn đà tụt dốc” của quan hệ Mỹ – Trung và đưa mối quan hệ này đi dần đến “cơ bản ổn định”, phát triển bền vững.

Về phía Mỹ, chuyến đi này có thể xuất phát từ các động cơ: Trước hết, chính quyền Biden muốn truyền đi thông điệp quan hệ Trung – Mỹ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Biden vẫn được quản lý một cách hiệu quả, vẫn giữ được trạng thái “cơ bản ổn định”, bao gồm cả mặt “cạnh tranh” và mặt “quản lý cạnh tranh”, không để cạnh tranh trở thành xung đột, sau một loạt các hành vi gia tăng đối kháng với Trung Quốc của phía Mỹ (trong vấn đề Đài Loan, trên lĩnh vực thương mại, xuất khẩu, đầu tư, cạnh tranh khoa học công nghệ, đơn phương trừng phạt…). Chính quyền Biden muốn thông qua kênh “tiếp xúc chiến lược” với đại diện là Cố vấn ANQG của Tổng thống để chuyển tải thông điệp này với Trung Quốc và với thế giới.

Hai là, Mỹ hi vọng thông qua “tiếp xúc chiến lược” giữa hai nước để làm yên lòng đồng minh và đối tác của Mỹ đang lo ngại về sự leo thang căng thẳng trong quan hệ Trung – Mỹ sẽ làm tổn hại đến lợi ích của họ. Tuyệt đại đa số các nước trong khu vực, bao gồm cả các đồng minh và đối tác của Mỹ không muốn bị lôi kéo vào cạnh tranh Trung – Mỹ, càng không muốn Trung – Mỹ căng thẳng đối lập nhau, ảnh hưởng đến việc khai thác thị trường đầy tiềm năng của họ tại Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, chuyến đi của Sullivan còn có mục đích làm yên lòng đồng minh và đối tác của Mỹ trong việc tìm kiếm lợi ích kinh tế từ thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, phía Mỹ cũng muốn Trung Quốc hỗ trợ trên những điểm nóng quốc tế mà đảng Dân chủ đang quan tâm, muốn đạt đến những thành quả có lợi cho việc kiếm phiếu trong bầu cử, nhất là trên vấn đề Ukraine. Mỹ muốn thông qua chuyến đi, gây thêm áp lực hoặc “cảnh tỉnh thêm” với Trung Quốc trong quan hệ “không giới hạn” với  Nga. Rõ ràng “quan hệ chiến lược toàn diện Trung – Nga thời đại mới” đã trở thành một đối trọng thật sự trên thực tế đối với liên minh Mỹ/phương Tây trong vấn đề Ukraine. Mặc dù Mỹ đã thường xuyên và thông qua nhiều kênh khác nhau, cả bí mật và công khai, gây sức ép với Trung Quốc phải “thận trọng” trong quan hệ với Nga liên quan đến cuộc chiến Ukraine nhưng thực tế đã và đang cho thấy quan hệ Trung – Nga càng bền chặt, càng được mở rộng và đi vào chiều sâu, cả trên mặt phối hợp chiến lược lẫn hợp tác kinh tế. Tăng cường hợp tác Trung – Nga trong khai thác phát triển khu vực Viễn Đông của Nga, trong phát triển Bắc cực, nhất là trên lĩnh vực logistic và “giao thông vận tải trên băng” qua Bắc cực đang mở ra những triển vọng to lớn, cả về mặt chiến lược và hiệu quả kinh tế. Thực tế này làm cho Mỹ ý thức được vai trò không thể thiếu của Trung Quốc trong một giải pháp các bên đều có thể chấp nhận về khủng hoảng Ukraine; đồng thời cũng làm cho Mỹ hiểu rằng, không thể gây sức ép để ly gián Trung – Nga. Vì vậy, Mỹ ngày càng coi trọng phương thức đối thoại, thuyết phục mà “tiếp xúc chiến lược” Sullivan – Vương Nghị là một kênh thích hợp để thực hiện mục tiêu này. Mặc dù Biden đã rút khỏi tranh cử nhưng nếu trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, có thể dẹp yên nguy cơ Ukraine hoặc đạt được một sự tiến bộ đáng kể nào đó trong vấn đề này, có thể tạo ra di sản chính trị cho Biden và giúp đảng Dân chủ trong tranh cử… Phía Mỹ muốn thông qua chuyến đi này của Cố vấn ANQG Sullivan chuyển tải tất cả những thông điệp này đến Trung Quốc, đặc biệt là đến cấp cao nhất, Tập Cận Bình.  Sullivan đã gặp Tập Cận Bình ngày 29/8, vào cuối chuyến đi. Trong cuộc gặp, hai bên đều khẳng định mong muốn xây dựng một quan hệ Trung – Mỹ được quản lý và ổn định. Tập Cận Bình nói với Sullivan, “mặc dù quan hệ Mỹ – Trung phát sinh những thay đổi lớn nhưng mục tiêu của Trung Quốc xây dựng một quan hệ Trung – Mỹ ổn định, lành mạnh, bền vững là không thay đổi”. Tập Cận Bình cho rằng, trong tình hình thế giới “thay đổi và hỗn loạn đan xen nhau” như hiện nay, các nước cần “đoàn kết hợp tác chứ không nên chia rẽ đối kháng, không nên đóng cửa và thụt lùi”.

Về phía Trung Quốc, cuộc gặp được tiến hành tại Bắc Kinh, với Vương Nghị là chủ và Sullivan là khách, càng cho thấy ưu thế chiến lược của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế nói chung và trong quan hệ Trung – Mỹ nói riêng. Thế giới sẽ hiểu rằng, Trung Quốc đang nắm thế chủ động trong tiến trình “quản lý cạnh tranh” Trung – Mỹ, dẫn dắt hướng đi của cặp quan hệ song phương quan trọng nhất trong thế giới đương đại. Và vì thế, tất nhiên Trung Quốc đón chờ cuộc “tiếp xúc chiến lược” mới này với tâm thái thoải mái, tự tin. Qua đây Trung Quốc càng củng cố ưu thế của mình để giao tiếp với chính quyền mới của Mỹ, bất luận là Kamala Harris hay Donald Trump.

Lần gặp này có một số ý nghĩa đáng chú ý: Một là, có thể coi đây là thành quả hợp tác mới nhất của hai bên sau nhận thức chung hai nguyên thủ tháng 11 năm ngoái tại San Francisco, mang ý nghĩa chỉ đạo đối thoại và hợp tác ở cấp làm việc giữa hai nước. Hơn nữa, đây có thể là cuộc “tiếp xúc chiến lược” cuối cùng qua kênh Sullivan – Vương Nghị dưới thời Biden, hai bên đều muốn gửi gắm cho nhau nhiều điều. Hai là, mặc dầu Biden còn tại nhiệm một thời gian nữa nhưng những gì mà Sullivan thể hiện lần này sẽ không hoàn toàn là tiếng nói của Biden mà còn mang dáng dấp của Harris, đại diện mới và là niềm hi vọng của đảng Dân chủ cầm quyền và không loại trừ “là tương lai của nước Mỹ”. Nếu trúng cử, Harris cơ bản vẫn theo phương hướng đường lối của Biden, nhất là trong thời gian đầu mới lên nhưng càng về sau sẽ càng thể hiện những sắc thái riêng của bà mà nhiều nhà bình luận cho rằng sẽ trung dung hơn, ôn hòa hơn và thực tế hơn trong quan hệ với Trung Quốc, nhất là trên lĩnh vực kinh tế thương mại. Ba là, so với các cuộc tiếp xúc chiến lược trước, lần này cuộc “tiếp xúc chiến lược” được thực hiện trên đất Trung Quốc, thời gian dài hơn (3 ngày), hai bên đã hội đàm trong 11 tiếng đồng hồ, phạm vi thảo luận không chỉ bao gồm các vấn đề mang tính chiến lược vĩ mô, mà còn bao gồm các vấn đề nhạy cảm cụ thể, tiếp xúc hai bên càng đi sâu toàn diện hơn. Sullivan còn có cuộc gặp riêng Trương Hựu Hiệp, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cho thấy hợp tác quân sự cũng là một nội dung quan trọng của cuộc “tiếp xúc chiến lược” lần này; hai bên đồng ý ngoài tiếp xúc cấp cao quân đội hai bên, sẽ thúc đẩy giao lưu ở cấp “Chiến khu”, một cơ chế có thể dự báo và tránh sự hiểu nhầm, phán đoán sai dẫn đến những hậu quả không đáng có giữa hai bên. Đây có thể được coi là một thành quả mới của hợp tác giữa hai quân đội.

Sau cuộc gặp, Dương Đào, Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ – châu Đại dương Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, Trung – Mỹ cần thực hiện “5 then chốt” có lợi cho việc hai bên “mở ra tương lai, tìm ra con đường chính xác hai nước có thể cùng chung sống”: “Then chốt” của quan hệ Trung – Mỹ là sự cầm lái dẫn đường của hai nguyên thủ; “Then chốt” của việc quan hệ Trung – Mỹ tránh được xung đột đối kháng là ở sự tôn trọng 3 thông cáo chung; “Then chốt” của việc triển khai thuận lợi giao lưu lẫn nhau là đối xử bình đẳng với nhau; “Then chốt” của quan hệ Trung – Mỹ có thể “đi ổn đi xa” là ở việc củng cố cơ sở dân ý; “Then chốt” để Trung – Mỹ có thể chung sống hòa bình là ở chỗ xác lập sự nhận biết chính xác về nhau.

Dương Đào còn cho biết, phía Trung Quốc đã vạch ra “4 lằn ranh đỏ” trong quan hệ Trung – Mỹ trên 4 lĩnh vực: vấn đề Đài Loan, về dân chủ nhân quyền, về con đường và chế độ, về quyền lợi phát triển của Trung Quốc. Dương Đào nhấn mạnh, “Đài Loan là ranh giới đỏ không thể vượt qua đầu tiên trong quan hệ Trung – Mỹ, chế độ chính trị và con đường phát triển của Trung Quốc là không thể thách thức, quyền lợi phát triển của nhân dân Trung Quốc không ai có thể cướp đoạt”. Dương Đào nói, một khi đụng phải những lằn ranh đó, nếu quan hệ Trung – Mỹ không trụ vững (chỉ cục diện mất kiểm soát), dù có xây dựng “lá chắn” cũng vô ích. Phía Trung Quốc đặc biệt kêu gọi Mỹ “biến những cam kết của Mỹ” về vấn đề Đài Loan thành “những hành động thực tế” và “ủng hộ Trung Quốc hòa bình thống nhất”. Những phát biểu này không có gì mới nhưng được phía Trung Quốc đưa ra trong cuộc “tiếp xúc chiến lược”, có thể là cuối cùng, như một lời nhắn nhủ đối với chính quyền Biden trong những tháng cầm quyền cuối cùng và đặc biệt là đối với Harris cũng như với chính quyền kế tiếp của Mỹ sau tháng 1/2025.

Vấn đề Đài Loan vẫn là một trong những “lằn ranh đỏ” đầu tiên không thể vượt qua trong quan hệ Trung – Mỹ. Hình ảnh lực lượng vũ trang Đài Loan tập trận tại Cao Hùng, tháng 1/2023. Ảnh: Annabelle Chih

Qua cuộc tiếp xúc chiến lược mới này, tuy lập trường hai bên về hầu hết các vấn đề cơ bản vẫn không thay đổi nhưng đã cho thấy một số bước tiến mới trong quan hệ hai nước: Hai bên đều nhấn mạnh quan hệ Mỹ – Trung là cặp quan hệ song phương quan trọng nhất, có ảnh hưởng lớn nhất đến cục diện thế giới và trật tự quốc tế, hai bên đều có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế; với tư cách là hai cường quốc kinh tế hàng đầu toàn cầu, lại là hai ủy viên thường trực HĐBA Liên hợp quốc, Trung – Mỹ có thể phát huy vai trò to lớn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Đây là một khẳng định có ý nghĩa đối với tương lai của quan hệ Mỹ – Trung và với quá trình làm dịu tình hình quốc tế. Các tuyên bố của hai bên sau cuộc gặp đều đánh giá tích cực cuộc gặp này. Tuyên bố của Nhà Trắng khẳng định: đây là một nỗ lực tiếp theo để bảo đảm sự tiếp xúc thông suốt và quản lý một cách có trách nhiệm quan hệ hai nước kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh San Francisco tháng 11/2023, là cuộc tiếp xúc “thẳng thắn, thực tế, mang tính xây dựng”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho rằng “hai bên đã thảo luận một cách thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng”. Tuyên bố của Trung Quốc còn cho rằng “tập hợp các bài học kinh nghiệm của quá trình lên xuống của quan hệ Trung – Mỹ, có lợi cho việc “mở ra tương lai, tìm ra con đường chính xác chung sống giữa hai nước lớn Trung – Mỹ”. Thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cho biết, trong cuộc gặp,  Vương Nghị đã giới thiệu tinh thần của HNTW3/khóa 20 với Sullivan, nhấn mạnh Hội nghị này là dấu mốc quan trọng mới của cải cách mở cửa Trung Quốc, “giúp cho bên ngoài hiểu tầm nhìn mới của Trung Quốc, tạo cơ hội mới cho các nước cùng phát triển”. Rõ ràng Trung Quốc muốn phía Mỹ hiểu thêm, hiểu đúng về xu hướng chính trị của Trung Quốc, giúp định hướng chính xác hơn hướng đi của quan hệ hai nước.

Sau cuộc gặp, Sullivan nói với “Thời báo Tài chính”, ông không ảo tưởng thông qua tiếp xúc chiến lược này để thuyết phục Trung Quốc thay đổi chính sách của Trung Quốc nhưng kênh tiếp xúc này cũng đã phát huy vai trò quan trọng giúp cải thiện quan hệ Trung – Mỹ. Sullivan bày tỏ, giữa Trung Quốc và Mỹ có bất đồng, có cạnh tranh, cũng có rất nhiều lĩnh vực cần hợp tác; đồng ý cần đối xử với nhau bằng phương thức bình đẳng, cạnh tranh cũng cần lành mạnh, công bằng. Mỹ không có ý thoát ly với Trung Quốc… Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng tồn tại hòa bình lâu dài trên trái đất này; mục tiêu chính sách của Mỹ là tìm kiếm các biện pháp để quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục phát triển. Mỹ sẵn sàng cùng Trung Quốc tiếp tục giữ vững tiếp xúc chiến lược, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giảm bớt hiểu lầm, phán đoán sai giữa hai nước. Lời lẽ là vậy nhưng quan trọng hơn là phải quan sát hành động thực tế của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc, cả trong những tháng cuối cùng của chính quyền Biden và chính quyền mới của Mỹ sau 20/1/2025.

Dư luận cũng cho rằng, sau cuộc gặp Biden – Tập Cận Bình tại  San Francisco tháng 11 năm ngoái, cuộc gặp Sullivan – Vương Nghị đã chứng tỏ rằng hai nước lớn đối địch này có thể quản lý bất đồng. Một cựu quan chức chính quyền Biden, hiện là thành viên của Hội đồng quan hệ Ngoại giao, đã từng tham dự 4 cuộc gặp trước đây của Sullivan và Vương Nghị, nói “đây là một kênh tiếp xúc chín muồi và rất thẳng thắn”.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu về Mỹ, Đại học Phúc Đán, Thượng Hải Ngô Tâm Bá cho rằng, cuộc tiếp xúc chiến lược này đúng vào lúc nhiệm kỳ của Biden sắp kết thúc, các nguy cơ của quan hệ Trung – Mỹ đang tích tụ, được coi là một cố gắng mới nhất của hai nước nhằm khôi phục sự cân bằng quan hệ hai nướcĐánh giá về đặc điểm chủ yếu và ý nghĩa quan trọng của cuộc “tiếp xúc chiến lược” này, Ngô Tâm Bá khẳng định: Vương Nghị và Sullivan đều là đại diện cho lãnh đạo cao cấp nhất của hai nước, tiếp xúc này mang tính quyền uy, không giống như các cuộc tiếp xúc cấp Bộ trưởng bình thường khác. Cuộc tiếp xúc này chủ yếu bàn về những vấn đề chiến lược, vĩ mô, quan trọng là ở chỗ tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và nhận thức chiến lược về nhau giữa hai quốc gia, không giới hạn trong những vấn đề cụ thể. Các nhận thức chung đạt được đều là kim chỉ nam cho việc xử lý quan hệ Trung – Mỹ trong một thời gian tiếp theo; Những nhận thức chung đó cũng được các cơ quan chính phủ hai bên thúc đẩy thực hiện.

Trong bối cảnh quan hệ Trung – Mỹ căng thẳng và tình hình khu vực phức tạp khó lường, cuộc “tiếp xúc chiến lược mới” này có thể sẽ giúp hai nước hiểu biết về nhau đầy đủ hơn, giảm thiểu hiểu lầm và mở rộng nhận thức chung hơn trên các vấn đề then chốt. Nếu cuộc “tiếp xúc chiến lược” mới này đạt được những thành quả mang tính cơ chế nhất định, sẽ giúp gia tăng “tính liên tục” trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và tính “hướng tới ổn định” trong quan hệ Trung – Mỹ, một định hướng mà chính quyền Biden muốn để lại cho chính quyền kế tiếp như là một di sản chính trị cũng rõ ràng hơn.

Cùng với những động thái gần đây của quan hệ Trung – Mỹ, nhất là qua cuộc “tiếp xúc chiến lược” mới trong bối cảnh sắp có sự chuyển giao quyền lực ở Mỹ, người ta có lý do để đặt câu hỏi, phải chăng Mỹ – Trung đang muốn thay đổi khuôn khổ quan hệ Mỹ – Trung, từ quan hệ “cạnh tranh là thường xuyên, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc” sang “quản lý cạnh tranh”, hợp tác cùng có lợi, đi đến chung sống hòa bình”? Từ “quản lý bất đồng” sang “quản lý cạnh tranh” (tức không chỉ quản lý bất đồng mà còn quản lý cạnh tranh và hợp tác, quản lý hướng đi của quan hệ hai nước). Và phải chăng, Trung – Mỹ đang để tâm đến việc giải quyết các vấn đề tồn tại giữa hai bên để tạo cơ sở hướng thế giới đi đến “cục diện hai cực mới” khi mà sức mạnh Trung – Mỹ đã vượt trội hơn hẳn phần còn lại của thế giới, với khoảng 50% GDP và tổng kim ngạch thương mại toàn cầu; cống hiến khoảng 80% cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chiếm khoảng 80% tổng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển toàn cầu?

Dù sao, cuộc “tiếp xúc chiến lược” mới lần này cũng là một bước tiến mới trong tiến trình “quản lý cạnh tranh” Trung – Mỹ, gia tăng hi vọng đưa quan hệ hai siêu cường “ngừng tụt dốc, đi đến ổn định”, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của toàn cầu.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC