Vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy: Chuỗi bí ẩn chưa có hồi kết

Chính phủ Mỹ mới công bố thêm gần 1.500 tài liệu mật liên quan đến vụ ám sát cố Tổng thống John F. Kennedy năm 1963. Mặc dù cung cấp nhiều chi tiết đáng chú ý về mối liên hệ giữa nghi phạm Lee Harvey Oswald với các điệp viên KGB của Liên Xô, nhưng các tài liệu này dường như chỉ càng làm dày thêm lớp sương mù bao quanh cái chết đầy bí ẩn của Kennedy. Trong khi đó, một chuyên gia đã dành hàng chục năm nghiên cứu về vụ ám sát này tại Mỹ vẫn khẳng định rằng tay súng Oswald không thể hành động một mình, mà làm theo lệnh của CIA.

Hầu hết người Mỹ chưa bao giờ tin vào bản báo cáo chính thức của Ủy ban Warren (Ủy ban do Tổng thống Lyndon B. Johnson thành lập để điều tra về vụ ám sát Kennedy) rằng thủ phạm Lee Harvey Oswald, cựu lính hải quân Mỹ, có thể ra tay một mình mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào trong vụ ám sát tổng thống. Dù không ít tài liệu trong số các tài liệu mới được giải mật cuối năm 2021 đã được công bố một phần từ trước dưới dạng biên soạn lại, nhưng chúng cũng mang lại một số thông tin thú vị liên quan tới cách phản ứng của CIA, KGB và một số quốc gia khác trên thế giới trước cái chết đột ngột của Tổng thống John F. Kennedy.

Tổng thống John F. Kennedy cùng Đệ nhất Phu nhân Jackie Kennedy trên chiếc xe mui trần trên đường phố Dallas, Texas, vài phút trước khi xảy ra vụ ám sát. Ngồi ở hàng ghế trên là vợ chồng Thống đốc bang Texas John Connally

Tay súng Oswald đã liên hệ với một điệp viên KGB

Theo các tài liệu mật mới được công bố, Lee Harvey Oswald đã gặp một điệp viên thuộc đơn vị ám sát tuyệt mật của cơ quan an ninh – tình báo Liên Xô KGB khoảng hai tháng trước vụ ám sát Kennedy.

Ngày 1/10/1963, các mật vụ của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại Mexico chặn được một cuộc điện thoại gọi đến Đại sứ quán Liên Xô ở thủ đô Mexico City từ một người đàn ông tự giới thiệu mình là Lee Oswald. “Thứ 7 trước tôi đã tới sứ quán và nói chuyện với một lãnh sự. Họ nói sẽ gửi một bức điện tới Washington nên tôi muốn hỏi xem có thông tin gì mới không? Nhưng tôi không nhớ tên vị lãnh sự đó”. Người nghe máy nói rằng đó chắc hẳn là Kostikov, và Oswald xác nhận.

Kostikov không phải là một cái tên xa lạ với CIA. Theo một bản ghi nhớ đề ngày 23/11/1963, một ngày sau vụ ám sát, Kostikov là một thành viên của Cục 13 thuộc KGB, đơn vị “chịu trách nhiệm về việc phá hoại và ám sát”. Người này từng ra lệnh cho một điệp viên hai mang người Mỹ trong một âm mưu phá hoại trước đó. “Tất nhiên, một điệp viên KGB trong một nhiệm vụ nhạy cảm không thường xuyên tiếp xúc công khai như vậy với đại sứ quán Liên Xô”, CIA viết. Tuy nhiên, CIA cũng trích dẫn các tài liệu tuyệt mật mô tả học thuyết của KGB cho thấy việc này đôi khi có thể xảy ra.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng nói với CIA rằng họ tin rằng Oswald từng tìm kiếm sự hỗ trợ của Đại sứ quán Liên Xô về vấn đề “hộ chiếu hoặc visa”. Dù sao thì anh ta cũng đã lái xe quay về Mỹ trong tháng 10.

Nghi phạm Lee Harvey Oswald khi bị bắt

Những cuộc gọi cảnh báo từ Úc về vụ ám sát

Trong vài ngày sau vụ ám sát, Bộ Hải quân Hoa Kỳ thông báo với CIA rằng họ từng nhận được một cuộc gọi nặc danh cảnh báo về cái chết của Kennedy từ hơn một năm trước đó. Cụ thể là vào ngày 15/10/1962, một người đàn ông tự nhận là “lái xe người Ba Lan cho Đại sứ quán Liên Xô ở Úc” đã gọi cho vị tùy viên hải quân Mỹ ở Úc và nói rằng “các quốc gia Bức màn sắt” (ý nói các nước thuộc khối Cộng sản Đông Âu trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, ND) đã treo thưởng 100.000 đô la để sát hại Tổng thống Kennedy, và 5 tàu ngầm của Liên Xô đang chở 400-500 lính Xô Viết tới Cuba để hỗ trợ Thống đốc bang Mississippi (nơi Kennedy vừa triển khai lính liên bang tới để đàn áp bạo lực).

Một năm sau, sau khi Kennedy qua đời, người đàn ông này đã gọi lại. Ông ta tuyên bố rằng mình đã có mặt khi Liên Xô cử một người đàn ông Úc đến Mỹ vào đầu tháng 11, mang theo một chiếc cặp, rồi tham gia vào cuộc trò chuyện dài qua radio. Ông ta còn nói rằng sau vụ ám sát, những người Liên Xô ở đại sứ quán đã ăn mừng bằng rượu vodka và nói “chúng ta đã có những gì chúng ta muốn”.

Các nhà chức trách Úc tỏ ra nghi ngờ và nói rằng các cơ quan Liên Xô ở nước này chỉ sử dụng tài xế của Liên Xô và không có hồ sơ nào về biển số xe do người gọi này cung cấp. Đến tháng 5/1964, Phó giám đốc Kế hoạch của CIA, Richard Helms, kết luận: “Các bằng chứng đã có dường như cho thấy người gọi điện này chỉ là một tay lập dị nào đó. Tuy nhiên, không thể khẳng định kết luận này.” Người Úc cũng đồng ý, có lẽ điều này giải thích tại sao ban đầu họ không nghĩ rằng cuộc gọi năm 1962 sẽ được CIA quan tâm.

CIA nghi ngờ có thể Cuba có liên quan

Các tài liệu mới được Chính phủ Mỹ công bố cũng cho thấy các sĩ quan tình báo Mỹ đã điều tra vài khả năng liên quan tới việc nghi phạm Oswald có thể đã tới Lãnh sự quán Cuba. Một hướng điều tra khác là khả năng Oswald chịu ảnh hưởng của nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro, cho dù ông biết hoặc không biết điều đó.

Tuy nhiên, một bản ghi nhớ năm 1975 kết luận: “Các bằng chứng đáng tin cậy [thể hiện sự dính líu của Cuba hoặc Liên Xô] không tồn tại ở Washington, nhưng có thể tồn tại ở Mat-xcơ-va và/hoặc Havana, nhưng việc họ tự nguyện cung cấp bổ sung các bằng chứng đó cho Ủy ban Warren chỉ ở mức tối thiểu cả về số lượng và chất lượng… Vì thế, những suy nghĩ cho rằng có mối liên hệ giữa người Liên Xô và/hoặc Cuba với Oswald sẽ vẫn tồn tại và lớn dần lên cho tới khi các chính phủ này tiết lộ đầy đủ thông tin”.

Một cách tình cờ, các tài liệu này lại cung cấp các chi tiết chắc chắn về một âm mưu ám sát đã được chính phủ Mỹ chấp thuận, đó là kế hoạch ám sát Fidel Castro của CIA. “Kế hoạch ám sát Castro đầu tiên được CIA theo đuổi nghiêm túc bắt đầu vào tháng 8/1960”, một bản ghi nhớ kể lại. “Kế hoạch này liên quan đến việc sử dụng các thành viên của thế giới tội phạm ngầm có đầu mối liên hệ bên trong đất nước Cuba. Chiến dịch gồm 2 giai đoạn: giai đoạn đầu từ tháng 8/1960 đến cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5/1961, khi bị hoãn sau sự cố Vịnh Con Lợn; giai đoạn hai từ tháng 4/1962 đến tháng 2/1963 và chỉ là khởi động lại giai đoạn đầu vốn bị đình trệ kể từ tháng 5/1961”.

Các nhà nghiên cứu về cố Tổng thống John F. Kennedy ở Mỹ thể hiện sự thất vọng về các tài liệu mới được công bố. Nhiều  người trong số họ cho rằng lần giải mật mới nhất này chỉ “ở mức độ tối thiểu và không có giá trị”.

Một chuyên gia khẳng định hung thủ “làm việc cho CIA”

Trong khi đó, nhà nghiên cứu bệnh học pháp y cao tuổi người Mỹ Cyril Wecht đã đúc kết gần 6 thập niên nghiên cứu của mình về vụ ám sát Kennedy trong cuốn sách mới nhất của ông mang tên “Mổ xẻ vụ ám sát JFK” (The JFK Assassination Dissected), và vẫn tiếp tục khẳng định rằng Lee Harvey Oswald không thể hành động một mình mà chỉ là một tay súng được CIA thuê mướn.

Wecht nói: “Gần như chắc chắn Oswald đã từng là một đặc vụ CIA theo kiểu nào đó,” nhưng lệnh hạ sát có thể đến từ cấp trên. Ông cho rằng Allen Dulles, giám đốc CIA từ năm 1953 đến năm 1961, đã giám sát cuộc xâm lược Vịnh Con lợn để lật đổ Fidel Castro và có lý do để bất bình; Rồi sau đó Dulles lại được đưa vào một vị trí quan trọng để tham gia che đậy vụ việc. “Kennedy đã sa thải Allen Dulles vì ​​quá bực tức về những điều CIA đang làm”, ông Wecht nói. “Và sau đó ai được bổ nhiệm vào Ủy ban Warren [để điều tra về cái chết của Kennedy]? Dulles. Thật quá tệ hại.”

Là cựu nhân viên điều tra của Hạt Allegheny, bang Pennsylvania, Cyril Wecht vừa là luật sư vừa là bác sĩ và đã tiến hành hơn 17.000 cuộc khám nghiệm tử thi, đồng thời cũng cung cấp lời khai chuyên môn trong các vụ án nổi tiếng bao gồm cái chết của Robert F. Kennedy, Martin Luther King Jr., và Elvis Presley. Năm 1972, ông là nhà bệnh học pháp y phi chính phủ đầu tiên được tiếp cận các tài liệu của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ liên quan tới vụ ám sát Kennedy, nhờ đó ông đã phát hiện và phơi bày việc bộ não của vị tổng thống thứ 35 của nước Mỹ đã biến mất.

“Khi chúng ta ngồi đây và trò chuyện ngày hôm nay, bộ não của Tổng thống vẫn bị mất tích. Mà không có một lời giải thích nào”, ông Wecht nói trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Post vào đầu tháng 2/2022.

Ông Cyril Wecht, người đã nghiên cứu vụ ám sát Kennedy hàng chục năm qua, cho rằng CIA đã ra lệnh sát hại Tổng thống và che đậy vụ việc

Chuỗi bí ẩn chưa có hồi kết

Cố tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị ám sát vào ngày 22/11/1963 khi đang đi cùng một đoàn xe qua khu trung tâm thành phố Dallas, bang Texas (Mỹ). Nghi can Lee Harvey Oswald nhanh chóng bị bắt với cáo buộc ám sát tổng thống. Tuy nhiên, hai ngày sau đó, Oswald đã bị một chủ quán bar tên là Jack Ruby bắn chết. Jack Ruby cũng bị kết án tử hình nhưng đã chết ở trong tù.

Năm 1964, sau cuộc điều tra kéo dài 10 tháng, Ủy ban Warren kết luận rằng hung thủ Oswald đã bắn 3 phát súng. Một phát bắn trượt, một phát bắn trúng Kennedy từ phía sau, và phát thứ ba trúng vào đầu. Ủy ban đã đưa ra ba kịch bản hơi khác nhau, nhưng các kịch bản đều kết thúc với kết luận chỉ có một tay súng duy nhất giết tổng thống. Đến năm 1978, Wecht, với tư cách là thành viên của Hội đồng Bệnh lý Pháp y của Ủy ban Điều tra Các vụ ám sát của Hạ viện Mỹ (HSCA), đã ra làm chứng ủng hộ giả thuyết có tay súng thứ hai. Ông cho rằng viên đạn bắn vào lưng Kennedy – mà Ủy ban Warren nói rằng đi theo hướng từ dưới lên – không thể do Oswald bắn vì anh ta nổ súng từ cửa sổ tầng 6 của một tòa nhà ở trường học gần đó nên đường đạn phải đi xuống. Wecht tin rằng có một phát súng nữa từ một tay súng thứ hai “bắn từ phía trước, từ gò đất phủ cỏ ở sau hàng rào”.

Năm 1992, sau khi bị dư luận phản đối kịch liệt, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Thu thập Hồ sơ Vụ ám sát JFK, trong đó yêu cầu công bố tất cả các hồ sơ trong vụ ám sát JFK vào năm 2017. Thời hạn chót đã đến rồi lại qua đi khi các tổng thống Hoa Kỳ viện lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Hơn 10.000 tài liệu về vụ việc này vẫn đang được chính phủ Mỹ bảo mật hoặc biên tập lại; và theo lệnh của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden thì sớm nhất cũng phải tới tháng 12/2022 chúng mới được công bố.

Minh Thư dịch

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN