Những sự kiện lịch sử đã từng bị nhầm lẫn

Việt Nam chúng ta đã từng chứng kiến hai chiến dịch lịch sử, đó là chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc đầu tháng Năm năm 1954 và chiến dịch Hồ Chí Minh vào ngày cuối tháng Tư năm 1975. Cách đây đúng 70 năm, quân và dân Việt Nam đã giành thắng lợi tại Điện Biên Phủ. Hồi 17h30 ngày 7/5/1954, quân ta đã cắm cờ đỏ sao vàng lên hầm của tướng Pháp De Castries. Cách đây 49 năm, hồi 11h30 ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng 390 của quân đội ta đã làm đổ cổng chính của Dinh Độc Lập, báo hiệu sự chấm dứt của chế độ Việt Nam Cộng hoà. Tuy nhiên, sau này khi nhìn nhận lại các sự kiện đó, đã có những nhầm lẫn xảy ra.

Người cắm cờ trên nóc hầm của tướng De Castries chiều ngày 7/5/1954

Đến sáng ngày 07/5/1954, quân ta đã làm chủ lần lượt các cứ điểm ở phía Tây và phía Đông, trong đó có cứ điểm A1, là điểm cao cuối cùng trong dãy đồi Phía Đông, được mệnh danh là lá chắn thép bảo vệ Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp. Bộ chỉ huy của quân đội Việt Nam ra lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận.

Chiều ngày 7/5, đơn vị của đồng chí Tạ Quốc Luật được giao nhiệm vụ tham gia hiệp đồng tác chiến với Đại đội của đồng chí Trần Can tiêu diệt các cứ điểm 508, 509 và 507 ở đầu cầu Mường Thanh.

15 giờ ngày 7/5/1954, Đại đoàn 312, Đại đoàn 308 và Đại đoàn 316 được lệnh tấn công. Đại đoàn 308 đánh phía Tây mở đường qua sân bay, Đại đoàn 316 đảm nhiệm mũi tấn công từ hướng Tây Nam. Ở Phía Đông, Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 do Tạ Quốc Luật dẫn đầu nhận nhiệm vụ tấn công theo hướng chủ yếu vượt cầu Mường Thanh, đã nhanh chóng tiêu diệt gọn các cứ điểm 508, 509 và 507 (cứ điểm mà quân Pháp mệnh danh là thiên thần gác cửa Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ) và ụ súng đại liên 4 nòng của Pháp ở đầu cầu Mường Thanh. Binh lính địch hoang mang, hoảng loạn nhưng chúng vẫn điên cuồng chống trả. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật sau khi nắm tình hình qua khai thác tù binh địch, đã cùng các chiến sĩ trong tổ xung kích bất chấp mọi hiểm nguy tiến thẳng vào Sở chỉ huy De Castries. Đồng chí Tạ Quốc Luật hạ lệnh bằng tiếng Pháp: “Hạ vũ khí xuống, giơ tay lên, các ông đã bị bắt…”, quân địch trong hầm vẫn ngoan cố ném lựu đạn về phía quân đội Việt Nam. Chiến sĩ  Bùi Văn Nhỏ lập tức tiến lên dùng thủ pháo ném vào cửa hầm. Khói lửa chưa tan thì đã có một tên sĩ quan Pháp từ hầm bước lên giơ tay đầu hàng. Đồng chí Tạ Quốc Luật phân công 2 chiến sĩ Lam, Hiếu bịt chặt cửa hầm phía sau, đồng chí và 2 chiến sĩ là Hoàng Đăng Vinh và Bùi Văn Nhỏ tiến vào hầm bắt sống tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ tham mưu của quân Pháp. Đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954 lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Bác Hồ trao, đã được Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật phất cao trên nóc hầm De Castries báo hiệu giờ chiến thắng và đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn “Pháo đài quân sự bất khả xâm phạm” của quân viễn chinh Pháp tại Điện Biên Phủ.

Như vậy, nhóm 5 người vào hầm tướng De Castries hôm đó bao gồm: Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, Hoàng Đăng Vinh, Đào Văn Hiếu, Bùi Văn Nhỏ, Nguyễn Văn Lam.

Sau trận Điện Biên Phủ, chiến sĩ Tạ Quốc Luật được vinh dự báo cáo thành tích để chúc thọ Hồ Chủ tịch vào ngày 19/5/1954. Bản báo cáo đó được đăng trên báo Cứu quốc số 2309, ngày 28/5/1954. Ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam

Ngày 13/5/1954, trong lễ mừng chiến thắng được tổ chức trọng thể tại Mường Phăng, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật được cử kéo cờ chiến thắng lên cột cờ dựng trước toàn quân.

Đó là lịch sử như chúng ta biết ngày nay, được đưa tin rõ ràng trong báo. Tuy nhiên, có một phiên bản khác tồn tại rất nhiều năm sau năm 1954, đó là người cắm cờ trên hầm chỉ huy của tướng De Castries năm đó là Hoàng Đăng Vinh.

Một trong những lý do phiên bản này tồn tại là vì khi Karmen, nhà quay phim tài liệu Liên Xô và tác giả phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”  đến dựng lại cảnh quân ta vào hầm chỉ huy của tướng De Castries, không hiểu vì lý do gì, ông Vinh được chọn làm người cắm cờ trên nóc hầm. Và từ đó, chuyện dựng lại trở thành sự việc lịch sử. Phiên bản này tồn tại cho đến năm 2004 khi ông Tạ Quốc Luật được truy phong Anh hùng các lực lượng vũ trang.

Xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập ngày 30/4/1975

Ngày 20/3/1975, Trung đoàn 203 tăng thiết giáp được Bộ Tư lệnh Quân đoàn II phiên chế vào lực lượng đột kích cơ động mạnh nhận mật lệnh tập trung hỏa lực từ núi Bông đánh ngược lên sân bay Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên Huế. Với phương châm đã trở thành mệnh lệnh của cả chiến trường “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, những “cỗ chiến xa” của Trung đoàn 203 hùng dũng tiến lên chiến trường. Ngày 26/3/1975, “cỗ chiến xa” T54 – 843 đã có mặt tại biển Thuận An, từ đây, dọc theo Quốc lộ 1, hành quân, truy kích địch, tiến về giải phóng Đà Nẵng và hàng loạt các tỉnh Nam Trung Bộ rồi cùng những cánh quân khép chặt Sài Gòn.

Ba giờ sáng ngày 29/4/1975, tại cầu Buông, Biên Hòa, Trung đoàn 203 tăng thiết giáp nhận lệnh tập trung hỏa lực đánh thẳng vào các mục tiêu quan trọng của địch như: ngã ba Tam Hiệp, xa lộ Biên Hòa, cầu Sài Gòn… Sau khi tràn qua cầu Sài Gòn, trên hướng tiến công của Quân đoàn 2, lực lượng đột kích thọc sâu của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203 chia thành hai mũi theo đại lộ Thống Nhất và đại lộ Hồng Thập Tự tiến về dinh Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Trên đường đến Dinh Độc Lập, xe tăng 843 đã bắn cháy 3 xe tăng và bọc thép của địch. Hai bên đường quần chúng cách mạng vẫy chào và dẫn đường cho quân giải phóng tiến vào các mục tiêu quan trọng. 11 giờ ngày 30/4/1975, xe tăng đã húc vào cổng phụ của Dinh Độc Lập, sau đó bị chết máy. Xe tăng 390 đi sau lập tức xông lên húc đổ cánh cổng chính. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận nhảy ra khỏi xe tăng 843 và chạy lên nóc Dinh Độc Lập cắm lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là sự kiện đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, báo hiệu giờ phút đầu tiên miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông đất nước ta thu về một dải.

Đó cũng là lịch sử. Tuy nhiên, đây đã từng là điều không mấy ai biết đến. Trong suốt 20 năm từ 1975 đến 1995, người Việt Nam chúng ta vẫn tin rằng xe tăng 843 đã húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập.

Nhờ những bức ảnh tư liệu quý giá của nữ nhà báo người Pháp Francoise Demulder công bố vào năm 1995, thì chiến công của chiếc xe tăng “390” mới được công nhận. Các bức ảnh cho thấy dù là chiếc xe đầu tiên tiến vào khu vực cổng chính của Dinh Độc Lập, tuy nhiên xe tăng “843” lại bị kẹt ở cổng phụ và không thể di chuyển tiếp. Ngay lập tức, xe tăng “390” đã nhanh chóng tiến vào húc tung cổng chính của Dinh thay cho người đồng đội của mình.

30/4/1975: Xe tăng 390 là chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng chính tiến vào Dinh Độc Lập. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cầm cờ nhảy khỏi xe tăng 843 bị kẹt ở cổng phụ (ảnh dưới). Ảnh: Francoise Demulder

Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ gói gọn trong vài chữ như vậy. Đau đáu muốn gặp gỡ lại các chiến sĩ trên chiếc xe tăng 390, Francoise Demulder, nhà nhiếp ảnh người Pháp, một trong số ít nhà báo có mặt tại Dinh Độc lập trưa 30/4/1975 đã quay trở lại Việt Nam năm 1995. Bức ảnh bà chụp xe tăng 390 năm 1975 và các cuộc gặp gỡ với 5 chiến sĩ trên chiếc xe tăng 390 đã làm sáng tỏ sự thật lịch sử như chúng ta đã biết.

Ngày nay, chúng ta có thể xem hai xe tăng 390 và 843 tại Bảo tàng Tăng-Thiết Giáp ở Hà Nội và phiên bản của cả hai chiếc tại Dinh Độc lập.

Dương Văn Minh đầu hàng tại Dinh Độc Lập và việc soạn thảo tuyên bố đầu hàng

Sáng 17/1/2006, tức hơn 30 năm sau, Viện Lịch sử Quân đội đã công bố kết quả cuộc tọa đàm khoa học trao đổi thông tin một số vấn đề xung quanh sự kiện đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Theo thông báo của Viện Lịch sử quân đội về việc bắt Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các chính quyền Sài Gòn ở Dinh Độc Lập và áp giải Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu sang đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng: Đại đội 4 xe tăng (thuộc Lữ đoàn 203) là đơn vị tiến công, đột nhập vào Dinh Độc Lập đầu tiên và Bùi Quang Thận là người thực hiện việc kéo cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập. Cùng lúc đó, một số cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 do Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ chỉ huy tiến vào Dinh Độc Lập, lên tầng 2 bắt Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các ở phòng họp và áp giải Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu sang Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng.

Dương Văn Minh (ngồi) chuẩn bị ghi âm lời đầu hàng tại Đài phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh: Kỳ Nhân

Việc thảo lời tuyên bố đầu hàng và tuyên bố chấp thuận đầu hàng của Dương Văn Minh: Tại đài phát thanh, đồng chí Phạm Xuân Thệ cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tổ chức soạn thảo lời “Tuyên bố đầu hàng” cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì Trung tá Bùi Văn Tùng – Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 xuất hiện. Từ đó, bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bùi Văn Tùng tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời “Tuyên bố đầu hàng” cho Dương Văn Minh đọc và ghi âm để phát trên đài phát thanh. Như vậy, “Tuyên bố chấp nhận đầu hàng” của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và phát trên đài phát thanh.

Kết luận này đã chấm dứt những ý kiến khác nhau trong những người chứng kiến sự kiện tại Dinh Độc lập ngày 30/4/1975 và những nhận thức khác nhau trong một bộ phận dân chúng trong nước và dư luận trên thế giới.

Có một câu nói nổi tiếng rằng: “Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng ngắn, tương lai sẽ bắn bạn bằng súng thần công”. Chúng ta cần tôn trọng lịch sử, cũng như từng chi tiết lịch sử, không vì bất cứ lý do gì mà làm sai lệch sự kiện lịch sử. Đáng tiếc là trong một số trường hợp, điều đó đã không được thực hiện và đã gây ra hiểu nhầm kéo dài.■

Trần Hà (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN