Việt Nam trên báo Mỹ: Nhà báo Nhật trở về sau 53 ngày bị giam trong căn cứ cách mạng miền Nam (Kỳ 1)

Akihiko Okamura (1929 – 1985) là một trong những nhà báo ảnh danh tiếng nhất của Nhật Bản, từng tác nghiệp tại các vùng chiến sự ở Việt Nam, Ethiopia, Nigeria và Bắc Ireland. Năm 1965, trong khi tìm cách ghi lại hình ảnh về cuộc đấu tranh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ông bị hiểu nhầm là sĩ quan Mỹ và bị giam giữ suốt 53 ngày. Sau khi được thả, ông đã kể lại cuộc phiêu lưu kỳ lạ ấy trong bài “Back from a Vietcong hellhole in the jungle” đăng trên Tạp chí Life, số ra ngày 2/7/1965. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc bản dịch toàn văn bài báo của Akihiko Okamura cùng tranh minh họa của Sanford Kossin (phần lớn ảnh Okamura chụp được đã bị hỏng).

Tôi vừa trải qua 53 ngày bên trong một trại giam tù binh của Việt Cộng. Cho đến khi họ tịch thu máy ảnh, nhốt tôi lại, khiến tôi bị đói và suy sụp tinh thần, tôi vẫn nghĩ rằng mình là một vị khách được chào đón, được mời đến để ghi lại hình ảnh quân nổi dậy khi họ hành động.

Nhưng tôi đã học được rất nhiều điều từ 53 ngày đó. Có lẽ bài học đọng lại lâu nhất là cuộc chiến ở Việt Nam vừa phi lý vừa tàn khốc. Dù tôi không có được những bức ảnh mà mình mong muốn, cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ của tôi đã kết thúc bằng 10 giờ trò chuyện chưa từng có với người giữ vị trí số 2 trong hàng ngũ Việt Cộng, trung tâm quyền lực thực sự của phong trào nổi dậy – Huỳnh Tấn Phát, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Phát đã nói với tôi nhiều điều. Một số điều khiến tôi sửng sốt; nhiều điều có lẽ sẽ gây sốc cho người Mỹ.

Okamura đứng trước bức tranh minh họa cuộc gặp gỡ của ông với một chỉ huy của lực lượng cách mạng. Trong tranh, Okamura — tiều tụy và ốm yếu – được vẽ ở góc phải, đang đối diện với người bắt giữ đầy tự tin. Tranh minh họa: Sanford Kossin

Tôi muốn chụp ảnh Việt Cộng. Và ngay từ đầu, tôi đã có ý định gặp Chủ tịch Phát nếu có thể. Tôi biết mình có thể vào được khu vực do Việt Cộng kiểm soát; tôi đã từng làm điều đó trước đây (Life số ra ngày 12/6/1964).

Từ lâu, tôi đã học được rằng một nhiếp ảnh gia nên mang hành lý gọn nhẹ, ngoại trừ máy ảnh. Tôi mang theo sáu chiếc. Tôi cũng có 182 cuộn phim. Trong số ít quần áo dự phòng, tôi mang theo một cái mền dã chiến của Mỹ, mua ở chợ đen Sài Gòn (ở đó có thể mua bất cứ thứ gì). Tôi mang theo 3.000 đồng piastre (khoảng 22 đô la Mỹ theo tỷ giá chợ đen) và 10 đô la Mỹ. Tôi cũng đem theo hộ chiếu Nhật Bản và một lá thư từ Đại sứ quán, trong đó viết rằng chính phủ tôi sẽ rất cảm kích nếu tôi được giúp đỡ, nhưng cũng nhân tiện nói thêm rằng nếu tôi bị giết, họ cũng mong được nhận lại tư trang của tôi. Tôi có thẻ nhà báo và một giấy chứng nhận do chính quyền Sài Gòn cấp cho phép tôi chụp ảnh các trận chiến. Tôi cũng có thẻ nhà báo Phật giáo và thẻ nhà báo từ quân đội Mỹ.

Chiếc thẻ nhà báo của Mỹ sau này hóa ra lại là một trở ngại lớn, vì có người cho rằng nó chứng tỏ tôi là gián điệp. Ngoài ra, tôi còn có một dấu hiệu mà tôi hy vọng có thể bảo vệ mình: một lá cờ Nhật Bản gắn vào một que gỗ, cài vào cổ áo, trên đó có dòng chữ tiếng Việt: “Tôi là phóng viên Nhật Bản – Mr. Okamura. Xin đừng giết tôi”.

Những thứ cuối cùng tôi mang theo là một gánh nặng thêm, nhưng vì tôi không thích cảm giác buồn chán, nên tôi mang theo sách – một cuốn về nhiếp ảnh, một tiểu thuyết Trung Quốc dịch sang tiếng Nhật, và một cuốn cẩm nang về trồng cao su. Tôi cũng mang theo từ điển, vì dù tôi sử dụng tiếng Việt khá tốt, tôi nghĩ rằng mình luôn có thể cải thiện hơn nữa.

*

Vào một buổi sáng đầu tháng 4, lúc 6 giờ 30, tôi bắt chuyến xe buýt tuyến 13 đi về phía bắc ra khỏi Sài Gòn. Đó là một ngày đẹp trời – không khí trong lành, bầu trời xanh thẳm tuyệt đẹp. Trên xe toàn là phụ nữ. Dạo này có rất nhiều chuyến xe buýt rời Sài Gòn, nhưng hầu hết hành khách đều là phụ nữ, vì cả hai phe thường không nổ súng vào một chiếc xe đầy phụ nữ.

Cuộc chiến kỳ lạ này đã kéo dài gần 20 năm. Phần lớn đất nước là một vùng đất không người hoang tàn, hỗn loạn và khó hiểu, nơi những người dân thường phải vật lộn để sinh tồn giữa lúc quân chính phủ và quân nổi dậy liên tục giành giật quyền kiểm soát một đoạn đường, một ngôi làng, một thửa ruộng.

Tôi bắt đầu nhìn thấy những công cụ giết chóc khi đến làng Bến Cát, cách Sài Gòn 43 km. Ở đó, chính quyền đã đào nhiều trận địa pháo, gồm các lựu pháo 105 mm và 155 mm của Mỹ. Nhưng chỉ khoảng gần 500 mét tiếp theo, chúng tôi gặp 5 người đàn ông mang súng carbine, mặc quân phục xanh đậm của lính Sài Gòn. Họ chính là Việt Cộng, dù lúc đó tôi chưa nhận ra ngay. Họ ra hiệu cho xe buýt dừng lại. Tôi cố gắng nói chuyện với họ, nhưng họ chỉ trả lời ậm ừ. Đi thêm hơn 3 km, họ lại chặn xe buýt và lịch sự mời tôi đi cùng. Tôi đồng ý. Khi đó, tôi vẫn nghĩ họ là lính chính phủ, nhưng lời mời này khiến tôi tò mò. Tôi nghĩ có lẽ họ muốn nói riêng với tôi điều gì đó.

Nhưng ngay khi xuống xe, họ liền tuyên bố rằng họ thực ra là quân nổi dậy. Tôi vẫn chưa hoàn toàn tin, vì tôi từng nghe nói lính Sài Gòn đôi khi giả làm Việt Cộng để bẫy những kẻ thiếu cảnh giác.

Tôi nói với họ rằng tôi muốn đi đến vùng nông thôn, gặp gỡ người dân.

“Nếu anh muốn thấy cuộc sống của nhân dân thế nào, chúng tôi sẽ cho anh xem”, một người trong số họ nói. Họ chặn một chiếc xe tải đi ngang qua. Chúng tôi leo lên, và chỉ mới đi được chưa đầy 100 mét, tôi đã có một phen hoảng sợ. Chúng tôi bị một xe thiết giáp chở quân M-113 của Mỹ chặn lại, trên xe đầy lính chính phủ. Những người Việt Cộng đồng hành cùng tôi vẫn rất bình tĩnh. Hóa ra đám lính Sài Gòn chỉ đang tìm đồ ăn, và vì xe của chúng tôi chỉ chở lúa, họ để chúng tôi đi mà không nghi ngờ gì.

Không lâu sau, năm người Việt Cộng nhảy xuống xe và bảo tôi rằng ngôi làng phía trước có đầy lính Sài Gòn. Họ sẽ đi bộ vòng qua làng, còn tôi hãy cứ tiếp tục đi thẳng và gặp lại họ ở phía bên kia làng.

Tôi đang ngồi trong một quán ven đường trong làng, nhâm nhi bia, thì một đoàn dài xe tải của chính phủ, được cả lính Việt Nam và lính Mỹ hộ tống, đi ngang qua. Khi đoàn xe đi qua, lính bảo vệ lập tức xả đạn vào khu rừng hai bên đường theo phản xạ. Khi đoàn xe khuất bóng, khoảng 50 người Việt Cộng đột ngột từ trong rừng lao ra bằng xe đạp, bám theo để chắc chắn rằng đoàn xe đã thực sự rời đi.

Phải nói cuộc chiến này thật điên rồ.

Tôi nghĩ cảnh Việt Cộng tuần tra bằng xe đạp sẽ là một bức ảnh tuyệt vời, nên đưa tay lấy máy ảnh. Nhưng ngay lập tức, sáu lính Việt Cộng vây chặt lấy tôi.

“Tên này là Mỹ đen”, một người trong số họ nhận xét. Nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng thực tế là rất ít nông dân Việt Nam từng nhìn thấy người da đen, mà da tôi khi ấy đen hơn bình thường. Đúng lúc đó, năm người Việt Cộng đi cùng tôi trên xe tải lúc trước kịp xuất hiện và lại bảo vệ tôi.

Tôi dành ba ngày tiếp theo trong những ngôi làng cách Sài Gòn khoảng 70 km. Chúng tôi ngủ trong nhà dân và khu nhà của công nhân đồn điền cao su. Ở một làng nọ, một chính ủy Việt Cộng xuất hiện và kết thân với tôi. Anh ta là một nhân vật thú vị – đội mũ cao bồi, đeo còi cảnh sát trên cổ, mặc áo cam, đeo thắt lưng đựng bi đông nước của Mỹ và mang theo một khẩu .45 của Mỹ. Anh ta cho tôi thấy cách mà Việt Cộng – bất cứ khi nào quân chính phủ vắng mặt – tuần tra trên Quốc lộ 13 bằng một chiếc xe jeep mới đánh cắp từ chính phủ. Họ chặn mọi xe tải đi qua, và nếu hàng hóa trên xe là thứ họ cần, họ sẽ thu rồi chất lên xe tải của mình, chiếc xe luôn chờ sẵn trong rừng. Họ cũng lập các trạm kiểm soát và thu “thuế” từ các phương tiện qua lại.

“Nếu hàng thuộc về thương gia, chúng tôi sẽ trả tiền”, Áo Cam nói. “Họ chẳng quan tâm bán cho ai. Nhưng nếu đó là hàng của chính phủ, chúng tôi sẽ tịch thu”.

Anh ta để tôi chứng kiến cảnh Việt Cộng cướp chín chiếc xe tải của chính phủ. “Họ cáo buộc chúng tôi nhận tiếp tế từ Hà Nội. Nhưng như anh thấy đấy, chúng tôi có thể tự xoay sở rất tốt ngay tại đây”, anh ta nói, giọng đắc ý.

Một buổi sáng, tôi trò chuyện với một lính Việt Cộng đang đạp xe, mang theo vũ khí và một đứa trẻ ngồi đằng sau. “Tôi phải đi mua mấy thứ”, anh ta nói. “Tôi chỉ có hôm nay được ở với gia đình, rồi tôi phải quay lại Sài Gòn làm việc”. “Anh làm nghề gì?”, tôi hỏi.

“Tôi là một viên chức chính phủ”. Tôi sững sờ. “Nhưng anh nói anh là Việt Cộng? Làm sao anh có thể là cả hai?” “Đơn giản thôi”, anh ta đáp. “Khi bên này cần tôi làm gì đó, tôi xin nghỉ phép vài ngày”.

Tôi liên tục nói với tất cả những người Việt Cộng mà tôi gặp rằng tôi rất muốn chụp ảnh cuộc chiến của họ. Họ bảo rằng điều đó không sao, nhưng họ phải báo cáo qua các cấp cho đến khi lên đến được Ủy ban Trung ương. Tôi chờ đợi, hy vọng và không chụp bất kỳ bức ảnh nào vì không muốn gây phản cảm quá sớm hay làm ảnh hưởng đến cơ hội được phép tác nghiệp chính thức.

*

Hầu hết những người Việt Cộng mà tôi gặp đều thân thiện, dễ mến như bao người Việt Nam khác. Nhưng dù vậy, tôi luôn ý thức rõ rằng một cuộc chiến đang diễn ra. Quân chính phủ đi qua trước, rồi đến Việt Cộng. Tôi liên tục nghe thấy những tiếng rền vang nhức nhối của pháo hoặc bom đạn.

Có lần, chiến tranh tiến đến gần tôi hơn mức có thể chịu đựng. Một buổi sáng, tôi đang chơi với lũ trẻ trong một ngôi nhà ven đường thì đột nhiên tiếng súng vang lên ngay bên ngoài. Tôi bật dậy ngó ra. Một khẩu súng tự động nhả đạn về phía tôi, đạn xuyên qua tường. Tôi lập tức lao xuống hầm trú bom. Mỗi ngôi nhà Việt Nam đều có một hầm như vậy được đào ngay dưới nền đất. Lũ trẻ, khôn ngoan hơn tôi, đã chui xuống từ trước. Chúng tôi kéo nắp hầm lại, nhưng ngay sau đó, có người hét lên: “Ai dưới đó?” Mẹ của lũ trẻ đáp: “Chỉ có gia đình tôi thôi!” Dù vậy, người phía trên vẫn xả một loạt đạn xuống hầm, nhưng không gây hại gì vì hầm nào cũng được đào theo góc để làm chệch hướng đạn. Bỗng người phụ nữ phát hiện thiếu một đứa con. Bất chấp tiếng súng, cô lao ra ngoài, vừa chạy vừa gào tên con. Cô tìm thấy đứa bé và đưa nó xuống hầm ngay trước khi ai đó ném một quả lựu đạn vào nhà. Lựu đạn phá hỏng bàn ghế nhưng không chạm đến chúng tôi dưới hầm.

Tôi lại bước ra ngoài. Hóa ra cuộc đụng độ bắt đầu khi một nhóm lính chính phủ đi trên một chiếc xe buýt chở dân thường đến thị trấn và bắn vào các ngôi nhà để răn đe. Dân làng bảo tôi rằng họ thường làm vậy. Khi ấy, một vài Việt Cộng trong rừng bắt đầu bắn trả.

Những hành khách bình thường trên xe buýt vội vàng tìm chỗ trú ẩn, và khi tôi chui ra khỏi hầm, họ vẫn đang co rúm dưới gầm xe. Một con bò bị trúng đạn lạc nằm chết giữa đường, một người lính chính phủ bị thương. Tiếng súng vẫn còn đó, nhưng một số lính chính phủ đã bắt đầu uống bia trong cửa hàng của làng và nhét đầy những món đồ có ích vào bao tải.

Okamura chứng kiến lính Việt Nam Cộng hòa xả súng vào rừng để kiềm chân quân cách mạng trong khi một số người khác kéo xác con bò lên thùng xe tải. Các hành khách xe buýt trú ẩn dưới gầm xe (bên trái). Tranh minh họa: Sanford Kossin

Lúc đó, tình cờ có một chiếc xe tải dân sự chạy qua, và lính chính phủ liền trưng dụng nó. Họ chất lên xe những món đồ cướp được cùng người lính bị thương, sẵn sàng lên đường. Nhưng rồi ai đó chợt nảy ra một ý. Họ lại nhảy xuống. Trong khi hai người lính xả súng vào rừng để kiềm chân Việt Cộng, khoảng chục người khác hì hục kéo xác con bò lên thùng xe. Có lẽ đó sẽ là bữa tối của họ.

*

Một hai ngày sau, Áo Cam nói rằng sự có mặt của tôi khiến anh ta không yên tâm. Anh ta nghĩ đã đến lúc tôi nên từ bỏ ý định của mình hoặc đi sâu hơn vào vùng thực sự do Việt Cộng kiểm soát. Tôi quyết định đi tiếp. Anh ta đưa tôi đến gặp một bà cụ 73 tuổi, lưng còng, răng đen nhánh vì nhai trầu. Anh ta nói: “Đi theo bà ấy”. Bà vội vã rẽ vào một lối mòn trong rừng, tôi lặng lẽ theo sau.

Bà làm tôi thấy xấu hổ. Bà không cho tôi nghỉ một giây phút nào. Bà cứ đi mãi – băng qua rừng, đồn điền, ruộng lúa, lội qua suối – chẳng nói một lời, chỉ thỉnh thoảng ngoái đầu vẫy tôi đi tiếp. Bà đi mải miết đến mức tôi muốn rụng rời cả chân. Mỗi khi có máy bay trinh sát L-19 của chính phủ lượn qua, bà liền lao ngay vào bụi rậm. Lúc chạng vạng, chúng tôi đến một đồn điền nhỏ, và bà giao tôi cho bảy người Việt Cộng, rồi lặng lẽ quay về, chẳng nói một lời.

Người phụ nữ gầy guộc dẫn đường cho Okamura đến gặp lực lượng Giải phóng, không ngừng thúc giục người nhiếp ảnh đã rã rời tiếp tục bước đi. Tranh minh họa: Sanford Kossin

Những người Việt Cộng mới này có vẻ thân thiện. Nhưng đến tối hôm sau, có thêm bốn người nữa xuất hiện. Nhóm này có vẻ cảnh giác hơn.

Bốn người mới ra lệnh cho tôi đứng cách xa để không nghe được cuộc nói chuyện. Họ ngồi xổm dưới tán cây, trao đổi với bảy người ban đầu một lúc lâu. Cuối cùng, người trưởng nhóm đến nói với tôi: “Anh ăn đi. Chúng ta sắp khởi hành”. Tôi nghĩ, cuối cùng thì cũng vào việc rồi.

Lúc chúng tôi chuẩn bị lên đường, tôi thấy biết ơn khi một trong bốn người đã mang ba lô hộ tôi. Nhưng tôi lại hoang mang lo lắng khi người trưởng nhóm lấy túi máy ảnh của tôi, buộc lên một chiếc xe đạp rồi biến mất, chỉ để lại một câu: “Tôi sẽ chở máy ảnh giúp anh”. Dù vậy, trong tình huống này, tôi biết mình không thể cãi lại.

Chúng tôi bắt đầu đi bộ. Lúc đó gần tối, 6:45 giờ Sài Gòn. Tôi chưa biết rằng, từ giây phút này trở đi, tôi sẽ sống theo giờ Hà Nội – sớm hơn một tiếng.

Đó là một đêm trăng đẹp – chúng tôi xuyên rừng rồi băng qua những đồng lúa. Có lúc tôi nghe tiếng leng keng và nhìn thấy bóng người đang nhặt nhạnh thứ gì đó, cùng những con trâu được buộc vào xe kéo. Tầm 2 giờ sáng, tôi tò mò hỏi họ đang làm gì. Một người áp tải tôi trả lời: “Nông dân đang thu gom vỏ bom napalm của Mỹ. Họ chỉ có thể làm việc này vào ban đêm, vì ban ngày, máy bay L-19 sẽ phát hiện ra. Họ bán kim loại này cho các lái buôn phế liệu trong thị trấn với giá 16 piastres một ký. Chúng tôi dùng kim loại này để làm dụng cụ bếp và nhiều thứ khác”.

Đến 3 giờ sáng, chúng tôi tới một con đường cát đầy những vệt bánh xe tải hằn sâu. Chúng tôi tiếp tục rẽ vào một đường mòn hẹp quanh co. Rồi trong một khoảng đất trống dưới ánh trăng, chúng tôi đến trước một hàng rào gỗ với cổng dây thép gai. Một trong những người áp tải tôi vỗ tay dứt khoát ba lần làm tín hiệu. Chúng tôi tiếp tục tiến vào khu rừng rậm hơn cho đến khi gặp ba cây cầu gỗ thô sơ. Một khúc gỗ dưới chân tôi nứt ra. Tôi loạng choạng suýt ngã. Một người áp tải tóm lấy tay tôi và quát khẽ: “Cẩn thận! Dưới này là bãi mìn đấy”.

Băng qua những cây cầu, chúng tôi đến một căn lán lợp tranh, mái rộng và thấp, nền đất đắp cao, không có tường.

Một người Việt Cộng cao to, đeo khẩu .45 của Mỹ, bước vào và nói: “Anh sẽ ở đây hai hoặc ba ngày. Đi theo tôi”. Anh ta dẫn tôi đến một căn lán khác nhỏ hơn, hình chữ L, cũng lợp tranh và không có tường. Bên trong có năm người Việt Cộng khác.  Họ đã lấy hết đồ trong ba lô của tôi ra, vứt tứ tung trên sàn. Họ thì thầm với nhau.

Tôi ướt, mệt, khổ sở. Chúng tôi đã đi bộ gần chín tiếng đồng hồ. Tôi nhặt một bộ đồ lót khô, thay ra và hỏi liệu tôi có thể ngủ không. Họ chỉ vào một trong hai chiếc giường, cao khoảng 90 cm, giát làm bằng tre. Tôi trải mền dã chiến ra và nằm xuống. Đó sẽ là chiếc giường của tôi trong suốt 53 ngày. Tôi sẽ không bao giờ quên hay tha thứ cho cái giường đó. Tôi cao 1 mét 70, nhưng chiếc giường dài chưa tới 1 mét rưỡi. Ít điều gì khó chịu bằng việc bị cạnh tre cứa vào ống chân trên mắt cá 10 cm, đêm này qua đêm khác.

*

Tôi tỉnh dậy giữa những tiếng nói xung quanh, và khi dần hiểu ra ý nghĩa của chúng, tôi cứng người vì sợ. “Tên này là sĩ quan Mỹ – có thể là Trung úy hoặc Đại úy”. Giọng nói thứ nhất.

“Đế quốc Mỹ”. Giọng nói thứ hai, đầy kinh ngạc và căm ghét.

“Chỉ có sĩ quan quân đội Mỹ mới mang loại giày này và có thứ vải như thế này”. Giọng nói thứ ba. Tôi đi giày leo núi của Nhật, nhưng chiếc mền dã chiến mua từ chợ đen lại làm từ vải dù chần bông của Mỹ.

Tôi không biết có nên cho họ thấy mình đã nghe được cuộc nói chuyện hay giả vờ chưa tỉnh giấc. Lần đầu tiên, tôi thực sự sợ hãi. Tôi quyết định. Tôi trở mình, duỗi rộng hai tay, ngáp thật to rồi kéo chiếc mền khỏi đầu. Bảy người Việt Cộng, tất cả đều mang vũ khí Mỹ, đang đứng quanh tôi.

Họ vẫn chưa nói với tôi rằng tôi là tù nhân. Mà về sau cũng không ai nói.

Viên sĩ quan Việt Cộng, người đã lấy máy ảnh của tôi, bước vào lán và nói rằng mình được Tỉnh ủy Mặt trận cử đến. Anh ta không còn thân thiện nữa mà trở nên lớn tiếng, dọa nạt, kiêu căng và không chịu tin bất cứ điều gì tôi nói. Anh ta tra hỏi tôi đủ thứ có thể nghĩ ra: tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ ở Sài Gòn và Tokyo, quan điểm chính trị, tôn giáo, học vấn, tình trạng hôn nhân, tên của những người bạn Mỹ và Nhật ở Sài Gòn. Anh ta tỏ vẻ coi thường khi biết rằng ở tuổi 36, tôi vẫn chưa lập gia đình. Tôi nói rằng hôn nhân là lựa chọn của mỗi người. “Không phải ở đây”, anh ta đáp. “Ở đây, sinh con là nghĩa vụ. Chúng tôi cần những thế hệ tiếp theo để giành chiến thắng trong cuộc chiến này”.

Cuối cùng, anh ta lục soát đồ đạc của tôi, lấy đi con dao hướng đạo sinh, những cuốn sổ trắng, bút bi, toàn bộ giấy tờ và, tệ nhất, là những cuốn sách của tôi.

“Tại sao?” Tôi hỏi.

“Quy định”, anh ta đáp.

“Khi nào tôi được trả lại giấy tờ?”

“Ngày mai”.

“Tôi phải ở đây bao lâu?”

“Hai hoặc ba ngày”.

Hóa ra anh ta đã nói dối. Tôi bắt đầu làm quen với nhịp sống trong trại giam của Việt Cộng. Đầu tiên là thức ăn. Gần như chỉ toàn cơm – nửa sống nửa chín, lẫn cả vỏ trấu như gạo hoang, đầy sạn và cả những con mọt đã nấu chín, trông như nho khô. Có lẽ tôi nên biết ơn chúng vì đó là nguồn đạm duy nhất tôi có. Dụng cụ ăn uống của tôi là những chiếc muỗng được rèn từ vỏ bom napalm của Mỹ. Nước uống cũng nguy hiểm. Dù đã được đun sôi, nó vẫn rất tệ. Tôi bị đau quặn ruột và phải vật vã gần một tuần trong nhà vệ sinh. Thời gian ở với Việt Cộng đã khiến tôi sụt tổng cộng 10 kg.

Tôi luôn bị canh gác. Những người lính gác đều có vũ trang, nhưng họ khá bất cẩn khi để vũ khí nằm lăn lóc. Tôi đoán họ biết họ chẳng cần lo lắng. Tôi chẳng thể đi đâu cả, bởi trong khu rừng ngoài kia là bãi mìn và 16 lớp dây thép gai.

Một trong những người canh giữ tôi đầu tiên là một cậu trai trẻ khá ba hoa. Tôi đưa cậu ta vài điếu thuốc, và cậu ta muốn trò chuyện. Nhưng tôi quyết định không trả lời. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc cần thận trọng hơn về những gì mình nói. Việc tôi từ chối nói chuyện khiến tay lính gác trẻ khó chịu. Cậu ta lẩm bẩm: “Vấn đề của người Mỹ các anh là không chịu cố gắng học ngôn ngữ của chúng tôi”. Rồi cậu ta lẩm bẩm: “Tên này ngu thật, giống như mấy thằng Mỹ khác ở đây”.

“… ở đây”. Đó là manh mối đầu tiên cho tôi biết rằng còn có người Mỹ bị giam trong trại. Sau đó, tôi nhận thấy thêm những dấu hiệu khác. Một lần, tôi nghe thấy tiếng hát của một người Mỹ vọng ra từ nhà tắm. Một lần khác, vài người lính đi ngang qua lỡ miệng nói rằng có sáu tù binh Mỹ cùng với hai người Úc và một người Philippines. Họ khinh thường một tù binh Mỹ, vì như họ kể lại, anh ta đã bị thương và đang khóc lúc bị bắt. Tôi chưa từng thấy các tù binh khác; điều đó không được phép.

Người giam giữ Okamura và cũng là bạn cùng lán — một chính ủy của lực lượng Giải phóng — nhảy bật dậy và, dưới ánh đèn pin của Okamura, dùng gậy đập chết một con rắn độc bò vào lán. Tranh minh họa: Sanford Kossin

“Chủ nhà” của tôi là chính ủy địa phương, cũng là người đứng đầu trại. Trong suốt thời gian bị giam giữ, tôi phải sống cùng anh ta trong căn lán này. Anh ta là một kẻ cộc cằn, hiếm khi nói chuyện với tôi, trừ khi cần thách thức. Chỉ duy nhất một lần tôi thấy anh ta thực sự ra tay hành động. Anh ta có một con gà mái vừa ấp nở một lứa gà con. Anh ta buộc con gà mẹ vào chân giường bằng một sợi dây. Ban đêm, anh ta sẽ úp một cái rổ lên đàn gà con. Một đêm nọ, có một tiếng động kinh khủng khiến tôi tỉnh giấc. Tôi bật đèn pin lên. Viên chính ủy bật dậy, chộp lấy một cây gậy và bắt đầu đập mạnh thứ gì đó trên nền đất. Đó là một con rắn dài, thân mảnh, có vằn ngang và đầu dẹt. Tôi không biết đó là loài gì, nhưng khi chính ủy nhặt con rắn chết lên và mang ra nhà vệ sinh, anh ta bảo rằng nó cực kỳ độc.■ (còn nữa)

Akihiko Okamura

Thanh Trà dịch

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN