Sau bước ngoặt Đổi Mới năm 1986, đất nước bước vào giai đoạn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những năm 1988 – 1989, ở Hà Nội đã xuất hiện những trường tư thục đầu tiên, hoạt động song song với các trường công lập của Nhà nước. Tại thành phố Hồ Chí Minh, trường tư cũng xuất hiện cách đây khoảng hơn 20 năm. Theo quy định bấy giờ, trường tư được gọi là trường dân lập, trường ngoài công lập hoặc tư thục. Từ đó đến nay, hệ thống trường dân lập đã và đang phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng giáo dục, mang lại những tác động không nhỏ đối với xã hội. Một trong những vai trò lớn nhất của việc hình thành hai hệ thống trường công – trường tư là việc đa dạng hoá, tự do hoá các mô hình giáo dục theo nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Trường tư ra đời giúp giảm gánh nặng quá tải cho các trường công, đồng thời giúp học sinh có thêm nhiều lựa chọn trên con đường học tập và chinh phục tri thức, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, mặt trái của sự phân luồng hệ thống trường học công lập và tư thục ở nước ta hiện nay chính là tình trạng bất bình đẳng giáo dục đã và đang tồn tại như một hệ quả tất yếu. Đã đến lúc chúng ta cần tìm rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm khắc phục vấn đề này một cách hiệu quả, nhanh chóng.

Trên thực tế, sự phân chia hệ thống công – tư tồn tại ở tất cả các cấp học từ mầm non, tiểu học tới trung học, đại học và sau đại học. Đa số các bậc phụ huynh có con ở lứa tuổi đến trường, thuộc cấp mẫu giáo hay tiểu học đều mong muốn con em mình vào được trường công. Đây là tâm lý của phần lớn người dân nước ta, đến từ các gia đình có thu nhập thấp hoặc trung bình tại các khu dân cư trên khắp cả nước. Vậy tại sao người dân lại có tâm lý và nguyện vọng như vậy? Trước hết, cần phân tích điểm khác biệt giữa trường công và trường tư để có được câu trả lời xác đáng.

Về tuyển sinh đầu vào, hầu hết các trường công đều yêu cầu học sinh tham gia thi tuyển do số lượng tuyển sinh hạn chế, rất ít trường thực hiện phương thức xét tuyển hoặc chỉ xét tuyển một phần với những trường hợp đặc biệt. Ngược lại, trường tư là một hệ thống mở, điều kiện tuyển sinh dễ dàng hơn, học sinh thường không phải tham gia các kì thi tuyển đầu vào có tính cạnh tranh cao như trường công. Nói cách khác, trường tư có thể được xem là nơi tiếp nhận các học sinh không trúng tuyển vào hệ thống công lập hoặc có nhu cầu theo đuổi các chương trình giáo dục ngoài công lập.

Về cơ sở vật chất, trường công hoạt động dựa trên ngân sách Nhà nước; trường tư do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng vốn đầu tư để xây dựng lên. Do đó, trường tư thường sở hữu hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, khang trang hơn so với trường công.

Một số ngôi trường công được xây dựng từ lâu đã có dấu hiệu xuống cấp về cơ sở hạ tầng. Ảnh minh họa: Trường Tiểu học Phù Đổng (cơ sở 1) ở thành phố Đà Nẵng. Nguồn: VnExpress

Về chương trình giảng dạy, hệ thống trường công lập giảng dạy theo chương trình chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Trong khi đó, trường tư được phép cải tiến, tổ chức các chương trình học đa dạng, phù hợp với nhu cầu của người học, trong khuôn khổ được Bộ Giáo dục cho phép. Hiện nay, nhiều trường tư thục tại các thành phố lớn có tổ chức những chương trình liên kết quốc tế, dành cho học sinh có định hướng du học sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Về chất lượng giảng dạy, đội ngũ giáo viên của trường công thường là những thầy cô có nhiều kinh nghiệm, công tác lâu năm và thuộc biên chế Nhà nước. Ngược lại, giáo viên trường tư thường là những giáo viên trẻ, thâm niên công tác chưa cao; song họ lại sở hữu một tinh thần năng động, nhạy bén, nhanh chóng cập nhật và bắt kịp được các xu hướng giáo dục hiện đại. Về học phí, khối trường công lập thu học phí theo mức quy định của Nhà nước và được hưởng nguồn ngân sách hỗ trợ nên mức học phí thường thấp hơn rất nhiều so với trường tư. Ngược lại, trường tư là sản phẩm của nền kinh tế thị trường, được xem như một mảnh đất “màu mỡ” cho “kinh doanh giáo dục” với chi phí đầu tư lớn, kéo theo mức thu học phí cũng không hề nhỏ.

