Việt Nam trên báo Mỹ: Bài trí đầy tinh thần mến khách cho đàm phán hòa bình Việt Nam

Tạp chí Phương Đông giới thiệu với bạn đọc bài viết của Richard B. Stolley, đăng trên Tạp chí LIFE số ra ngày 24/5/1968, về quang cảnh Hội nghị Paris trong những thời khắc chuẩn bị khai mạc.

Ngay trước phiên đàm phán trọng yếu được trông đợi từ lâu trong đó Hoa Kỳ và Bắc Việt cuối cùng cũng ngồi xuống để thương lượng với nhau, trông kìa, một mặt trời sớm mai nhợt nhạt ló dạng trên nền trời xám xịt – cho đến giờ chuyện này vẫn là sự lạ với thời tiết Paris những ngày tháng Năm lạnh lẽo và ảm đạm.

Không có tuyên bố tức thì nào rằng Tướng De Gaulle đã yêu cầu những ngày đẹp trời tái xuất, nhưng trên mọi phương diện khác, người Pháp – vốn biết để mắt đến lịch sử – đang làm tất cả những gì trong khả năng của con người để khiến hội nghị này thành công. Dù có nói gì về thái độ chính thức của họ đối với Hoa Kì, và mặc dù họ có đầy đủ lí do để bận tâm về cuộc nổi loạn của sinh viên, chẳng ai có thể chê trách cách họ đảm trách vai trò gia chủ của phiên hòa đàm.

Nhà đàm phán chính của Bắc Việt, ông Xuân Thủy, đọc một tờ báo Hà Nội trong phòng mình ở khách sạn Lutetia. Những bông tú cầu là quà của người Pháp. Trong hình dưới, vào lúc đàm phán bắt đầu, chiếc Plymouth của Averell Harriman, nhà thương thuyết cấp cao của Hoa Kỳ, cùng chiếc Citroen mà phái đoàn Bắc Việt sử dụng, đậu bên ngoài trung tâm hội nghị.

Với sự sốt sắng của những chủ nhà vùng ngoại ô, họ dành toàn bộ cuối tuần trước đó trang hoàng Trung tâm Hội nghị Quốc tế với thảm trải sàn và giấy dán tường mới, cùng các tấm thảm thêu trang trí của thế kỉ XVII. Họ khuân vào hàng loạt chậu cây cọ, cây cao su và hồng tú cầu, rồi bày biện những chiếc gạt tàn pha lê mong manh hiệu Sèvres rải rác quanh chiếc bàn hình vuông trong phòng họp. Cảnh sát phong tỏa con đường La Pérouse phía sau tòa nhà để các phái bộ có thể mở cửa sổ trong trường hợp không khí trở nên ngột ngạt (không có điều hòa không khí), và bên ngoài phía trước đại lộ Kléber, những công nhân đang đào đường để lắp đặt một tuyến tàu điện ngầm mới đã tạm ngưng nện búa.

Hành động quan tâm cuối cùng này, nhân tiện, có thể không hoàn toàn vô vị kỉ. Phòng hội nghị được trang bị nhiều thiết bị thu phát thanh dùng cho phiên dịch – và ta có thể mặc định rằng có cả một số máy nghe lén. Người Pháp muốn biết điều gì đang diễn ra trong phòng, và theo quy định hiện thời, không ai ngoài hai phái đoàn Hoa Kì và Bắc Việt được phép có mặt. Kiểu nghe trộm bằng thiết bị điện tử này được coi là chuyện thường nhật trong thế giới đặc biệt của ngoại giao quốc tế.

Phương thức ngăn chặn tốt nhất chỉ là sự cẩn trọng giản đơn xưa nay. Ví dụ, Vance và Harriman chỉ bàn bạc chiến lược hội nghị của họ trong một căn phòng được canh gác cẩn mật tại sứ quán, họ không bao giờ làm điều đó ở khách sạn Crillon kề bên, nơi họ đang ở. “Chuyện quan trọng nhất chúng tôi nói ở khách sạn Crillon là tối nay ăn gì”, một người Mỹ từng nói.

Trong khi Cyrus R. Vance (bên phải, hình trên), Harriman và Đại sứ Hoa Kỳ Sargent Shriver ăn tối tại khách sạn Crillon, các công nhân đang sửa chữa một con đường bị hư hại vì cuộc bạo động của sinh viên ở gần khách sạn Lutetia (hình dưới).

Các phái bộ tạo dáng chụp hình trong một căn phòng lộng lẫy theo yêu cầu của đoàn Bắc Việt, trước khi đàm phán thực sự bắt đầu trong không gian giản dị hơn.

Hai bên đều thấy rõ lợi ích bên lề của việc tổ chức hội nghị tại Pháp

Giữa người Pháp và những vị khách Bắc Việt có sự gắn bó chân thực. Người Pháp đã giáo dục nhiều thành viên của phái đoàn Hà Nội, đã chiến đấu chống lại một số người trong cuộc chiến tranh Đông Dương và thậm chí đã bỏ tù một vài người. Thế nhưng nội các Pháp kêu gọi người dân “dù có chính kiến gì hay ủng hộ bên nào, hãy duy trì sự dè dặt và bình thản tuyệt đối trong suốt thời gian diễn ra đàm phán”. Người Pháp đã cung cấp cho đoàn Bắc Việt một hay hai chiếc Citroen, lắp đặt một kết nối điện báo với Hà Nội cho họ, và theo báo cáo thì còn giúp trả tiền cho các dãy phòng của họ ở khách sạn Lutetia, nằm ở tả ngạn sông Seine, vì phía Bắc Việt thiếu trầm trọng ngoại tệ của các nước phương Tây. Nhưng Hoa Kì không coi chương trình hỗ trợ ngoại quốc khiêm nhường này là một sự vi phạm thực sự nghiêm trọng vai trò trung lập của Pháp.

Harriman khá được yêu thích ở đây, bất chấp việc ông ưa nhắc nhở người Pháp một cách ranh mãnh về chuyến thăm Paris dài ngày lần trước, khi ông sang Pháp thực hiện Kế hoạch Marshall. Đó là một giai đoạn lệ thuộc vào đô-la của người Mĩ mà người Pháp chính thức muốn cho rơi vào quên lãng. Họ không biết Vance, nhưng cả hai đều được trọng thị trong các bài viết dài trên báo chí Paris, vốn thường hay bài xích người Mĩ trong những năm gần đây.

Một thắng lợi ngoại giao nhỏ mà De Gaulle giành được là việc tiếng Pháp được chỉ định làm ngôn ngữ chính thức tại hội nghị. Khi Harriman phát biểu, lời của ông được một phiên dịch người Mĩ dịch ra tiếng Pháp, rồi sau đó người phiên dịch của phía Việt Nam sẽ tự dịch ra tiếng Việt. Với Xuân Thủy, quá trình này được đảo ngược. Việc cần đến hai lần phiên dịch liên tiếp có lẽ là một lí do vì sao những buổi hòa đàm này có thể kéo dài lê thê suốt nhiều tuần lễ.

Nhấm nháp hương vị Paris mùa xuân, đại diện phái đoàn Hà Nội Xuân Thủy đang đùa một em bé, cử chỉ thể hiện rõ chính trị dù ở đâu cũng là chính trị.
Những người Mĩ từng lo sợ rằng Bắc Việt có thể nhanh chóng cắt đứt đàm phán nay được động viên nhờ số hành lí chồng chất mà phái đoàn Bắc Việt đem sang từ quê hương họ – điều này có thể có nghĩa là những vị khách này dự định đàm phán lâu dài.

Cả hai bên đều thấy rõ những lợi ích bên lề của việc tổ chức hội nghị này ở Paris – so với việc tổ chức tại Warsaw buồn tẻ hay Phnom Penh ẩm thấp. Phái bộ Việt Nam tìm thấy rượu sâm panh trong phòng họ ở khách sạn Lutetia khi đặt chân tới Paris, và giờ đây đang tận hưởng ẩm thực cao cấp của thành phố này. Người Mĩ cũng được chào đón bằng sâm panh, và nhà hàng đồ nướng xinh xắn trong khách sạn Crillon đang bán xì gà Havana cho các thành viên phái đoàn với giá cắt cổ. Thứ đặc sản thơm tho này của Cuba, tất nhiên là hàng lậu do kẻ thù sản xuất và không được phép bán tại Washington. Có lẽ cử chỉ gây xúc động nhất trong sự mến khách của người Pháp thuộc về nhà hàng Maxim’s, chủ nhân của nó đã gửi tặng mỗi vị khách Hoa Kì một tấm thẻ chạm trổ kín đáo nêu rõ họ được giảm giá 25% cho toàn bộ thời gian lưu lại Pháp. Đến từ một nhà hàng có lẽ là đắt đỏ bậc nhất thế giới – ví dụ, một đĩa măng tây có giá 3 đô la – đây chính là bằng chứng phi thường rằng người Pháp đang thắc thỏm mong thành những vị chủ nhà hoàn hảo.■

Richard B. Stolley

Phan Xích Linh dịch

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN