Từ trên lưng voi chiến, Hai Bà Trưng đã lật đổ các thái thú người Hán của Trung Quốc vào năm 40. Kể từ đó, họ đã trở thành những biểu tượng anh hùng đối với người dân Việt Nam trên toàn thế giới.
Từ khuôn viên một ngôi đền khiêm tốn ở ngoại ô Hà Nội đến các đường phố ở Nam California, Paris và Sydney, người Việt khắp bốn châu tôn vinh cuộc đời của hai người phụ nữ từ thế kỷ thứ nhất – Hai Bà Trưng, vào ngày giỗ hàng năm – ngày 6 tháng 2 âm lịch.
Thường được miêu tả là cưỡi trên lưng voi, hai người phụ nữ này đã chỉ huy một cuộc khởi nghĩa thành công chống lại triều đại nhà Hán – Trung Quốc (tồn tại từ năm 206 trước Công nguyên đến năm 220) vào năm 40 của thế kỷ thứ nhất. Để tôn vinh những vị anh hùng dân tộc này, người Việt xưa và nay đã thờ cúng, rước kiệu Vua Bà, voi chiến đầy màu sắc, vẫy cờ của các chế độ quốc gia tương ứng mà họ tuyên bố trung thành. Họ tái hiện cuộc khởi nghĩa, đôi khi có voi thật, để tôn vinh hai người phụ nữ đã thách thức cường quyền và đánh bại nhà Hán gần một nghìn năm trước khi hình thành một nhà nước độc lập. Những màn trình diễn này nhắc nhở những người tham gia, con cháu của họ và khán giả về đóng góp của Hai Bà Trưng cho đất nước ngày nay là Việt Nam.
Hai Bà Trưng sống trong lòng dân tộc chứ không chỉ trong những ngày hội ngắn ngủi kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của họ. Các nguồn sử liệu cho thấy trong gần 2.000 năm qua, Hai Bà Trưng đã làm thần hộ mệnh cho quê hương.
Tại sao người Việt Nam đương thời, ở trong nước cũng như hải ngoại, dù mang quan điểm chính trị khác nhau đáng kể, vẫn tiếp tục tỏ lòng tôn kính Hai Bà Trưng? Câu trả lời nằm ở mối quan hệ lâu dài và phức tạp của đất nước này với nước láng giềng phương Bắc, di sản của sự can thiệp nước ngoài, một cuộc nội chiến đau đớn đã chia rẽ các gia đình và phân tán họ trên khắp thế giới, và một di sản được cho là có nguồn gốc mẫu hệ – tất cả đã kết tinh thành niềm tôn kính và tự hào về hai người phụ nữ sống cách đây gần hai thiên niên kỷ.
Cuộc khởi nghĩa của hai chị em
Tên gọi xa xưa của những người sống ở vùng đất ngày nay là Việt Nam vẫn chưa được biết, nhưng nhiều nhà sử học gọi họ là người Việt. Vào thế kỷ thứ nhất, nhà Hán bành trướng đến vùng đồng bằng sông Hồng và vùng đất thấp ở phía nam của nó mà họ gọi là quận Giao Chỉ. Việc kiểm soát lãnh thổ này cho phép họ tiếp cận các bến cảng và tài nguyên thiên nhiên trong khu vực, đồng thời cung cấp một vùng đệm quan trọng giữa đế chế của họ và đế chế Chăm ở phía nam.
Vào năm 40, Trưng Trắc, con gái cả của một Lạc tướng, và em gái của bà, Trưng Nhị, đã tập hợp một đội quân quý tộc để phản đối các loại thuế mới do chính quyền nhà Hán áp đặt. Cưỡi voi chiến, họ hành quân đến thủ phủ của quận Giao Chỉ, giành được sự ủng hộ ở hơn 65 xã huyện trên khắp đồng bằng sông Hồng. Thái thú người Hán, được sử sách miêu tả là “tàn bạo và tham lam”, phải bỏ chạy thoát thân.
Hai chị em tuyên bố mình là người cai trị vùng đất và bãi bỏ các loại thuế mới của Thái thú. Cuộc khởi nghĩa gây ra mối đe dọa đối với chính quyền nhà Hán ở biên giới phía nam đến mức Hoàng đế phải ban chiếu chuẩn bị chiến tranh. Ông đã cử những vị tướng giỏi nhất của mình, bao gồm “Phục Ba tướng quân” Mã Viện và “Lâu Thuyền tướng quân” Đoàn Chí, đi đàn áp cuộc khởi nghĩa.
Những vị tướng này, với sự hỗ trợ của nhà Hán hùng mạnh, đã lệnh cho các huyện từ phía nam của đế quốc cung cấp “xe và thuyền, sửa chữa thuyền và cầu, mở đường thủy và bổ sung kho dự trữ ngũ cốc” để chuẩn bị chiến tranh. Dù mang theo hơn 10.000 quân nhưng vẫn phải mất hơn hai năm, tướng nhà Hán mới đánh bại được Hai Bà Trưng.
Không ai biết chính xác chuyện gì đã xảy ra với Hai Bà. Một số nguồn cho rằng họ tự sát chứ quyết không để kẻ thù bắt giữ. Những nguồn khác ghi lại rằng Mã Viện đã bắt và chém Hai Bà rồi gửi thủ cấp của họ cho Hoàng đế. Ông ta cũng bắt hơn 300 thủ lĩnh khác quanh vùng đồng bằng sông Hồng và đưa họ đến huyện Hồ Nam.
Dù chính xác chuyện gì đã xảy ra với Hai Bà Trưng và những người đi theo họ, chiến thắng của Mã Viện trước Hai Bà Trưng vào năm 43 cũng đánh dấu một bước ngoặt trong nền cai trị của đế quốc Hán trong khu vực. Sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa, Mã Viện thực hiện những cải cách đặt lãnh thổ này dưới sự cai trị trực tiếp của quân đội. Trong gần 900 năm sau đó, người Việt sống như thần dân của các triều đại Trung Hoa kế tiếp nhau cho đến khi giành được độc lập vào năm 939, nhưng truyền thuyết về Hai Bà Trưng nhắc nhở họ về những tiềm năng của mình[2].
Lịch sử và truyền thuyết
Những gì được lưu giữ về các Vua Bà, như được biết đến trong ngụy thư hay trong các văn bản Phật giáo và lịch sử, cung cấp những bằng chứng về ảnh hưởng của họ đối với trí tưởng tượng của người Việt. Hai Bà Trưng lần đầu tiên đi vào sử liệu bốn thế kỷ sau chiến thắng ngắn ngủi của họ khi sử gia Trung Quốc Phạm Diệp (398 – 445) biên soạn Hậu Hán Thư. Ông nêu tên Hai Bà và mô tả Trưng Trắc “rất hùng dũng”, một cụm từ thường gắn liền với đàn ông. Tác giả lưu ý rằng chồng Trưng Trắc còn sống vào thời điểm khởi nghĩa, ám chỉ rằng ông đã theo hai chị em ra trận. Một số học giả cho rằng việc người chồng theo vợ ra trận là một bằng chứng về quá khứ mẫu hệ của người Việt.
Các sử gia Việt ở các triều đại sau này đã ca ngợi Hai Bà Trưng vì sự dũng cảm và kiên cường chống lại ách đô hộ của nhà Hán cũng như việc thành lập một quốc gia tồn tại ngắn ngủi. Trong khi ca ngợi công lao của Hai Bà, họ cũng lấy Hai Bà làm ví dụ cho các bài học đương thời. Năm 1272, Lê Văn Hưu, sử gia triều Trần (1225 – 1400), đã ghi Hai Bà Trưng vào bộ sử ký chính thức, công nhận triều đại của Hai Bà là một trong những vương quốc Việt đầu tiên, và các sử gia về sau cũng viết theo như vậy. Lê Văn Hưu nhắc lại nét nam tính của Trưng Trắc – “rất hùng dũng” – và gọi bà là nữ Vương.
Lê Văn Hưu có lẽ đã sử dụng các nguồn giống như Phạm Diệp để kể câu chuyện của mình, nhưng ông viết sử cho một triều đại Việt đang phải đối mặt với các mối đe dọa từ bên ngoài, nên ông đã thêm thắt các chi tiết. Lê Văn Hưu lập luận rằng Hai Bà Trưng cuối cùng thất bại vì sức mạnh của quân Hán và sự yếu hèn của những người đã đi theo nhưng rồi lại bỏ rơi họ vì không tin rằng các nữ chiến binh có thể đánh bại quân xâm lược. Đến thời điểm đó, ông ngạc nhiên rằng trong khi Hai Bà có thể hình dung ra một quốc gia độc lập và truyền cảm hứng cho nhân dân của 65 huyện xã đứng lên chống lại các quan cai trị nhà Hán, thì trong gần một nghìn năm, cho đến khi giành được độc lập vào năm 939, “bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc”.
Năm 1479, sử gia nhà Lê (1428 – 1789) Ngô Sĩ Liên, người biên tập bộ sử ký gốc của Lê Văn Hưu, đã nói về di sản của Hai Bà. Chỉ ba năm sau khi họ bại trận, người dân địa phương đã xây dựng một ngôi đền để tưởng nhớ Hai Bà và khi gặp khó khăn, họ đến đó để cầu xin sự giúp đỡ. Ngay cả khi chết, Hai Bà Trưng vẫn bảo vệ dân tộc Việt.
Các sử gia triều đình như Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên đã sửa chữa các chi tiết của câu chuyện để đưa ra những quan điểm cụ thể về giới. Thay vì viết theo câu chuyện của Phan Diệp rằng chồng của Trưng Trắc còn sống, các sử gia này cho rằng bà đã khởi nghĩa để trả thù cho cái chết của chồng. Khi viết như vậy, họ đã biến bà Trắc “hùng dũng” thành một người vợ “đạo đức và tận tụy”. Ca ngợi phẩm chất làm vợ của Trưng Trắc cũng giúp họ lên án những người đàn ông không đáp ứng được kỳ vọng về tài chiến đấu và lòng dũng cảm. Những người đàn ông không hoặc không thể đứng lên chống giặc ngoại xâm cũng không thể sánh được với hai chị em chiến binh.
Các văn bản Phật giáo cho rằng Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa của họ đóng một vai trò quan trọng trong cộng đồng Thiền địa phương vào thế kỷ XIV. Khoảng năm 1379, Lý Tế Xuyên, một viên quan trông coi kinh sách Phật giáo, đã biên soạn cuốn sách “Việt Điện u linh tập”. Trong đó, ông kể chuyện về những vị thần đã bảo vệ người Việt, nước Việt và thế giới Phật giáo chống lại quân xâm lược.
Lý Tế Xuyên kể rằng sau khi Hai Bà Trưng tử trận, người dân địa phương đã dựng đền thờ Hai Bà. Một năm nọ, trong một trận đại hạn hán, Hoàng đế Lý Anh Tông (trị vì từ 1138 – 1175) đã lệnh cho các Thiền sư làm lễ cầu mưa, quả được mưa thật. Một đêm, Vua mơ thấy hai người phụ nữ mặc áo lục quần hồng, mão đỏ, cưỡi ngựa sắt và kéo mưa theo sau. Vua lấy làm lạ mới hỏi, họ đáp rằng: “Chúng tôi là chị em Nhị Trưng, vâng mệnh Thượng đế xuống làm mưa”. Khi tỉnh dậy, nhà Vua ra lệnh trùng tu ngôi đền và dâng lễ vật thờ cúng họ. Về sau Hai Bà lại thác mộng cho Vua, và Vua đã lập một ngôi đền khác và sắc phong Hai Bà là “Trinh Linh Phu Nhân”.
Trong những thế kỷ tiếp theo, các Hoàng đế đã phong thêm nhiều tước hiệu cho Hai Bà Trưng. Các học giả khác xác nhận sức ảnh hưởng của Hai Bà Trưng và tín ngưỡng thờ cúng họ. Năm 1492, nho sĩ Vũ Quỳnh kể lại chi tiết việc Hoàng đế nhà Lý nhìn thấy Hai Bà. Ông khẳng định những truyền thuyết như truyền thuyết Hai Bà Trưng không hề được viết “vào sách, nhưng được lưu giữ trong lòng dân và được truyền tụng”.
Vũ Quỳnh chỉ đúng một phần, vì trước và sau khi ông viết, nhiều sử gia Việt đã ghi câu chuyện Hai Bà Trưng vào lịch sử nước nhà. Các tác giả sau này – từ các nhà sử học triều đình đến các linh mục Công giáo, các học giả theo chủ nghĩa dân tộc và các học giả hậu thuộc địa – tiếp tục vận dụng các chi tiết trong câu chuyện Hai Bà như một lời hiệu triệu chống xâm lược ngoại bang.
Tư tưởng tôn vinh Hai Bà Trưng vẫn tiếp tục cho đến thời kỳ hiện đại. Vào giữa thế kỷ XX, khi đất nước bị chia tách thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc) và Việt Nam Cộng hòa (miền Nam), người dân hai miền tranh giành nhau những tầm nhìn về tương lai đất nước, họ đã tìm thấy điểm chung trong hành động anh hùng của Hai Bà Trưng. Ở hai bên vĩ tuyến 17, đường phân giới được xác lập theo Hiệp định Geneva năm 1954, hình ảnh trận chiến của Hai Bà Trưng đã trở thành mô típ nghệ thuật được yêu thích trên các áp phích tuyên truyền, tượng đài và tem bưu chính. Khi người dân địa phương thờ cúng Hai Bà ở các ngôi đền nơi Đồng bằng sông Hồng, người dân đô thị ở Sài Gòn cũng đã tổ chức một đám rước có cả voi thật. Đệ nhất phu nhân miền Nam Việt Nam, bà Nhu (Trần Lệ Xuân), đã dựng một bức tượng tưởng nhớ công lao của Hai Bà Trưng và tự ví mình với họ.
Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, Hai Bà Trưng vẫn tiếp tục giữ những vai trò quan trọng trong tâm thức lịch sử của người Việt. Mặc dù người Việt hải ngoại có thể không nhất thiết phải chia sẻ tầm nhìn chính trị của chính quyền Việt Nam hiện tại, nhưng họ đã tìm thấy điểm chung trong việc tưởng nhớ một thời khắc mang tính biểu tượng trong quá khứ, khi Hai Bà đánh bại giặc ngoại xâm.■
Nhung Tuyet Tran – Phó Giáo sư Lịch sử, Đại học Toronto, Canada
Tạp chí National Geographic ngày 3/9/2021
Thanh Trà dịch
Chú thích:
[1] Tên bài do Tòa soạn đặt. Tựa gốc: These elephant-riding warrior sisters freed ancient Vietnam from Chinese rule (Hai chị em chiến binh cưỡi voi đã giải phóng Việt Nam cổ xưa khỏi ách thống trị của Trung Quốc).
[2] Đến đây, chúng tôi lược bớt một đoạn viết về Lạc Long Quân và Âu Cơ vì truyền thuyết này đã quá quen thuộc với độc giả Việt Nam. (BBT)