Nhìn vào những yếu tố nêu trên, dễ nhận thấy, trường công là môi trường lý tưởng cho những gia đình có thu nhập thấp, trong khi các gia đình có điều kiện hoàn toàn có thể lựa chọn cho con em mình học tập ở trường công hoặc trường tư, tuỳ thuộc vào mục đích, nhu cầu giáo dục của mỗi em.

Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, đã và đang tồn tại một nghịch lý, đặc biệt là ở các thành phố lớn: Đối tượng ưu tiên của giáo dục công lập và tư thục vô hình trung lại là học sinh đến từ những gia đình có thu nhập trung bình đến cao, thay vì những em có hoàn cảnh khó khăn. Bởi lẽ, để được học ở các trường công lập, học sinh phải tham gia kì thi tuyển sinh đầu vào rất gắt gao, thậm chí phải tranh giành nhau các “suất” vào trường công ngay từ cấp mẫu giáo, tiểu học. Trước sự cạnh tranh ấy, chỉ những gia đình có điều kiện mới có thể cho con em mình đi học thêm để vượt qua bài thi đầu vào. Thậm chí những trường hợp phụ huynh sử dụng mối quan hệ, chạy chọt để con em mình vào được các trường công lập tốt cũng không hề hiếm.

Điều này hình thành nên một tình trạng bất bình đẳng: Trong khi những gia đình thu nhập cao, đủ điều kiện cho con em mình học tập ở cả trường công lẫn trường tư, thì hai cánh cửa ấy dường như đều rất hẹp với các em học sinh đến từ những gia đình có thu nhập thấp. Nói cách khác, cả hai hệ thống nhà trường này vô hình trung trở thành nơi chào đón những học sinh có điều kiện kinh tế hơn là những em có hoàn cảnh khó khăn – những học sinh vốn cần sự quan tâm đặc biệt của toàn ngành giáo dục. Khi trường công thì cạnh tranh còn trường tư lại có mức học phí cao ngất ngưởng, nhóm học sinh này rất khó tiếp cận được với hệ thống giáo dục quốc gia, dù là ở hình thức nào. Không trúng tuyển vào khối trường công lập, cũng không đủ khả năng chi trả học phí trường tư, các em sẽ phải đối mặt với nguy cơ không được đi học. Đây chính là hệ quả lớn nhất nếu những bất cập trong giáo dục hiện nay không sớm được giải quyết thoả đáng.

Ở một xã hội ưu việt, lẽ ra học sinh, bất kể giàu – nghèo, đều cần phải được hưởng các quyền như nhau, trong đó có quyền được học tập. Vậy mà cơ chế giáo dục tự nhiên phân chia công lập – tư thục như hiện nay với cách chọn đầu vào lại đang tạo ra sự bất bình đẳng rất rõ trong xã hội, về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới thế hệ tương lai của đất nước.

Trên thực tế, từ các cấp lãnh đạo cho đến các chuyên gia đều đã nhìn ra nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng trên là sự thiếu hụt một lượng lớn các trường công lập phục vụ cho nhu cầu học tập của học sinh đến tuổi đi học, đặc biệt là ở các thành phố lớn, có mật độ dân cư cao. Tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động học tập của học sinh nói riêng và chất lượng của toàn bộ hệ thống giáo dục nói chung. Đây không phải là vấn đề mới mà đã tồn tại từ nhiều năm nay. Hẳn chúng ta không thể quên hình ảnh hàng trăm phụ huynh xô đổ cổng trường THCS Thực nghiệm (Hà Nội) để nộp hồ sơ xin cho con vào lớp 1 năm học 2012 – 2013. Mười năm sau đó, phụ huynh học sinh mầm non tại quận Hoàng Mai, Hà Nội còn phải tham gia bốc thăm để con em mình có chỗ học trong trường công lập. Hiện tượng học sinh tiểu học phải ngồi tới 48 em mỗi lớp, vượt xa so với quy chuẩn của ngành giáo dục (không quá 35 em/lớp) cũng không còn quá hiếm. Kết quả đợt khảo sát công tác triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023 của Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy, tình trạng quá tải học sinh ở trường học tại các khu đô thị mới, địa bàn đông dân cư đang ở mức báo động.

Về cơ bản, ngay từ sau khi đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước ta đã tạo điều kiện cho học sinh được đi học với mức học phí rất thấp tại các trường công lập, đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ giáo viên; tuy nhiên những nỗ lực ấy cho đến nay dường như vẫn chưa tương xứng với kì vọng về một nền giáo dục “làm quốc sách hàng đầu” của đất nước. Trong 10 năm 2011 – 2020, mức đầu tư cho giáo dục đạt hơn 18% tổng chi ngân sách Nhà nước, tương đương 4,9% GDP. Con số này mặc dù cao hơn nhiều nước trong khu vực; song nhìn vào thực trạng hiện nay, có thể thấy chúng ta vẫn cần làm nhiều hơn nữa để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa trường công và trường tư, sao cho tất cả các học sinh đều được đi học và học tập với chi phí phù hợp đối với người dân nước ta.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tuy các nghị quyết đã đặt ra là rất cấp thiết song nhiều dự án xây dựng trường học trên thực tế không được chú trọng đúng mức mà luôn ở vào tình trạng đang quy hoạch hoặc chậm tiến độ thi công. Các chủ đầu tư xây trường tư thục ở khu đất của các dự án xây dựng khu dân cư, trong khi trường công không hề được xây mới hoặc mở rộng do không có đất, không nằm trong quy hoạch của cấp chính quyền hoặc ngành chức năng. Tình trạng này đã kéo dài suốt nhiều năm liền trên khắp các thành phố lớn của cả nước, song không được các địa phương xem xét, tháo gỡ, giải quyết triệt để, khiến các em học sinh, đặc biệt là các em ở độ tuổi mầm non, tiểu học, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống trường công. Mặc dù Nhà nước đầu tư rất nhiều cho giáo dục, song các tỉnh, thành phố lại vẫn loay hoay giải quyết bài toán quy hoạch trường học. Kết quả cho thấy chỉ dừng ở các giải pháp cải cách giáo dục của ngành chức năng.

Các phụ huynh học sinh tại trường Mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội phải tham gia cuộc bốc thăm may rủi để quyết định “suất học” của con mình tại trường trong năm học 2022 – 2023, ngày 27/8/2022. Ảnh: Bảo An – Đại Minh

Ở đây, trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu chính quyền tỉnh, thành phố và ngành giáo dục. Mỗi bên cần phân định rõ trách nhiệm cụ thể, phải trả lời trước câu hỏi tại sao có đất xây các khu chung cư nhưng lại không có đất để xây trường học. Có ý kiến của ngành giáo dục cho rằng “có tiền để xây trường nhưng không có đất”, trong khi việc quy hoạch trường học và quyền cấp đất lại thuộc về chính quyền tỉnh và thành phố.

Bên cạnh việc xây trường, bổ sung lớp học; khối trường công hiện nay cũng cần phải điều chỉnh và thống nhất cơ chế tuyển sinh sao cho tất cả học sinh đều có cơ hội được đến trường như nhau, đặc biệt là ở bậc mầm non, tiểu học. Có thể nói, giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học là hai cấp học không đòi hỏi trình độ đầu vào, cũng là các cấp học thuộc ưu tiên phổ cập giáo dục của Nhà nước, nên chúng ta cần tạo điều kiện học tập tối đa cho tất cả các cháu thuộc hai cấp học này thay vì đặt ra những kì thi đầu vào như đối với khối trường mẫu giáo công lập hiện nay. Thật là một tín hiệu đáng mừng khi nước ta hiện nay vẫn có nhiều trẻ em đang trong độ tuổi đi học. Điều đó chứng tỏ dân số nước ta vẫn đang tăng trưởng tốt, không giống với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc phải đóng cửa nhiều trường học vì lứa tuổi mầm non giảm nhiều qua từng năm, không có đủ học sinh đi học. Bởi vậy, các tiêu chuẩn đầu vào cần giảm tải tối đa để tất cả học sinh đều có thể tiếp cận được hệ thống trường công, đều nhận được sự đối xử công bằng trong môi trường giáo dục, hơn nữa nó còn thể hiện sự ưu việt của chế độ ta.

Nhiều địa phương hiện nay vẫn chưa thực sự kiểm soát, điều tiết được nhân sự trong ngành giáo dục, dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu giáo viên. Có tỉnh nhiều giáo viên bị cắt hợp đồng, giảm biên chế; trong khi tỉnh khác lại thiếu giáo viên đứng lớp. Bất chấp sĩ số học sinh vẫn tăng đều và có xu hướng quá tải ở một số khu đông dân cư, một lượng lớn sinh viên ra trường vẫn phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Những nghịch lý này đã gây nhức nhối dư luận trong thời gian qua; đòi hỏi các địa phương phải tích cực vào cuộc, phối hợp rà soát để điều tiết nguồn nhân lực giáo dục sao cho hiệu quả. Chính quyền và ngành chức năng phải giải đáp câu hỏi rằng đã làm gì để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Ai cũng biết rằng nước ta vẫn có hàng vạn sinh viên sư phạm tốt nghiệp đại học mà không xin được việc làm. Đây là nguồn nhân lực quan trọng bổ sung cho đội ngũ giáo viên nếu biết vận hành đúng. Ngành giáo dục cần có giải pháp cụ thể để sớm đảm bảo có đủ giáo viên đứng lớp, giảng dạy cho tất cả các em học sinh ở các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh, thành phố; ở cả trường công lẫn trường tư.

Các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp cũng cần tham gia tích cực vào công tác từ thiện, hỗ trợ học sinh nghèo dưới nhiều hình thức thay vì chỉ tập trung đầu tư, kinh doanh các dịch vụ thu lợi trong lĩnh vực giáo dục. Cần lập một quỹ giáo dục ở mỗi địa phương như đã lập ở một số lĩnh vực để giảm thiểu gánh nặng ngân sách, đồng thời hỗ trợ tối đa cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đi học. Ngoài ra, mức học phí tại các cơ sở đào tạo tư thục cần phải được kiểm soát chặt chẽ và điều chỉnh ở mức phù hợp, tránh đẩy lên quá cao, làm gia tăng bất bình đẳng giáo dục và làm giảm cơ hội học tập của con em các gia đình thu nhập thấp.

Khối trường tư cũng không nên đưa ra các chương trình quảng cáo rùm beng, tạo thành các diễn ngôn truyền thông có tính phân biệt, mà cần chung tay xây dựng một môi trường giáo dục hài hoà, bình đẳng về cơ hội học tập cho tất cả các học sinh. Về vấn đề này, Nhà nước cũng nên chi tiết hoá các quy định kiểm soát tuyển sinh tại trường tư, nhằm hạn chế và đẩy lùi tình trạng quảng cáo sai sự thật, thậm chí lừa đảo của một số đơn vị đào tạo kém chất lượng, không an toàn, nhất là ở các trường mầm non.

Học sinh học và thực hành môn Khoa học theo chương trình Cambridge với 100% giáo viên nước ngoài tại hệ thống giáo dục tư thục IGC. Ảnh: Tập đoàn Giáo dục ICG

Ngoài ra, cần giải thích, tuyên truyền một cách công khai, rộng rãi đến phụ huynh, học sinh và toàn thể xã hội  nhằm xoá bỏ các định kiến phân biệt trường công – trường tư như hiện nay. Từ đó, hai hệ thống này mới thực sự hoạt động hiệu quả, hỗ trợ lẫn nhau để phục vụ nhu cầu học tập của tất cả các học sinh trên cả nước. Về lâu dài, cả trường công lẫn trường tư đều có thể hoạt động với quy mô, chất lượng, hướng tới tạo nên hệ thống đào tạo nguồn nhân lực mạnh mẽ của quốc gia.

Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, tình trạng phân biệt trường công – trường tư đi kèm với bất bình đẳng giáo dục đã và đang trở nên ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Giải pháp cho vấn đề này chính là sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của chính quyền các tỉnh, thành phố, các cơ quan chức năng địa phương trong việc tháo gỡ vướng mắc quy hoạch, đặt ưu tiên xây trường lên hàng đầu; kết hợp với việc kiểm soát, phân bổ nhân lực giáo dục và xây dựng quy chế tuyển sinh đầu vào hợp lý cho từng cấp học. Bên cạnh đó, các chương trình xã hội hoá giáo dục, truyền thông hoạt động tích cực cũng sẽ góp phần thức tỉnh nhận thức về giáo dục, đào tạo, hướng tới xoá bỏ mọi tiêu cực giữa hai hệ thống. Đạt được mục tiêu này, cũng chính là đưa giáo dục trở thành “quốc sách hàng đầu” của Việt Nam trên con đường phát triển cường thịnh.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC