Cần có cách nhìn mới để thay đổi môi trường sống

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhân loại hiện nay đã tiến đến một bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Lần lượt các cuộc cách mạng công nghiệp tiếp nối nhau bùng nổ, con người đã bước tới kỷ nguyên công nghệ 4.0 và xa hơn thế nữa, khi khám phá ra Internet và biết sử dụng ngôn ngữ máy tính để số hoá hầu hết mọi dữ liệu, hoạt động của đời sống xã hội; thậm chí chế tạo ra những cỗ máy siêu việt có khả năng tư duy như con người. Sau một quá trình tích luỹ tư bản hàng trăm năm, số lượng của cải và công cụ sản xuất trên toàn thế giới tính đến nay cũng đã rất lớn. Nhiều quốc gia, châu lục trở nên giàu có, thậm chí một số cá nhân còn sở hữu khối tài sản lên đến hàng trăm nghìn tỷ đô la. Cơ sở hạ tầng của các đô thị lớn đạt đến đỉnh cao về độ kiên cố và giá trị thẩm mỹ – kiến trúc. Hệ thống giao thông – vận tải trên khắp thế giới với các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không có quy mô lớn và hiện đại. Không những thế, con người còn vươn xa đến các hành tinh khác ngoài vũ trụ và sẽ còn đi xa hơn nữa. Có thể nói, tính từ dấu mốc nguyên thuỷ sơ khai, sự phát triển của loài người như hiện nay là chưa từng có tiền lệ. Đây là thành quả của những mơ ước, khát vọng thay đổi địa cầu và hàng thế kỷ nỗ lực để không chỉ thích nghi mà còn cải thiện môi trường sống, xây dựng một thế giới tiện nghi do con người làm chủ. Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về những thành quả này. Song mặt khác, chính những tham vọng tưởng như “không có điểm dừng” trong hành trình chinh phục tự nhiên đã khiến con người phải trả những cái giá đắt. Bên cạnh những tác động tiêu cực lên môi sinh, con người còn phải đối mặt với những hệ luỵ khôn lường cho cuộc sống của chính mình và các thế hệ kế tiếp.

I. Thực trạng thế giới hiện nay

1. Bất bình đẳng và phân hoá giàu – nghèo

Mặt trái dễ nhận thấy nhất trong đời sống xã hội hiện nay chính là tình trạng phân hoá giàu nghèo ở mọi cấp độ: giữa cá nhân với cá nhân, quốc gia với quốc gia, châu lục với châu lục. Nghiên cứu thường niên của tổ chức từ thiện toàn cầu Oxfam công bố tại Diễn Dàn Kinh tế Thế giới (Davos, Thụy Sĩ) vào năm 2020 chỉ ra rằng, khoảng cách giữa những người siêu giàu với phần còn lại của thế giới đã được đẩy lên rất xa, khi 1% dân số thế giới đang sở hữu khối tài sản gấp đôi gần 90% còn lại. Theo báo cáo của Ngân hàng đầu tư Credit Suisse (Thụy Sĩ), số người thuộc nhóm UHNW – những người có tài sản trên 50 triệu USD – đã tăng vọt vào năm 2021 khi giới siêu giàu hưởng lợi từ giá nhà tăng cao và thị trường chứng khoán bùng nổ sau đại dịch Covid19. Chỉ trong hai năm 2021 – 2022, số người trong nhóm này đã tăng tới hơn 50%. Ngược lại, nạn đói vẫn đang hoành hành và số người nghèo vẫn tăng đều mỗi năm, thậm chí có dấu hiệu gia tăng do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và xung đột quân sự ở nhiều nơi trên thế giới. Theo Chương trình lương thực thế giới, tính đến năm 2022, số người đối mặt với mất an ninh lương thực toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi, lên 345 triệu người kể từ năm 2019. Chương trình này hiện đã trợ giúp 13 triệu trong số 16 triệu người cần hỗ trợ về lương thực, song sự hỗ trợ này chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu hàng ngày của mỗi người. Cũng trong năm ngoái, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính giá thực phẩm đã tăng khoảng 37% so với năm ngoái và hàng triệu người đang bị đẩy vào cảnh nghèo khó do lạm phát cao.

Những người tị nạn chiến tranh đang được các nhân viên cứu trợ giúp rời khỏi thuyền cao su sau khi vượt biển từ Afghanistan tới đảo Lesbos, Hy Lạp (28/2/2020). Ảnh: AFP/Getty Imgae

Nhìn chung, thế giới vẫn đang phát triển và hàng ngày, hàng giờ, con người vẫn có những bước đột phá mới trong khoa học công nghệ. Đó là thành quả đến từ tham vọng làm giàu của nhóm thiểu số sở hữu phần lớn khối tài sản của nhân loại. Chỉ những người này mới có các phương tiện sản xuất, nghiên cứu hiện đại. Và hệ quả là cũng chỉ có nhóm này mới có thể mua bán, sử dụng và hưởng lợi từ các thành tựu phát minh, tiện nghi kĩ nghệ nói trên. Phần còn lại của thế giới vẫn đang ở trong tình trạng nghèo đói, điều kiện sống tồi tệ, nên không đủ khả năng chi trả hay tiếp cận được với các công nghệ đó. Nói cách khác, trong khi những nhà tài phiệt lớn, những người thâu tóm toàn bộ tài sản xã hội tiếp tục sử dụng quyền lực kinh tế sẵn có để tạo ra càng nhiều của cải, vật chất “đổ” về túi mình, thì các phương tiện vật chất lẫn tinh thần để phát triển của người nghèo lại càng bị thu hẹp lại. Điều này được củng cố, duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác, khiến cho người giàu càng giàu thêm, và người nghèo sẽ nghèo đi. Sự phát triển lệch lạc, mất cân bằng này đã và đang gây ra những hệ luỵ không nhỏ cho nhân loại, mà điển hình nhất là những bất ổn về an ninh – chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới. Những cuộc biểu tình, bạo loạn hay làn sóng di cư của người nghèo, kèm theo tệ nạn xã hội, tỉ lệ tội phạm gia tăng… sẽ còn đeo đẳng các quốc gia nơi tình trạng phân hoá giàu nghèo vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối.

2. Chiến tranh và xung đột quân sự leo thang

Để thực hiện tham vọng làm giàu “không đáy” của mình, các nhà tư bản, các quốc gia tư bản buộc phải mở rộng địa bàn để tìm kiếm nguồn tài nguyên và thị trường ở những vùng lãnh thổ khác. Các cuộc chiến tranh và xâm lược thuộc địa trong thế kỷ XX đã ghi nhận chính xác xu hướng này. Cho đến ngày hôm nay, khi đã sang tới thế kỷ XXI, nhiều khu vực trên thế giới vẫn chưa im tiếng súng. Xung đột, chiến tranh vẫn nổ ra ở khắp nơi, đặc biệt là  cuộc chiến giữa Nga và Ukraine kéo dài suốt một năm qua đã gây ra tổn thất cho hàng triệu người sinh sống tại hai đất nước. Khu vực Trung Đông vốn được xem như là “vựa vàng và dầu mỏ” của thế giới, nên thật dễ hiểu khi đây cũng là một “điểm nóng” về xung đột quân sự trong suốt nhiều thập kỷ qua. Bên cạnh tham vọng mở rộng địa bàn và tìm kiếm tài nguyên, chiến tranh cũng được xem như một “cơ hội vàng” để những quốc gia tư bản có tiềm lực lớn về khoa học – kỹ thuật làm giàu từ việc bán vũ khí. Cách đây hơn nửa thế kỷ, nhân loại đã bước những bước tiến dài trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự khi chế tạo ra bom nguyên tử – vũ khí “giết người hàng loạt”, có sức công phá khủng khiếp, đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người. Hẳn chúng ta không thể quên sự kiện cách đây 78 năm, vào ngày 6/8 và ngày 9/8 năm 1945, Mỹ đã thả hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki, giết chết hơn 200.000 người dân Nhật Bản. Đó là chưa kể tới làn sóng tị nạn, di cư và các cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài hàng thập kỷ, cho đến nay vẫn là một câu chuyện không hồi kết.

Bất chấp những mất mát và đau thương trong quá khứ, các cuộc xung đột, chạy đua vũ trang trên thế giới hiện vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại, thậm chí còn trở nên riết ráo hơn trong thời gian gần đây. Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ… là những cường quốc có tầm ảnh hưởng trên thế giới, đồng thời cũng là các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Không những thế, các nước này còn đi đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Đây được xem như một loại “vũ khí mới”, cảnh báo có sức công phá gấp nhiều lần so với bom nguyên tử, khi chiến tranh truyền thống đang dần được thay thế và mở rộng sang môi trường mạng – một môi trường chiến tranh lý tưởng trong thời đại bùng nổ Internet, khi tính phi không gian, phi thời gian của nó càng khiến cho các nguy cơ sát thương trở nên phức tạp và khó lường. Hiện nay, các cường quốc đều coi trí tuệ nhân tạo là công nghệ chiến lược với tiềm năng ứng dụng vô hạn trong lĩnh vực quân sự. Nga, Mỹ, Trung Quốc liên tục chạy đua nghiên cứu, chế tạo vũ khí có các tính năng thông minh, phát triển vũ khí tự động (AWS) và kiểm soát, thâu tóm dữ liệu toàn cầu.

3. Dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường

Tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hoá nhanh chóng khiến cho mọi hoạt động sống của con người cũng thay đổi theo hướng “công nghiệp”. Lối sống vội vã, thức ăn nhanh, thực phẩm biến đổi gen, chất bảo quản, hoá chất dư thừa, thực phẩm “bẩn”, không đảm bảo vệ sinh… đem lại nguồn lợi không nhỏ cho các nhà kinh doanh, song đây cũng chính là các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các loại bệnh nan y cho con người, điển hình là ung thư. Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, tỷ lệ ung thư mới và tử vong do ung thư liên tục gia tăng. Số liệu do Globocan (dự án của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế) công bố năm 2020 cho biết, trên thế giới ước tính có khoảng 19,3 triệu ca mới và 9,9 triệu ca tử vong, cao hơn nhiều so với khoảng 14 triệu ca mới và 8,2 triệu ca tử vong vào năm 2012. Mặc dù còn nhiều tranh cãi về nguồn gốc và cơ chế lây bệnh của Covid-19, song sự xuất hiện của ca bệnh đầu tiên tại khu chợ gia cầm Vũ Hán, Trung Quốc cũng cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn từ việc mất kiểm soát trong kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm trên thế giới hiện nay.

Người dân Hội An, Quảng Nam mắc kẹt giữa dòng nước lũ trong trận lụt năm 2017. Ảnh: Reuters

Các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, động đất, sóng thần… là một hệ quả tất yếu của quá trình con người tác động không ngừng vào tự nhiên. Trong hơn một thế kỷ qua, các ảnh hưởng từ bom đạn, vũ khí sinh học cùng các cuộc thăm dò với những mũi khoan sâu vào đáy biển, lòng đất đã gây ra hàng loạt các cơn địa chấn lớn nhỏ, mà sau cùng chính con người lại phải hứng chịu tác động từ những hành vi khai thác quá mức đó. Các số liệu về biến đổi khí hậu và sự xuống cấp nghiêm trọng của hệ sinh thái toàn cầu chính là những minh chứng rõ nhất cho mặt trái của những tham vọng làm giàu không bền vững từ con người. Hiện nay, Trái Đất đã nóng lên khoảng 40 độ so với Kỷ Băng hà. Băng đang tan nhanh ở hai đầu cực, mực nước biển tăng vọt khiến diện tích đất liền bị thu hẹp lại. Tốc độ nước biển dâng hiện đã tăng từ 0,2 cm mỗi năm vào năm 1993, lên 0,44 cm mỗi năm vào năm 2022, với lượng nước tương đương một triệu bể bơi kích thước chuẩn Olympic; và dự kiến sẽ tăng đến 0,66 cm mỗi năm vào năm 2050. Theo thống kê của Liên hợp quốc, có đến 50 triệu tấn chất thải rắn đổ ra biển hàng năm, bao gồm cả phế thải công nghiệp, chất phóng xạ và nghiêm trọng nhất là rác thải nhựa chiếm đến 13 triệu tấn. Trên Trái Đất mỗi năm có khoảng 100.000 thú biển, 1.000.000 chim biển bị mặc kẹt, nghẹt thở do vướng phải rác thải; 60% rạn san hô đang có nguy cơ bị hủy hoại bởi ô nhiễm nước. Trái Đất đang mất 7% đất sinh thái mỗi năm, trong khi diện tích đất cằn đồi trọc, đất bạc màu và hoang mạc hoá ngày càng mở rộng.

II. Kiến tạo cách nhìn mới để thay đổi môi trường sống hiện tại

Thực trạng trên đã cho thấy những hệ quả đáng quan ngại của xu hướng phát triển không bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh chạy đua giữa các cá nhân, tập đoàn và các nước lớn về phát triển kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ… hiện nay. Câu hỏi đặt ra là liệu con người có nên tiếp tục theo đuổi những tham vọng làm giàu “không giới hạn” nữa hay không, và nếu có thì phải sử dụng những phương thức nào? Đã đến lúc chúng ta cần nghĩ tới và thực thi ngay những giải pháp phát triển bền vững, kiến tạo một xã hội công bằng, nhân văn; một Trái Đất xanh tươi cho chính mình và thế hệ kế tiếp.

1. Chú trọng phát triển các giá trị tinh thần

Rõ ràng, phát triển về mặt của cải, vật chất là một mục tiêu hoàn toàn chính đáng, và là nền tảng để xây dựng các giá trị tinh thần. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng vào những giá trị vật chất mà quên mất đời sống tinh thần, thì hậu quả là con người sẽ dễ dàng vượt qua các chuẩn mực đạo đức để làm giàu bằng mọi cách. Thực tế, con người vẫn cần phát triển kinh tế nhưng nên phát triển một cách bền vững, đảm bảo hài hoà, thân thiện với môi trường và hệ sinh thái. Lối sống gấp vội vã, tâm lý chạy đua trong thời đại công nghệ cần phải chậm lại để tạo ra những gắn kết giữa người với người với văn hoá xã hội và thiên nhiên, sao cho không chỉ giàu có về mặt vật chất mà còn đủ đầy về mặt tinh thần.

Bhutan – đất nước nhỏ bé nép mình bên dãy Himalaya hùng vĩ là quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới

Để đạt được điều đó, trước hết mỗi quốc gia, dân tộc cần bớt phán xét, ganh đua, cạnh tranh nhau trên lĩnh vực kinh tế, quân sự… mà còn phải cân nhắc đến các chỉ số về phát triển tinh thần, chỉ số hạnh phúc, mức độ hài lòng với cuộc sống… của người dân. Một gia đình, một quốc gia có thể không giàu có, chỉ ở mức “đủ ăn”, nhưng người dân lại được sống trong hoà bình, độc lập, không có chiến tranh, không phải căng thẳng chạy đua để mưu cầu những lợi ích vật chất xa hoa – mới thực sự là một quốc gia hạnh phúc. Một ví dụ nổi bật cho mô hình này chính là Bhutan – đất nước nhỏ bé nép mình bên dãy Himalaya hùng vĩ, và cũng là đất nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới – luôn coi “tổng hạnh phúc quốc gia” là thước đo quan trọng và có giá trị hơn so với “tổng sản phẩm quốc nội” (GDP).

Bên cạnh đó, những tập đoàn lớn, những quốc gia sở hữu các công nghệ tân tiến cũng cần có sự chuyển biến trong nhận thức, làm sao cho mỗi phát minh được tạo ra là để nâng cao chất lượng sống của tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo, chứ không phải chỉ phục vụ cho đặc quyền của một nhóm người, hay để thay thế, huỷ hoại và đưa con người vào vòng xoáy tranh đấu, đua chen. Tóm lại, trong thời gian tới, mọi cuộc cạnh tranh về quân sự, vũ khí, khai thác tài nguyên, GDP… giữa các nước lớn cần chậm lại, thậm chí ngừng lại để cân nhắc tới các chỉ số hạnh phúc, hoà bình của nhân loại, nâng niu và trân trọng những giá trị tinh thần của thế giới.

Ở cấp độ nhỏ hơn, thay đổi này cần bắt đầu từ những việc làm tưởng chừng đơn giản mà có ý nghĩa to lớn, như thực hành tiết kiệm điện, nước trong mỗi gia đình, mỗi cơ quan, tổ chức; giảm bớt các nhu cầu mua sắm không cần thiết, tái chế, tái sử dụng các vật dụng hàng ngày; tích cực trồng cây, bảo vệ môi trường sống xung quanh… Thay vì chăm chút cho các giao tiếp “ảo” trên mạng xã hội hay mải miết chạy theo các chỉ tiêu, kế hoạch (KPI), doanh nghiệp và cá nhân cần tạo ra những khoảng thời gian trò chuyện, chia sẻ trực tiếp, sinh hoạt trong không gian văn hoá tập thể và hoà mình vào thiên nhiên, chứ không nên tạo ra quá nhiều áp lực, cạnh tranh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ tinh thần. Các thói quen như khoe khoang của cải, vật chất trên mạng xã hội hiện nay cũng cần được hạn chế, nhằm tạo ra một môi trường mạng bình đẳng, thân thiện và nhân văn hơn.

2. Nâng cao vai trò của các tổ chức quốc tế và các nước lớn

Suốt hàng thập kỷ nay, đại diện các nước đã cùng ngồi lại để bàn về các thoả thuận chống biến đổi khí hậu, hạn chế tên lửa, vũ khí hạt nhân, cam kết không tấn công vũ trang… song tất cả vẫn không được tuân thủ, thực thi một cách triệt để và hiệu quả. Do đó, để chấm dứt được các cuộc xung đột toàn cầu và hướng các quốc gia tới những giá trị tinh thần, nâng cao chỉ số hạnh phúc nhân loại; thì sự vào cuộc của các tổ chức quốc tế là vô cùng quan trọng. Các tổ chức như Liên Hợp Quốc (UN), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF)… cần phát huy tiếng nói tích cực hơn nữa khi đảm nhiệm vai trò trung gian gìn giữ hoà bình thế giới, ngăn chặn các cuộc chạy đua vũ trang, bảo vệ môi trường, kiểm soát việc sử dụng công nghệ và đảm bảo quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người.

Bên cạnh vai trò của các tổ chức quốc tế nói chung và Liên Hợp Quốc nói riêng, những nước lớn cũng cần xem xét lại ảnh hưởng của mình đối với thế giới. Trên thực tế, nhân dân các nước không thể tự quyết định được các vấn đề ở cấp độ vĩ mô, mà phải bắt đầu từ giới chức lãnh đạo ở mỗi quốc gia, đặc biệt là những cường quốc có tiếng nói trên trường quốc tế. Bản thân những người đứng đầu các quốc gia này cần ý thức được vai trò, sứ mệnh của mình trong việc gìn giữ hoà bình thế giới; cần đưa đất nước mình trở thành “tấm gương” kiến tạo ra các giá trị tinh thần, quan tâm tới các chỉ số hạnh phúc, bảo vệ môi trường và các di sản của nhân loại; thay vì cố gắng dẫn đầu trong các cuộc chạy đua vũ trang, kinh tế, tranh giành địa chính trị… Ngoài ra, việc ủng hộ, giúp đỡ các cộng đồng, quốc gia khác cùng phát triển bền vững cũng là một trong những hành động thiết thực để thể hiện thiện chí và trách nhiệm của các nước lớn đối với thế giới.

Như vậy, bước sang thế kỷ XXI, nhân loại đã tiến đến giai đoạn phát triển vượt bậc về khoa học – công nghệ, song vẫn phải đối mặt với những vấn đề “nóng” như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… thậm chí ở cấp độ phức tạp, chất chứa nhiều nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn hơn. Để khắc phục mặt trái của sự phát triển này; mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi tổ chức, cá nhân cần phải nhận thức rằng con người tạo ra cuộc sống của mình, nhưng con người cũng đang tự diệt chính mình; từ đó ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng một xã hội “xanh”, một môi trường phát triển bền vững; quan tâm, chăm lo tới các giá trị tinh thần thay vì chạy đua về của cải, vật chất… Sự thay đổi về tư duy, cách nhìn và quan niệm sống như vậy sẽ là chìa khoá quan trọng để giải quyết các bất ổn toàn cầu hiện nay; đồng thời kiến tạo nên một thế giới hoà bình, văn minh hơn cho các thế hệ kế tiếp được sống hạnh phúc.■

Ngọc Lan

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN