Bước sang năm 2024, cuộc tranh giành ảnh hưởng địa chính trị giữa phương Tây do Mỹ lãnh đạo với khối Nam Bán cầu do Nga và Trung Quốc dẫn dắt rất quyết liệt, thể hiện trên nhiều mặt trận. Hai bên đều hướng tới tranh giành ảnh hưởng địa chính trị ở các châu lục.
Các nước phương Tây đang tiếp tục củng cố liên minh ở châu Âu, đặc biệt mở rộng NATO lên Bắc Âu, triển khai quân sự sát biên giới Nga, hướng vào việc coi Nga là đối tượng thù địch. Suốt từ năm 2022 tới nay, phương Tây liên tục thổi phồng và kích động mối đe doạ từ Nga, châm ngòi lửa chiến tranh giữa Nga và Ukraine, rộng hơn là giữa Nga và châu Âu.
Trong cuộc họp của NATO từ ngày 9 tới ngày 11/7 tại Washington, phương Tây đã thống nhất phải mở rộng NATO ra các châu lục, thống nhất lập uỷ ban để thực hiện chủ trương này, trong đó có việc thiết lập văn phòng NATO ở Trung Đông, châu Phi và châu Á – Thái Bình Dương. Thực tế, ngay sau cuộc họp, Tổng Thư ký NATO đã gặp gỡ Quốc vương và Tổng thống Jordan để thảo luận việc lập văn phòng NATO tại nước này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Edorgan đã phản ứng mạnh mẽ sự triển khai của NATO ở Trung Đông, cho rằng việc NATO hợp tác với Israel là mối đe doạ đối an ninh ở Trung Đông. Gần đây, xuất hiện nhiều thông tin về sự có mặt của Anh, Đức ở Nhật Bản, Phillippines, các nhà bình luận cho rằng đó là bước đi đầu tiên của NATO phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi thành lập mang tính chất phòng thủ chung, nhưng trải qua 75 năm, đã không còn ở trạng thái ban đầu, không giới hạn ở khu vực Bắc Đại Tây Dương nữa mà đang triển khai vượt quá khu vực này, mang tính chất toàn cầu, không chỉ phòng thủ mà có ý đồ tấn công, mục đích là đối trọng với các cường quốc mới như Trung Quốc, Nga và các nước đang trỗi dậy như Iran, Bắc Triều Tiên. Trước đó, tổ chức này đã khơi mào cuộc chiến ở Nam Tư và đặc biệt là tham gia tích cực vào cuộc chiến ở Ukraine. Đó thực sự là cỗ máy chiến tranh. Việc tăng cường sự có mặt của NATO ở các khu vực trên thế giới không nhằm mục đích hoà bình mà rõ ràng là triển khai cỗ máy chiến tranh trên toàn cầu.
Đối trọng với phương Tây và NATO là BRICS và CSTO do Nga và Trung Quốc dẫn dắt. Dựa trên nền tảng đánh giá sự đe doạ an ninh toàn cầu xuất phát từ Mỹ và phương Tây, các tổ chức này đều nhận định để thực hiện vai trò bá chủ của mình, NATO là công cụ để thực hiện mục tiêu. Các cường quốc như Nga và Trung Quốc phải có các nỗ lực đối trọng, đang nỗ lực mở rộng CSTO, đồng thời cũng mở rộng tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO thành liên minh quân sự Á – Âu. Họ đã tuyên bố trong cuộc họp cấp cao vào tháng 7 sự chuyển đổi từ mục tiêu chống khủng bố trở thành một tổ chức an ninh, với hoạt động thực tế là liên kết với các quốc gia thành viên, đẩy mạnh hợp tác song phương, hợp tác mạnh hơn với các tổ chức lập ra sau Chiến tranh lạnh như CSTO, phát triển mạnh liên minh Á – Âu, liên kết kinh tế Á – Âu. Nga đang nỗ lực đưa các quốc gia thuộc cộng đồng các quốc gia độc lập vào trong SCO, thoả thuận thống nhất bảo vệ nhau trong trường hợp bị tấn công giống như điểm 5 trong Hiệp ước của NATO. Nga cũng đang thảo luận việc hợp tác với các quốc gia EU và NATO. Biểu hiện rõ nhất là Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO lại xuất hiện trong cuộc họp của khối SCO. Tổng thống Edorgan nói Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành thành viên thường trực của SCO, trọng khi đây thực chất là khối để đối trọng với sự khuynh loát của NATO trên toàn cầu hiện nay. Như vậy, cuộc đối đầu giữa hai khối này đã mở rộng ra toàn cầu, nguy cơ xảy ra xung đột về quân sự, an ninh, kinh tế, chính trị sẽ rất quyết liệt trong tương lai.
Trên lĩnh vực kinh tế, đối đầu cũng mạnh mẽ và khốc liệt không kém. Mỹ và phương Tây đã áp dụng hàng chục ngàn lệnh trừng phạt đối với Nga. Trước đó, Mỹ dưới thời Tổng thống Trump cũng đã áp nhiều trừng phạt với Trung Quốc và đang xem xét tiếp tục trừng phạt do mối quan hệ với Nga. Đáp lại, khối BRICS đã công bố phương thức phi đôla hoá, thúc đẩy thanh toán bằng đồng tiền nội tệ với mục tiêu đánh sập vai trò bá chủ của Mỹ, giáng đòn mạnh vào nỗ lực chi phối tiền tệ của nước này. Cuộc cạnh tranh ngầm về kinh tế đang căng thẳng trong khi cuộc đấu tranh công nghệ cũng diễn ra rất quyết liệt giữa Trung Quốc và Mỹ, trong đó Mỹ tiến hành trừng phạt nhiều công ty của Trung Quốc, cấm xuất khẩu cho nước này nhiều thiết bị linh kiện công nghệ quan trọng, áp thuế cao trong lĩnh vực xe điện. Các hoạt động trừng phạt và kiềm chế lẫn nhau về mặt kinh tế giữa hai nước vẫn đang tiếp tục và sẽ bùng mạnh nếu ứng cử viên Trump trúng cử Tổng thống Hoa Kỳ tháng 11 tới, khi đó cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tiếp tục và quyết liệt.
Nhìn tổng quát, sự triển khai của cả hai khối đều đi đến đối đầu và chiến tranh. Tình trạng chung của thế giới hiện nay là quay lại chạy đua vũ trang. Mỹ cũng đã đưa hệ thống tên lửa đến nhiều nước châu Âu và châu Á. Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên, Iran cũng đang phối hợp để mở rộng mạng lưới quân sự, đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân trong những trường hợp sự tồn vong quốc gia bị thách thức.
Cuộc chiến ở Ukraine không hề có dấu hiệu chững lại mà đang mở rộng sang cả lãnh thổ Nga. Ukraine dưới sự yểm trợ vũ khí của phương Tây đã đột kích sâu vào biên giới Nga, chiếm giữ nhiều khu định cư với mục tiêu tăng sức mạnh mặc cả trên bàn đàm phán với Nga trong tương lai. Đây là những diễn biến nguy hiểm, thêm một lần nữa vượt làn ranh đỏ an ninh mà Nga đã vạch ra, đẩy nguy cơ chiến tranh huỷ diệt lên một bước cao hơn. Nguy cơ này không chỉ giới hạn ở châu Âu nữa mà đã lan sang Trung Đông. Xung đột Israel – Palestine không có dấu hiệu chững lại mà đã trở thành cuộc chiến khu vực khi Israel liên tục ám sát các lãnh đạo cao nhất của Hamas và Hezbollah, cũng như tiếp tục cuộc chiến tàn khốc gây thiệt hại to lớn về sinh mạng dân thường ở Gaza. Việc ám sát lãnh tụ Hamas ngay tại thủ đô Iran do Israel gây ra khiến Iran tuyên bố sẽ trừng phạt trả đũa, đẩy khu vực một lần nữa trên bờ vực chiến tranh toàn diện, giữa một bên là Israel hỗ trợ bởi Hoa Kỳ còn bên kia là Iran và các phong trào Hồi giáo ở Trung Đông. Cả hai phía hiện chỉ chờ ngày nổ súng.
Nhìn tổng thể, cuộc chiến tranh nóng ở cả Trung Đông và Ukraine vẫn diễn ra hết sức căng thẳng, cả hai bên đều muốn chiến thắng bằng quân sự. Mỹ vẫn không ngừng viện trợ khí tài cho cả Ukraine và Israel để duy trì hai cuộc chiến này. Chiến tranh đã đẩy trật tự toàn cầu rối loạn hơn nữa, và kinh tế thế giới đi vào suy thoái trên diện rộng.
Ở châu Á – Thái Bình Dương, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc, Nga với Mỹ và các nước đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tiếp diễn theo xu hướng có khả năng leo thang đối đầu vũ trang với điểm nóng là Đài Loan và Triều Tiên.
Chiến tranh và cạnh tranh chiến lược của các cường quốc đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu. Các vấn đề xã hội, vấn đề nhập cư, vấn đề đời sống, vấn đề tôn giáo đang châm ngòi cho các cuộc biểu tình, bạo loạn ở Anh, Pháp, Đức, Serbia, Amernia (châu Âu); Venezuela, Puerto Rico, Argentina (châu Mỹ Latin), các cuộc đảo chính ở Mali, Nigeria (châu Phi) và Myanmar, Bangladesh (châu Á). Ở các quốc gia châu Âu như Hungary, Slovakia, việc phản đối chính sách cấm vận với Nga, không chấp nhận viện trợ cho Ukraine, có thể khiến những nước này chịu trừng phạt của EU, thậm chí dẫn tới đảo chính, cách mạng màu, ám sát như đã từng xảy ra ở Mỹ và các nước phương Tây gần đây.
Như vậy, tổng kết lại có thế thấy trong năm 2023 và những tháng đã qua của 2024, có thể thấy:
Thứ nhất, quan hệ quốc tế mang đặc trưng chiến tranh và xung đột. Mỹ và châu Âu coi Ukraine như đội quân xung kích làm suy yếu Nga, tính toán này không có điểm dừng, thậm chí đã tấn công lãnh thổ Nga. Ở Trung Đông, cuộc chiến tranh có thể nổ ra bất kỳ lúc nào với mức độ khốc liệt không kém. Ở cả hai điểm nóng này đều không thấy có dấu hiệu đàm phán mà chỉ thấy những diễn tiến căng thẳng hơn.
Thứ hai, cuộc chiến tranh nóng ở nhiều nơi thực chất là sự đối đầu giữa các cường quốc. Chiến tranh và mất ổn định xuất phát từ tính toán của các nước lớn, từ các hoạt động của Mỹ nhằm giành lại vị thế bá chủ trong bối cảnh nhiều nước đang hướng vào thế giới đa cực do Nga và Trung Quốc dẫn đầu. Với tính chất như vậy, 2024 và những năm tiếp tới sẽ tiếp tục chứng kiến chiến tranh và bạo loạn chính trị diễn ra chưa từng có.
Thứ ba, chiến tranh đã đẩy kinh tế thế giới vào sụt giảm, đặc biệt ở châu Âu và Mỹ khiến những cuộc biểu tình nổ ra ngày càng nhiều. Một số cuộc Cách mạng và bạo loạn đã diễn ra ở nhiều nước dẫn tới thay đổi chính thể. Kinh tế toàn cầu có thể lâm vào khủng hoảng toàn diện và nghiêm trọng nếu chiến tranh bùng lên ở Trung Đông.
Thế giới dường như đang bước vào một thời kỳ bất ổn hơn khi các bên chỉ tính toán giải quyết bằng quân sự, chạy đua vũ trang không có điểm dừng, tìm cách loại bỏ, làm suy yếu và trừng phạt nhau. Thậm chí đối với nhiều cường quốc đặc biệt là Mỹ, nuôi chiến tranh còn có lợi về cả kinh tế và chính trị. Với bối cảnh như vậy, xung đột quân sự còn kéo dài và có thể khẳng định, thế giới chưa thể có hoà bình trong thời gian trước mắt.■