Lựa chọn của Mỹ sau năm 1945: Ủng hộ hay không ủng hộ một Việt Nam độc lập?

         Trong suốt thời kỳ cai trị thực dân ở Việt Nam, Pháp đã phải đối phó với những cuộc kháng chiến đòi độc lập nổ ra lẻ tẻ. Pháp đã dập tắt được những phong trào cách mạng này và duy trì sự kiểm soát Việt Nam cho đến Chiến tranh Thế giới II, khi chính bản thân nước Pháp bị Đức chiếm đóng và các thuộc địa của nó ở Đông Dương bị Nhật chiếm đóng. Sự can thiệp quân sự của Mỹ ở Việt Nam bắt đầu vào thời gian này, khi những sĩ quan tình báo Mỹ giúp lực lượng Việt Minh chiến đấu chống Nhật. Những hoạt động ở Đông Dương là một phần không mấy quan trọng trong những nỗ lực của Mỹ trên toàn thế giới trong Thế chiến. Tuy nhiên, đối với người Việt, Chiến tranh Thế giới II lại là cơ hội để giành độc lập khỏi sự cai trị của thực dân Pháp. Khi chiến tranh kết thúc, Mỹ đứng trước quyết định là liệu có nên hỗ trợ Pháp giành lại các thuộc địa của nó ở Đông Dương hay không.

         Chương I cuốn sách The Vietnam War: Opposing Viewpoints (Chiến tranh Việt Nam: Những quan điểm đối lập nhau) do William Dudley chủ biên, Greenhaven Press xuất bản năm 1998, đã trình bày hai lựa chọn đối lập mà Mỹ phải quyết định vào thời điểm năm 1945: “Mỹ nên ủng hộ một Việt Nam độc lập” hay “Mỹ không thể ủng hộ một Việt Nam độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”. Cuối cùng, Mỹ đã theo phương án thứ hai, chọn “giải pháp Bảo Đại” như là một cách để giúp đỡ Pháp mà không cần phải ủng hộ chủ nghĩa thực dân. Tháng 2/1950, Mỹ chính thức công nhận Quốc gia Việt Nam (Chính phủ Bảo Đại) và ngay sau đó bắt đầu viện trợ quân sự và kinh tế cho Pháp để tiến hành chiến tranh ở Đông Dương. Tính đến năm 1954, Mỹ đã tài trợ 78% cho nỗ lực chiến tranh của Pháp và đã phái các cố vấn quân sự đến Việt Nam. Cam kết đó của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh. Chủ trương ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu, châu Á và những nơi khác trên thế giới đã trở thành tâm điểm chính sách đối ngoại của Mỹ vào những năm sau Chiến tranh Thế giới II.      

         Nhân ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám 1945 và Quốc khánh 2/9, Tạp chí Phương Đông trích đăng chương sách này để cung cấp tư liệu cho bạn đọc về tính toán của Mỹ đối với cách mạng nước ta thời kỳ lập nước. Một số từ ngữ trong bài thể hiện quan điểm của Mỹ thời kỳ đó. Chúng tôi giữ nguyên để đảm bảo tính khách quan và để bạn đọc dễ dàng tra cứu, tham khảo.

 

QUAN ĐIỂM 1: HOA KỲ NÊN ỦNG HỘ MỘT NƯỚC VIỆT NAM ĐỘC LẬP

“Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ” Hồ Chí Minh (1890-1969)

Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành độc lập khỏi ách cai trị của thực dân Pháp. Một câu hỏi được đặt ra trong hầu hết các cuộc tranh luận về sự dính líu của Mỹ vào cuộc Chiến tranh Việt Nam là: Hồ Chí Minh trên hết là một người Cộng sản hay là một người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc?

Sinh năm 1890, Hồ Chí Minh rời Việt Nam vào năm 1911 và sau 30 năm mới trở về. Trong thời kỳ này, ông sống ở Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc, mang nhiều bí danh khác nhau. Năm 1930, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, ông chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chiến tranh Thế giới II đem đến một hy vọng mới cho Hồ Chí Minh và những nhà cách mạng Việt Nam khác. Tháng 6/1940, Pháp đầu hàng Đức. Tháng 9/1940, Pháp chấp nhận để Nhật kiểm soát hoàn toàn các thuộc địa ở Đông Dương (chế độ thực dân Pháp vẫn ở nguyên tại chỗ cho đến tháng 3 năm 1945, khi Nhật thành lập chế độ bù nhìn đứng đầu là Hoàng đế Bảo Đại của Việt Nam, người trước đó đã trị vì dưới sự bảo hộ của Pháp). Ngày 28/1/1941, Hồ Chí Minh trở về Việt Nam. Tháng 5/1941, ông sáng lập Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội hay còn gọi là Việt Minh và ông là người lãnh đạo tổ chức này. Nhà sử học George Moss viết trong cuốn Vietnam: An American Ordeal (Việt Nam: Một thử thách của Mỹ) rằng “Hồ Chí Minh và những cộng sự của ông đã lập ra Việt Minh như một mặt trận dân tộc do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo nhằm thu hút những người yêu nước Việt Nam thuộc nhiều tư tưởng chính trị khác nhau tham gia vào sự nghiệp chung, đó là cuộc đấu tranh giải phóng đất nước khỏi sự cai trị của Nhật và Pháp”. Trong Chiến tranh Thế giới II, Hồ Chí Minh và tổ chức của ông đã hợp tác với các sĩ quan tình báo của Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ (OSS, tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương CIA) trong những hoạt động kháng chiến chống Nhật. Tháng 8/1945, Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa ở Việt Nam. Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, có trích dẫn một số câu trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.

Các thành viên Đội Con Nai OSS đang huấn luyện du kích Việt Minh sử dụng súng M1 Carbine. Đứng xa nhất cởi trần là Trung sĩ Lawrence Vogt, Thiếu tá Allison K. Thomas đeo ống nhòm đứng giữa và Trung úy Rene Defourneux bên phải. Ảnh: Wikipedia
Thiếu tá OSS Allison K. Thomas và bộ đội Việt Minh tập trung ở thị xã Thái Nguyên để chuẩn bị hành quân về Hà Nội, 27 tháng 8 năm 1945. Ảnh: Wikipedia

Quan điểm sau đây được trích dẫn từ một lá thư của Hồ Chí Minh gửi cho Tổng thống Mỹ Harry S. Truman để tìm kiếm sự công nhận và hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và kêu gọi Hoa Kỳ phản đối Pháp tái áp đặt chế độ thuộc địa. Hồ Chí Minh lập luận rằng Pháp đang vi phạm những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và của Liên hợp quốc. Để củng cố lập trường của mình, ông chỉ ra rằng người Việt đã hợp tác với phe Đồng minh (trong đó có Hoa Kỳ) trong Chiến tranh Thế giới II; ông nhắc đến tuyên bố của phe Đồng minh ủng hộ quyền dân tộc tự quyết và tuyên bố của Hoa Kỳ về ý định trao trả độc lập cho chính thuộc địa ở châu Á của mình là Philippines. Những lá thư của Hồ Chí Minh gửi cho Truman đã không bao giờ được hồi âm.

Hà Nội, ngày 16 tháng 2 năm 1946

                                                  Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời

                                                  Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

                                                  HÀ NỘI

Gửi Tổng thống Hoa Kỳ

WASHINGTON D.C.

 

Ngài Tổng thống kính mến,

Nhân dịp này tôi xin cảm ơn ngài và nhân dân Mỹ bởi các đại biểu của nước ngài tại Tổ chức Liên Hiệp Quốc đã tỏ sự quan tâm ủng hộ các dân tộc thuộc địa.

Nhân dân Việt Nam chúng tôi, ngay từ năm 1941, đã đứng về phe Đồng minh, chiến đấu chống Nhật và những kẻ câu kết với họ là thực dân Pháp.

Từ năm 1941 đến năm 1945, chúng tôi đã chiến đấu quyết liệt, bền bỉ nhờ lòng yêu nước của đồng bào chúng tôi và cam kết của các nước Đồng minh tại Yalta, San Francisco và Potsdam.

Khi Nhật bị đánh bại vào tháng 8 năm 1945, toàn bộ lãnh thổ của Việt Nam đã được thống nhất dưới một Chính phủ Cộng hòa Lâm thời và chính phủ này đã lập tức đi vào hoạt động. Trong 5 tháng, hòa bình và trật tự đã được lập lại, một nước cộng hòa dân chủ đã được thành lập trên những cơ sở pháp lý và đã dành cho các nước Đồng minh sự hỗ trợ đầy đủ để họ thực hiện nhiệm vụ giải giáp.

Nhưng thực dân Pháp, những kẻ trong thời chiến đã phản bội cả các nước Đồng minh và nhân dân Việt Nam, nay đã trở lại và đang tiến hành một cuộc chiến tranh tàn bạo và đẫm máu nhằm tái lập ách thống trị của chúng. Cuộc xâm lược của chúng đã mở rộng đến miền Nam Việt Nam và đang đe dọa chúng tôi ở miền Bắc Việt Nam. Dù chỉ báo cáo vắn tắt về những tội ác và những vụ tàn sát mà chúng gây ra hàng ngày trong vùng chiến sự cũng sẽ mất đến hàng tập giấy.

Cuộc xâm lược này đã vi phạm tất cả những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và những cam kết của các nước Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới II. Nó thách thức thái độ cao thượng mà chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã thể hiện trước, trong và sau Thế chiến. Nó đi ngược hẳn với lập trường kiên định trong tuyên bố 12 điểm của các ngài [vào ngày mồng 1 tháng 1 năm 1942 tại Liên Hiệp Quốc] và đi ngược hẳn với lý tưởng cao cả và quảng đại mà các đại biểu Hoa Kỳ tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, gồm các ông Jame Byrnes, Edward Stettinius và J. F. Dulles, đã thể hiện.

Cuộc xâm lược của Pháp chống lại một dân tộc yêu chuộng hòa bình là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh thế giới. Nó ẩn chứa sự đồng lõa hoặc ít ra là sự làm ngơ của các cường quốc dân chủ. Liên Hiệp Quốc cần phải giữ lời hứa. Họ phải can thiệp để ngăn chặn cuộc chiến tranh phi nghĩa này và để chứng tỏ rằng họ muốn thực hiện trong thời bình những nguyên tắc mà trong thời chiến họ đã chiến đấu để bảo vệ.

Nhân dân Việt Nam chúng tôi, sau nhiều năm sống trong cảnh cướp bóc và tàn phá, nay mới vừa bắt đầu công cuộc kiến thiết. Chúng tôi cần an ninh và tự do, trước tiên để đạt được sự thịnh vượng và hạnh phúc trong nước, sau là góp phần nhỏ bé vào công cuộc tái thiết thế giới.

Nhưng an ninh và tự do này chỉ có thể được đảm bảo bằng sự độc lập của chúng tôi với bất cứ thế lực thực dân nào và bằng sự hợp tác tự do của chúng tôi với tất cả các cường quốc khác. Với niềm tin vững chắc này, chúng tôi đề nghị Hoa Kỳ, với tư cách là người bảo vệ và bênh vực lẽ phải trên thế giới, có bước quyết định nhằm hỗ trợ nền độc lập của chúng tôi.

Những điều giống như chúng tôi yêu cầu đã được trao cho Philippines một cách tử tế. Cũng như Philippines, mục đích của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để làm cho nền độc lập và hợp tác này có lợi cho toàn thế giới.

Xin gửi tới Ngài Tổng thống lời chào trân trọng.

Kính thư,

Hồ Chí Minh

Bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Harry S. Truman, ngày 16/2/1946. Nguồn: Hồ sơ Lầu Năm Góc, Phần I, trang C-95 – C-97

Lựa chọn thực tế duy nhất

Năm 1949, Pháp rắp tâm duy trì sự kiểm soát đối với Việt Nam bằng cách lập nên một chế độ dưới sự lãnh đạo trên danh nghĩa của hoàng đế Bảo Đại. Đã sống phần lớn thời gian ở Pháp, Bảo Đại từng hợp tác với thực dân Pháp; và trong Chiến tranh Thế giới II, Bảo Đại hợp tác với Nhật. Raymond Fosdick, một cố vấn cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã viết trong một bản ghi nhớ ngày 4/11/1949 rằng chính phủ của Bảo Đại không thật sự độc lập, rằng nó thiếu sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam và vì thế, Hoa Kỳ có lẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ủng hộ Hồ Chí Minh.

“Tôi tin rằng chế độ Bảo Đại sẽ sụp đổ. Những thỏa hiệp mà người Pháp đang miễn cưỡng thực hiện không thể cứu vãn được nó. Người dân Đông Dương đang tiến tới chủ nghĩa dân tộc tuyệt đối và không gì có thể ngăn cản được họ. Họ thấy quá rõ rằng Pháp đang dành cho họ một thứ chủ nghĩa bán thực dân; và nếu ta nghĩ rằng họ sẽ bằng lòng với việc nhận được ít hơn những gì Indonesia đã đạt được từ người Hà Lan hoặc Ấn Độ giành được từ người Anh, thì ta đã đánh giá thấp sức mạnh của các động lực đang quét qua châu Á ngày nay…

Hồ Chí Minh là một lựa chọn không mấy dễ chịu, nhưng… có thể có những yếu tố không thể đoán trước và chưa được nhìn thấy trong tình huống này mà cuối cùng sẽ có lợi cho chúng ta hơn những gì ta thấy trong hiện tại. Thái độ ác cảm của người Đông Dương đối với Trung Quốc là một trong những yếu tố. Đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan như thế này, tốt nhất là chờ đợi những bước đột phá. Chắc chắn chúng ta không nên chơi những lá bài của mình theo cách mà một lần nữa, như ở Trung Quốc, chúng ta dường như liên minh với phản động. Cho dù người Pháp có muốn hay không, thì nền độc lập đang đến với Đông Dương. Vậy thì tại sao chúng ta lại trói mình vào đuôi con diều rách nát của họ?”

 

QUAN ĐIỂM 2: HOA KỲ KHÔNG THỂ ỦNG HỘ MỘT NƯỚC VIỆT NAM ĐỘC LẬP DO NHỮNG NGƯỜI CỘNG SẢN LÃNH ĐẠO

“Chúng ta không hối thúc người Pháp đàm phán với Hồ Chí Minh, dẫu cho lúc này ông có lẽ đang được đại đa số người dân Việt Nam ủng hộ, bởi ông có lý lịch của một người Cộng sản” – Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Tháng 12/1946, chiến tranh đã bùng nổ giữa các lực lượng Pháp muốn duy trì kiểm soát thực dân ở Việt Nam và những người Việt đấu tranh cho độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Cuộc chiến đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho những nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ. Một mặt, nhìn chung Hoa Kỳ được ghi nhận là chống chủ nghĩa thực dân. Hiến chương Đại Tây Dương, một bản tuyên bố của Hoa Kỳ và Anh về những mục tiêu của Chiến tranh Thế giới II, đã nói đến “quyền lựa chọn được sống dưới một chính thể nào đó của các dân tộc”. Thông qua Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS), Hoa Kỳ cũng đã hợp tác với Hồ Chí Minh trong Chiến tranh Thế giới II để chống Nhật (một nhóm sĩ quan tình báo của OSS đã được phái từ Trung Quốc đến Việt Nam để viện trợ vũ khí, huấn luyện và trợ giúp cho Hồ Chí Minh và tổ chức Việt Minh của ông). Tuy nhiên, sau Thế chiến, chính phủ Mỹ lại không muốn ủng hộ Hồ Chí Minh vì ông có lý lịch và lý tưởng cộng sản. Ngoài ra, Hoa Kỳ coi việc duy trì quan hệ với Pháp là một ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, Hoa Kỳ đã công nhận chủ quyền của Pháp đối với Đông Dương, nhưng lại hối thúc Pháp cuối cùng phải trao trả độc lập cho Việt Nam và các nước láng giềng là Lào và Campuchia.

Lập trường của chính phủ Mỹ đối với Việt Nam và những nước còn lại ở Đông Dương trong thời kỳ này được thể hiện trong quan điểm sau, trích từ bản tuyên bố đầu tiên về chính sách của Mỹ đối với Đông Dương do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ soạn thảo. Các quan chức Hoa Kỳ soạn thảo bản tuyên bố ngày 27/9/1948 đã đưa ra những luận điểm ủng hộ nền độc lập của Việt Nam, nhưng không ủng hộ chế độ Cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Các tác giả công nhận rằng Hoa Kỳ đã gián tiếp can dự vào cuộc chiến qua việc chở vũ khí và quân nhu cho Pháp. Đến năm 1950, Hoa Kỳ đã trực tiếp hỗ trợ hoạt động quân sự của Pháp ở Việt Nam.

Những trái bom Hoa Kì nằm trên các xe chở bom ở sân bay Cát Bi gần Hải Phòng, khi một người lính Pháp đạp xe ngang qua. Trên nền phía sau là hai trong số hàng chục máy bay B26 mà Hoa Kì cung cấp cho không quân Pháp. Ảnh: Tạp chí LIFE số ra ngày 3/8/1953

Tuyên bố chính sách của Hoa Kỳ về Đông Dương, ngày 27/9/1948

(trích đoạn)

Mục tiêu trước mắt của chính sách Hoa Kỳ ở Đông Dương là hỗ trợ giải quyết bế tắc hiện tại một cách thỏa đáng cho cả người Pháp và người Việt. Giải pháp này sẽ chấm dứt các hành động thù địch hiện tại và nằm trong khuôn khổ an ninh của Hoa Kỳ.

Mục tiêu dài hạn của chúng ta là: (1) loại bỏ càng nhiều càng tốt ảnh hưởng của Cộng sản ở Đông Dương và chứng kiến sự ra đời của một nhà nước dân tộc chủ nghĩa tự quản thân thiện với Hoa Kỳ và, phù hợp với năng lực của các dân tộc liên quan, sẽ được mô phỏng theo quan niệm của chúng ta về một nhà nước dân chủ, trái ngược với nhà nước toàn trị ắt sẽ nảy sinh từ sự thống trị của Cộng sản; (2) thúc đẩy sự liên kết của các dân tộc Đông Dương với các cường quốc phương Tây, đặc biệt là với Pháp, nơi họ đã quen thuộc với phong tục, ngôn ngữ và luật pháp, để cuối cùng các dân tộc đó sẽ muốn hợp tác tự do với các cường quốc phương Tây về văn hóa, kinh tế và chính trị; (3) nâng cao mức sống để người dân Đông Dương đỡ bị ảnh hưởng bởi các thế lực toàn trị và có động lực làm việc hiệu quả, từ đó đóng góp cho một nền kinh tế thế giới cân bằng hơn; và (4) ngăn chặn sự xâm nhập vô lý của Trung Quốc và ảnh hưởng của nó ở Đông Dương để người dân Đông Dương không bị cản trở quá trình phát triển tự nhiên do áp lực từ một dân tộc ngoại lai và các lợi ích ngoại lai.

Công nhận quyền tự chủ của Pháp[1]

Để đạt được mục tiêu trước mắt, chúng ta nên tiếp tục gây sức ép với Pháp để đáp ứng nguyện vọng cơ bản của người dân Việt Nam: (1) thống nhất Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ, (2) quyền tự trị hoàn toàn và (3) quyền tự do lựa chọn việc tham gia Liên hiệp Pháp. Chúng ta đã công nhận chủ quyền của Pháp đối với Đông Dương nhưng vẫn khẳng định rằng sự công nhận đó không ngụ ý bất kỳ cam kết nào từ phía chúng ta trong việc hỗ trợ Pháp thực thi quyền lực của mình đối với người dân Đông Dương. Kể từ ngày Nhật đầu hàng, dân tộc chiếm đa số trong khu vực – người Việt Nam – đã kiên quyết phản đối việc tái lập quyền lực của Pháp, một cuộc đấu tranh mà chúng ta đã cố gắng duy trì lập trường không ủng hộ bất kỳ bên nào trong khả năng có thể.

Mặc dù phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam (Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ) rất mạnh mẽ và mặc dù phần lớn người Việt về cơ bản không phải là Cộng sản, nhưng nhân tố tích cực nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp của người dân nơi đây lại là một nhóm Cộng sản do Hồ Chí Minh đứng đầu. Nhóm này đã mở rộng thành công ảnh hưởng của mình để bao gồm hầu như tất cả các lực lượng vũ trang hiện đang chiến đấu với Pháp, do đó họ đang thực sự nắm quyền kiểm soát phong trào dân tộc chủ nghĩa.

Năm 1946, người Pháp đã hai lần tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách đàm phán với chính phủ do Hồ Chí Minh thành lập và lãnh đạo. Tuy nhiên, các thỏa thuận chung đạt được đã không được thực hiện thành công và sau đó giao tranh trên diện rộng đã nổ ra. Từ đầu năm 1947, Pháp đã triển khai khoảng 115.000 quân ở Đông Dương, nhưng không đạt được nhiều kết quả, vì vùng nông thôn ngoại trừ Lào và Campuchia vẫn nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ Hồ Chí Minh. Một loạt các chính phủ bù nhìn do Pháp thành lập có xu hướng càng làm nâng cao uy tín của chính phủ Hồ Chí Minh và đặt ra câu hỏi, về phía người Việt Nam, về sự chân thành trong ý định của Pháp nhằm trao cho Việt Nam một vị thế độc lập.

Chúng ta coi những hành động thù địch này ở một khu vực thuộc địa không chỉ gây bất lợi cho lợi ích lâu dài của chúng ta, vốn đòi hỏi ít nhất là một Đông Nam Á ổn định, mà còn gây tổn hại cho lợi ích của Pháp, vì lòng căm thù do những hành động thù địch liên tục gây ra có thể khiến cho sự hợp tác hòa bình giữa người Pháp và người Việt trở nên bất khả thi. Lòng căm thù của người Việt đối với người Pháp đang nuôi dưỡng tâm lý bài phương Tây trong người dân phương Đông. Điều này có lợi cho Liên Xô và bất lợi cho Hoa Kỳ.

Các lựa chọn ngoài Hồ Chí Minh[2]

Chúng ta không thúc giục người Pháp đàm phán với Hồ Chí Minh, mặc dù ông có lẽ hiện đang được phần lớn người dân Việt Nam ủng hộ, vì hồ sơ cho thấy ông là một người Cộng sản và nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong và xung quanh chính phủ của ông cũng có lý lịch Cộng sản.

Các chính phủ Pháp sau Thế chiến II chưa bao giờ hiểu hoặc chọn cách đánh giá thấp sức mạnh của phong trào dân tộc chủ nghĩa mà họ phải đối phó ở Đông Dương. Vẫn có khả năng phong trào dân tộc chủ nghĩa có thể thoát khỏi sự kiểm soát của Cộng sản nhưng điều này đòi hỏi phải trao cho một nhóm những người theo chủ nghĩa dân tộc không phải là Cộng sản ít nhất những nhượng bộ tương tự như những gì Hồ Chí Minh yêu cầu. Thất bại của chính phủ Pháp trong việc giải quyết thành công vấn đề Đông Dương phần lớn là do các vấn đề nội bộ quá lớn mà Pháp và Liên hiệp Pháp đang phải đối mặt, và do các cân nhắc về chính sách đối ngoại ở châu Âu. Những yếu tố này kết hợp với đa số nghị viện mỏng manh của các chính phủ hậu chiến ở Pháp đã cản trở các động thái táo bạo cần thiết để chuyển hướng lòng trung thành của những người Việt theo chủ nghĩa dân tộc sang các nhà lãnh đạo phi Cộng sản.

Bởi chúng ta có chính sách ủng hộ những nỗ lực của các dân tộc phụ thuộc nhằm đạt được nguyện vọng chính trị chính đáng của họ, chúng ta rất mong muốn thấy Pháp dành cho người Việt mức độ độc lập chính trị và kinh tế lớn nhất có thể, phù hợp với lợi ích chính đáng của Pháp. Do đó, chúng ta đã từ chối cho phép xuất khẩu vũ khí và đạn dược cho người Pháp ở Đông Dương để tiến hành chiến tranh chống lại người Việt. Chính sách này có hiệu lực hạn chế vì chúng ta đã cho phép tự do xuất khẩu vũ khí sang Pháp. Số vũ khí này có thể được chuyển tiếp sang Đông Dương…

Đánh giá chính sách của Hoa Kỳ

Các mục tiêu của chính sách Hoa Kỳ đối với Đông Dương vẫn chưa được thực hiện. Ba năm sau khi chiến tranh kết thúc, Pháp, một đồng minh thân thiện của Hoa Kỳ, đang chiến đấu trong một cuộc chiến tuyệt vọng và dường như đang thua cuộc ở Đông Dương. Thiệt hại kinh tế do cuộc chiến này gây ra đối với sự phục hồi của Pháp, mặc dù khó ước tính, nhưng chắc chắn là rất lớn. Quyền kiểm soát của Cộng sản đối với phong trào dân tộc chủ nghĩa đã tăng lên trong giai đoạn này, tác động tiêu cực đến ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Đông Dương và Đông Nam Á.

Các mục tiêu của chính sách Hoa Kỳ chỉ có thể đạt được nếu Pháp có hành động đáp ứng nguyện vọng dân tộc chủ nghĩa của nhân dân Đông Dương. Chúng ta đã nhiều lần thể hiện mong muốn Pháp đáp ứng nguyện vọng này và chấm dứt cuộc xung đột hiện tại. Khi nói chuyện với người Pháp và khi nhấn mạnh điều gì nên và không nên làm, khó khăn lớn nhất của chúng ta là không thể đề xuất bất kỳ giải pháp khả thi nào cho vấn đề Đông Dương, vì chúng ta đều nhận thức rõ sự thật khó chịu rằng người Cộng sản Hồ Chí Minh là nhân vật mạnh nhất và có lẽ là có năng lực nhất ở Đông Dương và bất kỳ giải pháp nào được đề xuất mà loại trừ ông ấy đều sẽ không đem lại kết quả chắc chắn. Chừng nào chúng ta chưa ở vị trí có thể đề xuất giải pháp hoặc cho đến khi chúng ta sẵn sàng chấp nhận gánh nặng can thiệp, chúng vẫn sẽ còn tâm lý ngần ngại không muốn gây sức ép quá mạnh với người Pháp hoặc can thiệp sâu. Những cân nhắc trên càng phức tạp hơn do thực tế là chúng ta có lợi ích trước mắt trong việc duy trì quyền lực của một chính phủ Pháp thân thiện để hỗ trợ thúc đẩy các mục tiêu của chúng ta ở châu Âu. Do đó, lợi ích trước mắt và quan trọng này đã được ưu tiên hơn các bước tích cực hướng tới việc hiện thực hóa các mục tiêu của chúng ta ở Đông Dương.

Tuy nhiên, chúng ta sẵn sàng hỗ trợ người Pháp bằng mọi cách có thể trong việc thành lập một chính phủ dân tộc chủ nghĩa thực thụ ở Đông Dương. Chính phủ này sẽ đáp ứng nguyện vọng của người dân Đông Dương, đóng vai trò là điểm tập hợp những người theo chủ nghĩa dân tộc và làm suy yếu các thành phần Cộng sản. Nhờ sự hỗ trợ đó và sự tham gia tích cực vào một giải pháp hòa bình và mang tính xây dựng ở Đông Dương, chúng ta sẽ giành lại được ảnh hưởng và uy tín.

Phải tìm ra một giải pháp nào đó có thể cân bằng giữa nguyện vọng của nhân dân Đông Dương và lợi ích của người Pháp. Giải pháp bằng cách để Pháp tái chiếm Đông Dương là không mong muốn. Việc Pháp rút quân hoàn toàn khỏi Đông Dương cũng không mang lại giải pháp. Phương án đầu tiên sẽ trì hoãn vô thời hạn việc đạt được các mục tiêu của chúng ta, vì chúng ta ắt sẽ trở thành đối tượng của lòng căm thù xuất phát từ nỗ lực tái chiếm quân sự và sự phủ nhận khát vọng tự trị. Phương án thứ hai cũng tai hại không kém vì rất có thể khi ấy Đông Dương sẽ bị lực lượng Cộng sản chiếm giữ. Kể cả trong trường hợp tốt nhất, có thể sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp, được đánh dấu bằng sự hỗn loạn và các hoạt động khủng bố, tạo ra một khoảng trống chính trị mà Trung Quốc chắc chắn sẽ bị lôi kéo hoặc đẩy vào. Sự mất ổn định ở Trung Quốc sẽ tiếp tục có ảnh hưởng quan trọng đến mục tiêu tìm kiếm một giải pháp hòa bình lâu dài ở Đông Dương.

Chúng ta đã không mấy thành công trong chương trình thông tin và giáo dục để định hướng người Việt theo các nền dân chủ phương Tây và Hoa Kỳ. Chương trình này đã bị cản trở bởi người Pháp không hiểu rằng các hoạt động thông tin như chúng ta tiến hành ở Đông Dương không gây bất lợi cho lợi ích lâu dài của họ và bởi những cân nhắc về hành chính và tài chính đã ngăn cản sự phát triển các mối quan hệ với người Việt ở mức độ tối đa. Cần phải nỗ lực hơn nữa để giải thích cho người Đông Dương về các thể chế dân chủ, đặc biệt là các thể chế và chính sách của Hoa Kỳ, thông qua tiếp xúc cá nhân trực tiếp, bằng cách phổ biến thông tin về Hoa Kỳ và khuyến khích trao đổi giáo dục.

Nguồn: Foreign Relations of the United States, 1948, The Far East and Australasia, Volume VI, eds. John G. Reid and David H. Stauffer (Washington: Government Printing Office, 1974), Document 33.

Vua Bảo Đại tại lễ ký Hiệp định Élysée thành lập “Quốc gia Việt Nam”, Điện Élysée, Paris, ngày 8/3/1949. Ảnh: Keystone-France/Gamma-Rapho via Getty Images

Chấp nhận Cộng sản sẽ là một sai lầm tai hại”

Ngày 8/3/1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và cựu Hoàng đế Bảo Đại (là người mà trong triều đại của mình đã hợp tác với Pháp và, trong Chiến tranh Thế giới II, với Nhật) ký Hiệp định Élysée thành lập “Quốc gia Việt Nam”. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong một bị vong lục gửi cho Bộ Ngoại giao Pháp được trích dưới đây, đã lập luận rằng Pháp phải trao cho nhà nước mới này một nền độc lập thực sự nếu nhân dân Việt Nam muốn tránh “sai lầm” là đã ủng hộ nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Hồ Chí Minh. Hoa Kỳ đã công nhận ngoại giao chính phủ Bảo Đại vào tháng 2/1950. Tuy nhiên, hầu hết người Việt coi chính phủ Bảo Đại chỉ là bức bình phong để Pháp tiếp tục kiểm soát.

“Vì tin rằng sự nhượng bộ của Pháp đối với phong trào dân tộc chủ nghĩa tương xứng với sức mạnh của phong trào đó có thể cung cấp cơ sở cho việc giải quyết tình hình Đông Dương và thành lập một chính phủ đại diện ổn định của Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ hoan nghênh bước đi của Tổng thống Pháp trong việc đạt được thỏa thuận với cựu Hoàng đế Bảo Đại, theo đó sự thống nhất lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, có thể được thực hiện và Quốc gia Việt Nam được hưởng các quyền tự chủ nội bộ sâu rộng. Có thể nói ngay rằng theo quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ, nhân dân Việt Nam sẽ phạm phải sai lầm tai hại cho tương lai của họ nếu họ từ chối giải pháp này và ủng hộ không phải Chính phủ Việt Nam được thành lập theo hiệp định ngày 8 tháng 3 mà ủng hộ cái gọi là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những người đứng đầu nhà nước cộng hòa này là những người được đào tạo về các phương pháp và học thuyết của chủ nghĩa cộng sản quốc tế, và mặc dù họ hiện đang ủng hộ lý tưởng dân tộc chủ nghĩa, không thể bỏ qua việc họ chưa bao giờ phủ nhận mối liên hệ với Điện Kremlin hoặc bác bỏ các kỹ thuật và mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản, vốn là nguyên nhân gây ra rất nhiều đau khổ trên thế giới ngày nay. Do đó, chắc chắn rằng nếu chính phủ của họ đạt được mục đích của mình với sự ủng hộ hoặc chấp thuận của nhân dân Việt Nam, thì mô hình của một chế độ toàn trị nước ngoài sẽ được áp dụng đối với Việt Nam, theo đó mọi quyền tự do, quốc gia và cá nhân, sẽ bị mất. Một kết cục như vậy không chỉ là tai họa đối với phúc lợi và hy vọng của người Việt mà còn gây hại nhất cho lợi ích của tất cả các dân tộc tự do, đặc biệt là những dân tộc ở Nam Á đang phải đối mặt với nguy cơ Cộng sản bành trướng”. 

*

Lời tòa soạn: Sau những cân nhắc trên, cuối cùng nước Mỹ đã chọn phương án thứ 2, đẩy Việt Nam vào một cuộc chiến tranh khốc liệt, đau thương kéo dài suốt hơn 20 năm sau đó, với vô vàn hậu quả mà Việt Nam đã phải dành rất nhiều năm sau chiến tranh để khắc phục và vượt qua. Đến nay, Mỹ đã thừa nhận sai lầm lịch sử và đã tích cực hợp tác hữu nghị với Việt Nam đúng như mong muốn của Bác Hồ trong lá thư gửi Tổng thống Truman ngày 16/2/1946.■

William Dudley

Mạnh Chương – Thanh Trà (dịch)

Chú thích:

[1] Đề mục này do người chủ biên cuốn sách đặt.

[2] Đề mục này do người chủ biên cuốn sách đặt.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN