“Mọi người phải nắm lấy tay nhau thật chặt”

Ông Trần Khánh Phôi, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị có bài phát biểu xúc động tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Văn phòng tìm kiếm người mất tích (VNOSMP), với mục tiêu tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh, vào tháng 6 vừa qua. Câu chuyện cảm động của gia đình ông chính là câu chuyện về sự hi sinh trong chiến tranh và nỗ lực vượt lên, hàn gắn vết thương, tha thứ và hoà giải với kẻ thù của dân tộc ta. Nhân kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ 27/7, Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu bài phát biểu này như một nén tâm nhang kính dâng hương hồn những người con đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Thông điệp ngăn chặn chiến tranh bằng mọi giá của tác giả cũng chính là mong muốn của tất cả những người yêu chuộng hoà bình trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến cuộc chiến khốc liệt nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai tại lục địa châu Âu.

Ông Trần Khánh Phôi, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thật vinh dự cho tôi khi một lần nữa được tham gia Lễ kỉ niệm ngày thành lập Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích, lần gần đây nhất là vào năm 2018, khi đó tôi cũng được mời tham dự.

Và hôm nay tôi lại vinh dự được thay mặt các tỉnh, thành trong cả nước phát biểu về công tác MIA. Có lẽ đây sẽ là lần cuối cùng tôi nhận được vinh dự này, vì mới chỉ cách đây đúng 02 ngày, ngày 06/6 – trước khi tôi rời Quảng Trị ra Hà Nội, tôi nhận được thông báo nghỉ hưu từ ngày 01/10/2023. Chuẩn bị kết thúc tròn 30 năm, kể từ ngày đầu tiên tôi tham gia hoạt động MIA – năm 1993 và hôm nay năm 2023.

Tôi vẫn còn nhớ ngày đầu tiên đó. Đầu tháng 4/1993, tôi được phân công đi tìm nhân chứng theo sự hướng dẫn của Đại tá Phạm Tèo. Đó là một người đàn ông rất đáng trân trọng và tôi nghĩ ít nhiều có ảnh hưởng đến suy nghĩ của tôi sau này. Vì thú thật, những ngày đầu tiên đi hoạt động MIA, ngoài việc được phân công “nhiệm vụ” thì đơn giản chỉ là sự tò mò, muốn tìm hiểu. Mặc dù, lúc đó, tôi cũng không ít lần tự hỏi, tại sao mình lại phải đi tìm kiếm người Mỹ mất tích, khi thực tế, họ đã mang đến cho gia đình tôi quá nhiều đau thương, mất mát.

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, rất nghèo và lớn lên trong một khu trại tập trung do chế độ Việt Nam Cộng hòa tạo lập bên bờ Nam của dòng sông Bến Hải. Tuổi thơ của tôi gắn liền với việc chứng kiến cảnh bắt bớ, tù đày, với bom đạn và với cả sự chết chóc, tang thương. Đói và rách. Quê tôi lúc giờ là như thế. Tôi nhớ mình chưa bao giờ được ăn một bữa cơm no.

Tôi nhớ hình ảnh của ba tôi bị một người lính Việt Nam cộng hòa bắn chết ngay trước cổng nhà mình, lúc đó tôi vừa tròn 06 tuổi – ngày 25/8/1968. Tôi nhớ và mường tượng lại hình ảnh của Mẹ tôi cùng chị gái tôi khóc khi anh trai tôi mất chưa đầy một năm sau đó – ngày 19/6/1969. Anh trai tôi trốn nhà đi bộ đội lúc mới 17 tuổi, 20 tuổi anh tôi bị bắt trong một trận đánh và bị giam ở nhà lao Non nước của Đà Nẵng. Hai năm sau đó anh tôi bị chế độ Việt Nam cộng hòa đánh cho đến chết trong nhà tù, chỉ vì một lý do đơn giản “Việt cộng”.

Nhiều vị đại sứ, nguyên lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Công an… những người đã có nhiều đóng góp, chỉ đạo, gắn bó trong nhiều năm với công tác tìm kiếm MIA, đóng góp cho bình thường hóa và thúc đẩy phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Nguồn: Bộ Ngoại giao

Tôi cũng nhớ rất rõ cái chết của chị gái mình vào ngày 23/1/1976, lúc bây giờ tôi cũng đã lớn, 14 tuổi, nghĩa là đã đủ lớn để nhớ tất cả. Chị tôi chết ngay trước mặt tôi, ngay trên mãnh đất vườn nhà tôi khi đang tham gia lực lượng rà phá bom mìn. Một quả đạn đã phát nổ, khi chị tôi cùng với các nữ đồng chí khác dùng cái thuốn để dò tìm bom, mìn và các loại đạn pháo. Lúc bấy giờ lực lượng công binh Việt Nam chưa có các trang thiết bị mày rà kim loại như thế hệ chúng tôi đang sử dụng sau này.

Nghĩa là tôi nhớ tất cả những đau thương mất mát mà chiến tranh, và đương nhiên không thể thiếu vai trò của người Mỹ đã để lại cho gia đình tôi. Ba tôi chết khi chúng tôi còn rất nhỏ. Anh chị tôi đều chết rất trẻ khi không ai có gia đình, không vợ, không con. Ba tôi, anh tôi, thậm chí không có lấy một tấm ảnh để thờ.

Ngoài ra, tôi cũng còn có một người anh chết ở chiến trường Campuchia năm 1981. Anh tôi đi bộ đội lúc 20 tuổi và mất lúc tròn 26 tuổi. Cái chết của anh trai tôi không liên quan gì đến người Mỹ, nhưng lại liên quan đến hoạt động tìm kiếm người Mỹ của tôi và của quý vị ở đây. Anh tôi chết do vấp phải mìn trên đường đi làm nhiệm vụ và được các đồng đội chôn cất tại một bản làng thuộc tỉnh Preah Vihear của Campuchia. 04 năm sau, anh tôi được một người đồng đội khi từ chiến trường Campuchia trở về Việt Nam đã cất bốc hài cốt bỏ vào ba lô và đưa về chôn ở nghĩa trang Liệt sỹ Kon Tum. Người chiến sỹ này đã vứt bỏ hầu hết hành lý của mình chỉ để mang xác anh tôi về nước. Năm 1987 gia đình tôi vào Kon Tum đưa xác anh tôi ra chôn ở quê. Tất cả những việc này tôi đều không biết, vì lúc này tôi đang học ở Liên xô. Năm 1989, tôi về nước, mẹ tôi đã rất tri ân, rất vui kể lại, khi đi cùng tôi lên mộ anh tôi để thắp hương. Sau này, nhớ lại mẹ mình, tôi hiểu được tấm lòng của tất cả những người mẹ mất con. Còn may mắn khi còn có xác….

Và chính vì vậy, từ năm 1993 tôi đã tham gia hoạt động MIA (dù lúc đó trong tôi vẫn còn quá nhiều thù hận với người Mỹ) và tham gia cho đến tận bây giờ. 30 năm, gần như trọn một đời làm công chức của tôi. Và cũng sau 30 năm ấy, nhiều suy nghĩ trong tôi cũng đã thay đổi. Tôi đã được giáo dục thế nào là lòng nhân ái và sự bao dung. Tôi đã biết nguyên tắc nhân đạo trong các cuộc chiến tranh. Tôi cũng đã hiểu tại sao phải “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”. Những người Mỹ bình thường không có lỗi. Và vì vậy, tôi cũng không còn thù hận ai. Nếu có chăng, chỉ là thù hận chiến tranh, ghét bỏ chiến tranh, với mong muốn đừng bao giờ có chiến tranh dù bất cứ ở đâu, với bất cứ với ai và vì bất cứ lý do gì.

Với nhận thức tìm kiếm những quân nhân mất tích trong chiến tranh là công tác nhân đạo, tỉnh Quảng Trị của chúng tôi cũng như tất cả các tỉnh, thành khác trong cả nước đều đã, đang và sẽ hợp tác tích cực với phía Hoa Kỳ trong các hoạt động tìm kiếm những quân nhân Mỹ mất tích.

Những cá nhân trực tiếp tham gia như chúng tôi cũng đã, đang và sẽ tiếp tục vượt lên trên sự mất mát, đau thương của chính mình với một tấm lòng nhân ái, đôn hậu rất Việt Nam để tham gia vào một hành trình giúp làm dịu bớt nỗi đau của những người mẹ, giúp hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai quốc gia, hai dân tộc, dù công việc có khó khăn, vất vã đến đâu.

Tôi tin chắc như thế!

Tôi cũng chỉ còn 03 tháng nữa sẽ nghỉ hưu. Nhân đây tôi cũng muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng, hãy tiếp tục hợp tác với phía Hoa Kỳ trong lĩnh vực hoạt động vô cùng nhân đạo này.

Tôi chia tay công việc, nhưng tôi không chia tay quý vị. Hãy đến với chúng tôi bất cứ khi nào quý vị cần sự giúp đỡ từ phía chúng tôi.

Trước khi kết thúc bài phát biểu của mình, tôi cũng muốn thông tin đến với quý vị (và chắc Ngài Đại sứ Mỹ cũng nhớ), mới cách đây nửa tháng, ngày 22/5, tôi – với tư cách là Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh, đã chủ trì một sự kiện, sự kiện thành lập Hội Việt – Mỹ của tỉnh Quảng Trị mà Ngài Đại sứ có cử bà Phó Đại sứ – Mellisa Bishop vào dự. Tôi muốn mọi người phải nắm lấy tay nhau thật chặt. Tôi muốn nhiều hơn sự hợp tác trong tất cả các lĩnh vực của hai nước. Tôi muốn đất đai không còn bom mìn để người dân quê tôi được tự do canh tác. Tôi muốn nhiều hơn những người Mỹ đã mất tích tại Việt Nam được tìm thấy và đương nhiên tôi càng muốn nhiều hơn những bộ đội Việt Nam đã hy sinh cũng được tìm thấy và được nhận dạng. Tôi muốn thế giới này không có chiến tranh. Tôi muốn nhiều hơn những người Mỹ đến với Việt Nam và nhiều người Việt Nam đến với Mỹ như những người bạn… Và tất nhiên trong đó có tôi, có quý vị ở đây. Tôi được nghe Hawai rất đẹp. Tôi muốn một lần được đến đó.

Xin một lẫn nữa được nắm thật chặt bàn tay của quý vị.■

Trần Khánh Phôi

(Theo Tạp chí Phương Đông)

“Câu chuyện cảm động của gia đình anh Phôi (PGĐ Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị) vừa chia sẻ là một trong rất nhiều câu chuyện mà anh em chúng ta từng tham gia hoạt động MIA đều đã trải nghiệm.

Chúng ta không viết lại được lịch sử! Nhưng với thiện chí và nỗ lực, chúng ta đã và đang chung tay xây dựng tương lai tươi sáng cho hai nước chúng ta. Ngày hôm nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành những người bạn và đối tác toàn diện, đúng như tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập trong bức thư gửi Tổng thống Truman tháng 2/1946. Chúng ta cùng xây dựng và củng cố quan hệ hợp tác, vừa cùng khắc phục những hậu quả của chiến tranh. Đó là cách tốt nhất để hàn gắn những vết thương trên đất đai, trên cơ thể và trong tâm hồn. Và quan trọng hơn, điều đó giúp chúng ta xây dựng lòng tin, cơ sở quan trọng để “hai nước chúng ta mãi mãi là bạn” – như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ vào năm 2015.

Thiện chí và kết quả của quá trình Việt Nam hợp tác MIA 50 năm qua được Chính quyền, Quốc hội Hoa Kỳ và các tổ chức cựu binh, thân nhân gia đình MIA Hoa Kỳ ghi nhận và đánh giá cao; coi đây là hình mẫu trong quan hệ hai nước nói riêng và quan hệ quốc tế nói chung. Đó cũng là động lực để hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh khác như tẩy độc da cam/dioxin tại sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa, hỗ trợ người khuyết tật bị ảnh hưởng của chất độc da cam; các dự án rà phá bom mìn, tìm kiếm, quy tập và định danh hài cốt bộ đội Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, có thể khẳng định, hợp tác MIA là hoạt động chính thức có quy mô, phạm vi và thời gian triển khai mà chưa có một lĩnh vực hợp tác song phương nào trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đạt được…”.

Trích bài phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc tại Lễ kỷ niệm 50 thành lập VNOSMP và 35 năm hoạt động MIA hỗn hợp

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN