
Akihiko Okamura (1929–1985) là một trong những nhà báo ảnh danh tiếng nhất của Nhật Bản, từng tác nghiệp tại các vùng chiến sự ở Việt Nam, Ethiopia, Nigeria và Bắc Ireland. Năm 1965, trong khi tìm cách ghi lại hình ảnh về cuộc đấu tranh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ông bị hiểu nhầm là sĩ quan Mỹ và bị giam giữ suốt 53 ngày. Sau khi được thả, ông đã kể lại cuộc phiêu lưu kỳ lạ ấy trong bài “Back from a Vietcong hellhole in the jungle” đăng trên Tạp chí Life, số ra ngày 2/7/1965. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc bản dịch toàn văn bài báo của Akihiko Okamura cùng ảnh phóng sự của các nhà báo Pháp chụp những chiến sĩ MTDTGPMNVN hoạt động ở Tây Nguyên vào tháng 5/1965, đăng trên cùng số tạp chí Life.
Thời gian đầu khi tôi bị giam giữ, viên chính ủy hỏi lý do tại sao tôi lại đến khu vực do Mặt trận kiểm soát. Tôi trả lời rằng tôi có sáu yêu cầu: 1) gặp một quan chức cấp cao của Mặt trận, tốt nhất là Phó Chủ tịch Phát, 2) phỏng vấn một tù binh Mỹ bất kỳ, 3) được phép chụp ảnh một ngôi làng thuộc quyền kiểm soát của Mặt trận, 4) có bằng chứng trực quan (nếu có) về việc quân Mỹ sử dụng khí độc, 5) bằng chứng (nếu có) về sự tham gia của người nước ngoài giúp đỡ Mặt trận, và 6) cơ hội phỏng vấn một nhà báo của Mặt trận.
“Chúng tôi không cần những người như anh”, anh ta nói, “nhưng tôi sẽ gửi yêu cầu này lên cấp trên”.
Chắc hẳn anh ta đã làm vậy. Vào ngày thứ 21, hai cán bộ chính trị từ Tỉnh ủy đến thẩm vấn tôi. Họ hỏi lại tất cả những câu hỏi cũ và thêm một số câu mới.
“Tại sao anh mang thẻ nhà báo của Mỹ?” Tôi trả lời rằng tất cả phóng viên ở Sài Gòn đều phải có thẻ này. “Làm gì có chuyện một phóng viên thực thụ lại cần đến sáu chiếc máy ảnh”. Câu trả lời duy nhất tôi có thể nghĩ được là họ nên gặp một số đồng nghiệp của tôi – có người còn mang theo đến 20 chiếc. “Ai lại cần đến 182 cuộn phim?” Tôi giải thích rằng đôi khi vì phải thay đổi qua lại giữa các máy ảnh nên chúng tôi chỉ dùng 2 hoặc 3 tấm trên một cuộn phim.
“Lãng phí quá!”, một trong hai người thốt lên.
Tôi bắt đầu bực bội. “Tại sao tôi lại bị đối xử tệ như vậy?”
“Đang có chiến tranh mà”, họ đáp. Rồi họ bỏ đi, nhưng hóa ra, hạt giống đã được gieo xuống cho ít nhất một phần những điều tôi tìm kiếm.
Trước đây tôi đã từng biết đến rừng rậm Việt Nam, nhưng nơi tôi đang sống bây giờ thực sự kinh khủng – dày đặc hơn, ẩm ướt hơn, và còn tệ hơn nữa vì sự khốn khổ ngao ngán của cảnh giam cầm. Trong bóng tối – giữa lớp cây bụi mục rữa, bốc mùi, chen chúc giữa những thân cây lớn cao hơn trăm feet (hơn 30 mét) – mọi thứ lúc nào cũng ẩm ướt. Khi mùa mưa kéo dài, không khí lại càng ẩm ướt. Và trời mưa. Mưa như thể đức Phật vừa làm đổ cả bầu trời xuống. Ban ngày nóng đến mức nghẹt thở. Ban đêm, tôi lại rét run. Tôi cứ nằm đó mà run lẩy bẩy suốt đêm. Đến sáng, tôi lại tìm một tia nắng le lói, ngồi thu mình vào đó để chờ cơ thể ấm lên. Tôi vẫn không hiểu nổi làm sao con người có thể chiến đấu hiệu quả trong những tháng mưa này.
Không có sách, tôi cần thứ gì đó để giải khuây. Vào buổi sáng, tôi bắt muỗi khi chúng còn lạnh và bay chậm. Muỗi rừng là những con quái vật thực thụ. Có ngày tôi giết được tận 67 con. Mỗi lần bắt được một con, tôi lại đem cho kiến ăn. Viên chính ủy thấy thật ngớ ngẩn và hỏi tôi làm vậy để làm gì. Tôi trêu anh ta một chút, vì anh ta chưa bao giờ tin tôi là người Nhật. Tôi nói: “Tôi làm thế vì lũ kiến biết ơn. Chúng nói: Cảm ơn ông, phóng viên người Nhật!”
Rồi còn lũ bọ cạp. Tôi lần đầu gặp chúng vào đêm thứ ba, khi tôi định trải lại chiếc chiếu rơm mỏng trên giường tre. Một thứ gì đó đâm mạnh vào đầu ngón tay tôi, khiến nó sưng lên suốt ba ngày. Kẻ tấn công là một con bọ cạp dài sáu inch (hơn 15 cm). May mà nó là loại lớn. Người ta nói rằng những con nhỏ mới độc chết người. Thế là tôi thêm bọ cạp vào cuộc chiến của riêng mình ở Việt Nam. Tôi giết được nhiều nhất 15 con trong một ngày.
Chúng khiến tôi sợ hãi hơn cả những trận pháo kích và ném bom, dù bản thân những điều đó cũng đã quá kinh hoàng. Cả ngày lẫn đêm, từng loạt đạn pháo bay rải rác về phía khu trại, thường rơi xuống khu vực cách đó chừng 500 đến 1.000 yard (450 – 900 mét). Qua những khoảng trống trong rừng, tôi có thể nhìn thấy máy bay Skyraider và tiêm kích phản lực của Mỹ thực hiện các đợt ném bom hoặc bắn phá, và nghe thấy tiếng nổ vang lên. Mỗi tối, đúng 8 giờ, pháo binh lại khai hỏa. Những tiếng nổ dường như chẳng làm quân Việt Cộng bận tâm, nhưng tôi thì thú thật là khá lo. Mỗi lần thấy tiếng nổ dường như đến gần hơn, tôi liền lao ngay vào đường hầm trú ẩn của căn lán. Cư dân thường trực ở đó gồm một con chuột to, một con dơi nhỏ, vài con bọ cạp và dế.
Trong khi đó, tôi phát hiện ra rằng trại giam cũng có một cửa hàng quân nhu thô sơ. Điều đó giúp cuộc sống dễ chịu hơn đôi chút. Tôi nhờ một người lính đi mua thuốc lá Campuchia và sữa đặc Mỹ.
Sang đến ngày thứ 36, tôi linh cảm có chuyện gì đó sắp xảy ra. Một sĩ quan Việt Cộng lạ mặt đến, hỏi rất nhiều về tình trạng sức khỏe và cách tôi bị đối xử. Không lâu sau, cậu lính gác trẻ hay chuyện bảo tôi rằng viên sĩ quan này đã mắng viên Chính ủy cục súc vì đã báo cáo lên cấp trên rằng tôi là gián điệp. Viên sĩ quan khẳng định không có bằng chứng nào cho việc đó.
Rồi đến ngày thứ 43. Viên Chính ủy cùng một người lính đến và bắt đầu dọn dẹp căn lán. Họ lấy giẻ lau bàn, nhưng làm lem nhem đến mức tôi phải tự lau lại.
Ngay sau đó, tôi được một nhóm bốn người đến thăm. Người có phong thái lãnh đạo rõ ràng nhất là một người đàn ông thấp, rắn rỏi, mảnh khảnh, với đôi mắt sắc và hàng ria mép mỏng. Tóc ông ta cắt ngắn – giống tôi, nhưng khác với phần lớn người Việt. Ông mặc áo sơ mi và quần kaki sạch sẽ, được ủi thẳng tắp, may rất khéo bằng vải tốt. Nhưng dưới chân, ông ta vẫn mang đôi “dép lốp Hồ Chí Minh” thông thường của nông dân, cắt từ lốp xe cũ.
Ông bắt tay tôi và hỏi thăm sức khỏe.
“Không tốt lắm, cũng không tệ lắm – nhưng tôi là một tù nhân ở đây”, tôi bực bội nói. Tôi đã quá chán ngán với cảnh bị hỏi mà chẳng nhận được câu trả lời nào. Tôi quyết định lớn tiếng với ông ta một chút.
“Các ông vẫn nghĩ tôi là gián điệp sao?”
“Anh có bị đối xử tệ không?”
“Bị cướp, bị bỏ đói và bị lừa dối”, tôi đáp. Cơn giận trong tôi đang dâng lên.
Một người lính vỗ vai tôi. “Đừng kích động như vậy”, anh ta nói. “Đây là quan chức cấp cao thứ hai trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng”.
*
Nếu điều này là thật, tôi biết người đó hẳn là Huỳnh Tấn Phát, kiến trúc sư trở thành chính trị gia cách mạng và là chiến lược gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Tôi hỏi xem phỏng đoán của mình có đúng không.
“Tôi là Phát”, ông nói.
Thật khó để tôi tin được điều này. Bằng cách nào đó, thông điệp của tôi đã đến được với Phát và ông đã phản hồi. Tại sao? Và tại sao lại mất nhiều tuần như vậy? Phát nói rằng do các sự kiện xảy ra dồn dập, bây giờ ông mới có dịp đến gặp tôi.
Chúng tôi trò chuyện đến tận 10 giờ đêm hôm đó, gặp lại nhau lúc 6 giờ sáng hôm sau để ăn sáng, nói chuyện đến trưa, rồi lại trò chuyện một lần nữa trước khi ông rời đi.
Đêm đầu tiên, chúng tôi trò chuyện trong khi chờ bữa tối – lần đầu tiên có thêm thịt gà cùng với cơm. Tôi kể với Phát về những gì họ đã cho tôi ăn.
“Anh vẫn còn may mắn”, ông nói. “Chúng tôi dành 5 piastre (6½ xu) mỗi ngày để lo thực phẩm cho anh. Còn lính của chúng tôi chỉ được 2”.
“Ông có phải là người cộng sản không?”, tôi hỏi.
“Không. Tôi là một người theo chủ nghĩa xã hội”.
Với tôi, giọng điệu của ông nghe có vẻ chân thành. Tôi tin ông. Nhưng trước đó, phần lớn những gì ông nói chỉ là một bài thuyết giảng chống thực dân theo khuôn mẫu. Tôi hy vọng mình sẽ không phải nghe thêm một bài thuyết giáo rập khuôn – cũng như tôi từng mong người Mỹ đừng vội kêu “Cộng sản!” mỗi khi họ nghi ngờ hoặc không thích điều gì. Nhưng những gì Phát nói không hoàn toàn sáo rỗng.
“Người Mỹ đang ném bom miền Bắc Việt Nam vì họ không còn việc gì khác để làm. Điều đó không ảnh hưởng gì đến chúng tôi”, Phát nói.
“Nhưng tôi đã nghe về “đường mòn Hồ Chí Minh” – và việc các ông nhận tiếp tế từ miền Bắc”, tôi nói.
“Anh không hiểu về hậu cần tiếp tế”, Phát đáp. “Đúng là nếu chúng tôi chỉ cần tiếp tế cho các đơn vị nhỏ, thì có thể dễ dàng lấy đủ từ Hà Nội. Nhưng chúng tôi phải lo tiếp tế cho một triệu người – lính của chúng tôi và gia đình họ. Chúng tôi tự trồng lương thực [tôi đã biết đó là thứ lương thực tệ như thế nào]. Chúng tôi có kho quân giới trong rừng, nơi chúng tôi tự sản xuất vũ khí – thô sơ nhưng sử dụng được”.
“Tôi nghĩ các ông cũng lấy được hàng từ quân đội Sài Gòn”, tôi nói.
Phát ngửa đầu cười lớn, “Chúng tôi chiếm lấy chúng”.
Tôi hỏi về cách họ đối xử với tù binh Mỹ.
“Nếu họ bị thương, chúng tôi sẽ chữa trị trước. Chúng tôi giữ họ trong những căn lán như thế này, cho họ ăn uống như anh. Chúng tôi không có điều kiện để đối xử đặc biệt”.
“Các ông có tẩy não họ không?”
Ông không hề lúng túng khi nghe câu hỏi này. “Có”, Phát đáp. “Chúng tôi thường xuyên nói chuyện với họ, cố gắng thuyết phục họ rằng họ đang bị lợi dụng như những con tốt của chủ nghĩa đế quốc”.
Tôi hỏi về việc thả tù binh.
“Từ giờ chúng tôi sẽ không thả tù binh nữa. Trước đây, thỉnh thoảng người Mỹ cố gắng dàn xếp trao đổi tù binh qua một nước thứ ba. Nhưng bây giờ chúng tôi sẽ không nói chuyện về trao đổi, trừ khi người Mỹ trực tiếp đến gặp chúng tôi”. Tôi hỏi liệu nguyên tắc này có áp dụng với tù binh của chính phủ Việt Nam Cộng hòa không.
“Không, đây là việc giữa chúng tôi và người Mỹ. Sài Gòn chỉ là một con rối. Và giờ đây khi Mỹ đang gửi hàng ngàn quân sang, sẽ có rất nhiều tù binh Mỹ”.
Dù có thật lòng hay không, Phát tỏ rõ thái độ khinh thường người Mỹ.
“Họ là những kẻ hèn nhát”, ông tuyên bố. “Rõ ràng là thế. Người Pháp từng dẫn đầu các binh sĩ Việt Nam, nhưng người Mỹ lại đẩy họ lên trước rồi đi đằng sau”.
Tôi hỏi về chiến thuật và chiến lược.
“Trước đây, chúng tôi dựa vào chiến thuật từ cuốn “Chiến tranh Nhân dân, Quân đội Nhân dân” [của Võ Nguyên Giáp, vị tướng Bắc Việt đã đánh bại quân Pháp]. Nhưng bài học của ông Giáp giờ đã cũ rồi. Thời thế đã thay đổi. Vũ khí mới của Mỹ rất khác. Ở Điện Biên Phủ, chúng tôi đánh Pháp bằng dây thừng và gậy gộc. Nhưng bây giờ, trừ xe tăng và máy bay, chúng tôi có mọi thứ mình cần. Vũ khí của chúng tôi tốt ngang của địch. Thực tế, chúng giống nhau, vì phần lớn vũ khí là do chúng tôi lấy được từ phía bên kia”.
“Vậy nên, chúng tôi không còn đánh du kích chớp nhoáng nữa. Bây giờ, chúng tôi tấn công quy mô lớn để tiêu diệt toàn bộ đơn vị địch. Những cuộc tấn công này rất hiệu quả trong mùa mưa”.
Ít nhất, về điểm này, ông không hề nói dối. Cuộc tấn công lớn đầu tiên của Việt Cộng bắt đầu ở Ba Gia ngay trước ngày tôi trở về Sài Gòn.
Khi chúng tôi nói chuyện, thỉnh thoảng vẫn có tiếng nổ vang lên cách đó không xa. Phát không mấy để tâm, chỉ nhận xét rằng quân của ông ít chịu tổn thất từ các cuộc ném bom.
“Bây giờ, chúng tôi đang dựng các mục tiêu giả để họ lãng phí bom. Việc này rất đơn giản và hầu như không tốn gì cả. Chúng tôi có thể dựng khung một căn nhà giả chỉ trong một đêm”.
Tôi hỏi Phát có bao nhiêu quân, nhưng ông né tránh: “Nếu anh biết, anh sẽ ngạc nhiên đấy” (tôi ước tính Việt Cộng có khoảng 200.000 quân chính quy và 200.000 du kích bán thời gian).
“Các ông có định đề nghị Trung Quốc hỗ trợ ở quy mô lớn không?”, tôi hỏi.
“Chúng tôi không có ý định xin viện trợ từ bên ngoài. Chúng tôi có mọi thứ mình cần. Hơn nữa, chúng tôi lại càng mạnh hơn mỗi khi có thêm một cuộc đảo chính và thêm nhiều sĩ quan quân đội Sài Gòn bị tống vào tù hoặc trốn khỏi đất nước”.
*
Vấn đề viện trợ từ bên ngoài cho Việt Cộng liên tục được đưa ra bàn luận. Tôi nhiều lần nhận thấy rõ câu hỏi này khiến Phát không thoải mái, và ông cực lực phủ nhận khả năng Việt Cộng sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ quy mô lớn từ bên ngoài. Tôi tự hỏi liệu có phải ông đang cố đánh lạc hướng sự nghi ngờ rằng lực lượng nổi dậy đang nhận viện trợ, hay trong thâm tâm, đó là nỗi lo sợ rằng chủ nghĩa đế quốc Mỹ ở Việt Nam có thể bị thay thế bởi một chủ nghĩa đế quốc khác khó loại bỏ hơn nhiều. Suy cho cùng, có lẽ Phát vẫn ghi nhớ rằng đất nước ông từng chịu ách đô hộ của Trung Quốc hơn 1.000 năm.
“Nếu Việt Cộng giành được thắng lợi mà không có ai giúp đỡ thì sao?”, tôi hỏi. “Ông biết đấy, người Việt ở Sài Gòn thực sự ghét Việt Cộng. Nếu các ông tiếp quản, làm sao có thể mong họ chấp nhận?”
“Đúng vậy”, Phát thừa nhận. “Nhưng chúng tôi đều là người Việt Nam. Và cuối cùng, bản chất con người là quay lưng lại với những kẻ hợp tác với quân xâm lược. Khi lựa chọn không còn là giữa Sài Gòn và chúng tôi, mà là giữa chúng tôi và người Mỹ, họ sẽ đứng về phía chúng tôi”.
Phát khuyên tôi nên ngừng đưa tin về cuộc chiến, ông nói rằng tôi sẽ bị giết nếu tiếp tục.
Tôi nói: “Ông nói về nhân đạo, nhưng mùa xuân năm nay các ông đã đánh bom Tòa đại sứ Mỹ. Tôi tận mắt thấy những thi thể bị xé nát của hàng chục người Việt Nam. Ông cảm thấy thế nào về việc giết hại người vô tội?”
Phát giải thích rất kỹ, rằng Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã lên kế hoạch tỉ mỉ cho chiến dịch đó để “giảm thiểu nguy cơ đối với những người vô tội”. (Nhân tiện, Phát chưa bao giờ dùng từ “Việt Cộng”, một từ lóng chỉ “Cộng sản Việt Nam”.) Ông nói rằng chiếc xe chứa chất nổ đã được lái đến Tòa Đại sứ theo một con đường nhỏ hẹp, khó đi, thay vì chạy theo tuyến đường chính đông đúc phía trước tòa nhà. Tôi chỉ ra rằng, bất chấp những biện pháp phòng ngừa của ông, hàng chục người vô tội vẫn thiệt mạng. Phát nhún vai.
“Không phải tất cả đều vô tội. Ít nhất 90% số người Việt Nam thiệt mạng là điệp viên bí mật của Mỹ hoặc lực lượng Sài Gòn. Hầu hết những người chết trong nhà hàng đối diện, chẳng hạn, đều là gián điệp – nhà hàng đó là nơi hẹn gặp của họ. Gần như tất cả người Việt Nam đều đủ thông minh để biết rằng khu vực quanh Tòa Đại sứ Mỹ luôn nguy hiểm”. Ông lại nhún vai. “Tất nhiên, vẫn có một số người bình thường đi ngang qua – nhưng chúng tôi không thể kiểm soát mọi thứ”.
Tôi hỏi về các hành động khủng bố trong tương lai.
“Chúng tôi dự định sẽ đẩy mạnh hơn nữa”, ông nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến khi từng người Mỹ cuối cùng rời khỏi đây. Tôi khuyên anh nên tránh xa họ. Không một người Mỹ nào ở Sài Gòn là an toàn cả”.
Chắc chắn Phát nói thật – bằng chứng là vụ đánh bom khủng bố tại sân bay dân sự Sài Gòn tháng trước, khiến 32 người bị thương, phần lớn là người Mỹ.
Tôi nói rằng nếu người Mỹ triển khai thêm hàng nghìn binh sĩ và chiến đấu như ở Triều Tiên, tôi không tin rằng khủng bố có thể khiến họ bỏ cuộc.
Phát trở nên tự tin. “Nếu người Mỹ muốn chiến đấu ngang hàng với chúng tôi, họ sẽ cần ít nhất 4 triệu quân. Điều đó quá rõ ràng. Quân của chúng tôi có thể sống dựa vào đất đai, họ có thể di chuyển tự do. Và trên hết, đây là quê hương của họ, họ sẵn sàng hi sinh vì nó. Trong khi đó, hãy nhìn vào lượng hậu cần khổng lồ mà người Mỹ phải mang theo. Họ không biết địa hình, không biết ngôn ngữ, không hiểu người dân. Làm sao họ có thể chiến đấu ngang hàng?”
“Người Mỹ vẫn tự gọi mình là “cố vấn” cho lực lượng Sài Gòn. Nhưng chẳng mấy chốc sẽ không còn lực lượng Sài Gòn nữa và chính người Mỹ sẽ cần đến những “cố vấn” Việt Nam. Khi điều đó xảy ra, một nửa số “cố vấn” Việt Nam hỗ trợ người Mỹ sẽ là điệp viên của Mặt trận chúng tôi”.
*
Tôi hỏi Phát rằng nếu phe Việt Cộng giành được chính quyền, họ sẽ xây dựng kiểu chính phủ như thế nào.
“Không phải Cộng sản. Một chính phủ trung lập, không liên kết với ai”, ông nói, “nhưng sẽ theo đuổi chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa”.
Vậy còn những lãnh đạo của chế độ Sài Gòn thì sao?
Ông bật cười. “Bất cứ quan chức cấp cao nào của Sài Gòn, nếu họ có đầu óc, thì khi chúng tôi chiếm Sài Gòn, họ sẽ ở Washington hoặc Paris. Dù sao thì những nhân vật thực sự quan trọng cũng đã đi cả rồi. Các cuộc đảo chính đã loại bỏ họ. Khi đó sẽ chẳng còn ai ngoài một số con rối của Mỹ và đám tép riu”.
“Tôi e rằng sẽ chẳng ai tin là tôi đã nói chuyện với ông nếu chúng ta không có bức ảnh nào chụp chung”, tôi nói với ông.
“Được thôi”, ông đồng ý. Ông lệnh cho một người lính đi lấy máy ảnh cho tôi. Mặc dù độ ẩm và nấm mốc đã làm hỏng cả thắt lưng của tôi, nhưng máy ảnh vẫn chưa bị hư hại mấy. Tôi chụp ảnh Phát, rồi chỉnh tiêu cự, tốc độ màn trập và ống kính, sau đó hướng dẫn một người lính chụp ảnh cho hai chúng tôi.
Tôi hỏi khi nào mình sẽ được thả. Phát bảo tôi hãy kiên nhẫn chờ thêm một chút. Ông muốn đảm bảo rằng tôi sẽ trở về Sài Gòn an toàn. Tôi muốn giữ lại máy ảnh, đặc biệt là các cuộn phim.
“Nếu có ai thấy anh mang theo chúng, đó sẽ là bằng chứng chống lại anh trước chính quyền Sài Gòn. Hãy để tôi giữ mọi thứ và tôi cam kết sẽ gửi về Nhật Bản cho anh”. Ông đã giữ lời về những cuộn phim – nhưng khi hai cuộn được gửi đến New York cho tôi, hầu hết các bức ảnh đều bị hỏng.
Chúng tôi vui vẻ chia tay rồi Phát biến mất vào rừng. Ngày hôm sau, sách của tôi được trả lại. Nhưng sau đó là 10 ngày lo lắng. Cuối cùng, vào lúc chạng vạng ngày 27 tháng 5, thời khắc ấy đã đến. Hai người lính áp tải tôi – một người đi trước, một người đi sau. Một người cầm theo một chiếc đèn dầu nhỏ được chế từ vỏ đạn Mỹ đã sử dụng, với một chiếc lá rừng lớn sáng bóng làm phản quang.
Họ mất ba đêm trọn vẹn – hầu hết thời gian là đi vòng vòng nên tôi ước tính chúng tôi đã đi hơn 70 dặm (hơn 110 km) – để đưa tôi đến một căn nhà nông thôn gần Quốc lộ 13. Ở đây chật kín những người tị nạn đang tìm cách chạy trốn khỏi chiến tranh. Tôi được trú lại đó một ngày một đêm, chờ đợi được giao cho một nhóm áp tải mới của Việt Cộng. Trớ trêu thay, dù đã thoát khỏi nhà tù và sắp trở lại Sài Gòn, tôi vẫn đang phải đối mặt với nguy hiểm – một kiểu nguy hiểm khác. Vì tôi vừa từ phía Việt Cộng trở về, nên bây giờ tôi không thuộc phe nào cả.
Tôi đã trải qua vài giờ căng thẳng khi một toán lính chính phủ đến lục soát ngôi nhà và tra hỏi mọi người về Việt Cộng. Người nông dân giấu tôi dưới một đống giẻ bẩn và nông cụ trong một góc nhà. Rất hôi hám, nhưng tôi vẫn phải nằm im.
Khi đường đã thông, họ đưa tôi đi cùng một nhóm trẻ em tị nạn trên một chiếc xe bò. Đến một ngã tư, tôi đổi sang một chiếc taxi ba bánh, loại xe rất phổ biến ở Việt Nam. Cuối cùng, tôi lên một chiếc xe buýt. Rồi một chiếc xe buýt khác. Và vào lúc 5 giờ ngày 30 tháng 5, tôi lảo đảo bước vào căn hộ của mình ở Sài Gòn, đối diện khách sạn Caravelle, loạng choạng lên giường và ngủ một giấc đến tận hôm sau. Khi cố ăn một bữa sáng kiểu Nhật đúng nghĩa, tôi đã nôn hết ra.■ (hết)
Akihiko Okamura
Thanh Trà (dịch)