Chiến thuyền của vùng Viễn Đông từ năm 202 TCN đến năm 1419 (Kỳ 2)

Tạp chí Phương Đông tiếp tục trích dịch giới thiệu tới độc giả cuốn sách “Chiến thuyền của vùng Viễn Đông”, Tập 1: Trung Quốc và Đông Nam Á từ năm 202 trước Công nguyên (TCN) đến năm 1419, của sử gia Anh nổi tiếng Stephen Turnbull.

Kỳ 2: Chiến thuyền Trung Hoa qua một số hình minh họa

Hạm đội Chiến đấu trên sông của triều đại Tiền Hán (hay Tây Hán) bị tấn công bởi hỏa thuyền của quân nổi dậy, năm 200 trước Công nguyên

Nhà Tiền Hán (hay Tây Hán) tiếp quản triều đại nhà Tần vào năm 200 TCN. Ở đây chúng ta thấy hạm đội chiến đấu trên sông của họ đang bị tấn công từ những kẻ nổi dậy đã thả các hỏa thuyền thô sơ xuống sông về phía họ. Phần lớn chi tiết của các thuyền chiến nhà Hán chỉ là phỏng đoán, vì chỉ có những hình ảnh minh họa thô sơ còn sót lại, vì vậy chúng phải được bổ sung bằng các mô tả của nhân chứng. Những con thuyền lớn nhiều tầng có khả năng được đóng như những chiếc bè gắn trên hai thân tàu đáy phẳng tương tự như một chiếc tàu hai thân (catamaran) vụng về, với những sàn boong nhiều tầng rất đơn giản có kích thước giảm dần giống như một chiếc bánh ga-tô nhiều tầng. Có những bức tường thành đơn giản bao quanh tầng boong thấp hơn của con thuyền, được lặp lại ở các tầng trên. Người chỉ huy đứng kiêu hãnh và kiên cường ở đầu mũi thuyền. Ở tháp trên cùng của con thuyền, một tay trống cổ động mọi người hành động, một màn trình diễn sức mạnh được bổ sung bởi vô số lá cờ đang phất bay. Vũ khí tấn công của con thuyền là những chiếc cung (nỏ) cầm tay.

Bên cạnh những chiếc tàu lớn là những chiếc thuyền nhỏ hơn và đơn giản hơn. Chiếc lớn nhất trong số này dựa trên mô hình bằng gỗ của một chiếc thuyền trên sông được tìm thấy trong lăng mộ của một hoàng tử, đã cung cấp những manh mối quan trọng về sự xuất hiện của một chiếc thuyền chiến đơn giản của triều đại nhà Hán. Nó là một chiếc thuyền đáy bằng được vận hành bởi những người chèo lái, với một người lái thuyền ở đuôi thuyền và một cabin đơn giản bằng gỗ. Ngoài ra còn có hai phiên bản nhỏ hơn, một trong số đó có một cọc sừng nhọn bọc sắt thò ra ở các mũi thuyền. Bản thân chiếc cọc sừng là một thân cây được chạm khắc chạy dài suốt chiều dài của chiếc thuyền. Cuối cùng, “xuồng chiến đấu” được chèo bằng năm người. Các chi tiết về trang bị của các “lính thủy quân lục chiến” này được rút ra từ đội quân đất nung nổi tiếng gần cùng thời của hoàng đế nhà Tần ở Tây An, cùng với các bức chạm khắc từ thời Hán Sơ, cho thấy sự tương đồng đáng kể. Những chiếc nón cối bảo hộ (helmets) được làm bằng da hoặc bằng sắt, và có một vẻ ngoài hiện đại lạ lùng đối với họ. Các hỏa thuyền được chế tạo bằng cách chuyển đổi những chiếc thuyền tam bản đơn giản.

Một lâu thuyền nhà Đường bắt giữ một dương thuyền chiến đấu nhà Tống với các cánh tay đòn và các ống phóng đạn lửa kiểu Hy Lạp, năm 975

Trong tấm hình này, chúng ta nhìn thấy một trận chiến trên sông Dương Tử gần Nam Kinh vào năm 975 giữa nhà Tống và nhà Đường, những bên đang tranh giành quyền lực với nhau. Nhà Đường đang chiến đấu từ một con thuyền ba tầng lou chuan: lâu thuyền (tàu tháp: tower ship). Các tàu chiến Trung Hoa cổ điển này có cấu trúc nhiều tầng, nhưng có các vách tàu phẳng, không giống như các tàu thời nhà Hán được nhìn thấy trong hình bên trên. Có các lỗ cửa sổ và các lỗ khác để bắn cung và phóng thương. Các máy bắn chất nổ (trebuchets) được gắn trên boong trên cùng bên cạnh các lò rèn di động chế tạo các viên đạn lửa bằng sắt được nung nóng. Trên đầu mũi thuyền rộng và cong của nó có vẽ khuôn mặt của một con hổ hung dữ thay cho một hình đầu thú chạm khắc. Một cánh cửa cho phép tiếp cận các khu vực đầu tàu và các bên hông của khu vực tháp tàu.

Các thuyền buồm chiến đấu giống với các con tàu tháp về thiết kế nhưng có kích thước nhỏ hơn, kiến trúc một tầng và ít được bảo vệ hơn. Cũng giống như với các tàu tháp, những người chèo thuyền hoạt động bên ngoài boong trung tâm, nhưng có một buồng phía đuôi tàu được nâng lên là nơi thuyền trưởng chỉ đạo các hoạt động.

Tấm hình này cho thấy một sự bổ sung đáng kể về vũ khí trang bị thông thường của con tàu tháp. Trong chiến tranh hải quân Trung Hoa, chiến thuật ưa thích thường không phải là đổ bộ lên tàu mà là bắn phá, cho dù bằng đạn lửa từ ống phóng hay một hỏa lực nặng nề từ cung nỏ. Điều này dẫn đến một biến thể độc đáo của Trung Hoa về các móc câu bằng sắt được thiết kế để giữ tàu địch ở một khoảng cách đã lựa chọn thay vì vươn tới nó dọc sườn tàu. Chúng được gọi là “cánh tay đòn” (striking arms), và bao gồm một số dạng “đầu búa” (hammer head), chẳng hạn như các thanh sắt nặng đầu nhọn, được gắn trên đầu của các cọc dài hơn 15 mét, móc chặt vào cấu trúc thượng tầng của tàu tấn công. Một minh họa từ Nhà Đường cho thấy ba cánh tay đòn được gắn ở mỗi bên của một lâu thuyền. Khi con tàu đi dọc bên hông với một tàu địch, các cánh tay đòn sẽ được giương ra và sẽ hạ xuống theo hình vòng cung để chạm vào sàn (boong) của tàu đối thủ. Trong trường hợp tàu cỡ nhỏ, chiếc búa đập thủng lớp gỗ có thể đánh chìm nó luôn. Nếu tàu của kẻ thù vẫn còn nổi thì đương nhiên nó sẽ bị kìm giữ chặt vào tàu tấn công, nhưng mục đích chính của việc này là không bao giờ cung cấp một bệ phóng để đổ bộ lên tàu. Thay vào đó, các cánh tay đòn sẽ giữ tàu an toàn ở một khoảng cách thích hợp cho công việc ở cự ly gần, trong trường hợp này là hỏa lực kiểu Hy Lạp (Greek Fire), vũ khí bí mật của Byzantium đã truyền sang Trung Hoa và được sử dụng cả trong chiến tranh hải quân và công việc bao vây. Tuy nhiên, tài liệu cho chúng ta biết rằng trong lần này, vũ khí đó gần như thực sự đã phản tác dụng, bởi vì khi tàu nhà Đường phun dầu hỏa từ các ống phóng lửa, một cơn gió bắc bất ngờ bay lên cuốn theo khói và lửa trên bầu trời ngược về phía tàu của họ. Thủy quân nhà Tống đánh trả bằng tên nỏ.

Một con tàu guồng 23 bánh lái của triều đại nhà Tống pháo kích các tàu ​​khu trục quân Kim (Jin) bằng bom vôi được bắn bởi máy dùng lực kéo trong trận chiến Thái Thạch (Caishi), năm 1161

Tấm hình này cho thấy một cuộc giao đấu giữa hai hình thức tàu chiến rất khác nhau, cả hai đều có thể chạy nhanh và dễ điều khiển. Năm 1161 đã xảy ra trận hải chiến nổi tiếng nhất giữa nhà Nam Tống và quân Kim, khi quân Kim, lúc đó do đích thân hoàng đế chỉ huy, đã cố gắng thực hiện một cuộc vượt sông Dương Tử tại Thái Thạch (Caishi). Các tàu chiến đấu guồng có mái chèo của nhà Tống di chuyển nhanh chóng quanh đảo Kim Sơn [? Jinshan] để pháo kích quân Kim với các máy phóng dùng phản lực kéo. Những người bên trong các chiếc thuyền chèo nhanh bằng các guồng máy, và con thuyền lướt về phía trước như thể chúng đang bay. Trong phiên bản được dựng lại này, một guồng chèo lái được đặt ở đuôi thuyền, và có một lá cờ tung bay với nội dung “Ủng hộ nhà Tống, tiêu diệt quân Kim”. Quân Kim đã bị đánh bại nặng nề tại Thái Thạch đến nỗi hoàng đế nhà Kim đã bị hạ sát trên soái hạm của ông ta bởi chính những binh tướng của mình.

Những con thuyền mà quân Kim sử dụng trong tấm hình này là những chiến thuyền nhanh và nhẹ từng là “các tàu khu trục (destroyers)” của Trung Hoa thời trung cổ. Không giống như lâu thuyền và các thuyền buồm chiến đấu, các bức vách của những con thuyền hai tầng này được nối liền với thân thuyền, do đó các tay chèo chiếm giữ sàn thấp hơn và được bảo vệ hoàn toàn, trong khi đội quân phụ trách tên lửa hoạt động trên đầu họ. Bởi thế, việc vật lộn cận chiến không phải là chức năng chủ yếu của những con thuyền này. Lớp ‘áo giáp’ được làm bằng gỗ hoặc da tê giác, và khuôn mặt của một con hổ hung dữ được vẽ ở mạn thuyền.

Để chống lại những con thuyền di chuyển nhanh này, nhà Tống đã sử dụng những quả bom vôi tung ra bằng máy phóng có phản lực kéo. Những quả bom là bình bằng gốm có vỏ rất mỏng, bên trong có nhồi thuốc độc (có thể là chất arsenic), vôi và những mảnh sắt vụn cùng thuốc súng. Khi những thứ này được ném lên các tàu quân Kim, vôi bốc khói trong không khí khiến các thủy thủ của họ không thể mở mắt. Các thiết bị nổ gần giống với những ‘quả bom sấm sét’ vỏ mềm được bắn ra bởi những chiếc máy phóng dùng lực kéo. Những quả bom này có ngòi nổ kiểu hẹn giờ khiến chúng phát nổ khi chạm vào mặt nước. Vỏ các quả bom dội lại và vỡ ra, làm phân tán những đám mây độc từ vôi sống đã trộn với thuốc súng.

Những chiếc tàu chiến guồng mái chèo của nhà Nam Tống hứng chịu những quả bom nổ rền như sấm sét để phá vỡ sự phong tỏa Tương Dương của quân Mông Cổ, năm 1272.

Việc sử dụng tàu chiến có guồng mái chèo nổi tiếng nhất trong chiến tranh của Trung Hoa diễn ra trong cuộc vây hãm thành Tương Dương (Tương Phàn ngày nay ở tỉnh Hồ Bắc) giữa các năm 1267 và 1272, cuộc chiến này đã chiến chứng kiến ​​hành động tuyệt vọng nhất của cánh quân đoạn hậu (rearguard) của Nam Tống chống lại quân Mông Cổ đang tiến công. Ngày nay, cuộc vây hãm thành Tương Dương được biết đến nhiều nhất vì đây là dịp các máy bắn đá phản lực (counterweight trebuchets: hồi hồi pháo, ND) xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Hoa, nhưng việc sử dụng các tàu chiến gắn guồng mái chèo cũng gây ấn tượng không kém. Hai anh hùng của nhà Tống đã điều động một đoàn tàu cứu trợ gồm 100 chiếc thuyền gắn guồng mái chèo chất đầy quần áo và các đồ tiếp tế khác để giúp đỡ hai thành phố sinh đôi bị bao vây là Tương Dương (Xiangyang) và Phàn Thành (Fancheng) nằm đối diện nhau trên dòng sông. Đoàn tàu đợi đến tối mới lên đường trở về, nhưng quân Mông Cổ đốt những đống rơm bên bờ sông để soi sáng. Các tàu guồng mái chèo của nhà Tống xếp thành một đội hình chữ nhật, mọi con tàu đều được trang bị các súng hỏa mai (firelances), các máy bắn đá và bom, than đốt cháy, rìu lớn và nỏ (cung) hạng nặng, và lái thuyền ra sông bằng cách sử dụng các đèn đỏ làm tín hiệu. Nhưng quân Mông Cổ đã bắn những quả bom có ​​vỏ sắt từ những máy bắn phản lực và dùng lực kéo khi hạm đội nhà Tống đến gần, đến nỗi các thủy thủ nhà Tống ‘ngập máu đến mắt cá chân’.

Thiết kế của những con tàu gắn guồng mái chèo này mang lại cho chúng tiềm năng tấn công cũng như phòng thủ, nhờ các tấm ván chắn ở mỗi bên hông, mỗi tấm ván dài 5 feet (khoảng 1,5m) và rộng 2 feet (0,6m). Bên dưới tấm chắn này là những ròng rọc quay cố định giống như những ròng rọc nâng cửa sổ treo lên cao. Khi tiếp cận kẻ thù, bên trong có thể ném bom, các mũi tên gây cháy và bắn súng hỏa mai. Khi gần sát kẻ thù, các thủy thủ đột ngột nhấc lên và kéo các cửa khoang của tấm chắn khiến các bức vách tác động như một khiên chắn.

Một thuyền gài mìn có phần thân tách đôi của nhà Minh [của Chu Nguyên Chương, ND] gài mìn tại một cây cầu chiến lược trấn giữ bởi đối thủ của họ, nhà Hán [nhà Trần Hán-Chen Han, của Trần Hữu Lượng, người tự xưng thuộc dòng dõi của Trần Ích Tắc, ND], năm 1363.

Khi triều đại nhà Nguyên gần sụp đổ, một số đối thủ cạnh tranh nhau để giành quyền lực. Quá trình này đạt đến đỉnh điểm trong trận hải chiến ở ồ Bà Dương (Poyang) vào năm 1363, nhưng ở đây chúng ta nhìn thấy một bước tiến tới quá trình đó khi một thuyền gài mìn của nhà Minh cố gắng làm nổ tung một vị trí chiến lược của nhà Hán [Trần Hán, ND]. Chất nổ được gài nổ chậm được chuyển tới kẻ thù bằng một chiếc thuyền gồm hai nửa rất khác thường, được ghép bằng các khớp nối. Nguồn gốc của những chiếc thuyền như vậy được tìm thấy trên Đại Vận Hà (Grand Canal), bị nghẽn bùn dần dần. Với hình thức một thuyền gài mìn, mục đích nhằm tiếp cận một thành phố hoặc một cây cầu dưới sự che chở của bóng tối, tháo rời phần mũi thuyền nơi chứa chất nổ, và bỏ nó lại với một cầu chì được đốt cháy, trong khi những kẻ tấn công thực hiện một cuộc chạy trốn nhanh chóng tại phần đuôi thuyền.

Cuộc tấn công đã diễn ra trong sự bao trùm của bóng tối, và thủy thủ đoàn của một thuyền ‘zou ge” [tốc các, ND?] của nhà Hán [Trần Hán, ND], những con thuyền nhỏ hơn và nhanh hơn trong một hạm đội chiến đấu trên sông thông thường của Trung Hoa, đang ngủ ở phía sau. Những thuyền này có một sàn tàu bỏ ngỏ với các tấm chắn bảo vệ và chuyên chở ‘những người lính tinh nhuệ nhất và dũng cảm nhất’, những người được vận chuyển nhanh chóng đến và đi từ hiện trường hành động. Thiết kế này có nghĩa là binh lính ở trên boong tàu cùng với những người chèo thuyền.

Sơ đồ đội hình thủy chiến của Trung Hoa thời Hán, cho thấy phương cách lý tưởng để hạm đội này đột nhập vào một hạm đội khác. Chú giải: 1. Các chiến hạm hai lớp thân (vỏ) tàu. 2. Thuyền mở mái chèo lớn. 3. Những con thuyền nhỏ có sừng húc bịt sắt gắn ở đầu mũi thuyền. 4. Các thuyền tuần tra nhỏ. 5. Các ‘xuồng’ mở 5 người chèo.

Binh lính nhà Minh sử dụng thuyền tam bản để đẩy lùi wako (oa khấu, cướp biển) của Nhật Bản. Các oa khấu là nguồn gốc tai họa của vùng Viễn Đông trong phần lớn thế kỷ 14 và 15, đột kích Hàn Quốc và Trung Hoa.

(Hết)

Bài: Stephen Turnbull, Minh họa: Wayne Reynolds

Ngô Bắc dịch

 

Nguồn: Stephen Turnbull, illustrated by Wayne Reynolds, Fighting Ships of the Far East (1), China and Southeast Asia 202 BC – AD 1419, các trang 40-47, Oxford, UK: Osprey Publishing, 2002

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN