“Câu chuyện Việt Nam” của các nữ phóng viên chiến trường Mỹ

Trong cuốn sách “Tàn phá bởi chiến tranh” (War torn) xuất bản tại Mỹ năm 2002, 9 nữ phóng viên của các hãng tin Mỹ từng đến Việt Nam đưa tin về chiến tranh đã kể lại một cách thẳng thắn những trải nghiệm của họ khi còn là những phóng viên hiện trường trẻ tuổi sống và làm việc tại miền Nam Việt Nam thời chiến. Câu chuyện của họ trải dài từ năm 1966 cho tới khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng năm 1975. Tạp chí Phương Đông trích dịch giới thiệu tới độc giả một số đoạn trong cuốn sách để thấy được những thay đổi trong suy nghĩ của các nhà báo này trước, trong và sau khi họ tận mắt chứng kiến cuộc chiến, thấy được sự tàn bạo của chiến tranh cũng như sự can thiệp vô nghĩa của nước Mỹ vào Việt Nam khi đó. Nội dung các bài viết thể hiện quan điểm và hiểu biết riêng của các tác giả, chúng tôi dịch nguyên văn để đảm bảo tính khách quan và để bạn đọc dễ dàng nghiên cứu, tham khảo.

Denby Fawcett – phóng viên báo “The Honolulu Advertiser”, đến Việt Nam năm 1966

… Đến Việt Nam để đưa tin về cuộc chiến tranh ở đó là một sự kiện then chốt trong cuộc đời tôi. Nhưng trong những năm sau đó, tôi không bao giờ nhắc tới những lần mình tham gia các cuộc tấn công từ máy bay trực thăng, tới nỗi sợ bị bắn thẳng vào mặt, hay về đời sống xã hội hăng say ở Sài Gòn – với cùng lý do khiến hầu hết những người lính đều giữ yên lặng. Đó là một “cuộc chiến tranh tồi tệ”. Không ai muốn nghe về nó, và thậm chí nếu có nghe, thì họ cũng không hiểu được.

[…]

Càng ở lâu tại Việt Nam, tôi càng trở nên hoài nghi. Khi tôi đến đất nước này vào năm 1966 – giai đoạn lính Mỹ bắt đầu được đưa sang Việt Nam ào ạt – mọi thứ dường như còn khả khi. Nhiệt huyết về ý tưởng bảo vệ miền Nam Việt Nam khỏi miền Bắc Cộng sản vẫn còn rất cao. Nhưng càng nhìn thấy nhiều điều ở Việt Nam, tôi càng thấy buồn, và cuối cùng đi đến kết luận rằng chúng ta không có việc gì ở đó cả – rằng mỗi cái chết, dù của người Mỹ hay người Việt Nam, đều là vô nghĩa và rằng chúng ta đang gây tổn thương cho người Việt Nam hơn là đang giúp đỡ họ.

Những sự tàn bạo nhỏ nhặt khiến tôi căm ghét cuộc chiến này, chẳng hạn như cái ngày tôi nhìn thấy một lính Mỹ đe dọa một người phụ nữ nông dân Việt Nam đang cầu xin được ở cạnh chồng mình khi chồng bà đang bị lính Mỹ bắt đi khỏi làng vì nghi ngờ là Việt Cộng. Bà hoàn toàn đúng khi lo sợ rằng sẽ không bao giờ được gặp lại chồng nữa. Một người lính liên tục đẩy bà lại khi bà van xin; bà ta khóc lóc, rồi cuối cùng hét lên. Người lính Mỹ hét vào bà: “Im ngay, bà. Câm miệng lại”. Sau đó anh ta kéo mạnh bà ta về phía mình rồi dí khẩu súng lục vào trán bà và nói “Câm miệng lại, nếu không tôi sẽ cắt-cái-đầu bà”. Người phụ nữ vẫn không nao núng, nhìn chằm chằm vào người lính Mỹ. Sau đó chồng bà ta bị đưa đi, hai vợ chồng gọi nhau cho đến khi ông ấy biến mất sau một bụi tre rậm rạp và không còn nghe thấy tiếng ông nữa.

Phóng viên Denby Fawcett tại Việt Nam. Ảnh: Honolulu Advertiser

Trong một lần tuần tra khác, chúng tôi đến một ngôi làng vừa bị trực thăng Mỹ oanh tạc. Không còn ai ở đó. Tôi nhìn vào khoảng tối trong một túp lều và thấy một phụ nữ đã chết đang nằm cuộn tròn trong góc lều, chiếc áo trắng của bà tung tóe máu. Bên ngoài, dưới ánh nắng, lũ lợn của bà đang kêu trong chuồng. Khi những người lính đang không để ý, tôi đã lặng lẽ mở cửa chuồng để thả lũ lợn ra. Bởi người phụ nữ không thể cho chúng ăn được nữa, tôi nghĩ ít nhất chúng cũng có thể sống sót bằng cách tự đi kiếm ăn. Bạn chỉ có thể giúp đỡ được chừng đó.

Phần lớn sự tàn bạo của cuộc chiến này là vô nghĩa. Sự tàn bạo đầy tinh tế của sự nhàm chán. Kết quả từ việc những người lính bộ binh dành nhiều ngày nóng nôi mệt mỏi cùng cả trung đội đi tuần tra lùng sục kẻ thù trong các ngôi làng. Việt Cộng… như những bóng ma… bất ngờ xuất hiện không biết từ đâu như những người bắn tỉa cực nguy hiểm, nhưng thường xuyên “tàng hình”, hòa trộn lẫn trong dân làng. Có những ngày không có chuyện gì xảy ra, nhưng bạn không bao giờ có thể thư giãn vì luôn có khả năng bị bắn chết hoặc giẫm phải mìn. Có những ngày nóng nôi khi những người lính vừa thấy chán nhưng cũng thở phào khi không tìm thấy một “tên Charlie”[1] thoắt ẩn thoắt hiện nào…

Kate Webb – phóng viên hãng thông tấn UPI, đến Sài Gòn tháng 3/1967, bị bộ đội Bắc Việt bắt giữ cùng 5 người khác vào tháng 4/1971 gần Quốc lộ 4 của Campuchia và được thả vài tuần sau đó

… Nhưng những vấn đề lớn nhất của các nữ nhà báo chiến trường như chúng tôi cũng không khác gì của các nhà báo nam.

Có một cuộc chiến đấu khác luôn diễn ra không ngừng trong suốt cuộc chiến tranh – đó là cuộc chiến trong lương tâm chúng tôi và trong các biên tập viên của chúng tôi – là liệu có nên chọn quan điểm diều hâu hay bồ câu không, hay không chọn gì cả.

Tôi chắc chắn đứng về phía không chọn gì cả.

Một trong những khoảnh khắc khó khăn nhất đối với tôi là khi phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Washington. Mặc dù tự hào được phát biểu tại đó, nhưng tôi đã làm không hề tốt – quá hồi hộp. Và tôi sợ hãi khi phát hiện ra rằng tất cả mọi người ở đó dường như đều cảm thấy rằng về mặt đạo đức, một phóng viên hiện trường cần phải chọn quan điểm nào đó – diều hâu hoặc bồ câu.

Tôi đã tranh luận một cách vô ích rằng đó là công việc của họ – chứ không phải của các phóng viên hiện trường, và rằng điều mà các báo muốn có từ tôi và các đồng nghiệp là những gì đang diễn ra và người ta đang nói gì, cảm thấy như thế nào, và làm gì tại hiện trường, và ngoài những dữ liệu đầu vào đầy khó khăn và không thiên lệch đó, họ không có gì để thể hiện ý kiến hay quan điểm.

Tôi cảm thấy muốn văng tục – nhưng đã không làm thế; bạn không làm thế ở Washington. Tất cả những người con của chúng ta đã nằm xuống vì điều gì? Rõ ràng là tôi vẫn rất dễ “nổi đóa” về điều đó.

Kate Webb, phóng viên hãng tin UPI, trò chuyện với lính Mỹ tại chiến trường miền Nam Việt Nam năm 1968. Ảnh: Corbis

Rồi thì bạn sẽ làm gì với các thông tin mật mà bạn tình cờ có được? Trong một lần đi với binh lính Việt Nam trong Quân đoàn I VNCH đi kiểm tra các xác chết sau một cuộc đọ súng, tôi đã nhìn thấy rất nhiều giấy tờ bằng tiếng Trung Quốc – vé tàu hỏa, thẻ căn cước. Ý tôi là rất nhiều, chứ không phải một vài cái. Khi viên sĩ quan tình báo người Việt Nam giao nộp lại các giấy tờ đó sau khi chúng tôi quay về Quảng Trị, các nhân viên tình báo Mỹ mặc thường phục đã tới tìm tôi và tranh luận với tôi rất lâu và rất kiên quyết rằng nếu hãng tin UPI đăng tải câu chuyện này thì sẽ khiến chiến tranh lan rộng.

Tôi lập luận rằng điều này cho thấy cuộc chiến tranh thực tế đã mở rộng rồi, nhưng cuối cùng tôi đã nhượng bộ. Đến giờ tôi vẫn còn băn khoăn về quyết định đó.

[…]

Giờ đây, sau rất nhiều năm, đối với tôi, cuộc chiến tranh Việt Nam đã bị phủ bóng bởi cuộc chiến ở Afghanistan, và tôi coi nó – cũng giống như những cuộc chiến tranh ở Afghanistan, bán đảo Triều Tiên, Nam Á, và quần đảo Indonesia – bị giằng xé và đánh đập trong những làn sóng biến động do sự kết thúc của chủ nghĩa thực dân, do việc chia đôi đầy điên rồ các quốc gia và dân tộc sau Thế chiến II, và cuộc Chiến tranh lạnh.

Nhạc sĩ Việt Nam Trịnh Công Sơn từng nói rằng Việt Nam là một sân bóng cho các thế lực nước ngoài, và tôi đoán rằng các quốc gia “bị kẹp giữa” như Afghanistan hay Campuchia sẽ luôn tiếp tục cuốn hút tôi.

Kate Webb, phóng viên hãng tin UPI, tại Campuchia tháng 5/1971, ngay sau khi cô được bộ đội Bắc Việt thả. Ảnh: AP

Trịnh Công Sơn vẫn ở Sài Gòn khi tôi bắt đầu viết bài này, một người đàn ông gầy gò lúc nào cũng đầy hoài nghi nhưng lại nhẹ nhàng một cách kỳ lạ, lạnh lùng đứng giữa hai phía – cả hai bên trong cuộc chiến tranh đều buộc tội ông “đứng về phía bên kia”.

Lần đầu tôi gặp ông là ở Huế, một trong những thành phố đẹp nhất của Việt Nam, vào năm 1972. Vài người chúng tôi cùng ngồi trên sàn nhà một căn hộ trống trải, ngắm nhìn những ánh sao chậm rãi rơi xuống thắp sáng bầu trời đêm trên Sông Hương, và lắng nghe tiếng bom cùng nhạc Bee Gees.

Tất cả chúng tôi đều biết rằng vấn đề chỉ còn là thời gian. Tôi hỏi Công Sơn – người có những bài hát đầy ám ảnh khiến ông được mệnh danh là Bob Dylan của Việt Nam, và từng vài lần bị bắt giam dưới chế độ Thiệu – rằng ông sẽ ở lại hay ra đi.

Ông nói ông sẽ ở lại. Đây là đất nước ông.

Năm 1975, khi những chiếc tàu chở người tị nạn bắt đầu đến Guam (tôi đang ở đó sau khi đưa tin cho UPI về vụ di tản), tôi đã tìm kiếm khắp nơi, nhưng ông không hề có mặt trên con tàu nào trong số đó. Nhìn thấy tôi vội vã lao tới từng hành khách trên cầu tàu khi con tàu cuối cùng cập bến, một lính thủy Mỹ đã nói với tôi rằng anh ta đã theo dõi tôi trong vài ngày qua.

Anh ta nói, “Cho dù bạn trai của cô là ai, thưa cô, tôi cũng rất lấy làm tiếc”. Và anh ta đưa tôi một chiếc cốc xốp đựng nước ngọt Kool-Aid màu tím.

Cho tới tận ngày nay, nước Kool-Aid màu tím, hay bất kỳ thứ đồ uống màu tím nào, đều khiến tôi nhớ lại mùi hôi của những con tàu chở người tị nạn, sức nóng chói mắt ở những cầu tàu, và vô số những mẩu giấy bay trong gió, ghi tên tuổi của những người thân bị thất lạc, mà người ta làm rách khi giằng giật nhau.

Tôi ghét nước Kool-Aid.

Tháng 3/2000, tại Sài Gòn. Tôi đã tìm lại được Trịnh Công Sơn. Chính quyền ở Hà Nội cũng không thích gì ông hơn so với chế độ Thiệu.

Ông nói mình từng phải làm “máy dò mìn” trong 4 năm, và đã sống sót. Nhiều người khác cùng đi dò, gỡ bom mìn với ông đã không qua được. Chúng tôi ngồi trong studio của ông trên tầng một căn villa nằm ở cuối một con ngõ và im lặng uống với nhau khi mặt trời lặn – như thường lệ ông uống Scotch còn tôi uống bia.

Xung quanh ông là những chiếc đàn guitar và những bức tranh. Đã được khoan hồng, ông nói. Một nhà phê bình người Việt Nam đã nói rằng các bài hát sau chiến tranh của ông “tạo cảm giác về điều gì đó không nói ra”.

Ông có một người em gái sống ở Mỹ mà ông không thể sang thăm được, vì hàng xóm người Việt của bà gọi ông là một người Cộng sản vì đã ở lại Việt Nam.

Tháng 4/2001, Trịnh Công Sơn qua đời. Ban đầu báo chí chính thống bỏ qua ông. Theo những thông tin tôi thu thập được thì chỉ có một người bạn là Bửu Ý dám viết về ông và những điều ông tranh đấu – qua một bài viết với tựa đề “Khóc Trịnh Công Sơn”.

Ở Jakarta, một đồng nghiệp trẻ nhìn thấy tin này từ văn phòng hãng tin AFP tại Hà Nội và nói với tôi, “Này, đây chẳng phải là bạn chị sao?”

Hai ngày sau đó, chính quyền ở Hà Nội mới chính thức đưa tin về ông, và hàng nghìn người đã tới dự lễ tang ông. Không ai dám đánh giá về ông khi ông còn sống…

Jurate Kazickas – phóng viên tự do, đến Việt Nam năm 1967

… Một lần tôi hỏi Cha Ray Stubbe, giáo sĩ của Giáo hội Luther tại Khe Sanh và cũng là một sử gia quân sự, rằng phải chăng những người lính Mỹ đã bỏ mạng ở Việt Nam đã chết một cách vô ích.

Phóng viên tự do Jurate Kazickas tại Cồn Tiên, tháng 7/1967. Ảnh: AP

Cha Stubbe trả lời: “Ta không cho rằng chúng ta nên chiến đấu vì Việt Nam, nhưng ta cũng không thể nói rằng cái chết của họ là vô nghĩa. Chiến tranh không phải là những sư đoàn hay tiểu đoàn. Nó gồm những đội biệt kích, đội trinh sát và những người đồng đội trong bunker. Những người lính đó không chết vì Việt Nam hay vì Washington. Họ chết vì bạn bè mình – cố gắng cứu nhau hoặc hy sinh bản thân để cứu người khác khỏi cái chết. Những cái chết ấy không vô nghĩa bởi họ chết vì nhau”.

Những hoài nghi của chính tôi về cuộc chiến tranh bắt đầu xuất hiện vào mùa hè đó. Vài tuần trôi qua và tôi ở ngoài chiến trường nhiều hơn, được chứng  kiến nhiều hơn những thương vong, thì việc theo đuổi cuộc chiến này ngày càng trở nên chán nản. Tôi bắt đầu nhận ra sự vô ích của việc tiến hành một cuộc chiến tranh du kích với hỏa lực khổng lồ để cố gắng tiêu diệt các tiểu đoàn quân đội Bắc Việt được bổ sung người liên tục từ một nguồn cung cấp nhân lực dường như vô tận. Lính Mỹ phải chiến đấu để giành quyền kiểm soát cùng một ngọn đồi hết lần này đến lần khác, từ ngọn đồi này sang ngọn đồi khác, hy sinh rất nhiều sinh mạng vì những vị trí vô giá trị. Mặc dù tôi không thích chủ nghĩa Cộng sản và tin rằng chúng ta không thể bỏ mặc những người miền Nam Việt Nam đã nhờ cậy chúng ta giúp đỡ, nhưng tôi cũng bắt đầu cảm thấy cuộc chiến tranh này là một sai lầm khủng khiếp, một sự hy sinh quá lớn mà bất kỳ đất nước nào cũng không thể chịu đựng được, kể cả đất nước tôi.

Sự đau khổ của người dân Việt Nam ở cả hai phía trong cuộc xung đột là điều không thể tránh khỏi, thậm chí ở cả những ngóc ngách xa xôi nhất trong rừng rậm. Một lần, khi đang đi qua một khu vực gần biên giới Lào vừa bị máy bay oanh tạc vào sáng sớm, chúng tôi nhìn thấy xác của hai người lính Bắc Việt đang cuộn tròn ở đoạn gấp của một khúc cây đổ. Trông họ hệt như đang nằm ngủ. Nhìn họ giống như những đứa trẻ – chỉ khoảng 13, 14 tuổi – mặc quần soóc kaki và áo len xanh thẫm mỏng, đôi bàn tay nhỏ nhắn của họ xếp dưới cằm, tay chân họ quá gầy, có lẽ đã bị gãy như những cành cây. Tôi không nhìn thấy vết bầm nào trên người họ. Trong túi họ, người Mỹ tìm thấy những cuốn vở ô li trông như nhật ký và vài bức ảnh chụp những phụ nữ trẻ đẹp đang cười e lệ. Tôi nghĩ đó là bạn gái của họ, hoặc cũng có thể là mẹ của những người lính trẻ này. Người Mỹ để lại giấy tờ và ảnh bên cạnh những cái xác. Tôi cảm thấy biết ơn vì điều đó…

Laura Palmer – phóng viên các hãng tin ABC News, NBC, Rolling Stone, Time… đến Việt Nam năm 1972

… Sáng sớm ngày 29/4/1975, ai đó gõ cửa phòng 20 Khách sạn Continental (Sài Gòn) và nói, “Đi nào, tất cả chúng ta rời khỏi đây”.

Tôi không ngờ chúng ta lại có thể chẳng suy nghĩ gì nhiều vào những thời điểm trọng đại như thế. Vẫn là một ngày bình thường làm sao, ngay cả khi đó là ngày bạn có thể dễ dàng bỏ mạng. Một chiếc áo sơ mi kiểu Pháp dường như đột nhiên trở nên thật ngớ ngẩn. Cảm giác bình tĩnh của tôi thật kỳ lạ làm sao.

Người Mỹ đang rời khỏi Việt Nam, lần này là mãi mãi. Sau 150 tỉ USD và 8 triệu tấn bom, khoảnh khắc cao trao cuối cùng cho một thập kỉ can dự của Mỹ sẽ bắt đầu bằng một thông báo của Đài Phát thanh Quân đội Mỹ: “Nhiệt độ là 46 độ C và đang tiếp tục tăng”, tiếp đó là 8 ô nhịp đầu tiên của ca khúc “I’m dreaming of a White Christmas” (Tôi đang mơ về một Giáng sinh trắng).

Khi tôi đi bộ qua quảng trường tới Khách sạn Caravelle mới là 6 giờ sáng. Bình minh là thời điểm tôi thích nhất ở Sài Gòn, và hôm nay vẫn vậy. Đường phố im ắng nhưng không trống trải, bất chấp lệnh giới nghiêm 24/24. Như những sinh vật thừa thãi mệt mỏi trong những bộ trang phục ngốt ngát, các viên cảnh sát ngái ngủ ngồi uể oải trên những chiếc ghế gấp bên ngoài tòa nhà Quốc hội (VNCH), bên hông đeo súng trường. Hầu hết đều không hề biết rằng đây sẽ là một trong những ngày kịch tính nhất trong cuộc chiến.

Phóng viên Mỹ Laura Palmer đứng cạnh hai nữ chiến sĩ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Sài Gòn, sau khi Hiệp định Paris được ký tắt ngày 23/1/1973. Ảnh trong sách “War torn”.

Vài giờ sau đó, đã đến lúc nói lời tạm biệt.

Tạm biệt bằng lời nói cũng không dễ dàng hơn không phải nói lời tạm biệt. Phạm Xuân Ẩn là một phóng viên người Việt tại Time, và chúng tôi đã trở thành bạn tốt trong thời gian tôi làm phóng viên tự do cho tờ tạp chí này. Ông ấy là một trong những nguồn tin có nhiều thông tin nhất ở Sài Gòn, và nhiều phóng viên đã nhờ cậy vào sự khôn ngoan của ông.

Nhưng Ẩn cũng là một người vô cùng lãng mạn, một người theo Nho giáo từ trong tâm, người vẫn mơ về khoảnh khắc được đi dạo bộ trên đường Tự Do trong bộ vest trắng, tay dắt theo dây buộc một chú hổ con. Tôi hầu như không nói được gì khi phải tạm biệt ông trên bậc thềm Khách sạn Continental. Tôi quay mặt bước đi cùng một nhóm nhà báo, hướng về phía điểm đón tập trung để di tản. Tôi không thể quay nhìn lại.

[…]

Năm 1989, tôi quay trở lại Việt Nam trong vòng ba tuần. Hà Nội thật mê hoặc, nhưng Sài Gòn lại quan trọng. Tôi đã gửi lời nhắn tới Phạm Xuân Ẩn, cựu phóng viên người Việt của Tạp chí Time, rằng tôi đang ở tại Khách sạn Majestic. Tôi háo hức muốn gặp lại người bạn cũ mà sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ đã tiết lộ mình là một Đại tá của phe Việt Cộng.

Không ai quen biết Ẩn cảm thấy bị phản bội. Ông ấy quá lãng mạn để làm một người Cộng sản thành công và đã bị đưa đi trại cải tạo sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Ông là một người theo chủ nghĩa dân tộc, phản đối mọi sự can thiệp của nước ngoài vào Việt Nam. Nhưng bạn bè là điều ông vô cùng trân quý; vào tháng 4/1970, Khmer Đỏ đã bắt giữ Robert Sam Anson, một phóng viên của Tạp chí Time tại Campuchia. Anson bị giam trong 12 ngày và có thể đã bị xử tử nếu Ẩn không can thiệp, liên hệ qua lại các nơi để giúp bạn được thả ra. Sau khi cuộc đời hoạt động hai mang của Ẩn được tiết lộ, Anson đã hỏi Ẩn tại sao ông lại cứu mình.

“Chúng ta ở phe khác nhau, anh và tôi”, Anson nói.

“Không, chúng ta là bạn bè”, Ẩn trả lời.

Tôi trở lại Khách sạn Majestic vào buổi chiều muộn, sau một ngày kinh khủng tại địa đạo Củ Chi. Trong sự sững sợ toát mồ hôi và tâm trạng chua chát, tôi gần như vấp ngã khi đi vào sảnh khách sạn. Ẩn đã ở đó, đang chờ tôi. Đã hơn một thập kỉ trôi qua kể từ khi tôi gặp ông lần cuối vào ngày 29/4/1975, trên bậc thềm Khách sạn Continental.

Ông mỉm cười và bước về phía tôi, tay cầm một bó hoa hồng nhỏ màu đỏ. Một bó hoa vô cùng ý nghĩa với tôi. “Vào ngày cô rời đi, tôi đã muốn nói với cô rằng cô có thể ở lại. Tôi có thể đảm bảo an toàn cho cô. Nhưng chẳng may một quả rocket bắn trúng hay có điều gì đó không lường trước được xảy ra thì sao? Khi đó cô vẫn còn là một cô gái trẻ. Tôi muốn cô sống tiếp và có gia đình riêng”.

Và tôi đã sống tiếp và lập gia đình. Một tuần sau, tôi đi bộ quay trở lại căn hộ cũ ở số 6 phố Thi Sách, nơi cuối cùng tôi cũng cảm thấy như ngôi nhà của mình ở Việt Nam. Nhưng tôi biết mình không thuộc về nơi này nữa. Tôi muốn quay về New York. Đột nhiên tôi rất nhớ Sabrina, cô con gái 8 tuổi của mình, với một tình yêu mãnh liệt đến mức khiến mọi điều khác trong cuộc đời tôi dường như chỉ còn là ngẫu nhiên. Tôi cảm thấy ngập tràn sự biết ơn.

30 năm trước, tôi đến Việt Nam với tất cả các câu trả lời và rời đi chỉ với toàn những câu hỏi. Giờ đây tôi không còn tìm kiếm sự lý giải nữa. Bí ẩn chính là ranh giới nơi tôi tìm thấy sự bình yên.

Khi viết những dòng này, trên bàn tôi vẫn luôn có một chiếc máy bay trực thăng nhỏ như thường lệ. Nó được làm từ rác thải y tế: ống truyền, ống tiêm, kim tiêm và những dải nhôm mỏng. Một cậu bé người Việt bị liệt đã làm chiếc máy bay này. Cậu bị bắn vào cột sống từ một chiếc trực thăng Mỹ khi đang dắt trâu đi trên ruộng. Ai có thể nhắm bắn vào một đứa trẻ? Khi tôi hiểu được chiếc trực thăng, tôi sẽ hiểu Việt Nam. Nhưng tôi không hy vọng điều đó sẽ đến sớm.■

Minh Thư (dịch)

Chú thích:

[1] Lính Mỹ gọi những người lính của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là Việt Cộng, biệt danh là “Charlie” (Victor Charlie – VC)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN