Xứ Bắc ngày xưa

Là ngã tư đường của các luồng giao lưu văn hóa Nam – Bắc – Đông – Tây, xứ Kinh Bắc có hình hài như thế nào trong lịch sử xa xưa của dân tộc Việt Nam? Tạp chí Phương Đông giới thiệu với bạn đọc bài viết “Xứ Bắc ngày xưa” của Giáo sư Trần Quốc Vượng, in trong tập sách Hà Bắc ngàn năm văn hiến do Ty Văn hóa tỉnh Hà Bắc xuất bản năm 1974, khảo cứu về Xứ Bắc kể từ thiên niên kỷ thứ II trước công nguyên cho đến thế kỷ X.

Non sông Hà Bắc mang tên “Bắc” là từ trước đời Lý (thế kỷ XI). Chứng cớ, là ngay sau khi dời đô đến đất Hà Nội – Thăng Long, Lý Công Uẩn đã đổi tên Bắc Giang làm Thiên Đức Giang (Đại Việt sử lược q. II, 2b). Cũng năm đó đổi châu Cổ Pháp – tức miền Đình Bảng, quê hương nhà Lý – thành phủ Thiên Đức. Cái tên Kinh Bắc, theo sử chép là thấy từ đời Trần: Lộ Bắc Giang cũng gọi là lộ Kinh Bắc. Khi Lê Thái Tổ chia cả nước làm 5 đạo thì có Bắc đạo. Khi Lê Thánh Tông chia cả nước làm 12 đạo thừa tuyên thì có thừa tuyên Bắc Giang hay Kinh Bắc sau gọi là xứ rồi gọi là trấn Kinh Bắc. Tên Bắc Ninh mới xuất hiện đời Minh Mạng (1822). Năm 1831 là tỉnh Bắc Ninh.

Qua bao đổi thay, chỉ một cái tên “Bắc” là trường tồn! Đó là một tên đất, được định danh theo phương hướng – và đó là một nguyên tắc thuận tiện. Đã định hướng, thì phải có một nơi trung tâm, dùng làm hệ thống quy chiếu. Đặt Đông, Đoài, Nam, Bắc… là lấy vùng Hà Nội làm trung tâm. Có trung tâm Hà Nội, mới có tên Bắc. Tên đó – tuy sử không chép – nhưng có thể suy luận rằng nó không thể xuất hiện trước thế kỷ VI – VII, khi vùng Hà Nội trở thành trung tâm của Giao Châu đời Tùy, và sau đó của An Nam đô hộ phủ đời Đường.

Ảnh minh họa: Đền Lý Bát Đế ở Đình Bảng, Bắc Ninh (Nguồn: flickr manhhai)

Căn bản, đó là một cái tên dân gian. Nhà nước có dùng là cũng dùng tên dân gian, Nhà nước có đổi, thì tên dân gian ấy vẫn tồn tại. Trong tên chính thức đời thuộc Đường, chưa có tên Bắc. Và dù nhà Lý, với Đạo giáo và khoa chiêm tinh học, với các đạo sĩ cung Thái Thanh góp mưu ở trong, có gán cho non sông Xứ Bắc những cái tên ứng với các vì sao: Nguyệt Đức (sông Cầu), Thiên Đức (sông Đuống, đồng thời là tên phủ…) thì cái tên Bắc cũng như các tên Cầu (hay Sau), Đuống… vẫn tồn tại.

Nhà vua có lệ “nâng cấp nâng bậc” quê hương mình, gán cho quê hương một cái tên vinh dự như Phủ (Thiên Đức, Thiên Trường), Kinh (Lam Kinh)… Khi vua Lý, năm 1014, đổi phủ Ứng Thiên (Phụng Thiên, Hoài Đức, Hà Đông, Hà Nội ngày sau) làm Nam Kinh, thì chắc đã có thói quen gọi vùng Thiên Đức, Xứ Bắc là Bắc Kinh hay Kinh Bắc. Sử chép đời Trần có tên đó, tôi cho là đã thịnh hành từ thời Lý.

*

Xứ Bắc – tôi xin phép cứ gọi tỉnh Hà Bắc thân yêu, thanh quý của các đồng chí bằng cái tên nôm na, quen thuộc trong dân gian và trong sử ấy – Xứ Bắc ngày xưa, thì cũng như toàn bộ trung du và đồng bằng Bắc Bộ, căn bản là một miền rừng rậm và đầm lầy.

Rừng rậm, thì chứng cớ quá rõ ràng. Vài chục năm trước đây vẫn còn rừng Sặt (Trang Liệt, Từ Sơn) mà nay chưa phải đã mất hết dấu tích.

Rừng Báng – ở Đình Bảng thì Thượng kinh phong vật chí cuối Lê đầu Nguyễn còn nhắc đến, với những cây Búng Báng và rất nhiều cây lộc vừng để ăn cùng “nem Báng”. Thời Lý, quanh đó còn là đất rừng, vua sai cắm đất vài mươi dặm đặt làm sơn lăng cấm địa (Cương mục, Chính biên, q. II, 8b). Nhân tiện, nói qua rằng ít nhất đến thời Lý, vua và dân vẫn theo phong tục Việt cổ, như tục trên vùng Mường ngày trước, chôn người chết ở trong rừng.

Rừng là thế giới của ma – người chết – để phân biệt với thế giới của người – người sống – ở trong xóm làng ngoài đồng ruộng. Vì quan niệm ấy mà làng nào cũng có một cánh rừng – tha ma mộ địa; từ làng này qua làng khác là phải vượt một cánh rừng ranh giới. Thuở ấy người còn thưa nên đất còn rộng, cả điều kiện vật chất lẫn điều kiện tín ngưỡng tinh thần chưa dẫn tới tệ nạn phá rừng như ngày sau! Cũng vì từ Đình Bảng sang Tiêu Sơn còn có rừng, mà đẻ ra huyền tích bà Phạm Thị đi chùa Tiêu gặp đười ươi rồi sau đẻ ra vua sáng nghiệp triều Lý!

Còn như rừng Mành (Tam Tảo), rừng Ngườm (Nghiêm Xá), rừng Nòn (Phù Đổng Tiên Du cũ), rừng cháy (Phù Chẩn)… thì nhiều lắm. Rừng tre ngà là một thực tế địa lý – lịch sử của Xứ Bắc ngày xưa để trên đó vẽ ra huyền thoại Ông Gióng – Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân bằng tre ngà và cùng đánh giặc với Gióng có ông Hổ Lang Thiên Tướng!

Những địa danh Gia Lâm, Văn Lâm, Du Lâm, Hoa Lâm, Đông Lâm, Trường Lâm… cũng nảy sinh trên cái thực tế đó.

Vậy Xứ Bắc xưa = xứ rừng rậm không phải là giả thuyết nữa mà đã là điều khẳng quyết.

Than bùn Hà Bắc lại là một chứng cớ khác của Xứ Bắc xưa rừng rậm – đầm lầy.

Về mặt địa lý (và phân vùng địa lý – tự nhiên), ai cũng biết cùng với ô trũng Hà Nam Ninh, Hà Bắc cũng có một vùng ô trũng (Gia Lương) là vùng đồng bằng chưa hình thành xong, chưa được phù sa sông Hồng lấp đầy thì con người đắp đê từ bờ thửa bờ vùng chuyển thành đê – ngăn cản sự hình thành tự nhiên của đồng bằng.

Ảnh minh họa: Một quán nước ven đường ở Bắc Ninh, khoảng 1933-1943 (Nguồn: flickr manhhai)

Từ mạn biển Quảng Ninh đi lên, vào đầu công nguyên, Mã Viện đã đứng trước một vùng Lãng Bạc, ở phía đông huyện Phong Khê (trung tâm: Cổ Loa), giáp giới với Tây Vu (Tiên Du) và Long Biên (Yên Phong), là một vùng “dưới thì nước trên thì mây mù, khí độc bốc lên ngùn ngụt …” (Hậu Hán thư q. 54, 8a). Đó chính là vùng đầm lầy Xứ Bắc xưa. Ở đó còn bốc lên khí độc đầm lầy – như thực tế một số vùng châu Phi gần đây.

Thế cho nên hình ảnh thần thoại Ông Đổng Xứ Bắc “cắn nát núi, húi sạch rừng, bưng ngang lũ” chính là biểu tượng của những con người, những tập thể người tấn công khai phá lần đầu tiên vùng Xứ Bắc.

Những con người cổ xưa đó đã để lại những dấu tích vật chất – nay ta gọi là những di chỉ khảo cổ – ở khắp miền Xứ Bắc cũ. Nếu không kể Đồng Vòng, Bãi Mèn (Cổ Loa), Tiên Hội, Đình Tràng (Dục Tú), Trung Màu… trước thuộc Xứ Bắc, từ 1961 bắn về Hà Nội, thì trên đất đai Hà Bắc nay – tiếc thay chưa được điều tra cơ bản về khảo cổ học, mới chỉ có những phát hiện lẻ tẻ – ta được biết những di chỉ sau đây (tạm xếp theo thứ tự thời gian).

1. Công xưởng chế tác đồ đá Bãi Tự (Tiêu Viềng), rất tương đồng về tính chất kỹ thuật đá với di chỉ Tràng Kênh (Hải Phòng), tính chất gốm với di chỉ Phùng Nguyên (Vĩnh Phú). Niên đại không kém hơn niên đại Tràng Kênh (3.405 ± 100 năm cách ngày nay).

2. Di chỉ Phù Lưu (Tiên Sơn), Phù Chẩn (Tiên Sơn), Đông Lâm (Hiệp Hòa)… tương đương với giai đoạn Đồng Đậu của thời đại đồng thau Việt Nam. Niên đại không kém hơn niên đại Đồng Đậu (3.330 ± 100 năm cách ngày nay).

3. Di chỉ Nội Gầm, di chỉ Chi Long (Yên Phong), mộ hình thuyền Lai Đông (Gia Lương)… cũng như trống đồng Giao Tất (Keo), khu di chỉ, mộ táng Trung Mầu… là những di tích điển hình của giai đoạn Đường Cồ, của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng – đã phát hiện được ở Hà Bắc, thuộc cuối thời đại đồng thau và sơ kỳ thời đại sắt Việt Nam. Niên đại không kém niên đại Việt Khê (Hải Phòng) (2.480 ± 100 năm cách ngày nay) hay niên đại Gò Chiền Vậy (Hà Tây) (2.350 ± 100 năm cách ngày nay).

Đó là những chứng tích vật chất của thời đại Hùng Vương, thời đại bắt đầu dựng nước và giữ nước trên đất đai Hà Bắc. Đó là cơ sở để nảy sinh hàng loạt những huyền thoại và huyền tích về thời đại vua Hùng cùng các đền thờ – rất nhiều – các vị thần được xem là con Lạc Long Quân, là tướng tá nhà Hùng, nhà Thục… mà Ty Văn hóa Hà Bắc – đặc biệt là nhóm Văn học dân gian và tổ sử cổ đại của Ty đã sưu tầm được.

Ba sinh viên của Khoa Sử Đại học Tổng hợp chúng tôi sẽ đọc 3 bản báo cáo về một vài di chỉ mới phát hiện được trên đất Hà Bắc.

Báo cáo này của tôi chỉ nhân đó, gợi ra một vài điểm khác.

*

Tương truyền rằng nước Văn Lang, thuở mới dựng có 15 bộ – tức 15 bộ lạc. Sử sách thường cho Xứ Bắc thuộc thuộc bộ Vũ Ninh có đúng không? Không hoàn toàn đúng. Trên đất đai Xứ Bắc xưa, vào thời dựng nước, có nhiều bộ lạc hơn.

Đối với các khu vực phương Nam mới chiếm được, nhà Hán có thói quen chuyển các cộng đồng lãnh thổ – bộ lạc cũ thành huyện. Tên các quận, huyện hoặc mới đặt hoặc phần lớn giữ tên cũ mà phiên âm ra chữ Hán.

Trên đất đai Xứ Bắc xưa, thời thuộc Hán, có các huyện:

– Long Biên, với phía tây là núi Tiên Sơn (Phật Tích).

– Luy Lâu, với thành Luy Lâu ở Dâu (Thuận Thành).

– Tây Vu, với trung tâm là Cổ Loa.

– Bắc Đái (Theo Thủy kinh chú, hai huyện này đều ở phía đông Long Biên).

– Kê Từ và Luy Lâu, nghĩa đều ở mạn Bắc Giang cũ (Yên Dũng, Lục Ngạn).

Luy Lâu – như tôi đã chứng minh ở hội nghị Hùng Vương I (xem Hùng Vương dựng nước tập I) – là phiên âm tên cổ của Dâu. Huyện của bà Ỷ Lan, từ Sủi (Thổ Lỗi) đổi thành Siêu Loại rồi Thuận Thành, vốn là đất đai bộ lạc Dâu, nơi trung tâm tôn giáo của bộ lạc là Đền Bà Dâu (Nữ thần nông nghiệp), mãi đến đời Sĩ Nhiếp thế kỷ II sau C. Ng.) mới chuyển thành chùa Dâu – tức chùa Pháp Vân – mà cái tên Cổ Châu còn là “vang bóng một thời” của cái tên Dâu cũ, tên Kẻ Dâu của dân gian.

Đó là bộ lạc vùng đất bãi sông Đuống, nổi tiếng về nghề dâu tằm và sau này đã một thời là trung tâm của Chính quyền đô hộ Hán – Ngô. Long Biên, với huyền thoại Rồng hiện ở bến sông, là đất đai của bộ lạc Rồng, một thành viên quan trọng của nước Văn Lang. Long Biên ở phía đông núi Phật Tích, giáp giới với Tây Vu – tức Tiên Du ngày sau – và tuy có một miền núi cao (thượng lưu sông Kinh của Thủy kinh chú, tức sông Cầu) là miền đồi núi ở Hiệp Hòa, Việt Yên – nhưng phần đất cơ bản của Long Biên thì nằm giữa sông Ngũ Huyện và sông Đuống (Yên Phong và một phần Quế Võ, Gia Lương).

Dễ hiểu, nếu dọc sông Cầu (và cả sông Thương) đều thờ thánh Tam Giang, với trung tâm là Đền ngã ba Xà, vốn là đền thờ Rắn – Ông Cộc Ông Dài, sau được lịch sử hóa thành Trương Hống – Trương Hát, Phú Lương, cái tên sau này của sông Cầu, cũng như Phù Long… (xem Việt Điện u linh) cũng chỉ là tên phiên âm của Rồng, Long (thuồng luồng…). Cũng không phải bỗng dưng thần Cao Lỗ, được thờ ở Đại Than lại là biểu hiện của “tinh” Rồng đá, còn gọi là Thạch thần (Xem Việt Điện u linh). Cũng ở vùng này, đền thần Nước là phổ biến, từ đền Chóa đến đền Diềm. Cũng vậy, đền Lạc Long Quân ở Đại Bái, Bình Ngô và Nghi Khúc (Gia Lương)…

Và các điệu múa Trống Rồng ở Thị Cầu, múa Rồng lột mà Bắc Ninh phong thổ ký gọi là “đóng nột” ở Đại Bái…

Tây Vu – biến âm của Tây Âu – bao gồm vùng Đông Anh và Tiên Du cũng là một bộ lạc lớn, có thể coi là mũi nhọn của người Âu Việt bắn sâu xuống vùng đồng bằng Lạc Việt, giới hạn cực nam của địa bàn phân bố của người Âu Việt.

Theo Mã Viện, ở đầu công nguyên “huyện Tây Vu có 32.000 hộ, biên giới cách xa huyện đình tới hơn nghìn dặm” (Hậu Hán thư, quyển 54, 8b). Cả quận Giao Chỉ (Bắc Bộ) đời thuộc Hán có 92.440 hộ (Tiền Hán thư q. 28 ha 9b-10b), vậy Tây Vu chiếm tới già 1/3 số hộ của cả miền Bắc, gần bằng số hộ của quận Cửu Châu (Thanh Nghệ Tĩnh: 35.743 hộ), gấp đôi số hộ của quận Hợp Phố (15.398 hộ) và quận Nhật Nam (15.460 hộ), Mã Viện tâu vua Hán và được vua Hán bằng lòng – chia huyện Tây Vu thành huyện Phong Khê (trung tâm Cổ Loa, miền Từ Sơn và Vĩnh Phúc cũ), huyện Vọng Hải ở bắc Phong Khê (Bắc Thái) và phần còn lại vẫn gọi là huyện Tây Vu (phía đông Phong Khê, tức miền Tiên Du ngày sau. Tiên Du cũng chỉ là “đồng âm dị dịch” của Tây Vu – Tây Âu).

Bộ lạc Tây Vu, mà Thục Phán – An Dương Vương là thủ lĩnh, tây giáp đất đai bộ lạc Mê Linh của các vua Hùng cũ (Phú Thọ – Sơn Tây cũ), bắc liền với miền núi rừng Việt Bắc, đông giáp đất đai bộ lạc Long Biên.

Nếu Mê Linh tức M’ling là bộ lạc Chim, Long Biên là bộ lạc Rồng thì có thể gọi Tây Vu là bộ lạc Rùa. Chim, rồng, rùa vừa là tô tem tổ tiên thần thoại, vừa là anh hùng khai hóa, vừa là biểu trưng, biểu tượng của các bộ lạc đó. Ưu thế ở xứ Đoài, với trung tâm là núi Tản, núi Nghĩa, thuộc về bộ lạc Chim. Chim là loài có cánh, biểu tượng trên cao, miền núi đồi. Ưu thế ở Xứ Bắc với trung tâm là sông Cầu và vùng đầm đìa Lãng Bạc thuộc về bộ lạc Rồng. Bộ lạc Rùa đan xen vào giữa hai bộ lạc này. Ban đầu bộ lạc Rồng với bộ lạc Chim là hai bộ lạc lớn, bình đẳng. Về sau ưu thế thuộc về bộ lạc Chim, với thủ lĩnh là các “vua Hùng” (Khun). Có thể xem đó là ưu thế của vùng chân núi, vùng giáp ranh đối với vùng hạ bán, ưu thế của bộ lạc làm nghề nông đối với bộ lạc còn gắn nhiều với sông nước ở buổi đầu thời đại đồng thau. Về sau, khi uy thế của bộ lạc Chim của các vua Hùng suy thoái (về cuối thời đại đồng thau) thì nổi bật lên hàng đầu của lịch sử Việt Nam cổ đại là uy thế của bộ lạc Rùa hay đúng hơn là bộ tộc Tây Âu, vốn chiếm cứ cả một miền giàu khoáng sản ở Việt Bắc (đồng, thiếc, sắt…) và lấn chiếm cả một miền đồng bằng cao ráo của Xứ Bắc (Vĩnh Phúc và một phần Bắc Ninh cũ) có lẽ xưa là đất của hai bộ lạc Chim và Rồng.

Ảnh minh họa: Một góc chùa ở Đáp Cầu, Bắc Ninh (Nguồn: flickr manhhai)

Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương – không phải là người anh hùng thần thoại của bộ lạc Vũ Ninh như một số tác giả đã hiểu sai. Phù Đổng thuộc Tiên Du cũ là đất đai của bộ lạc Tây Vu, giàu khoáng sản.

Đó là thần thoại về sắt, thần thoại của những người thợ rào[1]; và hội Gióng thoạt kỳ thủy là tiết mưa dông đầu mùa làm ăn tháng Tư của bộ lạc nông nghiệp vùng Xứ Bắc ngày xưa.

Thánh Gióng không những không phải là người anh hùng thần thoại của bộ lạc Vũ Ninh mà còn là thể đối lập thần thoại của Vũ Ninh: Thánh Gióng đánh giặc Ân ở Vũ Ninh chứ không phải người Vũ Ninh. Vũ Ninh ở đâu?

Vũ Ninh là một địa danh đời Ngô (thế kỷ III). Nhà Ngô lập huyện Vũ Ninh, do tách một phần huyện Long Biên thời Hán mà chia đặt (xem Tấn thư quyển 15, 9a; Tống thư quyển 38, 21b – 22a; Tề thư quyển 14, 13b). Núi Trâu Sơn – tức vùng Châu Cầu Thất Gian, chiến trường của Gióng – còn mang tên là Vũ Ninh Sơn. Đây cũng là nơi Triệu Đà lui quân đóng giữ sau nhiều lần tiến đánh An Dương Vương ở Tiên Du (xem Toàn thư) mà không thắng (xem Thủy Kinh chú, quyển 37, 5b: “Nam Việt Vương (Triệu Đà) biết không thể đánh được, bèn lui quân về đóng ở huyện Vũ Ninh”). Vũ Ninh tồn tại suốt thời Lục triều. Nhà Tùy bỏ huyện Vũ Ninh. Năm 521, nhà Đường đặt Long Châu ở huyện Long Biên, lĩnh 3 huyện: Long Biên, Vũ Ninh, Bình Lạc. Đầu thời Trịnh Quán (627) bỏ Long Châu, Vũ Ninh, Bình Lạc nhập vào Long Biên và lệ thuộc Tiên Châu (Cựu Đường thư quyển 14, 42b, 43a). Nhà Lý, nhà Trần gọi là châu Vũ Ninh (Đại Việt sử lược, Q. 2 11a). Nhà Lê đổi thành huyện Vũ Ninh, sau vì kỵ húy chữ “Ninh”, đổi thành Vũ Giang, quen đọc là Vũ Giàng, tức là đất huyện Quế Võ ngày nay.

Vậy Vũ Ninh là đất đai bộ lạc Rồng (Long Biên).

Thánh Gióng ở Tiên Du đánh Ân ở Vũ Ninh là biểu tượng của cuộc xung đột, lấn chiếm, của bộ lạc Rùa – bộ tộc Tây Vu – đối với bộ lạc Rồng. Không phải bỗng dưng mà Cao Lỗ ở Vũ Ninh lại có hiệu là “Thạch thần” và tướng Ân ở Vũ Ninh lại là “Thạch binh thần tướng”. Cũng không phải ngẫu nhiên huyền tích lại cho là An Dương Vương (Tây Vu) giết chết Cao Lỗ (Vũ Ninh).

Vạch sơ đồ biểu tượng thần thoại và huyền tích, ta thấy:

TÂY VU                            LONG BIÊN

TIÊN DU                          VŨ NINH

GIÓNG                             ÂN

AN DƯƠNG VƯƠNG     CAO LỖ

SẮT                                  ĐÁ

RÙA                                 RỒNG

Nghiên cứu sự ảnh xạ lịch sử của hệ biểu tượng thần thoại nói trên, kết hợp với các tài liệu khảo cổ, lịch sử, ta có thể phỏng đoán vận mệnh lịch sử của các bộ lạc thời bắt đầu dựng nước, qua đó vạch lại đoạn sử mù mịt thời không có chữ viết của Xứ Bắc ngày xưa như sau:

1. Thiên niên kỷ II trước Công nguyên: Sơ kỳ và trung kỳ thời đại đồng thau Việt Nam: Bộ lạc Chim ở Xứ Đoài, bộ lạc Rồng ở bắc và đông Xứ Bắc, bộ lạc Dâu ở nam và tây Xứ Bắc. Bộ lạc Dâu giáp với bộ lạc Trâu (Câu Lậu) ở Xứ Đông (Hưng Yên cũ). Bộ lạc Rồng tiếp giáp với các bộ lạc Tây Âu ở miền Việt Bắc ngày nay về phía thượng lưu sông Cầu.

Ưu thế thuộc về bộ lạc Chim Xứ Đoài, với các thủ lĩnh là các “khun” (Vua Hùng).

2. Thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên: Hậu kỳ thời đại đồng thau và sơ kỳ thời đại sắt Việt Nam.

Ưu thế các bộ lạc Tây Âu tăng tiến nhờ nắm các nguồn tài nguyên khoáng sản miền Việt Bắc, đặc biệt là đồng, thiếc, chì, sắt… mà các bộ lạc miền xuôi rất cần.

Bành trướng, lấn chiếm của các bộ lạc (bộ tộc) Tây Âu xuống miền cao đồng bằng Xứ Bắc, tới Vĩnh Phúc và Tiên Du, Từ Sơn cũ. Đất đai bộ lạc Chim (Mê Linh) và Rồng (Long Biên) bị thu hẹp.

Nửa đầu thiên niên kỷ này: Xung đột giữa bộ lạc Tây Vu (Gióng) và bộ lạc Rồng (Ân) ở Vũ Ninh – tức vùng Châu Cầu Thất Gian. Có lẽ lúc đó Tây Vu tạm thời liên hiệp với Mê Linh (Gióng nhận là tướng nhà Hùng, Thục nhận là dòng dõi Hùng Vương).

Bắt đầu quá trình suy thoái của bộ lạc Chim tuy vẫn còn giữ được ngôi thủ lĩnh liên minh bộ lạc (Vua Hùng).

Nửa sau thiên niên kỷ này: Thủ lĩnh Tây Âu lật đổ ngôi Vua Hùng, tiến lên địa vị thủ lĩnh tối cao (Vua Thục).

Kháng chiến chống Tàu.

Kháng chiến chống Triệu Đà.

Trước khi lật đổ Vua Thục, từ cuối thế kỷ III đầu thế kỷ II trước Công nguyên, Triệu Đà đã lấn chiếm được một phần đất của bộ lạc Rồng: Đà chỉ từ Tiên Du lui quân đến Vũ Ninh, và cũng xuất phát từ đó mà đánh trận cuối cùng lật đổ An Dương Vương ở Tây Vu vào sau năm 180 trước Công nguyên. Núi Vũ Ninh còn di tích nhà Triệu (xem Đại Nam nhất thống chí, Bắc Ninh tỉnh). Huyền tích được ghi lại trong Lĩnh Nam chích quáiToàn thư… cũng nói: An Dương Vương và Nam Việt Vương giảng hòa, phân chia địa giới ở sông Bình Giang. Bình Giang trở lên Bắc thuộc Triệu, Bình Giang trở về Nam thuộc Thục. Bình Giang là sông nào?

Không phải là sông Đuống như các sử gia phong kiến của ta nhận lầm: Cổ Loa – kinh đô nhà Thục – là ở bắc sông Đuống.

Cũng không phải là sông Cà Lồ như G. Dumoutier hay Cl. Madrolle quan niệm.

Đọc những tài liệu lịch sử thời Trần hay còn vết tích tài liệu đời Trần – như Việt điện u linhLĩnh Nam chích quái, Toàn thư… và đặc biệt các tài liệu địa lý lịch sử thời Đường – Tống (Nguyên hòa quận huyện chí, Thái bình hoàn vũ ký…) ta còn biết rõ Bình Giang là sông Lục Đầu.

Vũ Bình Giang là sông Cầu.

Nam Bình Giang là sông Thương.

Theo An Nam chí nguyên, sông Bình Than là sông Lục Đầu: “sông Bình Than phát nguyên từ Xương Giang (sông Thương)”, “núi Phả Lại… mặt kề Bình Than”, “sông Như Nguyệt (sông Cầu) dưới thông với sông Bình Than”, “sông Thiên Đức (sông Đuống)… dưới thông với sông Bình Than”.

Vậy hệ thống Bình Giang, giới tuyến tạm thời của Thục và Triệu, trước khi Thục mất nước hoàn toàn cho Triệu, là hệ thống Lục Đầu Giang, trên tiếp nước sông Cầu, sông Thương, dưới tiếp nước sông Đuống.

Vùng đó chính là vùng của bộ lạc Rồng (Long Biên).

Không rõ thủ lĩnh bộ lạc Rồng có vì bất mãn với thủ lĩnh Tây Vu mà quy phục Triệu Đà không? (Theo sử chép, Triệu Đà thần phục được các Lạc tướng). Chỉ biết rằng Xứ Bắc ngày xưa – đặc biệt là phần phía bắc và đông bắc là bãi chiến trường, là ranh giới của hai thế lực đối lập Bắc – Nam. Nếu ở vùng đó – như Lãng Ngâm – tìm thấy rất nhiều vũ khí bằng đồng, cũng tìm thấy, bên cạnh đồ đồng Đông Sơn, đồ gốm Đường Cồ, một ít đồ đồng và đồ gốm “lạ”, “ngoại lai” Chiến Quốc – Hán thì cũng là điều dễ hiểu.

Ảnh minh họa: Xưởng sản xuất ghế gỗ ở Tràng Liệt, Từ Sơn, Bắc Ninh (Nguồn: flickr manhhai)

3. Khoảng trước sau Công nguyên. Khi nhà Hán đã đặt được ách thống trị trên đất nước ta thì Long Biên và Luy Lâu – hai bộ phận hợp thành chủ yếu của Xứ Bắc đã trở thành trung tâm của quận Giao Chỉ, của Giao Châu nghĩa là của cả miền Bắc Việt Nam, của cả nước. Và Xứ Bắc còn giữ địa vị đó đến cuối thế kỷ VI đầu thế kỷ VII trước khi nhường vai trò trung tâm cho vùng non sông Hà Nội.

Đầu Công nguyên, đó là bãi chiến trường lớn giữa nghĩa quân Trưng Vương quê Xứ Đoài với đội quân viễn chinh của Mã Viện. Cuối thế kỷ II – đầu thế kỷ III, đấy là trị sở của Sĩ Nhiếp, thái thủ Giao Chỉ kiêm quản 7 quận phương Nam.

Thế kỷ IV, đấy là nơi giao chiến giữa Đỗ Tuệ Độ và dư đảng nghĩa quân nông dân Trung Quốc Lư Tuần.

Thế kỷ VI, đấy là nơi Lý Bí đánh đuổi thứ sử Tiêu Tư, định đô Vạn Xuân, tiếp theo, đó là đô của Việt vương Triệu Quang Phục.

Từ thế kỷ II đến thế kỷ X, đấy là trung tâm hấp thụ và truyền bá Thiền tông Phật giáo Việt Nam với hai trung tâm thời thuộc Đường là Pháp Vân (chùa Dâu) và Kiến Sơ (Phù Đổng).

Những thế kỷ giải thể và đan xen văn hóa Việt – Hán ấy, ở Xứ Bắc thể hiện sâu sắc hơn bất cứ đâu trên miền Bắc Việt Nam, có lẽ 3 thế kỷ sau cùng chỉ thua có vùng Hà Nội.

Đấy là nơi tụ cư của quân lính Hán – Lục Triều, của sĩ phu, học trò Hán tộc, của dân nghèo Hán tộc sang sinh cơ lập nghiệp. Đấy là nơi trụ trì và truyền đạo của các nhà sư Thiên Trúc, Hán, Hồ, Khơ-me… Từ Khang Tăng Hội đến Tì Ni Đa Lưu Chi, từ Mâu Bác đến Võ Ngôn Thông…

Xứ Bắc xưa là ngã tư đường của các đường giao lưu văn hóa Nam Bắc Đông Tây.

Để đến thời Lý, đấy lại là nơi nở rộ các chùa chiền (“cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”); quê hương nhà Lý, quê hương Ỷ Lan cũng là nơi an tháp nhiều tù binh và nghệ sĩ Chiêm Thành.

Theo tôi, mọi loại hình văn hóa độc đáo của Xứ Bắc chúng ta, đặc biệt là dân ca quan họ Bắc Ninh cần được cứu xét trong bối cảnh lịch sử – xã hội đó.

Cái chiều sâu lịch sử mà tôi vừa mới phác họa về Xứ Bắc thanh quý có lẽ còn mơ hồ và nông cạn.

Song cái nông cạn của một người làm sử không phải là cái nông cạn của một mảnh đất đầy những chứng tích lịch sử còn lưu lại trong lòng đất và trong lòng người Xứ Bắc mến yêu…■

Trần Quốc Vượng

Chú thích:

[1] Như thợ rèn. (BBT)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN