Địa vị chữ Quốc ngữ trong văn hóa An Nam

Chữ Quốc ngữ được các tu sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha, Ý và Pháp tạo ra từ thế kỷ XVII, nhưng phải đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, vị trí và tên gọi của chữ Quốc ngữ mới dần được xác lập. Mặc dù ban đầu người Pháp nâng đỡ và phổ biến chữ Quốc ngữ trước hết nhằm phục vụ các mục đích thực dân, nhưng sau này chính người Pháp phải thừa nhận chữ Việt “đã trở thành vũ khí của người Việt”. Chữ Quốc ngữ được cổ động như một cách nâng cao trình độ kiến thức đại chúng, canh tân xã hội, thức tỉnh tinh thần yêu nước và phản kháng của người Việt Nam. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết “Địa vị chữ Quốc ngữ trong văn hóa An Nam” đăng trên Tràng An báo số 60, ngày 12/9/1942.

Hội Alexandre de Rhodes vừa mời thành lập xong ở Hà Nội cách đây một tháng và mục đích của Hội là chấn hưng và tô điểm văn chương xứ ta. Thực hành ngay chương trình đã định, Hội đặt ra hai cuộc thi có nhiều giải thưởng xứng đáng. Nhờ sáng kiến hay ấy, Hội chắc sẽ đạt mục đích.

Ở Á Đông chỉ nước ta có được một thứ chữ viết theo lối mới, rất thích hợp với cách ấn loát ngày nay, nhờ phương pháp rất giản dị và khéo léo là áp dụng chữ La Mã để viết tiếng ta. Ai cũng biết rằng trước khi các nhà truyền giáo Gia-tô ra công đặt chữ quốc ngữ, nước ta dùng hai thứ chữ: chữ Nho và chữ Nôm.

Những người học thức dùng chữ Nho, thứ chữ mà phần nhiều dân Á Đông dùng hồi trước vậy. Còn thường dân thì dùng chữ Nôm, một thứ chữ cũng từ chữ Nho mà ra nhưng viết theo tiếng nói của dân ta. Chữ Nôm bắt đầu dùng hồi thế kỷ thứ XVIII và không bao lâu đã thấy những văn sĩ tài hoa ra đời, sản xuất những tác phẩm hay bằng chữ Nôm lưu truyền đến ngày nay.

Một di cảo của Giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco de Pina (1585 – 1625), người có công tạo ra chữ Quốc ngữ thời kỳ đầu; trong đó ông dùng khuông nhạc để đánh dấu thanh tiếng Việt.

Một cuộc cách mạng trong nền văn hóa An Nam đã khởi đầu ngay từ khi các nhà truyền giáo Pháp đem chữ Latinh dùng để viết tiếng ta. Cố Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1650 một cuốn sách thánh đầu tiên bằng quốc ngữ và một cuốn tự điển có ba thứ tiếng: Nam, La Mã, Bồ Đào Nha. Công chúng đồng thanh tán dương chữ mới. Nghề ấn loát tiến bộ rất nhanh, giúp cho chữ quốc ngữ đi mau đến thời kỳ phát triển ngày nay.

Dần dần, ai nấy đều nhận thấy rằng chữ quốc ngữ dùng rất dễ dàng và có một tương lai rực rỡ. Không những người ta có thể dùng để diễn tả tâm tình trong thi ca; mà lại còn dùng được để giãi bày các món triết lý cao siêu và khoa học nữa. Tóm lại, chữ quốc ngữ là một cái lợi khí quý giá vô cùng cho cuộc mở mang nền văn hóa An Nam.

Một điều may mắn đáng chú ý nữa là có những nhà thượng lưu tri thức trong nước, thấy ngay chỗ thiện mỹ mà chữ quốc ngữ có kể đến được, nên trong khi có người đối với chữ quốc ngữ bằng cái thái độ lãnh đạm hay rẻ rúng thì các bậc kia đã lưu tâm đến phương pháp bồi bổ cho chữ quốc ngữ mỗi ngày càng thêm dồi dào, phong phú, đủ điều kiện để áp dụng trong một nền văn hóa đầy đủ. Các bậc như cụ Phạm Quỳnh, ông Nguyễn Văn Vĩnh… là những nhà có công lớn trong việc nâng cao giá trị chữ quốc ngữ. Tác phẩm của mấy bậc ấy về phần trước thuật và dịch thuật ngày nay hầu hết ai cũng rõ, và đã đem lại cho quốc văn An Nam những tác phẩm vô cùng quý giá, và nhất là đã mở đường sáng suốt cho những bậc trí thức theo sau, nặng lòng với tiếng nói xứ sở.

Từ trước đến nay trong sự giáo huấn ở nhà trường và trong công cuộc đào luyện hàng tri thức ở xứ ta, chữ quốc ngữ chỉ giữ một địa vị thấp kém.

Trên nền học vấn, người ta thường đứng trước một trở ngại nêu lên vì câu hỏi oái ăm này: “Nên dùng quốc văn hay tiếng Pháp trong việc truyền bá các khoa tân học”. Để giải quyết vấn đề ấy, người ta đã phải theo phương sách này: Chữ mẫu quốc thì dùng để dạy trong các ban trung học, đại học, chuyên môn. Vì tiếng mẫu quốc phong phú và có tính cách phổ biến để cho mọi dân tộc áp dụng. Còn sự học vấn phổ cập trong dân gian hay ở ban sơ học thì chữ quốc văn cần thiết hơn. Mục đích là để dạy cho một đại đa số quần chúng biết những điều thường thức giúp cho cuộc sinh hoạt hàng ngày của họ. Tiếng Pháp không thể đem áp dụng trong trường hợp này, vì không đúng với tôn chỉ sự giáo huấn ở ban sơ học được.

Một tờ Giấy khai sinh năm 1938 ở Bắc Ninh có cả chữ Quốc ngữ, chữ Nôm và con dấu tiếng Pháp. Ảnh: Wikipedia

Song le lý thuyết như thế có phần đúng mà không được khúc chiết lắm. Lý thuyết ấy không kể đến những điều kiện khác nhau giữa những dân tộc chung sống trong đế quốc Pháp. Trong vấn đề này phải phân biệt kỹ năng về nòi giống, phong tục, tôn giáo, tổ quốc, về chính trị, nhất là phân biệt về ngôn ngữ và văn hóa. Người ta có thể tự hỏi rằng có nên đặt chữ quốc ngữ ngang hàng với các thổ ngữ của các dân tộc ở trung bộ Phi châu?

Cần phải có biết, có thích, có viết chữ quốc ngữ mới không so sánh như thế, mới thấu đáo được những mỹ tính của nó, mới nhất quyết rằng chữ quốc ngữ còn có vẻ phát triển hơn nữa.

Đã tin ở tương lai tiếng nước nhà, ta nên cầu chúc cho nó có một địa vị càng ngày càng quan trọng trong văn học. Chúng ta không có xa vọng tranh bá quyền cho tiếng nước nhà. Vẫn biết phải thích dụng quốc văn và tiếng Pháp tùy từng thứ bậc trong nền giáo huấn, nhưng Chính phủ Bảo hộ có trọng trách là khi xét thấy cơ phát triển của quốc văn, phải nâng đỡ, và giúp cho nó bành trướng mãi ra. Đã hợp công lý, phương pháp ấy lại có ảnh hưởng đáng mừng về phương diện xã hội. Người học sinh bản xứ ở những ban cao đẳng và trung học sẽ khỏi thấy mình sống biệt lập ngoài xã hội thân yêu mình. Người học sinh và kẻ đồng bào xung quanh mình sẽ tránh được sự hiểu lầm nhau rất đáng buồn đã gây ra trong các trường hợp giao tế một bầu không khí nặng nề và có khi đem đến một cuộc đoạn tuyệt hận giữa hai hạng người cách nhau vì văn hóa.■

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN