Hoa Kỳ và ván cờ thuế quan toàn cầu

Tình hình quốc tế hiện nay đang nóng lên với các điểm nóng lớn có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn cầu. Trong bối cảnh đó, chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã trở thành một bước ngoặt quan trọng trong thương mại quốc tế. Việc ông Trump đưa ra chính sách thuế quan và theo đuổi con đường bảo hộ mậu dịch không phải là quyết định ngẫu nhiên.

Xuất phát điểm của ông Trump khác biệt rõ rệt so với các đời Tổng thống Mỹ trước kia, ông Trump là một nhà doanh nhân, một tỷ phú chứ không phải là chính trị gia truyền thống. Từ góc nhìn thực tế của một người từng trực tiếp tham gia thương trường khốc liệt, ông nhận ra rằng các chính sách thương mại của những người tiền nhiệm đã khiến nước Mỹ rơi vào tình trạng thâm hụt thương mại nghiêm trọng, trở thành bên chịu thiệt trong các mối quan hệ với cả đồng minh lẫn đối thủ.

Theo ông Trump, trong nhiều năm qua, nước Mỹ đã bị lợi dụng. Chính sách phi công nghiệp hóa cùng với làn sóng các doanh nghiệp Mỹ chuyển nhà máy, đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là sang châu Âu, Trung Quốc, Đông Bắc Á rồi xuất hàng trở lại thị trường Mỹ đã khiến người dân Mỹ mất việc làm. Để bù đắp cho sự chênh lệch thương mại ngày càng lớn, các đời Tổng thống trước thường chọn giải pháp in thêm đồng đô la để mua hàng hóa từ bên ngoài. Điều này chỉ có thể tồn tại vì đồng đô là là đồng tiền thống trị toàn cầu, cả thế giới đều cần đến nó. Nhưng điều đó không phải là một chiến lược bền vững.

Khi lên nắm quyền, ông Trump cho rằng mình đang tiếp quản một nước Mỹ đang trên đà suy yếu. Với khẩu hiệu, “Nước Mỹ trên hết”, ông muốn đưa nước Mỹ trở lại thời kỳ thịnh vượng. Là một người từng trải trong kinh doanh, ông đã quen với những rủi ro, áp lực và những cú sốc bất ngờ. Điều đó khiến ông không ngại đưa ra những quyết định táo bạo để đạt được thành công. Chỉ sau hơn hai tháng cầm quyền, những hành động của ông Trump đã cho thấy ông không chấp nhận một nước Mỹ trì trệ, tham nhũng, với trật tự an ninh rối loạn và một hệ thống chính trị già nua, dối trá với chính người dân Mỹ và cả thế giới. Trong bối cảnh đó, ông chọn con đường áp thuế, theo đuổi chính sách bảo hộ mậu dịch, không phải vì không có lựa chọn khác, mà vì ông tin đó là con đường duy nhất để cứu nước Mỹ lúc này.

Tổng thống Trump công bố bảng mức thuế các nước đang áp với Mỹ và thuế đối ứng ngày 2/4/2025. Nguồn: AP/Mark Schiefelbein.

Ngày 2/4/2025, Tổng thống Donald Trump chính thức tuyên bố chính sách thuế quan, một ngày mà ông gọi là “ngày giải phóng”, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc định hình lại nền thương mại của nước Mỹ và cả thế giới. Chính sách thuế quan mà Trump đưa ra không chỉ nhắm vào một vài quốc gia cụ thể mà được áp dụng trên phạm vi toàn cầu, không có ngoại lệ, kể cả với những nơi tưởng chừng vô hại như một hòn đảo chỉ có chim cánh cụt sinh sống. Mục tiêu là để ngăn chặn mọi hình thức trốn thuế, dù là gián tiếp, từ bất kỳ quốc gia nào có thể lợi dụng những vùng lãnh thổ hẻo lánh để đưa hàng hóa vào Mỹ nhằm né tránh nghĩa vụ thuế quan. Từ cách tiếp cận đó, có thể thấy rõ lý do vì sao ông Trump lựa chọn áp dụng chính sách thuế quan trên toàn thế giới. Với ông, đây không chỉ là một chính sách kinh tế mà là một tuyên bố chiến lược: nước Mỹ sẽ không còn dễ dãi, sẽ không để bất kỳ ai, dù là đồng minh hay không phải đồng minh lợi dụng hệ thống thương mại Mỹ. Ông muốn kiểm soát chặt chẽ mọi con đường hàng hóa đi vào Mỹ, đảm bảo rằng tất cả đều tuân thủ luật chơi công bằng mà ông đang thiết lập lại.

Ngay sau khi chính sách thuế quan được công bố, cả thế giới gần như chấn động. Tình hình chính trị và kinh tế toàn cầu rung chuyển bởi tuyên bố bất ngờ này – một chính sách không chừa bất kỳ quốc gia nào. Những nước xuất siêu lớn vào Mỹ là những bên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Canada, cũng như hàng loạt đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu, Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Tác động của chính sách này nhanh chóng lan rộng. Thị trường tài chính toàn cầu lao dốc chưa từng thấy. Chỉ trong vòng một ngày, theo nhiều nguồn tin, các thị trường đã bốc hơi hàng ngàn tỷ USD. Đặc biệt, các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Microsoft, Tesla… là những bên chịu tổn thất nặng nề nhất do phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng và thị trường quốc tế. Tại Mỹ, giá hàng hóa tăng vọt, chi phí sinh hoạt leo thang khiến người dân bắt đầu phản đối chính sách mới của Tổng thống Trump.

Trước diễn biến bất ngờ này, phản ứng của các nước cũng rất mạnh mẽ. Liên minh châu Âu (EU), Canada và Trung Quốc đồng loạt tuyên bố sẽ có các biện pháp đáp trả tương xứng. Tuy nhiên, theo thông tin từ phía chính quyền Trump, đã có tới 75 quốc gia nhanh chóng gửi đề nghị đàm phán nhằm tìm cách giảm mức thuế mà họ đang phải đối mặt. Nhiều nguyên thủ quốc gia đã trực tiếp gọi điện cho Tổng thống Trump để trao đổi, cho thấy sức ảnh hưởng sâu rộng và sức ép thực sự mà chính sách này đã tạo ra trên toàn cầu.

Ngày 10/4/2025, trước làn sóng lo lắng, căng thẳng và phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là khi nhiều quốc gia mong muốn được thỏa thuận, đàm phán để tìm ra một giải pháp cùng có lợi, chính quyền Trump đã đưa ra một quyết định bất ngờ: tạm dừng việc áp thuế cao đối với tất cả các nước trong vòng 90 ngày. Mục tiêu là tạo điều kiện để các bên có thời gian ngồi lại đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, ngoại lệ duy nhất trong tuyên bố này là Trung Quốc – nước vẫn tiếp tục bị áp thuế ở mức cao, lên tới 34%. Trong thời gian 90 ngày tạm hoãn, hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ các quốc gia khác vẫn phải chịu mức thuế cơ bản là 10%. Dù đây là một động thái nhượng bộ mang tính chiến lược, nhưng việc tiếp tục siết chặt Trung Quốc đã khiến cuộc cạnh tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bước sang một giai đoạn căng thẳng hơn. Cuộc đối đầu thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc nhanh chóng leo thang. Hai bên liên tục tăng mức thuế đánh vào hàng hóa của nhau qua ba vòng đáp trả, khiến mức thuế lên tới đỉnh điểm là 125%. Nghĩa là hàng hóa từ Trung Quốc nhập vào Mỹ, và hàng Mỹ xuất sang Trung Quốc đều phải chịu mức thuế rất cao. Trung Quốc đã chính thức tuyên bố rằng trong cuộc chơi này, sẽ không có bên nào giành chiến thắng. Giữa bối cảnh đó Trung Quốc khuyên Trump trong điều kiện thuận lợi, nên có cuộc đàm phán trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình để cùng tìm kiếm giải pháp.

Sau hơn 10 ngày kể từ khi chính sách thuế quan được công bố, thông qua các cuộc họp báo tại Nhà Trắng và qua những phát biểu, phỏng vấn của các quan chức cấp cao trong chính quyền Trump, người ta dần nhận ra những ý đồ chiến lược ẩn sau chính sách này. Những mục tiêu của ông Trump không chỉ mang tính kinh tế thuần túy mà còn mang màu sắc chính trị sâu sắc.

Thứ nhất, chính quyền Trump muốn thiết lập lại một trật tự thương mại toàn cầu mới – một hệ thống luật chơi được xây dựng theo cách có lợi cho nước Mỹ. Trật tự này khác biệt, thậm chí đi ngược lại với các hiệp định thương mại tự do (WTO) mà chính nước Mỹ từng khởi xướng trong quá khứ. Mục tiêu là đảm bảo nước Mỹ không còn là bên chịu thiệt, mà sẽ là người định hình cuộc chơi.

Thứ hai, việc áp thuế nhằm điều chỉnh tình trạng mất cân bằng thương mại kéo dài. Theo tính toán và kỳ vọng của ông Trump, Mỹ có thể thu về hàng nghìn tỷ USD từ các nước đang xuất siêu vào thị trường Mỹ. Khoản thu này sẽ giúp Mỹ không cần phải tiếp tục in tiền để nhập khẩu hàng hóa như trước kia, đồng thời bảo vệ giá trị của đồng đô la. Khi đô la không bị mất giá và vẫn là đồng tiền giao dịch chủ chốt, các quốc gia khác sẽ tiếp tục cần đến đô la để mua hàng hóa từ Mỹ.

Thứ ba, Trump kỳ vọng rằng việc áp thuế cao với hàng nhập khẩu sẽ tạo ra động lực để các nhà đầu tư nước ngoài và cả các doanh nghiệp Mỹ quay trở lại đầu tư, sản xuất ngay trên đất Mỹ. Khi đó, họ sẽ được hưởng chính sách thuế ưu đãi hơn, giúp giảm chi phí. Điều này không chỉ góp phần phục hồi nền công nghiệp trong nước mà còn tạo thêm việc làm cho người lao động Mỹ, đồng thời giúp giảm giá hàng hóa tiêu dùng trong nước.

Thứ tư, bên cạnh yếu tố kinh tế, chính sách thuế quan còn là một công cụ để gây sức ép về mặt chính trị. Nó được sử dụng như một đòn bẩy để răn đe các quốc gia không thân thiện hoặc có lập trường đối đầu với Mỹ. Đáng chú ý, chính sách này còn áp dụng cả với các đồng minh truyền thống như EU, Canada hay Nhật Bản – những quốc gia trước nay vẫn có quan hệ khăng khít với Mỹ. Điều đó cho thấy mục tiêu sâu xa hơn của Trump là buộc các quốc gia này phải chấp nhận vai trò chi phối, kiểm soát của Mỹ không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả về chính trị và quân sự.

Đến thời điểm này, người ta đã hiểu rõ hơn ý nghĩa thực sự của khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” và cách mà Tổng thống Donald Trump đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Những chính sách mạnh mẽ và gây tranh cãi mà ông triển khai không chỉ cho thấy tầm nhìn riêng biệt, mà còn thể hiện sự táo bạo – điều mà chưa một đời Tổng thống Mỹ nào trước đó dám thực hiện. Trump đã chọn con đường đi ngược lại với các giá trị và cách vận hành truyền thống của nước Mỹ, từ chính sách kinh tế cho đến ngoại giao và cấu trúc lãnh đạo. Ông không chỉ tạo ra một xu hướng lãnh đạo mới, mà còn đặt mình vào thế đối đầu trực diện với hệ thống cũ – đặc biệt là đường lối điều hành đất nước của Đảng Dân chủ. Trong mắt ông, chính các đời Tổng thống như Obama, Clinton hay Biden đã góp phần làm suy yếu nước Mỹ, khi đưa quốc gia này trở thành công cụ phục vụ cho những thế lực ngầm: giới tài phiệt công nghệ, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng – những người nắm trong tay quyền lực nhưng không chịu trách nhiệm trước cử tri.

Ở một khía cạnh nào đó, chính sách của Trump có thể được ví như một cuộc “lật đổ” trật tự cũ. Vì thế, việc ông vấp phải sự phản ứng dữ dội từ cả bên ngoài lẫn bên trong nước Mỹ là điều không mấy bất ngờ. Không chỉ các đồng minh quốc tế bày tỏ lo ngại, mà ngay trong nội bộ nước Mỹ, hàng loạt chính trị gia, chuyên gia kinh tế và giới truyền thông liên tục cảnh báo rằng những hành động của ông Trump sẽ khiến nước Mỹ rơi vào khủng hoảng. Họ cho rằng giá cả sẽ leo thang, người dân Mỹ sẽ chịu thiệt, và nước Mỹ có nguy cơ đối mặt với lạm phát lớn chưa từng có. Cùng lúc đó, làn sóng phản đối lan rộng trên toàn quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 1.400 cuộc biểu tình đã bùng nổ tại cả 50 bang. Đảng Dân chủ, thông qua các quỹ tài trợ và tổ chức phi chính phủ, được cho là đã đứng sau nhiều hoạt động nhằm tạo áp lực, gây chia rẽ và làm lung lay vị thế của ông Trump. Tuy nhiên, bất chấp mọi áp lực, Trump không lùi bước. Ông vẫn kiên định với con đường mình chọn, tin tưởng rằng nếu vượt qua được những sóng gió ban đầu, ông sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng – một nước Mỹ vững mạnh, tự chủ và thực sự đứng ở vị thế dẫn dắt thế giới.

Những người biểu tình tham dự cuộc biểu tình “Hands Off” để phản đối Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Elon Musk tại National Mall ngày 5/4/2025 tại Washington, DC. Nguồn: Anna Moneymaker/Getty Images.

Từ sau ngày 10/4/2025, khi Tổng thống Trump tuyên bố tạm hoãn áp thuế cao trong vòng 90 ngày, bức tranh chiến lược thương mại của chính quyền ông càng trở nên rõ nét hơn. Biện pháp được Trump và nội các triển khai là công bố mức thuế rất cao đối với tất cả các quốc gia có hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ, nhằm tạo ra sức ép đủ lớn để buộc các nước này phải chủ động liên hệ với Washington xin được đàm phán. Mục tiêu không gì khác hơn là buộc các quốc gia phải ngồi vào bàn thương lượng để giải quyết tình trạng chênh lệch thương mại mà theo Trump, đã khiến nước Mỹ chịu thiệt thòi trong nhiều thập kỷ. Đến thời điểm đó, có thể thấy rõ phần lớn các quốc gia đã bắt đầu “đi vào quỹ đạo” của Mỹ. Nếu muốn được hưởng mức thuế thấp hơn và tiếp tục tiếp cận thị trường Mỹ – vốn là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới – thì không còn cách nào khác ngoài việc phải chấp nhận luật chơi mới do Mỹ đặt ra. Khi các nước đồng ý đàm phán, cánh cửa sẽ được mở – bằng việc Trump tuyên bố tạm ngừng áp thuế cao trong 90 ngày để hai bên có thời gian thảo luận và tìm ra lối đi chung. Trong khoảng thời gian này, các quốc gia sẽ có cơ hội thương lượng các điều khoản có lợi hơn, nhưng phải làm việc trực tiếp với chính quyền Trump. Tuy nhiên, trong khi các cuộc đàm phán diễn ra, Mỹ vẫn giữ thế chủ động và không quên bảo vệ quyền lợi của mình. Hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ trong thời gian 90 ngày đó vẫn phải chịu mức thuế cơ bản là 10%. Đây là cách mà chính quyền Trump “nắm đằng chuôi”, đảm bảo rằng ngay cả khi thương lượng, nước Mỹ vẫn không chịu thiệt – vừa có thêm nguồn thu từ thuế, vừa đặt các quốc gia khác trong thế phải nhượng bộ để tránh bị tổn thất lâu dài.

Việt Nam bị Mỹ áp mức thuế 46%, dựa trên tỷ lệ xuất siêu vào thị trường Mỹ, và đang chịu nhiều áp lực lớn, cùng với những đánh giá bất lợi từ các cố vấn thương mại của phía Mỹ. Việc Việt Nam có thể tránh được mức thuế cao như Mỹ đã công bố hay không sẽ phụ thuộc vào năng lực đàm phán của các quan chức Việt Nam trong quá trình thương lượng với phía Mỹ, dựa trên các nguyên tắc chỉ đạo mà Đảng và Chính phủ Việt Nam đã thông báo chính thức tới Chính phủ Hoa Kỳ. Lịch sử cho thấy trong mọi cuộc giao tranh dù là chiến trường hay thương mại, các quốc gia trung lập, biết giữ thế cân bằng và linh hoạt trong quan hệ đối ngoại thường là những bên gặt hái được lợi ích lớn.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trong cuộc gặp ngày 10/4/2025 tại Hoa Kỳ để đàm phán về một thỏa thuận thương mại song phương với Việt Nam. Nguồn: Bài đăng của ông Scott Bessent trên Mạng xã hội X.

Trong ba tháng tới, thế giới chắc chắn sẽ chứng kiến một giai đoạn sôi động chưa từng có, khi hàng loạt quốc gia lần lượt bước vào các vòng thương lượng với chính quyền Trump. Mỗi quốc gia sẽ có một “đáp số” riêng, phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng nhượng bộ và thích ứng với những điều kiện mà Mỹ đưa ra. Nếu các mục tiêu mà chính quyền Trump đặt ra được thực hiện thành công, không chỉ nước Mỹ có lợi mà cá nhân ông Trump sẽ được nhìn nhận như một “người hùng” – người đã xoay chuyển toàn bộ trật tự thương mại toàn cầu theo hướng có lợi cho nước Mỹ. Và đó cũng chính là giấc mơ lớn nhất mà ông Trump luôn theo đuổi. Tuy nhiên, con đường đi đến vinh quang của ông không hề dễ dàng. Trước mắt Trump là vô số trở ngại – từ áp lực trong nước, sự phản đối của đảng đối lập, các tổ chức xã hội, cho tới phản ứng cứng rắn từ nhiều quốc gia trên thế giới. Những rào cản này có thể làm chệch hướng hoặc làm chậm lại tham vọng định hình lại vai trò của nước Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu mà Trump đang theo đuổi. Cuộc chơi mà ông đã khởi xướng là một canh bạc lớn và không ai có thể chắc chắn được kết cục. Chúng ta cần tiếp tục theo dõi sát sao những bước đi tiếp theo để có thể đưa ra đánh giá toàn diện và chính xác hơn về hệ quả của chiến lược này.■

Hạ Vân

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN