Edward Lansdale: Người đứng sau cuộc chiến tranh tâm lý của Mỹ tại Việt Nam trong thập niên 1950

Khi nói đến cuộc chiến tranh tâm lý mà nước Mỹ đã tiến hành tại Việt Nam, người ta không thể không nhắc đến Edward Lansdale (1908 – 1987), một sĩ quan Không quân Mỹ, một nhân viên CIA đi tiên phong trong các chiến dịch ngầm và chiến tranh tâm lý. Lansdale cho rằng Mỹ có thể thắng được các cuộc chiến tranh du kích bằng cách nghiên cứu tâm lý của đối thủ – một cách tiếp cận được cả chính quyền Kennedy và Johnson tán thành. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết của nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Hoa Kỳ Marc D. Bernstein về các hoạt động của Lansdale và Phái bộ Quân sự Sài Gòn của CIA tại hai miền Nam – Bắc Việt Nam vào thập niên 50 của thế kỷ trước. Nội dung bài viết thể hiện quan điểm và hiểu biết riêng của các tác giả, được dịch nguyên văn để bạn đọc tiện nghiên cứu, tham khảo.

*

Edward Lansdale, làm việc bí mật với tư cách là trợ lý tùy viên không quân tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn vào giữa những năm 1950, đã lãnh đạo Phái bộ Quân sự Sài Gòn của CIA áp dụng các chiến dịch chiến tranh tâm lý chống Việt Minh, chẳng hạn như tin đồn và truyền đơn sai sự thật.

Edward Lansdale năm 1963. Ảnh: USAF via AP

Hơi khó chịu với mệnh lệnh vào phút cuối là phải trực tiếp từ Philippines đến Việt Nam, không có thời gian trở về Washington để chuẩn bị cho nhiệm vụ bí mật mới hoặc thăm gia đình, Đại tá Edward Lansdale bay đến Sài Gòn trên chiếc ghế rung lắc của một chiếc thủy phi cơ của Phi đội cứu hộ trên không – trên biển số 31. Đây là chuyến bay sớm nhất có được từ Căn cứ Không quân Clark đến Sài Gòn, và phi hành đoàn đã đồng ý đón ông ta nếu ông ta không ngại thời gian bay dài hơn trong khi họ thực hiện chuyến tuần tra trên Biển Đông. Đó là ngày 01/6/1954, và khi nhấm nháp cà phê từ chiếc cốc giấy, Lansdale nghĩ về những gì đang chờ đợi phía trước. Ông ta đã nghe nói về thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ và biết rằng Pháp và Việt Minh đang tiến hành một giải pháp hòa bình ở Geneva, nhưng ngoài ra, kiến ​​thức của ông ta về đất nước này rất ít.

Tại một cuộc họp được triệu tập ở Lầu năm góc 6 tháng trước đó để thảo luận về Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles đã quay sang Lansdale và nói với ông ta: “Chúng tôi sẽ cử anh tới đó”, Lansdale trả lời: “Không phải để giúp người Pháp đấy chứ!” – Không, ông ta được trấn an, ông ta sẽ giúp người Việt đàn áp lực lượng Việt Minh theo Cộng sản ở Đông Dương. Allen Dulles, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương – CIA, đã cùng với anh trai ủng hộ Lansdale làm người sáng lập và chỉ huy Phái bộ Quân sự Sài Gòn của CIA (viết tắt là SSM), có nhiệm vụ âm thầm vào Việt Nam và giúp những người Việt Nam thân phương Tây phát động cuộc chiến tranh tâm lý – chính trị.

CIA sẵn sàng trao cho Lansdale, một giám đốc quảng cáo ở San Francisco trước Thế chiến thứ hai, quyền hành lớn dựa trên thành công của ông ta trong các chiến dịch ngầm ở Philippines từ năm 1950 – 1953. Là một sĩ quan Lục quân Hoa Kỳ chuyển sang Lực lượng Không quân sau chiến tranh, ông ta đã giúp quân đội Philippines dập tắt cuộc nổi dậy Hukbalahap (Huk). Cộng sản Philippines đã thành lập nhóm du kích này, ban đầu để chống lại quân Nhật trong Thế chiến thứ hai. Sau khi những nỗ lực tham gia vào chính phủ hậu chiến của phong trào Huk thất bại và một cuộc bầu cử được cho là gian lận diễn ra vào năm 1949, Huk bắt đầu cuộc chiến tranh du kích nhằm lật đổ chính phủ do Mỹ hậu thuẫn. Khi tiến hành cuộc chiến chống lại Huk, Lansdale đã sử dụng một loạt các công cụ chống nổi dậy và chiến tranh tâm lý, một số công cụ lợi dụng những điều mê tín của người Philippines. Một số chiến thuật độc đáo đã thành công nhờ khai thác niềm tin của dân làng vào ma cà rồng hay hồn ma của những người Huk đã chết. Trong chiến dịch “Con mắt của Chúa” của Lansdale, những người bị nghi là du kích sống trong một ngôi làng sẽ là mục tiêu của các đội chiến tranh tâm lý; nhóm này lén lút vẽ một con mắt đe dọa lên bức tường đối diện với túp lều của những người bị tình nghi. Mặc dù nổi tiếng nhất với các loại hoạt động chiến tranh tâm lý này, nhưng chính việc Lansdale áp dụng các nguyên tắc quảng cáo và thao túng truyền thông đã dẫn đến việc Ramon Magsaysay được bầu làm Tổng thống một cách trung thực vào năm 1953.

Nhưng Việt Nam là một đất nước khác với nhiều vấn đề khác.

Tuy nhiên, trong hai năm đầu tiên ở đó, Đại tá Lansdale đã củng cố vị trí hàng đầu của mình trong nhóm các chiến binh tâm lý ngầm độc đáo của Mỹ. Đối với một số người, ông ta sẽ trở thành nguyên mẫu của một cao bồi thiên tài đôi khi lách luật để đạt được các mục tiêu của nền dân chủ phương Tây; đối với những người khác, ông ta lại là hiện thân của một chính sách đối ngoại ngạo mạn đã sai lầm một cách nguy hiểm ở Đông Nam Á. Trong cả hai trường hợp, “Sếp” – như cách Lansdale được gọi trong các báo cáo về chiến công của ông ta, đã có tác động to lớn đến Việt Nam trong những tháng then chốt sau thất bại nhức nhối của quân Pháp, tạo tiền đề cho một vở kịch chết chóc sẽ diễn ra trong hai thập kỷ đầy biến động sau đó.

Những quan sát của Lansdale, được ghi lại trong một số bản ghi nhớ về bản chất của các cuộc nổi dậy ở châu Á, đã mổ xẻ các chiến thuật thành công của Cộng sản, đồng thời nhấn mạnh sự thiếu thông thạo của Pháp và Mỹ trong việc chống nổi dậy.

“Đa số mọi người ở đây nghĩ rằng Việt Minh có “tinh thần dân tộc” đứng về phía mình, còn lực lượng Pháp – Việt thì không”, Lansdale viết trong một bản ghi nhớ. “Đây là kết quả chiến tranh tâm lý – chính trị thành công của Việt Minh. Lực lượng Pháp – Việt chưa hề có một cuộc chiến tranh tâm lý hiệu quả nào để nói rằng điều này chỉ là một chuyện hoang đường”. Lansdale có ý định tìm hiểu và áp dụng các khía cạnh tâm lý trong cuộc chiến chống Cộng sản. Ở Đông Dương, ông ta hướng tới việc sử dụng thông tin tuyên truyền sai sự thật và kêu gọi người Pháp cùng các đồng minh người Việt của họ chủ động chống lại việc nhân dân đi theo Việt Minh.

Tại Sài Gòn, Lansdale đảm nhận vai trò trợ lý tùy viên không quân tại Đại sứ quán Hoa Kỳ, một thỏa thuận cho phép ông ta làm việc với cả Đại sứ Donald Heath và Nhóm Cố vấn Quân sự (MAAG) của Tướng O’Daniel. Tuy nhiên, khi Lansdale trình diện tại Đại sứ quán, các nhân viên ngoại giao đã rất phẫn nộ; Phái bộ Quân sự Sài Gòn (SSM) không phải là hoạt động duy nhất của CIA trong thành phố. Một trạm CIA thường trực, chịu trách nhiệm về tình báo và gián điệp truyền thống cũng tồn tại, tách biệt với đơn vị của Lansdale. Giám đốc trạm này, Emmett McCarthy, coi Lansdale là một kẻ nghiệp dư. McCarthy nhất quyết đòi kiểm soát mọi thông tin liên lạc bí mật với Washington, còn Lansdale phải tuân theo vì ông ta không có kênh liên lạc độc lập. Một sự cạnh tranh khốc liệt đã nảy sinh. Cuối cùng, sau khi Lansdale lặng lẽ phàn nàn với Ngoại trưởng Dulles về McCarthy, một trưởng đồn thân thiện hơn là John Anderton đã thay thế McCarthy.

Trong tháng đầu tiên sau khi đến Sài Gòn, nhân viên của SMM chỉ có một mình Đại tá Lansdale. Sau đó, vào ngày 1/7, Thiếu tá Lucien Conein, một đặc vụ mật giàu kinh nghiệm từng làm việc trong OSS và đã nhảy vào Việt Nam để giúp lực lượng du kích chống Nhật trong Thế chiến thứ hai, gia nhập đội của Lansdale.

Nhưng “sếp” phải đối mặt với một số thách thức. Kể từ khi Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Độc lập vào tháng 9 năm 1945, người Việt bài ngoại chỉ có hai lựa chọn: Ủng hộ nước Cộng hòa Việt Minh của Hồ Chí Minh hoặc bọn chủ thuộc địa Pháp. Để giải quyết vấn đề này, người Pháp đã thành lập một chính phủ tự trị một phần, được gọi là “Quốc gia Việt Nam”, đứng đầu là vị Hoàng đế “tay chơi” Bảo Đại. Mặc dù nó có một cơ quan quản lý được gọi là Hạ viện, nhưng không thành viên nào trong đó có cử tri đoàn thực sự. Hầu hết người Việt ghét người Pháp và ít trung thành với Bảo Đại – người đang sống ở Pháp.

Khi các cuộc đàm phán Geneva, được triệu tập vào đầu tháng 5 trùng với thời điểm Điện Biên Phủ thất thủ, đang tiến triển, thì những người theo Pháp và Mỹ trong “Quốc gia Việt Nam” đã ra sức củng cố tính hợp pháp và năng lực của chính phủ này. Ngô Đình Diệm, một người Công giáo theo chủ nghĩa dân tộc chống Cộng nổi tiếng sống ở châu Âu, được Bảo Đại bổ nhiệm – với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ – làm Thủ tướng vào ngày 16/6/1954.

Ấn tượng đầu tiên tốt đẹp với Diệm

Một ngày sau khi Diệm đến Sài Gòn vào ngày 25/6, Lansdale đã đến thăm và trình lên “Thủ tướng” mới một tài liệu “cá nhân” không chính thức, trong đó có những hành động mà ông ta có thể thực hiện để giải quyết tình hình đang thay đổi nhanh chóng ở đất nước mình. Ý tưởng của “sếp” bao gồm những bước đi tức thời để hợp nhất tất cả các lực lượng quân sự và bán quân sự phi Cộng sản vào một quân đội quốc gia, khuyến khích các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc tham gia vào tiến trình chính trị và tiến hành các cải cách kinh tế và nông nghiệp để làm cho Chính phủ phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn. Khi trợ lý dịch bức thư cho Diệm, Lansdale nhớ lại, “Diệm chăm chú lắng nghe, hỏi một số câu hỏi, cảm ơn sự chu đáo của tôi, gấp tờ giấy lại và bỏ vào túi”. Do đó, như đã làm với nhà lãnh đạo Philippines Magsaysay, Lansdale nhanh chóng chiếm được lòng tin của Diệm và trở thành người Mỹ thân tín nhất của ông ta.

Edward Lansdale (trái) và Ngô Đình Diệm. Nguồn: Bộ sưu tập Douglas Pike – Vietnam Center and Archive

Nhưng làm thế nào ông ta có thể hỗ trợ Diệm thành lập một chính phủ dân tộc thống nhất ở miền Nam khi không ai trong số hàng trăm phe phái – với các tổ chức bí mật, các hệ tư tưởng cạnh tranh và các trại vũ trang – quan tâm đến việc ủng hộ một chính phủ mới? Lansdale biết rằng ban đầu Diệm hầu như không kiểm soát được gì và cần nhanh chóng củng cố quyền lực cũng như cải thiện hoạt động của chính phủ của mình. Nhận thấy quân đội là lực lượng mạnh nhất và là nhân tố thống nhất duy nhất đưa một chính phủ dân tộc chủ nghĩa đến Việt Nam, Lansdale bắt tay vào việc, trao đổi với các quan chức của “Quốc gia Việt Nam” như Bộ trưởng Quốc phòng Phan Huy Quát và Tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng tham mưu trưởng Quân đội. Lansdale trở thành cố vấn không chính thức cho Đại úy Phạm Xuân Giai, Trưởng phòng 5 (G-5) – bộ phận chiến tranh tâm lý của Bộ Tổng tham mưu “Quân đội quốc gia Việt Nam”, và ngay lập tức chuẩn bị thành lập một trường huấn luyện quân đội Việt Nam về chiến tranh tâm lý và nâng cao hình ảnh của họ trong lòng người dân Việt Nam.

Lansdale tin rằng Chính phủ Diệm cần phải trực tiếp kêu gọi người dân Việt Nam, và ông ta đã lên kế hoạch sử dụng các chiến thuật chiến tranh tâm lý cổ điển để thúc đẩy những nỗ lực đó. Ông ta viết trong một bản ghi nhớ: “Nếu Việt Minh quảng bá ý tưởng chống Pháp thì người Việt Nam có thể quảng bá ý tưởng chống Trung Quốc và chứng minh rằng Việt Minh bị Trung Quốc kiểm soát”. Lansdale tin rằng Việt Minh đã tiến hành một chiến dịch tâm lý thành công bằng cách truyền miệng, và ông ta quyết tâm chống lại nó bằng cách sử dụng những tin đồn truyền miệng của chính mình, các tờ rơi thông tin giả và các phương pháp chiến tranh tâm lý khác. Đại tá cũng tin rằng ông ta sẽ có thể “cải đạo” được nhiều người Việt đã từng chiến đấu cùng Việt Minh chống Pháp nhưng không nhất thiết muốn trở thành Cộng sản – họ chỉ muốn chấm dứt sự cai trị của Pháp.

Trong khi đó, tại Hội nghị Geneva, người Pháp và những người Cộng sản cuối cùng đã đạt được thỏa thuận vào ngày 21/7/1954. Với ngày ngừng bắn có hiệu lực là ngày 11/8, số lượng quân nhân tối đa của Hoa Kỳ sẽ được giữ nguyên ở con số hiện có. Lansdale đã phải cố gắng chạy theo thời hạn để tăng cường lực lượng SMM của mình. 17 sĩ quan CIA bổ sung đã được tuyển dụng. Nhiều người trong số đó có cấp bậc trong quân đội Hoa Kỳ cũng như CIA và đã có kinh nghiệm trong các hoạt động tình báo bán quân sự và bí mật, nhưng như Lansdale càu nhàu, không ai ngoài ông ta từng phục vụ trong các hoạt động chiến tranh tâm lý.

Lansdale viết trong cuốn tự truyện của mình: “Tôi vẫn chưa có văn phòng, nhưng đã được giao một căn nhà nhỏ trên phố Rue Miche gần trung tâm thành phố vào tuần trước. Tập hợp những người mới đến tại ngôi nhà đó, tôi mô tả tình hình cho họ. Họ sẽ là những người huấn luyện về chiến tranh chống du kích, nhưng người Pháp vẫn chưa cho phép Hoa Kỳ huấn luyện người Việt về những nội dung mà đội đã biết. Họ sẽ phải kiên nhẫn và chờ đợi”.

“Sếp” chia đôi nhân viên của mình và giao Conein phụ trách nhóm SMM được cử ra phía Bắc, này nhóm sẽ tạm thời hoạt động tại Hà Nội với hai mục tiêu: phát triển một tổ chức bán quân sự sẽ hoạt động sau khi Việt Minh tiếp quản; và phá hoại chính quyền Cộng sản. Nhóm miền Nam đóng tại Sài Gòn tập trung vào việc cố gắng giúp Diệm thành lập một chính phủ ổn định.

Ngoài việc ngừng bắn, Hiệp định Geneva còn quy định phải có sự rút quân theo từng giai đoạn của lực lượng Liên hiệp Pháp và Việt Minh, lập vĩ tuyến 17 làm điểm phân chia; Việt Minh sẽ tập kết ở phía Bắc vĩ tuyến 17, và quân Pháp sẽ tập kết ở phía Nam. Khi người Pháp rời đi, “Quốc gia Việt Nam” sẽ trở thành độc lập hoàn toàn. Sau khoảng thời gian hai năm, một cuộc bầu cử thống nhất toàn quốc sẽ được tổ chức vào năm 1956 để xác định quyền cai quản toàn bộ Việt Nam, cả miền Bắc và miền Nam. Hồ Chí Minh tự tin rằng mình có thể giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử như vậy, nhưng người Pháp và người Mỹ tin rằng thời hạn hai năm của Hiệp định Geneva sẽ cho họ thời gian cần thiết để xây dựng một quốc gia vững mạnh ở miền Nam có thể thu hút đủ số người Việt Nam để bầu ra một chính phủ do Diệm lãnh đạo – một chính phủ có thể mở cửa cho ảnh hưởng của Hoa Kỳ.

Nhân dân Thủ đô vui mừng đón đoàn quân Giải phóng ngày 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Điều 8 của Hiệp định Geneva là chìa khóa để đạt được mục tiêu đó. Nó tuyên bố rằng trong thời hạn 300 ngày, mọi người ở Việt Nam có thể tự do quyết định “mình muốn sống ở khu vực nào”. Lansdale coi đây là cơ hội “được Geneva ban tặng” để một số lượng lớn người Việt Nam di chuyển khỏi miền Bắc trước khi Cộng sản tiếp quản. Ông ta hy vọng có thể tác động để 2 triệu người di cư vào miền Nam, giúp Diệm chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử năm 1956.

Tin đồn, Tờ rơi tuyên truyền sai sự thật & Thầy bói

Để thực hiện kế hoạch thuyết phục người miền Bắc di cư về phía Nam, Lansdale cần thuyết phục họ rằng điều kiện sống của họ sẽ sớm xấu đi dưới sự cai trị của Cộng sản. Hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ, nhóm của Lansdale bắt đầu một chiến dịch tung tin giả, trong đó lính G-5 người Việt mặc thường phục được cử về phía Bắc tới các khu chợ địa phương để tung tin đồn rằng Việt Minh đã thỏa thuận cho phép quân đội Trung Quốc tiến vào miền Bắc một lần nữa, và rằng những đội quân đó đang khủng bố người Việt, hãm hiếp phụ nữ và trộm cắp. Để giúp quảng bá ý tưởng này, dân làng đã được nhắc lại về cách binh lính Trung Quốc hành xử sau Thế chiến thứ 2 và họ sợ hãi đến mức nhiều người đã thu dọn đồ đạc và di chuyển về phía Nam. Tin đồn thuyết phục tới mức Lansdale được cho là đã nhận được một câu hỏi từ các quan chức ở Washington, hỏi ông ta liệu có bất kỳ sự tin cậy nào trong báo cáo rằng hai sư đoàn chính quy của Trung Quốc đang ở miền Bắc Việt Nam hay không.

Dựa trên chiến dịch tin đồn thành công, SMM bắt đầu in và bí mật phân phát “tờ rơi đen” giả vờ là của Việt Minh. Những tờ truyền đơn này hướng dẫn người dân cách ứng xử khi Việt Minh tiếp quản Hà Nội vào tháng 10. Bao gồm trong đó là thông tin sai lệch về chương trình “cải cách tiền tệ” của Việt Minh. Tờ rơi đã khơi dậy sự lo lắng và tạo động lực trong dân chúng. Trong vòng hai ngày kể từ khi tờ rơi được phát đi, đồng tiền của Việt Minh được cho là đã giảm xuống một nửa giá trị trước đó. Đồng thời, số người ở miền Bắc Việt Nam đăng ký di cư vào miền Nam tăng gấp ba lần. Ban lãnh đạo Việt Minh nhanh chóng hiểu chuyện gì đang xảy ra nên đã lên sóng phát thanh tố cáo những tờ rơi giả. Tuy nhiên, như một minh chứng cho tính hiệu quả của thủ đoạn này, nhiều người Việt Minh và những người ủng hộ họ lại cho rằng bản thân những lời tố cáo trên đài phát thanh của Cộng sản thực chất là một thủ đoạn chiến tranh tâm lý do người Pháp thực hiện.

Với tờ rơi tin giả này, nhóm của Lansdale đã có thể phá hoại đồng tiền của Việt Minh cũng như các nỗ lực kiểm soát dân số của Việt Minh. Nó cũng đã đẩy hồ sơ của cán bộ Việt Minh vào tình trạng hỗn loạn – chỉ vài tuần trước khi họ nắm quyền kiểm soát Hà Nội.

Một dự án cực kỳ hiệu quả khác của SMM nhằm thuyết phục người miền Bắc di cư thì tận dụng niềm tin phổ biến của người Việt vào chiêm tinh và mê tín, đồng thời sử dụng kiến ​​thức nền tảng của Lansdale về truyền thông và quảng cáo. Nhận thấy sự phổ biến của những người thầy bói trong dân chúng nói chung và chưa có bất kỳ ấn phẩm nào đăng tải những dự đoán của họ, ông ta nảy ra ý tưởng in một cuốn niên lịch về những dự đoán cho năm 1955 từ các nhà chiêm tinh và những thầy bói nổi tiếng. Nhóm của ông đã tìm kiếm và trả tiền cho các nhà chiêm tinh hàng đầu của Việt Nam để đưa ra dự đoán về những thảm họa sắp xảy ra trùng với thời điểm Việt Minh tiếp quản miền Bắc Việt Nam.

Trong khi cuốn niên lịch dự đoán sự thịnh vượng cho người dân ở miền Nam, nó lại báo trước những khó khăn và tai họa ở miền Bắc, bao gồm cả những cuộc trả thù đẫm máu đối với những người dân làng chống lại cải cách kinh tế và nông nghiệp của Việt Minh. Những cuốn niên giám này được tuồn lậu vào sâu trong lãnh thổ Việt Minh, và để nâng cao uy tín, chúng được chào bán thay vì phân phát miễn phí. Đúng như Lansdale dự đoán, sau đó chúng được chuyển đi khắp miền Bắc, và cuốn niên lịch trở thành một mặt hàng đặc biệt bán chạy ở cảng tị nạn chính – Hải Phòng. Quả thực, cuốn niên lịch này đã được người Việt Nam ưa chuộng đến mức nó được in lần thứ hai và mang lại lợi nhuận, số tiền này Lansdale dùng để chi cho các hoạt động khác của mình.

Biết rõ sức mạnh của báo chí, Lansdale đã tìm cách phá hủy các nhà in lớn nhất ở Hà Nội, và vào tháng 9, đội SMM phía Bắc vội vã tìm đến một địa điểm, chỉ để biết rằng Việt Minh đã bố trí nhân viên bảo vệ tại nhà máy.

Trong nỗ lực gây mất ổn định cơ sở hạ tầng phía Bắc, người của Conein ở Hà Nội đã âm mưu phá hoại hệ thống giao thông – làm ô nhiễm nguồn cung cấp xăng dầu của công ty xe buýt thành phố và thực hiện hành động ban đầu nhằm làm suy yếu hệ thống đường sắt phía Bắc. Lansdale cũng muốn phá hoại các nhà máy điện, nước cũng như các bến cảng và cầu cống của miền Bắc, nhưng việc Hoa Kỳ tuân thủ Hiệp định Geneva đã ngăn cản hành động đó. Tuy nhiên, nhóm đã biên soạn các ghi chú chi tiết để sử dụng cho các hoạt động bán quân sự trong tương lai chống lại các mục tiêu tiềm năng đó. Đội của Conein rời Hà Nội cùng với những lính Pháp cuối cùng vào ngày 9/10/1954.

Để ngăn cản sự di cư từ miền Nam lên phía Bắc, SMM đã chế ra một tờ rơi thông tin giả khác, vờ là bắt nguồn từ Ủy ban kháng chiến Việt Minh, được phân phát ở phía Nam các khu vực của Việt Minh bởi các binh sĩ “Quân đội Quốc gia Việt Nam” cải trang thành thường dân. Nó cung cấp thông tin “hữu ích” cho những người đi đến miền Bắc Việt Nam rằng “họ sẽ được giữ an toàn dưới boong tàu khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay và tàu ngầm của đế quốc”. Văn bản này cũng hướng dẫn người tị nạn mang theo quần áo ấm. Việc nhắc đến “quần áo ấm” sau đó được kết hợp cẩn thận với chiến dịch tin đồn truyền miệng rằng người của Việt Minh đang được đưa sang Trung Quốc để làm công nhân đường sắt. Lansdale muốn những người ủng hộ Việt Minh tự nguyện ở lại phía Nam vĩ tuyến 17 để sau này được “cải tạo”. Ông ta cũng hy vọng sẽ ngăn chặn được việc Việt Minh đưa những thanh niên khác ra miền Bắc – bằng cách khiến gia đình họ phản kháng.

Đại đa số người Công giáo Việt Nam sống ở miền Bắc, và nhiều người trong số họ không cần phải thuyết phục nhiều để di chuyển vào miền Nam để bắt đầu một khởi đầu mới dưới thời Diệm Công giáo chống Cộng. Đối với những người còn phân vân, SMM tung tin đồn rằng những người Công giáo sẽ bị bắt và bị hành quyết ở miền bắc, và thậm chí “Đức Mẹ Đồng trinh Maria đã đi về phía Nam”.

Cuối cùng, những nỗ lực của SMM đã góp phần tạo ra một làn sóng lớn người miền Bắc di cư vào miền Nam. Ước tính có khoảng 900.000 người tìm cách di chuyển vào miền Nam, từ đó dẫn đến vấn đề tị nạn rất lớn khi hàng nghìn người đăng ký tràn về cảng Hải Phòng. Tình huống này mang lại cho Lansdale một cơ hội quan trọng khác để được quốc tế biết đến và ủng hộ. Cuối cùng, một số quốc gia đã tình nguyện hỗ trợ và cùng với các tàu của Hạm đội 7 của Hoa Kỳ vận chuyển người tị nạn về phía Nam trong “Chiến dịch Đi tới Tự do”.

Một số hình ảnh về cuộc di cư ồ ạt vào Nam năm 1954, phần lớn là do tác động từ cuộc chiến tranh tâm lý của Mỹ. Ảnh: Ecpad/Iwm

Đổi lại, chỉ có khoảng 90.000 người rời miền Nam ra Bắc. Mặc dù vậy, SMM đã lợi dụng dòng người tị nạn đi về phía Bắc để tạo điều kiện xâm nhập cho các đặc vụ người Việt đã được huấn luyện cho các hoạt động chống lại chính quyền Hà Nội trong tương lai. Việc di chuyển các đội bán quân sự cùng nguồn cung cấp của họ được thực hiện với cái cớ “làm việc với những người tị nạn”. Nhưng dù SMM của Lansdale thành công trong việc đưa lậu người và hàng hóa từ Sài Gòn đến các địa điểm ở phía bắc, các nhóm bán quân sự Việt Nam này thực sự đạt được rất ít thành tựu.

Làn sóng di cư ồ ạt vào miền Nam này sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến cuộc trưng cầu dân ý trên toàn Việt Nam do Hiệp định Geneva quy định bắt buộc diễn ra vào mùa hè năm 1956. Cuối cùng, dù Lansdale không đạt được con số 2 triệu mà ông ta mong đợi, cuộc di dân đã làm cho dân số miền Bắc và miền Nam Việt Nam trở nên cân bằng hơn, khoảng 12 triệu người mỗi bên.

Diệm củng cố quyền kiểm soát

Biết rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của mình là củng cố quyền lực của Diệm và cải thiện hoạt động của chính phủ “Quốc gia Việt Nam”, Lansdale đã ra sức ép buộc và mua chuộc nhiều đối thủ miền Nam của Diệm để ít nhất là ngầm ủng hộ nhà lãnh đạo mới của miền Nam Việt Nam. Ông ta đã ngăn cản kế hoạch của Tổng tham mưu “Quân đội Quốc gia Việt Nam” nhằm tiến hành một cuộc đảo chính chống lại Diệm, và đã trả những khoản tiền mặt đáng kể cho một số lãnh đạo của các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo để mua chuộc sự ủng hộ của họ. Tổ chức tội phạm Bình Xuyên hùng mạnh, với sự đồng ý của Bảo Đại, kiểm soát phần lớn Sài Gòn, tỏ ra khó đối phó nhất. Lansdale đóng vai trò chủ chốt trong việc tác động để tướng chủ chốt của Cao Đài là Trình Minh Thế liên kết với Diệm sau khi Thế tạm thời đứng sau Bình Xuyên vào tháng 3/1955. Với sự hỗ trợ của Thế, Diệm đã đưa quân vào khu vực Chợ Lớn của Sài Gòn vào tháng 4 để đàn áp phe phái này một cách tàn bạo.

Khi sự ủng hộ và quyền lực của Diệm ở miền Nam ngày càng tăng và được củng cố, ông ta đã bạo dạn làm suy yếu và làm xói mòn vị thế chính trị của Bảo Đại, đồng thời tỏ ý rằng ông ta từ chối ủng hộ cuộc bầu cử toàn Việt Nam do Hiệp định Geneva quy định vào năm 1956, cuộc bầu cử đó có thể sẽ khiến ông ta phải cạnh tranh với Hồ Chí Minh. Lansdale khuyến khích Diệm rằng triển vọng của ông ta trong cuộc bầu cử đó sẽ tốt, và các đồng minh phương Tây hy vọng rằng Việt Minh sẽ rút khỏi Hiệp định.

Nhân dịp kỉ niệm ngày lên làm “Thủ tướng” vào tháng 7, Diệm đã công bố ý định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 10 để xác định tương lai của đất nước ở miền Nam. Một tuần sau, tuyên bố không thể có một cuộc bầu cử tự do và công bằng với sự tham gia của Cộng sản, Diệm nói “Chúng ta sẽ không bị ràng buộc bởi hiệp định [Geneva] được ký kết trái với mong muốn của người dân Việt Nam”. Bảo Đại ở Pháp phản đối và cuối cùng loại bỏ Diệm khỏi chính phủ của ông ta, nhưng lại bất lực trong chiến dịch chống ông ta của Diệm. Đầu tháng 10, Diệm tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý, chọn giữa ông ta và Bảo Đại, sẽ diễn ra vào ngày 23/10.

Hy vọng về một kết quả tương tự như kết quả của Magsaysay ở Philippines – một cuộc bầu cử công bằng được công nhận rộng rãi – Lansdale nói với Diệm rằng có lẽ ông ta sẽ giành chiến thắng áp đảo và nên tránh gian lận phiếu bầu. Nhưng điều đó đã không xảy ra, và trong một cuộc bầu cử đầy đe dọa và gian lận phiếu bầu, Diệm đã giành chiến thắng với hơn 98% phiếu bầu. Tuy nhiên, sau đó ông ta bị nhiều người coi là sai trái về mặt đạo đức và tham nhũng.

Dù Hoa Kỳ có rất ít lựa chọn ngoài việc chấp nhận và ủng hộ Diệm, thì ngay cả những nỗ lực to lớn của Lansdale về lâu dài cũng không thể duy trì sự ủng hộ của Mỹ đối với nhà lãnh đạo mà họ đã đầu tư rất nhiều vào đó. Diệm sẽ là trụ cột chống Cộng không hoàn hảo của Mỹ ở Sài Gòn cho đến khi ông ta bị lật đổ và ám sát vào tháng 11/1963 – được chính quyền Kennedy bật đèn xanh.

Nếu không có sự hỗ trợ của Lansdale và các hoạt động đen tối của nhóm CIA của ông ta, Diệm đã khó có thể giành được quyền lực và lập ra nhà nước Việt Nam Cộng hòa.

Lansdale ở lại Việt Nam cho đến cuối năm 1956, nhưng trở lại vào thập niên 1960 với tư cách Thiếu tướng. Ông ta là một trong những người Mỹ đầu tiên nhận ra bản chất thực sự khác thường của cuộc chiến ở Việt Nam, và chuyên môn của ông ta về chiến tranh tâm lý ứng dụng sẽ khó có sĩ quan Mỹ nào khác sánh bằng. Hoạt động của nhóm SMM của Edward Lansdale ở Việt Nam chỉ được công chúng biết đến sau khi Hồ sơ Lầu Năm Góc được công bố và các tài liệu mật khác của Lầu Năm Góc được giải mật vào năm 1971.■

MARC D. BERNSTEIN

MINH THƯ (dịch)

(theo Historynet.com)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN