Chúng ta đều biết rằng xung đột (nói giảm thay từ chiến tranh) đang ngày càng tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Trước hết phải nói đến xung đột hiện đang là tin tức nóng trên báo chí, xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza. Cuộc xung đột ngày càng có nguy cơ trở thành cuộc chiến ở Trung Đông. Bạo lực tăng lên ở Syria. Gần đây có những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đe doạ lực lượng Mỹ ở đó. Ngược dòng thời gian một chút, tháng Chín vừa qua chứng kiến Azerbaijan đánh chiếm Nagorno-Karabakh, châm ngòi cho xung đột với Armenia. Ở châu Phi, xung đột vẫn tiếp diễn ở Sudan, quay trở lại Ethiopia và tình hình Niger sau cuộc đảo chính tháng Bẩy vừa qua vẫn chứa đầy nguy cơ xảy ra xung đột.

Theo một nghiên cứu của Chương trình Dữ liệu về xung đột của Viện Nghiên cứu Hoà bình ở Oslo thì số lượng, mức độ khốc liệt và độ dài của xung đột hiện tại là lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Năm 2022 có 55 cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn, xung đột kéo dài trung bình khoảng 8 đến 11 năm. Con số này tăng từ 33 xung đột có độ dài trung bình là 7 năm cách đây một thập kỷ. Hai cuộc xung đột đang diễn ra ở châu Âu và Trung Đông đều cho thấy số người tử vong rất cao cũng như vũ khí được sử dụng là hiện đại. Ở Ukraine, cả Nga và Mỹ cũng như NATO hiện đang sử dụng những vũ khí tối tân nhất có thể có, trừ vũ khí hạt nhân.

Theo các nghiên cứu thì số lượng, mức độ khốc liệt và độ dài của xung đột hiện tại là lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Hình ảnh thành phố Gaza trong một cuộc không kích của Israel vào ngày 9/10/2023. Ảnh: Mahmud Hams/AFP

Tuy số lượng xung đột tăng, nhưng trong những năm vừa qua hầu như không có thoả thuận hoà bình qua trung gian quốc tế nào thành công. Tất cả những cố gắng của Liên hợp quốc ở Libya, Sudan và Yemen đều thất bại. Với cuộc hành quân của Nga ở Ukraine, lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai xung đột khốc liệt quay trở lại châu Âu sau gần 80 năm hoà bình và ổn định.

Cùng với xung đột tăng, tác động tới con người cũng lên đến mức kỷ lục. Theo cùng một nghiên cứu, trong năm 2022, có 204.000 người chết vì xung đột. Trong đó, xung đột có số người tử vong cao nhất là cuộc xung đột giữa chính phủ Ethiopia và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray, khiến hơn 100.000 người chết; xung đột Nga-Ukraine có số tử vong là 83.000 người. Một phần tư dân số thế giới, khoảng hai tỷ người phải chịu cảnh sống trong vùng xung đột. Số người chịu cảnh ly tán do xung đột là 114 triệu.

Theo Viện Kinh tế và Hoà bình (IEP) có trụ sở chính ở Sydney, Australia, trạng thái “hoà bình toàn cầu” đã giảm trong 9 năm liền, con số tử vong vì xung đột ở Syria đã cao hơn đỉnh cao năm 2014 khi cuộc chiến ở Syria đang ở giai đoạn khốc liệt nhất.

Tuy có giảm trong những năm từ 1990 đến 2007, tổng số xung đột trên toàn thế giới lại bắt đầu tăng từ năm 2010. Tổng số xung đột giữa các quốc gia và nội chiến cũng như con số tử vong do các cuộc xung đột này gây ra đang ở mức cao nhất kể từ năm 1984. Theo Liên hợp quốc thì số xung đột bạo lực trên toàn thế giới đang ở mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Không những thế, xung đột đã chấm dứt rồi nay lại ngày càng có khả năng tái bùng phát trong vòng một năm và con số xung đột bùng phát trở lại là khoảng 5 cuộc xung đột một năm.

Xung đột ngày càng phổ biến và ngày càng khó chấm dứt vì nhiều lý do. Một lý do là xung đột đang chuyển về chất. Chủ nghĩa cực đoan có vẻ như nguyên nhân chính dẫn đến xung đột ở Trung Đông, Tây Nam Á, châu Phi và ở một số khu vực ở Đông Nam Á, còn có yếu tố khác ngày càng quan trọng hơn đó là lợi ích của các nước, tham nhũng, chế độ độc tài, tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt và đời sống khổ cực của người dân. Xung đột trong những năm gần đây còn là kết quả của nhiều yếu tố như căng thẳng địa chính trị giữa các nước lớn, sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện thông tin đại chúng và tác động của các phương tiện này đối với dư luận, thái độ chán chường đối với xung đột đã dấn đến việc xuất hiện của các xung đột “mượn tay người khác”. Xung đột loại này xuất hiện ở châu Phi, Trung Đông, châu Á, châu Âu và Mỹ La-tinh và hầu như mọi xung đột đều có sự tham gia của các nước theo chế độ dân chủ hay tác nhân nhà nước khác tham gia.

IEP cũng đã phát triển chỉ số hoà bình toàn cầu, đánh giá từng nước trên thế giới theo 23 chỉ số ở ba phạm trù: “xung đột quốc tế và trong nước”; “an ninh và an toàn xã hội”; và “quân sự hoá”. Chỉ số này thể hiện hoà bình xã hội (thống kê tội phạm và số người tự tử trong một nước) và xung đột nội bộ và với nước khác. Tính chung toàn cầu, mức độ “hoà bình toàn cầu” đã giảm 0,42%.

Một xu hướng rõ nét nhất là xung đột ngày càng quốc tế hoá. Tính toàn cầu đã có 91 nước can dự vào xung đột, gần gấp đôi so với con số năm 2008 là 58. Điều này có thể là đáng ngạc nhiên với nhiều người trong chúng ta vì trên thực tế can thiệp quân sự đã giảm nhiều trong những năm vừa qua. Mỹ và các nước NATO cũng đã rút khỏi Iraq (21/10/2011) và Afghanistan (30/8/2021). Tuy vậy, Mỹ vẫn dính líu vào các cuộc xung đột khác, đặc biệt là tích cực tham gia vào cuộc chiến uỷ nhiệm ở Ukraine và xung đột Israel – Hamas.

“Chỉ số Hòa bình toàn cầu” năm 2023 của các quốc gia và khu vực trên thế giới theo xếp hạng của Viện Kinh tế và Hoà bình (IEP) vào tháng 6/2023. Nguồn: IEP

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các bên tham gia khó có thể thắng trong các cuộc xung đột hiện tại. Xung đột ở Yemen và Syria đã kéo dài 9 và 12 năm vẫn chưa thấy bên nào giành được thắng lợi.

Một nhà bình luận nói: “Ngay cả quân đội được trang bị tốt nhất trên thế giới cũng thấy khó có thể đánh bại dân địa phương vì họ không muốn bị xâm lấn và lại có đầy đủ nguồn lực”. Điều này là do vũ khí hiện đại và tinh vi luôn có thể có được và làm cho chiến tranh ngày càng kéo dài. Theo nhiều nguồn tin thì số máy bay không người lái của các tác nhân ngoài nhà nước đã tăng gấp đôi từ năm 2018 đến 2022 và số các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã tăng gấp ba cùng thời gian.

Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) cũng cho biết giá kinh tế phải trả cho xung đột là khoảng 17,5 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2022, bằng 12,9% GDP toàn cầu. Với các nước bị ảnh hưởng trực tiếp, tác động là rất lớn. Thí dụ như Ukraine phải chi 63% GDP cho cuộc xung đột với Nga. Theo IEP, xung đột đã làm cho GDP toàn cầu mất đi 13% mỗi năm.

Giá phải trả cho xung đột có thể xảy ra trong tương lai còn có thể lớn hơn nhiều. IEP đã ước tính rằng trong trường hợp Trung Quốc phong toả Đài Loan thì sản lượng toàn cầu sẽ giảm đi gấp đôi số lượng đã mất trong khủng hoảng tài chính-tiền tệ năm 2008-2009.

Trong các cuộc xung đột, chúng ta ngày càng thấy vai trò trung gian hoà giải của các nước và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, hầu như không còn. Ở nhiều xung đột, vai trò hoà giải đã được những tác nhân mới đảm nhận. Đó là các cường quốc bậc trung, tổ chức nhân đạo và các tác nhân khác thuộc khu vực tư nhân. Dễ thấy nhất là vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Một vấn đề nữa liên quan là viện trợ cho các bên xung đột. Trong hầu hết các cuộc xung đột, viện trợ nhân đạo đang trở thành một giải pháp để quản lý xung đột. Lấy Syria làm ví dụ, 12 năm sau khi xung đột xẩy ra, Liên hợp quốc vẫn đề nghị phải chi 4,81 tỷ đô la cho các chương trình trong nước và 5,7 tỷ cho các chương trình ngoài nước để hỗ trợ người tỵ nạn. Ở Sudan, Myanmar, yêu cầu về viện trợ của Liên hợp quốc cũng cao không kém. Tuy nhiên ở tất cả các nước này, người dân vẫn chịu cảnh chiến tranh và quá trình hoà bình lại không tồn tại. Bạo lực vẫn tiếp tục không giảm và người dân sống với khoản viện trợ nhỏ nhoi. Với số lượng xung đột tăng cao, chi phí cho viện trợ cũng tăng.

Các bên viện trợ không thể tiếp tục trả cho chi phí cho các cuộc xung đột ngày càng cao. Trong những năm 2012-2018, nhu cầu viện trợ tăng 10% mỗi năm. Tính đến năm 2022, 406 triệu người trên thế giới cần viện trợ nhân đạo, 87% trong số này sống ở khu vực có xung đột khốc liệt và 83% sống ở khu vực có khủng hoảng kéo dài.

Xung đột ngày càng trở nên phổ biến và khó chấm dứt vì nhiều lý do. Hình ảnh người tị nạn Sudan tràn sang nước láng giềng Chad kể từ khi chiến tranh bùng nổ ở Sudan hồi tháng 4/2023. Ảnh: NYT

Những tháng gần đây, do cuộc xung đột Nga-Ukraine ngày càng khốc liệt và kéo dài, lãnh đạo Nga và Mỹ đều đã nói đến Chiến tranh Thế giới thứ Ba. Tổng thống Nga Putin cho rằng NATO hiện đang chuẩn bị cho cuộc chiến tranh thế giới bằng cách xây dựng một liên minh kiểu Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Ông nói: “Hoa Kỳ đang làm gì? Họ đang thiết lập thêm liên minh. Việc này làm cho các nhà phân tích phương Tây cho rằng hoa Kỳ đang thành lập một liên minh kiểu Chiến tranh Thế giới thứ hai”. Trong khi đó D. Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga, lại cảnh báo rằng việc NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ làm tăng nguy cơ Chiến tranh Thế giới thứ Ba.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng “Hoa Kỳ đang ở gần Chiến tranh Thế giới Thứ Ba hơn bao giờ hết”. Nhiều nhà phân tích cũng đồng ý như vậy. Dù sao chăng nữa, tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ đổ thêm dầu vào lửa. Cho đến nay Hoa Kỳ và NATO đã cung cấp gần như mọi loại vũ khí theo yêu cầu của Ukraine. Nhiều nhà phân tích cho rằng không thể loại trừ khả năng cuộc chiến giữa Israel và Hamas sẽ lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông và có nguy cơ trở thành chiến tranh thế giới. Chưa nói đến căng thẳng địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về Đài Loan. Đây cũng là điều chúng ta không thể loại trừ.

Chiến tranh Thế giới thứ Ba nếu xảy ra sẽ đẩy cường độ, sự khốc liệt và tàn phá lên mức cao nhất từ trước đến nay vì vũ khí hiện có mang tính huỷ diệt và sát thương cao.

Với chúng ta, những người yêu chuộng hoà bình và đã từng trải qua nỗi đau buồn của chiến tranh, vấn đề là phải ngăn chặn không cho các căng thẳng địa chính trị lan rộng thành Chiến tranh Thế giới Thứ Ba, giết dân thường và tàn phá đất nước.

Xung đột, đặc biệt là chiến tranh, là thảm hoạ và gây đảo lộn về xã hội. Chúng ta cần nghiên cứu về chiến tranh để có thể hiểu được về nguồn gốc của thảm cảnh chiến tranh và từ đó ngăn cản không cho chiến tranh xảy ra bằng mọi cách để thế giới có thể có hoà bình lâu dài và bền vững. Điều này phải là mục tiêu ngắn hạn cũng như dài hạn của toàn nhân loại.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC