Chiến thuyền của vùng Viễn Đông từ năm 202 TCN đến năm 1419 (Kỳ 1)

Kỳ 1: Chiến thuyền Đông Nam Á

Tạp chí Phương Đông trích dịch giới thiệu tới độc giả cuốn sách “Chiến thuyền của vùng Viễn Đông”, Tập 1: Trung Quốc và Đông Nam Á từ năm 202 trước Công nguyên đến năm 1419, của sử gia Anh nổi tiếng Stephen Turnbull.

Chiến thuyền

Cả người Chăm [hay Chàm] và người Khmer đều sử dụng hải quân trong các cuộc chiến tranh trong thế kỷ XII, người Chàm thường sử dụng các hạm đội với hơn 100 tàu. Một số con thuyền này là thuyền buồm [hay dương thuyền, ND] chiến đấu, đã hoạt động tích cực trong các cuộc chiến đấu ven biển chống lại các cuộc xâm lược của Trung Hoa và Mông Cổ vào Việt Nam từ năm 1281 đến năm 1288, nhưng dạng thuyền chiến phổ biến nhất của cả hai dân tộc là thuyền chiến kiểu sà lan (barge) hay xuồng (canoe) chiến đấu – chạy nhờ những người chèo lái. Những chiến thuyền này thường được tìm thấy nhiều nhất trong chiến tranh trên sông hay trong các cuộc chiến ven biển để hỗ trợ quân đội trên bộ: chúng không thể đi xa khỏi một bờ biển thân thiện do nhu cầu bổ sung nguồn cung cấp nước ngọt. Những mô tả về cuộc xâm lược Java của người Mông Cổ cho thấy rõ ràng rằng các xuồng chiến đấu của người Java rất giống với các mô hình của người Khmer và người Chàm.

Nguồn thông tin chính của chúng tôi về các chiến thuyền của người Khmer và người Chàm cũng như bản chất cuộc chiến của họ là những bức phù điêu được chạm khắc trên các bức tường của đền Banteay Chhmar và đền Bayon ở Angkor Thom, Campuchia. Người ta tin rằng chúng minh họa các trận chiến diễn ra khi người Khmer được giải phóng khỏi cuộc xâm lược của người Chàm vào năm 1181, và do đó thiên về quan điểm của Campuchia, nhưng chi tiết của chúng là một nguồn tư liệu lịch sử vô song.

Thuyền chiến của Đông Dương, được làm theo phong cách đặc biệt và đặc trưng của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng vào thế kỷ thứ I trước Công nguyên. Đây là tiền thân của những chiếc thuyền chiến được trông thấy ở Angkor, và dường như có mái chèo lái thuyền ở mỗi đầu thuyền. Có một cung thủ bắn tên trên mái của tháp (đài) trên sàn thuyền. Những hình ảnh này cùng thời với nhà Hán tại Trung Hoa.

Thuyền chiến kiểu sà lan là loại xuồng (canoe) độc mộc rất lớn. Những chiếc tương tự, nhưng được trang bị các mái chèo bên ngoài, cho phép các nhà hàng hải dũng cảm của Polynesia thực hiện các hành trình vượt biển, nhưng các loại của Campuchia và Việt Nam rõ ràng được trang bị như thuyền chiến để chiến đấu trên sông. Trong một bức phù điêu có thể đếm được 23 tay chèo ở mỗi bên thuyền, hẳn phải dài khoảng 100 feet (hơn 30 mét). Các thuyền có những hình đầu nổi bật được chạm khắc giống như đầu quái vật, và “đuôi” cong bổ trợ ở đuôi thuyền, khiến chúng trông khá giống tàu người Viking [chỉ các dân chuyên đi biển thuộc vùng Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy … ND]. Hai bên có thể được phân biệt nhờ các tay chèo Khmer được cho thấy để đầu trần trong khi người Chàm đội chiếc mũ trông giống như bông hoa được mô tả ở những nơi khác tại các ngôi đền Campuchia trong các phù điêu về chiến tranh trên bộ. Tất cả những người chèo lái đều quay mặt về phía sau ngoại trừ thủy thủ đoàn trên thuyền hoàng gia Khmer – những người này được thể hiện đang vận hành mái chèo của họ như những gậy sào (yulohs) trong khi quay mặt về phía trước. Những người này không được bảo vệ cơ thể, không giống như các thủy thủ đoàn khác có tấm chắn mắt cáo dài, mà các mái chèo của họ thò ra bên ngoài qua đó. Chắc chắn điều này nhằm thể hiện sự dũng cảm tuyệt vời của họ trước sự chứng kiến ​​của nhà vua, người đang đứng, cao lớn hơn người thường, ở giữa thuyền hoàng gia và đang bắn một mũi tên. Trong một cuộc thao diễn khéo léo mang tính tuyên truyền của người Khmer, vua Chàm đối thủ được biểu thị là đã quay đầu bỏ chạy khỏi trận chiến. Các thuyền Chàm khác đang rút lui, và một số binh lính của họ đã rơi xuống nước và bị những con cá sấu đang chờ sẵn nuốt chửng.

Những con thuyền như vậy vẫn được sử dụng một thế kỷ sau đó, vì vào năm 1279, một quan chức Trung Quốc đã đến thăm Campuchia [Chu Đạt Quan, với bút ký Chân Lạp Phong Thổ Ký, ND] và để lại lời kể của một nhân chứng về cách chế tạo cả thuyền và xuồng độc mộc. Ông đặc biệt lưu ý rằng các kỹ thuật này khác với cách làm thông thường của Trung Hoa như thế nào, ở chỗ các rìu nhỏ (hatchets) được sử dụng thay vì những chiếc cưa, điều đó có nghĩa là việc đẽo đục một tấm ván mất rất nhiều thời gian. Các con thuyền được gắn liền với nhau bằng những chiếc đinh sắt, và mái được lợp bằng tấm thảm dệt buộc bằng các dải cọ dừa. Những chiếc xuồng độc mộc được đục đẽo với sự trợ giúp của lửa và nước.

Một chiếc thuyền chiến của người Khmer. Nó có một hình đầu thú được tạc tựa như một quái vật, và một cái đuôi bổ sung thêm ở đuôi thuyền, khiến nó trông giống như một chiếc tàu của người Viking. Có thể nhận biết lòng trung thành của thủy thủ đoàn vì những tay chèo thuyền Khmer được thể hiện để đầu trần.
Chiếc thuyền của hoàng gia Khmer. Thủy thủ đoàn được hiển thị đang vận hành mái chèo trong khi quay mặt về phía trước. Các đồng đội này không được bảo vệ thân thể, không giống như các thủy thủ đoàn trên những chiếc thuyền khác, những người có các tấm khiên mắt cáo dài mà mái chèo của họ xuyên qua đó thò ra ngoài. Chắc hẳn điều này là để thể hiện sự dũng cảm tuyệt vời của họ trước sự chứng kiến ​​của nhà vua, người đang đứng, lớn hơn người thường, ở giữa thuyền hoàng gia và bắn một mũi tên.

Các kỹ thuật giao tranh bằng thuyền chiến

Các bức phù điêu của Campuchia cho thấy rõ ràng rằng việc giữ néo bằng móc câu và đổ bộ lên thuyền, chứ không phải là bắn phá từ xa theo kiểu Trung Hoa, là kỹ thuật được ưa thích trong chiến đấu trên sông, mặc dù một trong những thuyền phía sau của người Khmer có cung thủ bắn tên, là những người có lẽ đã “ra tay” trước khi cuộc đổ bộ lên thuyền diễn ra. Những người lính Khmer lấp đầy các thuyền phía sau các tay chèo đều được cho thấy để đầu trần, và đang chiến đấu với người Chàm vô cùng quyết liệt. Trong một bức tranh, một chiếc thuyền đang chìm như thể nó bị đâm, nhưng vụ va chạm rõ ràng xảy ra là do tai nạn, vì có hai thuyền Khmer liên quan, mỗi chiếc ở một đầu và một số binh sĩ Khmer đang chìm xuống cùng với thuyền đối phương. Trong các tình huống thông thường của trận chiến được mô tả ở những nơi khác, các mũi tên được bắn qua lại, và sau đó các thuyền áp sát nhau hoặc đối đầu hoặc bên hông nhau. Các móc câu bằng sắt được tung ra, và trong khi một số người đang kéo dây cáp bằng mây để giữ cho thuyền sát lại với nhau, cuộc đổ bộ lên thuyền đã diễn ra dưới sự chỉ huy của một sĩ quan người Khmer, người kiểm soát các hoạt động từ bên dưới chiếc lọng của ông ta ở giữa thuyền. Binh lính của cả hai bên được trang bị các giáo dài và những tấm khiên. Các thuyền chiến được dàn trận để chống lại quân Mông Cổ xâm lược Việt Nam và Java hẳn sẽ chuyên chở các chiến sĩ rất giống như thế.

Cao điểm của trận chiến sắp diễn ra khi hai chiếc thuyền ghìm chặt vào nhau bởi các móc câu bằng sắt.
Một chiếc thuyền chiến của người Chàm. Người Chàm đội chiếc mũ giống như bông hoa được khắc họa ở những nơi khác trong những bức phù điêu tại các ngôi đền Campuchia về chiến tranh trên bộ. Cách trang trí ở đầu mũi thuyền có phần kém lòe loẹt hơn của người Khmer, nhưng đây có thể chỉ là sự tuyên truyền của người Khmer.
Một chiếc thuyền khác của Chàm. Hình này có một đầu thú được tạc một cách tỉ mỉ và các là cờ tung bay từ đầu mũi đến đuôi thuyền. Thuyền trưởng được biểu thị rõ ràng.

Thuyền chiến cũng được sử dụng làm thuyền ​​chở quân và thuyền tiếp tế. Trong một bức phù điêu của Campuchia, thuyền Chàm được biểu thị đang tiến đến một bãi đáp với các tù nhân Khmer ở trên, trong khi thường dân bỏ chạy trốn trên bờ. Những chiếc thuyền như vậy cũng được sử dụng trong chiến thuật bao vây, với các cuộc tấn công vào hệ thống phòng thủ được thực hiện từ các hạm đội thuyền đường sông hoặc ven biển. Các kỹ thuật bao vây phức tạp hơn liên quan đến việc sử dụng nhiều thuyền chiến để phong tỏa xung quanh một địa điểm phòng thủ. Trong trường hợp như vậy, các thuyền có thể được buộc với nhau, như đã ghi trong bia ký đương thời mô tả “hàng ngàn con thuyền màu trắng mới, được nối với nhau bằng các sợi mây, trải dài mọi hướng”.

Người Việt đã có vũ khí gây cháy trước người Trung Hoa vì con đường truyền tải vũ khí gây cháy dựa vào dầu hỏa đến Trung Hoa khởi hành từ Đế chế Byzantine dường như đã đi qua Đông Nam Á thông qua các thương nhân Ả Rập. Năm 958, một sứ thần của vua Chàm đã dâng tặng một chai “dầu lửa cháy dữ dội” lên triều đình tại Khai Phong [tại Trung Hoa, ND]. Do đó, có một loại vũ khí đã được người Chàm sử dụng trong chiến tranh hải quân không xuất hiện trên bất kỳ bức phù điêu nào của Campuchia, vì vậy chúng ta phải dựa vào một bài tường thuật năm 1298 để có sự mô tả về loại lựu đạn dầu hỏa (naphtha) (trong bút ký này được gọi là “bùn dầu: mud oil “) được ném bằng tay trong hải chiến từ đỉnh cột buồm của loại thuyền hẳn phải là những chiếc thuyền buồm (junks) chứ không phải thuyền chiến kiểu sà lan (barge): Những chiếc chai nhỏ được đổ đầy bùn dầu và một cuộn trấu hạt cau được dùng làm nút đậy. Khi được đốt, nó hoạt động giống như một chiếc cầu chì. Sau đó, các chai được ném từ trên cao xuống, và khi [các chai] dầu bùn rơi xuống boong, chúng [vỡ ra và] bùng lên thành ngọn lửa lan ra khắp nơi và tiếp tục cháy. Nếu nước được tạt vào nó, nó càng bốc cháy dữ dội hơn, và không gì khác ngoài đất khô và tro bếp mới dập tắt được. Ngày nay, các tàu hải quân chính thức của chúng ta không thích tiếp cận các tàu man rợ có độ mớn nước nông này vì thứ vũ khí đáng sợ này.

Người ta có thể tưởng tượng chúng được triển khai theo cách này để chống lại những kẻ xâm lược Mông Cổ vào Việt Nam vào năm 1287-1288, nhưng vũ khí được sử dụng để chống lại họ trong chiến tranh hải quân ở Java có lẽ còn thô sơ hơn nhiều.

 

Xuồng chiến đấu trên sông của người Khmer (Campuchia) và Chàm (Việt Nam) giao tranh trong cuộc nổi dậy của Vua Khmer Jayavarman VII, năm 1181

Năm 1177, vua Jaya Indravarman của xứ Chàm xâm lược Campuchia bằng đường biển. Đội thuyền của ông được dẫn đường dọc theo bờ biển và ngược dòng sông đến kinh đô Angkor của người Khmer. Thành phố Angkor đã bị cướp phá, và người Chàm chiếm đóng Campuchia trong bốn năm tiếp theo, cho đến khi vua Campuchia tương lai, Jayavarman VII, phát động một cuộc nổi dậy. Ông đã đánh bại người Chàm trong một trận thủy chiến lớn vào năm 1181, một thiên anh hùng ca về trận chiến trên sông được ghi nhớ mãi mãi trong các bức phù điêu chạm khắc trên những bức tường của các ngôi đền Banteay Chhmar và Bayon ở Campuchia. Ở đây chúng ta thấy những chiếc xuồng chiến đấu của người Khmer và người Chàm móc hàm nhau trong một trận chiến ác liệt trên sông. Những con thuyền có hình đầu kỳ dị và chứa đầy các cung thủ cùng những người cầm giáo. Hai bên có thể được phân biệt nhờ các tay chèo Khmer được cho thấy để đầu trần trong khi người Chàm đội chiếc mũ trông giống như bông hoa được mô tả ở những nơi khác tại các ngôi đền Campuchia trong các phù điêu về chiến tranh trên bộ. Tất cả những người chèo lái đều quay mặt về phía sau ngoại trừ thủy thủ đoàn trên thuyền hoàng gia Khmer – những người này được thể hiện đang vận hành mái chèo của họ như những gậy sào (yulohs) trong khi quay mặt về phía trước. Những người này không được bảo vệ cơ thể, không giống như các thủy thủ đoàn khác có tấm chắn mắt cáo dài, mà các mái chèo của họ thò ra bên ngoài qua đó. Chắc chắn điều này nhằm thể hiện sự dũng cảm tuyệt vời của họ trước sự chứng kiến ​​của nhà vua, người đang đứng, cao lớn hơn người thường, ở giữa thuyền hoàng gia và đang bắn một mũi tên. Các mũi tên được bắn qua lại, và sau đó các thuyền áp sát nhau hoặc đối đầu hoặc bên hông nhau. Các móc câu bằng sắt được tung ra, và trong khi một số người đang kéo dây cáp bằng mây để giữ cho thuyền sát lại với nhau, cuộc đổ bộ lên thuyền đã diễn ra dưới sự chỉ huy của một sĩ quan người Khmer, người kiểm soát các hoạt động từ bên dưới chiếc lọng của ông ta ở giữa thuyền. Binh lính của cả hai bên được trang bị các giáo dài và những tấm khiên, và những con cá sấu sẽ nuốt chửng bất cứ ai bị ngã xuống từ mạn thuyền.

Một chiến thuyền buồm đường biển [dương thuyền] của quân Nguyên (Mông Cổ) bị sập bẫy tại trận Bạch Đằng Giang và bị tấn công bởi các xuồng chiến đấu của Việt Nam, với thủy thủ đoàn ném các quả bom dầu mỏ (naphtha), năm 1288.

Tướng Thoát Hoan (Toghon) của nhà Nguyên (Mông Cổ) đã thiếu khôn ngoan khi tấn công An Nam (Việt Nam) trong mùa nóng năm 1288, và một trận thủy chiến ác liệt đã diễn ra ở cửa sông Bạch Đằng ngoài khơi Hải Phòng, nơi một vị tướng nổi tiếng của Việt Nam đã đánh bại một đội quân Trung Hoa nhiều thế kỷ trước đó. Tướng Trần Hưng Đạo giờ đây lập lại chiến công, áp dụng cùng các chiến thuật tương tự, chống lại quân Mông Cổ. Ông đợi cho đến khi thủy triều lên cao, và dẫn dụ hạm đội Mông Cổ tiến vào một vùng nước nông, nơi có cắm những cây cọc nhọn bịt đầu bằng sắt. Khi thủy triều xuống thấp, các chiến thuyền của Mông Cổ đã bị mắc kẹt trên các cọc nhọn hiện ra ​​và bị tổn thất nặng nề.

Các chiến thuyền đi biển của nhà Nguyên chỉ đơn giản phỏng theo các thuyền vận tải đi biển, cho phép chiến đấu trên biển khơi thay vì chủ yếu trên sông và các hải phận ven biển. Các thuyền thương mại đi biển là những tàu quan trọng theo đúng nghĩa của chúng, và có những nguồn thông tin tốt về loại thuyền này từ các triều đại nhà Tống và nhà Nguyên. Vào khoảng năm 1100, một nhà quan sát đã ghi nhận việc họ sử dụng các cánh buồm. Các thuyền tương tự hoạt động như các tàu chiến trong các chiến dịch hải quân ở nước ngoài của người Mông Cổ, như đã được chứng minh trong các bức tranh vẽ các thuyền Mông Cổ xuất hiện trên Cuộn Tranh Sự Xâm Lược Của Mông Cổ, minh họa các cuộc viễn chinh đến Nhật Bản các năm 1274 và 1281.

Quân Việt Nam đang chiến đấu từ những chiếc xuồng chiến đấu không khác với những chiếc xuồng trước đây được sử dụng để chống lại quân Khmer. Họ cũng sử dụng các vũ khí gây cháy, dưới dạng lựu đạn dầu mỏ (naphtha) (được gọi là ‘dầu bùn: mud oil’) ném bằng tay. Những chiếc lọ nhỏ bằng gốm được đổ đầy dầu bùn và một cuộn trấu hạt cau được dùng làm nút đậy. Khi được đốt cháy, nó hoạt động như một chiếc cầu chì. Sau đó, những cái lọ được ném đi, và khi những quả bom dầu bùn rơi xuống sàn thuyền, chúng sẽ vỡ nổ và bùng cháy.

(Còn nữa)

Ngô Bắc dịch

 

Nguồn: Stephen Turnbull, illustrated by Wayne Reynolds, Fighting Ships of the Far East (1), China and Southeast Asia 202 BC – AD 1419, các trang 40-47, Oxford, UK: Osprey Publishing, 2002

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN